đề bài khó wa trời. ai giúp tui với

B

buimaihuong

Trong đánh giá Chương trình, SGK phổ thông theo tinh thần CV số 1678 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hướng dẫn của các Sở, ở môn Ngữ văn THPT, khá nhiều trường có ý kiến về sự quá tải của sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11. Những ý kiến này không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, trong khi hi vọng vào sự nghiên cứu điều chỉnh ở một mức độ nào đó của các tác giả SGK, giáo viên vẫn có thể đóng vai trò quyết định trong việc truyền thụ kiến thức đến học sinh sao cho vừa sức.


Ngoài nhiều ưu điểm của sách mà các trường đều nêu lên, như: Thể hiện được nguyên tắc tích hợp cả về chiều ngang lẫn chiều dọc, chú ý đến tính khái quát, tính hệ thống của tiến trình văn học và đặc trưng thể loại, phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh qua các bài học chú trọng đến thực hành và qua hệ thống câu hỏi; việc phân phối chương trình theo từng cụm bài (chứ không theo thời gian bắt buộc cụ thể cho từng tiết như trước) cũng giúp giáo viên có thể linh hoạt bám sát đối tượng hơn..., thì một số nhược điểm của SGK mới lớp 11, cả ở chương trình cơ bản và nâng cao đều được các giáo viên nêu lên có những chỗ trùng khớp nhau ở sự quá tải. Những chỗ đa số GV cho là khó, là khô khan đều rơi vào trường hợp của một số thể văn mới xuất hiện, như Văn điều trần (Xin lập khoa luật), Chiếu (Chiếu cầu hiền); Thơ hát nói (Bài ca ngất ngưởng, Hương sơn phong cảnh ca); Kịch bản tuồng (Đổng mẫu)... hoặc những bài thuộc dạng chính luận như Ba cống hiến vĩ đại của Mác, Tiếng mẹ đẻ - Nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức, Về luân lý xã hội ở nước ta... Theo các giáo viên dạy Ngữ văn thì học sinh ít thích học những tác phẩm thiên về chính trị, lịch sử, nghị luận xã hội nên hạn chế về mức độ thẩm thấu. Bên cạnh đó, số lượng văn bản đọc thêm tương đối nhiều, dài, trong khi thời gian dành để hướng dẫn đọc thêm cho những bài này lại quá ít, chẳng hạn, tuần 24 có 4 tác phẩm thơ trong phần đọc thêm: Lai Tân (Hồ Chí Minh), Nhớ đồng (Tố Hữu), Tương tư (Nguyễn Bính), Chiều xuân (Anh Thơ)...

Thật ra, khái niệm về sự quá tải không hoàn toàn thuộc về nội dung sách giáo khoa mà còn chịu ảnh hưởng ở phía người dạy và người học. Cái mới bao giờ cũng đồng nghĩa với cái khó, đòi hỏi phải có một quá trình quen với cái mới thì mới giải quyết được cái khó. Nhìn lại những tác phẩm mà các giáo viên kêu ca là khô khan, ít tính văn chương hoặc xa lạ với tâm lý lứa tuổi trong chương trình thì hầu hết là những tác phẩm mới xuất hiện, chẳng hạn Chiếu cầu hiền (Ngô Thì Nhậm), Xin lập khoa luật (Trích Tế cấp bát điều của Nguyễn Trường Tộ), Vĩnh biệt cửu trùng đài (Trích Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng), Về luân lý xã hội nước ta (Phan Châu Trinh), Tiếng mẹ đẻ - Nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức (Nguyễn An Ninh), Người trong bao (Sê-khốp), Ba cống hiến vĩ đại của Các Mác (Ăng-ghen)... Vấn đề là ở chỗ, giải quyết cái khó này như thế nào và làm thế nào để biến bài giảng từ chỗ khô khan thành hấp dẫn? Điều này tuỳ thuộc ở năng lực của mỗi người thầy giáo. Nhiều giáo viên cho rằng dạy các bài ở phần văn học trung đại là khó nhưng lại không biết, nếu tìm cho ra cái khó để mà giảng giải cho học sinh hiểu được, thì sẽ đổi bại thành thắng. Rào cản ở các tác phẩm văn học trung đại với sự cảm thụ của người học là sự cách xa của nó về mặt thời gian, không gian, con người, kéo theo sự cách xa về mặt ngôn ngữ. Phá được rào cản này chỉ có một cách là đưa nó về gần thời hiện đại, và một khi đã gần thì sự chiếm lĩnh không mấy khó khăn. Trong khi đó, một số giáo viên lại quá quen với các tác phẩm đã dạy đi dạy lại trong nhiều năm, thuộc đến cả từng chữ trong sách giáo viên, cho nên khi đụng một bài mới, bản thân không đầu tư nhiều thời gian để nghiên cứu, thẩm thấu thì cũng khó làm cho học sinh cảm nhận được. Sự nghèo nàn vốn từ Hán Việt hiện nay vừa là bất cập của chương trình Ngữ văn trong nhà trường phổ thông của ta cả nửa thế kỷ qua, cũng là rào cản đối với cả người dạy lẫn người học với những tác phẩm văn học cổ viết bằng chữ Hán. Với các tác phẩm văn học có tính chất nghị luận xã hội, vấn đề không phải ở chỗ hướng đến cảm thụ văn chương mà qua những tác phẩm này, thấy được nghệ thuật trình bày một văn bản chính luận. Vẻ đẹp của tác phẩm văn học nghị luận ở cách kết cấu, lập luận chặt chẽ, lối diễn đạt mạch lạc, có tính hùng biện. Khi chỉ ra được những điểm đặc sắc ở loại văn này, đồng thời tích hợp với phân môn Làm văn, ắt học sinh sẽ không còn thấy khô khan, khó học nữa. Thật ra, phần văn học nghị luận đã được đưa vào chương trình Ngữ văn từ ở lớp 8 và 9 bậc học THCS và tích hợp với khá nhiều tiết tập làm văn nghị luận, không chỉ nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống, mà còn cả nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lý, nghị luận về tác phẩm truyện. Giáo viên bậc THPT lẽ ra cũng phải để ý điều này để biết nên bắt đầu từ đâu.

Quan niệm về sự dồn nén của kiến thức ở một bài, hay nhiều bài khó trong một tuần học cũng chỉ mang tính tương đối. Một khi xác định bài giảng là nặng nề, không phù hợp tâm lý lứa tuổi thì phải xác định chỗ nào cần truyền thụ, chỗ nào cần lướt qua, chứ không phải ôm đồm tất cả dẫn đến sự căng thẳng cho cả GV lẫn HS. Một tiết học liên tiếp tới 4 bài đọc thêm (ví dụ nêu trên) không yêu cầu GV phải thực hiện các thao tác như với một tiết giảng văn bình thường khác, mà chỉ có tính chất giới thiệu, khơi gợi để học sinh có ý thức tự tìm hiểu về tác phẩm.

Tóm lại, trong khi hi vọng sự điều chỉnh về chương trình và SGK ở một mức độ nào đó nhằm đảm bảo tính vừa sức đối với HS, người giáo viên vẫn đóng vai trò chủ đạo. Một khi nắm được yêu cầu chính của từng bài dạy, cộng với vốn kiến thức vững vàng và nghệ thuật sư phạm, người giáo viên dạy Ngữ văn nói chung, Ngữ văn 11 nói riêng sẽ không vất vả nhiều với cái gọi là quá tải của sách giáo khoa. Nói cách khác, đó là "Sự biết mười nói một", ứng với hoàn cảnh nào cũng đi đến thành công.
 
Top Bottom