Thôi xong, mấy ngày nay vội tới vội lui, chị quên mất cái này.
Uhm, vậy giờ chị hỗ trợ em vấn đề 1 nhé. Chị viết lại đề bài: "Cảm nhận về bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của nhà thơ Phan Châu Trinh, liên hệ với bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông của Phan Bội Châu"
I. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Phan Châu Trinh (Không cần Phan Bội Châu vì đây là đề so sánh liên hệ, nếu là so sánh ngang bằng thì mới cần)
- Giới thiệu bài thơ Đập đá ở Côn Lôn, liên hệ với bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông Cảm Tác
II. Thân bài:
1. Cảm nhận về bài thơ "Đập đá ở Côn Lôn"
- Khí phách của người chiến sĩ:
+ Tư thế đầu đội trời, chân đạp đất của đấng nam nhi qua hình tượng "Làm trai" - quan niệm nhân sinh mang tính truyền thống của nho giáo
+ Việc khổ sai đập đá được nghệ thuật hóa khiến người chiến sĩ xuất hiện trong khí thế lẫy lừng, kết quả thì phi thường
+ Giọng điệu hùng tráng, bút pháp khoa trương, động từ mạnh, miêu tả kết hợp biểu cảm nhuần nhuyễn
=> Con không nhỏ bé mà người lại mang tầm vóc vũ trụ, ngạo nghễ phi thường.
- Ý chí của người chiến sĩ:
+ "Tháng ngày", "mưa nắng: không làm nhụt chí mà ngược lại tôi luyện cho họ sành sỏi, dày dạn kinh nghiệm, "bền gan" với lí tưởng của mình
+ Mượn hình ảnh huyền thoại Nữ Oa vá trời, nhà thơ nói đến chí lớn của người cách mạng.
+ Đối với nhà thơ, chuyện ở tù, chuyện “lỡ bước” cũng chỉ là chuyện “con con”
+ Nghệ thuật đối kết hợp với cảm thán khiến độc giả nhận ra: Các anh chiến sĩ bản lĩnh, coi thường tù đày gian khổ, tin tưởng mãnh liệt vào sự nghiệp yêu nước của mình
2. Liên hệ bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác"
- Phong thái ung dung, lạc quan cùng tư thế hiên ngang của nhà cách mạng yêu nước:
+ Hoàn cảnh khó khăn, vất vả trên con đường hoạt động cách mạng tựa "khách không nhà", nhưng qua tất cả, họ vẫn giữ tâm thế tự do, tinh thần ung dung ngay trong chính hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm thiếu thốn.
+ Trước những hành động khủng bố cùng thủ đoạn tra tấn, đê hèn của bọn thực dân, các nhà cách mạng vẫn ung dung, đàng hoàng, đĩnh đạc đối mặt với chúng
=> Cùng cảm nhận về những anh hùng thời chiến, mỗi bài thơ có cách nhìn riêng về thời cuộc, về góc độ con người. Song họ vẫn cùng chung phong thái, cùng chung tư thế hiên ngang đối đầu với kẻ thù.
- Sức mạnh tinh thần và ý chí kiên cường là điềm báo hiệu cho sự chiến thắng:
+ "Cười tan cuộc oán thù" dường như đã là lời khẳng định sức mạnh, niềm tin của những cách mạng họ có thể chiến thắng, có thể đánh tan mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù.
+ Bỏ lại đằng sau tất cả mọi gian khổ, mỗi một nhà cách mạng yêu nước đều sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, nguy hiểm, thiếu thốn, dấn thân vào sự nghiệp dân tộc để hoàn thành sứ mệnh của mình.
=> Ở mọi thời đại, sức mạnh tinh thần, ý chí của mỗi người dân nói chung và những người trực tiếp tham gia vào hoạt động kháng chiến, cách mạng nói riêng là ngọn cờ lý tưởng, là niềm tin vững vàng vào quyết đinh, vào hành động, vào sự nghiệp yêu nước, cứu nước của mình và hy vọng vào tương lai tươi sáng phía trước.
3. Đánh giá về nghệ thuật: (Ở phần này chị viết luôn nhận xét về cách dùng từ và phép đối của bài Đập đá ở Côn Lôn nhé)
- Cách dùng từ: Bài thơ là sự phối hợp hoàn mỹ giữa các động từ mạnh trong lối nói khoa trương với từng hành động được miêu tả sinh động để bộc lộ khí phách ngạo nghễ, lẫy lừng của người chiến sĩ.
- Nghệ thuật đối: Đưa ra những thử thách gian nan để đề cao sức chịu đựng dẻo dai, bền bỉ của con người nhằm thể hiện rất rõ nội lực tinh thần của người chiến sĩ. Và để nhấn mạnh người chiến sĩ đầy bản lĩnh, coi thường tù ngục gian khổ và luôn vững tin vào sự nghiệp yêu nước của mình
- "Vào nhà ngục ở Quảng Đông" thì sử dụng phép điệp cùng lối nói phóng đại để khẳng sức mạnh, bản lĩnh cùng ý chí của nhà cách mạng yêu nước.
III. Kết bài: Nhận định hình ảnh người chiến sĩ từ bài thơ "Đập đá ở Côn Lôn" và liên hệ đến hình ảnh cùng ý chí tinh thần của nhà cách mạng của bài "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác"