Đang cần gấp

M

meo33

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

câu 1 nêu ý nghĩa của tiếng chim tu hú ở đầu bài thơ và cuối bài thơ
câu 2 nêu đại ý đoạn văn '' ta thường tới bữa quên ăn...vui lòng''
câu 3 cho câu chủ đề '' tức cảnh pác bó cho ta thấy rõ tinh thần lạc quan ,phong thái ung dung của bác trong cuộc sống cách mạng đầy gian khổ''
hãy phát triển thành đoạn văn khoảng một trang giấy
 
A

anthoong

Câu 1:
Trong bóng tối mịt mờ chốn lao tù, dường như sự sống đã chấm dứt hẳn, bởi lạnh giá, bởi cô độc. Vậy mà, giữa những âm thanh khô khốc, chói tai của tiếng xiềng xích, vẫn vang lên nhịp tim thổn thức, rạo rực của một hồn thơ trẻ tha thiết yêu đời, yêu người. Tố Hữu, bằng cảm xúc chân thật của mình, đã cất lên tiếng nói tâm tình tha thiết của người chiến sĩ cộng sản suốt đời chiến đấu cho lí tưởng và tâm hồn khát khao tự do đến cháy bỏng trong bài thơ “Khi con tu hú”.
Nhan đề bài thơ là một sự diễn đạt chưa trọn ý một cách kì lạ. Kì lạ bởi chính chỗ chưa trọn vẹn đó đã mở ra bao nhiêu liên tưởng. Giờ đây, người ta không còn thấy bóng dáng cô đơn, nặng nề của người tù Tố Hữu mà chỉ nghe tiếng lòng nhà thơ đang rộn ràng, ngân vang khi đón nhận lấy tiếng chim tu hú từ xa rộn về. Tu hú gọi bầy là âm thanh hết sức quen thuộc ở chốn làng quê Việt Nam, báo hiệu cho sự chuyển mình của sự sống – mùa hè về. Lúc này, khi con tu hú gọi bầy, trong hoàn cảnh tách biệt với cuộc sống bên ngoài, người chiến sĩ cách mạng càng cảm thấy ngột ngạt hơn, tù túng hơn, vì vậy mà càng thêm khát khao cháy bỏng hướng đến cuộc sống tự do tươi đẹp bên ngoài:
“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đương chín, trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào tầng không.”
Mười chín tuổi, còn trẻ trung, bồng bột, người thanh niên Tố Hữu đã tìm thấy cho mình lí tưởng cao đẹp cuộc đời. Những bước đi không mỏi mệt trên chặng đường chông gai, phút chốc phải dừng đột ngột, bị bó buộc tù hãm khiến cho Tố Hữu không khỏi có lúc thốt lên chua xót: “Cô đơn thay là cảnh thân tù”. Nhưng rồi phút giây ấy cũng nhanh chóng đi qua, nhường chỗ cho không gian cảnh vật tràn trề nhựa sống: những bông luá chín, hạt bắp vàng, ánh nắng đào, trời xanh rộng, đôi sáo diều, tiếng ve ngân… Phải có một sự tưởng tượng lãng mạn, bay bổng và một tâm hồn mến yêu sự sống sâu sắc mới có thể vẽ lại toàn bộ bức tranh phong cảnh mùa hè sống động đến vậy. Thiên nhiên hiện lên tuyệt đẹp kia không phải là hiện thực, tất cả chỉ là sự tưởng tượng của một tâm hồn mơ mộng khi căng tất cả các giác quan để nghe, để nhìn, để ngửi, để cảm nhận không khí hè qua tiếng gọi bầy của tu hú. Chỉ bằng vài đường nét, màu sắc, âm thanh, nhà thơ đã phơi bày một bức tranh đầy nhựa sống với cánh đồng lúa chiêm quen thuộc của quê hương đã bao lần đi vào thơ Tố Hữu:
“Đây từng ô mạ xanh mơn mởn
(…)
Ôi ruộng đồng quê hương thương nhớ ơi!”
Giờ đây lại hiện về trong trạng thái căng đầy nhất, viên mãn nhất, lúa ngả vàng, ngả sang màu niềm vui, là màu vàng rực rỡ của mùa hè, của mồ hôi kết tinh thành hạt thóc.
Với một tâm hồn lãng mạn tinh tế, Tố Hữu đã cảm nhận sự thay đối của màu nắng với nhiều góc độ: từ ánh nắng của “đôi ánh lạt ban chiều” (Tâm tư trong tù), ánh nắng yếu ớt dễ bóp nghẹt bởi bóng tối tới một “ánh nắng đào” giữa mùa hè, lấp đi dấu ấn của “vườn râm”. Câu thơ là một không gian thoải mái với sắc hồng kì lạ. Đó là thứ ánh sáng êm dịu, hiền hậu, vỗ về cho con người trước những mất mát, đau khổ trong cuộc đời. Có lẽ từ chính sự gặp gỡ tuyệt diệu của chàng thanh niên trẻ tuổi:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim”
đã khiến cho ánh nắng mùa hè có sự thay đổi tinh tế đến vậy. Và sự xuất hiện của bầu trời trong vắt như mặt nước yên bình nâng tầm bay cho các cánh diều đã đẩy tầm nhìn, tầm nhận thức của nhà thơ lên đến độ sâu nhất, xa nhất, cao nhất:
“Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không”
Thấp thoáng trong ánh nhìn người tù, là một không gian mở rộng đến vô cùng vô tận. Mặc dù có thể lúc ấy ánh nhìn của nhà thơ – chiến sĩ có phần bị che khuất đi bởi chấn song nhà tù chật hẹp. Trên bầu trời lúc này không phải là một mình lẻ loi, con sáo diều cũng có đôi, có cặp, có được sự tự do bay lượn trong vùng trời riêng kia. Huống chi là con người. Vậy mà, thực tế thì sao? Con người cô đơn, cô đơn hơn bao giờ hết, và mất tự do.
Không ngẫu nhiên mà bài thơ có sự bổ đôi của hai câu thơ lục bát. Nhà thơ diễn tả bức tranh mùa hè sống động đối lập với cảnh mùa đông trong ngục tối đã làm nổi bật lên khát vọng cháy bỏng của người chiến sĩ trên con đường tìm đến tự do. bốn câu thơ kết đã lắng lại cho tiếng lòng náo nức bật lên:
“Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao, chết mất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu”
Khổ thơ là lời bộc lộ trực tiếp cho tâm tư con người. Bốn câu cảm thán là sự dồn nén những cảm xúc mãnh liệt của một trái tim đau khổ, uất hận vì mất tự do. Nhà thơ nghe hè, cảm nhận hè chỉ qua tiếng chim tu hú gọi bầy. Hè đã đến, ba tháng trong ngục tối cũng đã trôi qua, lòng người thanh niên đầy nhiệt huyết càng trỗi dậy mạnh mẽ hơn tiếng gọi lên đường, tiếng gọi của tự do. Từ trong sâu thẳm tâm tư mình, người tù đã nhận ra tất cả cuộc sống náo nức, vui tươi bên ngoài lúc chỉ là tưởng tượng, bởi đó là tất cả những hình ảnh tồn tại trong trí nhớ của nhà thơ. Đó là những cánh đồng, những vườn cây trái, những vườn râm. Còn hiện tại, kẻ thù đang giày xéo quê hương, đã biến bao đồng quê thành hoang mạc và thực chất không gian tự do mà nhà thơ khát khao bên ngoài kia cũng chỉ là một không gian tù hãm, một cái lồng to giam chí lớn, như chụp lên cuộc sống con người, lên quê hương. Cho nên, khổ thơ là sự bừng tiûnh của lí trí, là tâm trạng uất ức, ngột ngạt muốn đạp bỏ tất cả, tìm đến không gian tự do, tự tại thật sự. Bằng cách ngắt nhịp mạnh kết hợp với những từ ngữ mạnh mẽ: “đạp tan”, “chết uất”, câu thơ đã tập trung cao độ tinh thần yêu đời, yêu người cháy bỏng.
Tiếng kêu tu hú cứ day đi day lại cả bài thơ, như thúc giục, như lời thôi thúc người tù vượt thoát cảnh giam cầm, tìm về với tự do. Có lẽ vì vậy mà ba năm sau, Tố Hữu đã vượt ngục và quay về đội ngũ, để làm tròn ước nguyện cống hiến tất cả cuộc đời cho cách mạng.
“Khi con tu hú” là một bài thơ kết hợp hài hoà của cảnh và tình. Cảnh mở ra rạo rực, tha thiết, tình lắng đọng da diết, trầm buồn. Với tâm hồn dân tộc, ngòi bút linh hoạt, mềm mại, Tố Hữu xứng đáng với danh hiệu con chim đầu đàn trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam.:)>-:)>-:)>-

Nguồn google​
 
A

anthoong

Câu 3
Ba mươi năm ấy chân không mỏi
Mà đến bây giờ mới tới nơi.
(Tố Hữu)
Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn bể hoạt động cứu nước, tháng 2 – 1941, Nguyễn Ái Quốc đã bí mật về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt nam. Người sống trong hang Pác Bó, điều kiện sinh hoạt vật chật rất gian khổ, nhưng tất cả thiếu thốn đó đối với Bác không phải là gian khổ mà đều trở thành sang trọng, mà còn thật là sang. Bởi niềm vui vô hạn của người chiến sĩ yêu nước vĩ đại Hồ Chí Minh là được sống cuộc đời cách mạng cứu dân, cứu nước. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó đã ra đời trong hoàn cảnh đó.
Bài thơ bốn câu, theo thể thất ngôn tứ tuyệt thật tự nhiên, bình dị, giọng điệu thoải mái pha chút vui đùa hóm hỉnh. Tất cả cho ta thấy một cảm giác vui thích sảng khoái. Ý nghĩa tư tưởng của bài thơ cũng toát lên từ đó. Đi tìm hiểu bài thơ chính là đi tìm hiểu niềm vui của nhân vật trữ tình.
Mở đầu bài thơ là câu thơ có giọng điệu rất tự nhiên, rất ung dung và thoải mái, hòa điệu với cuộc sống của núi rừng:
Sáng ra bờ suối tối vào hang
Câu thơ là sự khái quát của một nhịp sống đã trở thành nếp rất chủ động. Cách ngắt nhịp 4/3 đã tạo thành thế đôi sóng đôi rất nhịp nhàng: sáng ra- tối vào. Nếp sống ở đây chủ động mà đàng hoàng. Đàng hoàng vì ban ngày Bác làm việc đời thường. Tối mới trở về hang để ngủ. Với Bác, còn gì thú vị hơn khi ngày ngày được làm việc bên bờ suối, làm bạn với thiên nhiên, tối trở về nhà (nhà vẫn là hang núi) để nghỉ ngơi và lắng nghe tiếng suối chảy. Thật thú vị, thỏa mái khi con người được sống giao hòa với thiên nhiên. Phải chăng quy luật vận động ấy là Bác đã vượt lên được hoàn cảnh. Đó chẳng phải là tinh thần lạc quan hay sao?
Chính sự cân đối ở câu thơ thứ nhất đã làm nền cho các câu thơ sau xuất hiện.
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Nhịp 4/3 là nhịp thông thường ở thơ tứ tuyệt, nhưng ở câu này, nhịp 4 được chuyển thành nhịp 2/2 tạo thành một sự đều đặn cùng với hai thanh trắc liền nhau ở nhịp 3 (vẫn, sẵn) càng khẳng định thêm điều đó. Câu thơ toát nên một sự yên tâm về cuộc sống vật chật của Bác. Thơ xưa thường biểu lộ thú vui vì cảnh nghèo như Nguyễn Trãi đã từng viết: Nước là cơm rau hay tri tức. Điều khác biệt của Bác, với các nhà thơ xưa như Nguyễn Trãi là ở chỗ: Nguyễn Trãi sống ở chốn núi rừng vui với thiên nhiên (ở Côn Sơn) để quên đi nỗi đau không được giúp nước, giúp đời. Còn Bác Hồ sống ở chốn núi rừng, bằng lòng với cuộc sống đạm bạc nơi đầu nguồn để đem ánh sáng cứu dân cứu nước. Vì thế câu thơ thứ ba của bài thơ là một sự chuyển biến đột ngột:
Bàn đá chông chềnh dịch sử Đảng
Hai câu nói về chuyện ăn, chuyện ở thong dong bao nhiêu, thoải mái bao nhiêu thì câu nói về chuyện làm việc vất vả bấy nhiêu. Không có bàn, người chiến sĩ cách mạng phải dùng dạ làm bàn, lại là bàn đá chông chếnh. Rõ ràng là với từ chông chếnh, Bác đã lột tả được điều kiện làm việc rất khó khăn. Công việc lại càng khó khăn hơn, đòi hỏi người chiến sĩ cách mạng phải cố gắng hết sức, không ngừng không nghỉ. Ba tiếng cuối cùng sử dụng toàn thanh trắc để thể hiện sự vất vả, nhưng khỏe khoắn, kiên quyết. Như vậy đối với Bác lúc này, việc cách mạng là cần thiết nhất, phải vượt lên tất cả mọi khó khăn. Kết thúc bài thơ là một nhận xét, một kết thúc rất tự nhiên, bất ngờ và vô cùng thú vị:
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Ba câu đầu của bài thơ nói về việc ở, việc ăn và việc làm. Câu thứ tư là một lời đánh giá làm người đọc bất ngờ. Và bằng phép loại suy, ta có thể khẳng định việc ăn, việc ở khộng phải là sang, chỉ có việc làm dịch sử Đảng là sáng nhất vì nó đem ánh sáng của chu nghĩa Mác – Lê Nin để phát động đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại cơm no, áo ấm và hạnh phúc cho toàn dân. Ở đây ta bắt gặp câu thơ có khẩu khí, nói cho vui, phần nào khoa trương (thường gặp trong hàng loạt những bài thơ xưa nói cho vui cảnh nghèo đã trở thành truyền thống) trong văn học phương Đông:
Ao sâu nước cả khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà…
(Bác đến chơi nhà – Nguyễn Khuyến)
Đúng là nói cho vui! Thật đấy mà lại đùa đấy! Nghèo nhưng mà lại chẳng nghèo! Giọng điệu thơ rất tự nhiên, dí dỏm thể hiện niềm vui của Nguyễn Khuyến khi có bạn đến nhà chơi.
Ta thấy ở đây niềm vui thích của Bác Hồ là rất thật, không chút gượng gạo, lên gân vì thế nên giọng thơ sảng khoái, ngân vang: Thật là sang. Rõ ràng trong cái sang của Bác, của người cách mạng không phải là điều kiện ăn ở, sinh hoạt mà chính là tri thức cách mạng để giải phóng đất nước, đem lại sự giàu sang, hạnh phúc cho cả dân tộc. Ý nghĩa của bài thơ thật lớn lao.
Tức cảnh Pác Bó là một bài thơ Đường rất đúng niêm luật có lẽ bởi ý thứ hai của nó là nói chơi, còn ý đầu tiên vẫn là nói thật. Tính nghiêm túc của bài thơ phải chăng là sự phản ánh nghiêm túc những đòi hỏi có thật của cuộc đời đối với con người cách mạng. Nhưng một khi đã đáp ứng được nó, trụ vững trước nó thì ai có thể cấm được cái quyền nói trêu của người đã biết tự rèn luyện mình mà vượt lên tất cả. Bài thơ đã vượt qua hành trình hơn 60 năm nhưng đến nay vẫn giữ nguyên được giá trị.

Nguồn sưu tầm
 
A

anthoong

Câu 2
Việt Nam, đất nước với 4000 năm lịch sử, nơi sản sinh ra bao nhiêu người anh hùng bất tử với thời gian. Đất nước có những trang sử vàng chói lọi bởi những chiến công vang dội năm châu, có những người quên ăn vì giận, mất ngủ vì lo khi đất nước phải ngả nghiêng trước mũi giày của kẻ thù xâm lược.

Lật lại trang sử hào hùng đã qua, chúng ta đọc được tâm trạng đó của vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, con người đã làm cho quân Mông Cổ khiếp vía, kinh hoàng với ba lần giặc đánh, ba lần giặc lui. Tâm trạng ấy được ông bộc lộ trong Hịch tướng sĩ, áng văn yêu nước bất hủ mà Trần Quốc Tuấn đã viết khi quân Nguyên lăm le tràn sang nước ta.

Bài hịch kêu gọi, động viên và thức tỉnh tướng sĩ trước vận nước lâm nguy, bộc lộ lòng căm thù không đội trời chung với giặc:

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa xả thịt lột da nuốt gan uống thù. Dẫu cho trăm than này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng.

Được tin Thoát Hoan, con trai Hốt Tất Liệt với năm mươi vạn binh đang gấp rút chuẩn bị cho mưu đồ xâm lược, nơi kinh thành ngày ngày phải chứng kiến cảnh bọn sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem than đe chó mà bắt nạt tể phụ, Trần Quốc Tuấn căm tức đến quên ăn, mất ngủ.

Thái độ ngông cuồng đó của giặc, hành vi kiêu căng đó của chúng cứ diễn đi diễn lại hàng ngày trước mắt ông, hiện ra ngay trong bữa cơm, lúc ngủ bóng lại lở vởn khiến ông phải tới bữa quên ăn nửa đêm vỗ gối. Ông băn khoăn khi chợp mắt, lo lắng khi tỉnh dậy bởi thái độ và hành động cả giặc. Ông lo ngại chiến tranh sẽ xảy ra mà chiến sĩ vẫn chưa một lòng phụ tứ, nước sông chưa hòa chén rượu ngọt ngào. Làm sao mà đất nước quê hương chịu nổi gót giày quân giặc, những ngọn cỏ xanh lại mọc nổi trên cánh đồng đất mẹ khi vó ngựa Nguyên Mông tràn sang. Nỗi lo lứng đó cứ thường trực trong Trần Hưng Đạo cả ngày lẫn đêm.
Ông còn hình dung ra cảnh quê hương mình bị dày xéo: nhà cháy, người chết, đói khổ tràn lan.

Ông, một vị tướng đứng đầu quân, nếu lại thấy phần quê hương đó bị tàn phá thì đau đớn như khúc ruột của mình bị cắt ra thành từng khúc.

Từ khóe mắt những giọt lệ đã tuôn trào khi nào mà ông không biết. Ôi đau đớn quá! Còn gì nữa mảnh đất quê hương.

Trong thâm tâm Trần Quốc Tuấn, toàn cảnh cuộc chiến tranh đã thể hiện ra mồn một. Ông như thấy tất cả. Đó là những tên lính Nguyên Mông hiếu chiến, rạp mình trên lưng ngựa đi đến đâu là đốt phá, giết choc, cướp giật đến đó. Mẹ già phải ôm xác con mà khóc, em bé phải quỳ bên xác mẹcha nghẹn ngào, trào tuôn nước mắt. Rồi cả những thái ấp no ấm mà ông đang sống sẽ bốc thành biển lửa. những mái nhà hạnh phúc sẽ biến thành đống tro tàn, lúc đó thì đau đớn lắm, phải không? – Tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối,ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa chính là toàn bộ tâm trạng băn khoăn, lo lắng của ông trước vận mệnh non nước, trước khung cảnh tan hoang đổ nát của cả non sông, giang sơn gấm vóc này. Đoạn văn đã bộc lộ lòng yêu nước tha thiết của vị Tiết chế làm chúng ta cũng phải đồng cảm với ông.

Tài tình làm sao, chỉ qua vài lời thôi mà chúng ta và ông bỗng đồng điệu về tâm hồn, về suy nghĩ. Kỳ diệu thay, ông đã truyền cho chúng ta, cho tướng sĩ dưới quyền cả một nỗi lòng cao quý, cả một tâm trạng thiêng liêng, lòng yêu nước.

Nhưng chỉ biết đau đớn, tiếc thương thôi sao? Không, không bao giờ đâu, đất nước ta anh dũng mà, người dân ta kiên cường mà! Họ đâu chỉ biết đau trước nỗi đau mất mát mà họ còn biết làm sao để nỗi đau ấy đừng có nữa. Bọn chúng, kẻ đem chết chóc gieo rắc trên quê cha đất tổ của dân tộc ta, kẻ đem mầm chiến tranh gieo rắc ươm trên quê hương ông phải bị trừng phạt.

Nhưng đó mới chỉ là ở suy nghĩ, vì chúng chưa tràn sang.

Do đó, ông căm tức rằng chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Tội ác của chúng xứng đáng bị trừng phạt như vậy lắm.

Bằng hang loạt những chi tiết cụ thể, sinh động, bằng phép thậm xưng, Trần quốc Tuấn hùng hồn khẳng định thái độ căm thù tột bậc của ông trước kẻ thù.

Khi chúng hiện ra trước mắt, ông chỉ muốn xẻ chúng ra thành từng mảnh, băm nát than hình chúng để chúng đừng hại dân ông, đừng cướp nước ông.

Nhưng trước mắt chỉ có ông đối diện với lòng mình nên ông giận luôn đến run người vì sự căm thù kia không thể thực hiện được bằng hành động. Đây chính là đỉnh cao của lòng yêu nước, của sự căm thù.

Chúng ta khâm phục tấm lòng của ông và cũng phục tài viết văn của ông.Với cách viết ngày càng tăng tiến, sức mạnh của từ ngữ tăng, ý nghĩa cũng tăng làm nổi rõ tâm trạng của một vị tướng yêu nước.

Đáng quý thay, cao đẹp thay một con người tràn đầy lòng ưu ái với quê hương đất nước. Và sau đó, ông đã bộc lộ với tướng sĩ những suy nghĩ của mình. Ông sẵn sang xả thân cho độc lập của Tổ quốc. Như những người Việt Nam chân chính, ông quyết đạp bằng mọi sóng gió kéo ra khỏi bầu trời đất Việt màn đêm u tối để ánh sáng bình minh lại chan hòa: Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng.

Ôi, cao quý thay con người luôn nghĩ và hành động cho Tổ quốc. Ông truyền cho chúng ta tinh thần tận tụy, hi sinh vì Tổ quốc, dẫu cho chết đi, sống lại bao lần ông vẫn giết giặc, dẫu chết không có chỗ chôn thân ông vẫn lấy đầu của chúng. Ông lại thấy toại nguyện khi đã diệt được bè lũ hung tan đem lại màu xanh cho quê hương . Thật là đáng trân trọng và học tập.
Trần Quốc Tuấn, vị Tiết chế thống lãnh toàn binh, vị anh hùng dân tộc.

Chỉ qua một đoạn văn ngắn thôi mà Trần Quốc Tuấn đã truyền cho chúng ta cả một bầu sinh lực nung nóng tâm hồn chúng ta.

Qua lối văn biền ngẫu, going văn hùng hồn, nhanh mạnh, Trần Quốc Tuấn đã bộc lộ chọn vẹn lòng yêu dân, yêu nước, lòng căm thù không đội trời chung với giặc. Hịch tướng sĩ – áng văn yêu nước bất hủ ấy sẽ tồn tại mãi mãi trong lòng mọi người và tâm sự của Trần Quốc Tuấn sẽ là bài học muôn đời cho người dân Việt.

Ông đã viết rất hay và hơn nữa, ông hành động cũng tuyệt vời. Viết và nghĩ chưa đủ, ông đã chứng tỏ lòng mình bằng chiến thắng tuyệt vời trước kẻ thù, dựng nên một nước Đại Việt tươi đẹp hơn, đóng góp công lao rất lớn cho sự nghiệp dân tộc.

Chắc chắn sau khi học bài Hịch, trong lòng mọi người sẽ đọng lại ngững cái đẹp nhất, tinh khiết nhất của con người Việt Nam và họ nguyện với lòng sẽ giữ mãi tình cảm đó trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mình.

Nguồn google/SIZE]
 
Top Bottom