Hãy cho biết kĩ thuật trồng cây Nhãn .
KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC
A. THIẾT KẾ VƯỜN
1. Đào mương lên líp
Vùng đất thấp như ở ĐBSCL cần phải đào mương lên líp nhằm xả phèn, mặn và nâng cao tầng canh tác. Líp có chiều rộng trung bình 7-8 m, mương rộng 2-3 m, sâu 1-1,5 m (Hình 6). Vùng đất cao phải chọn nơi có nguồn nước suối hoặc nước ngầm để tưới cho cây nhãn vào mùa nắng.
2. Trồng cây chắn gió:
Khi qui hoạch vườn nhãn nên trồng cây chắn gió để hạn chế việc rụng hoa, trái trong mùa mưa bão. Hàng cây chắn gió được trồng dọc theo phía ngoài, thẳng góc với hướng gió (Hình 7).
3. Khoảng cách trồng:
Trồng cây trong vườn có thể theo kiểu hình vuông, hình chữ nhật, hình nanh sấu hoặc theo đường vành nón cho vườn đồi ở vùng đồi núi.
Khoảng cách trồng cây thường thay đổi từ 4-8m tùy vào giống, đất đai và mô hình trồng. Giống nhãn Tiêu da bò là giống sinh trưởng rất mạnh nên có thể trồng thưa hơn so với các giống nhãn khác (Hình 8,9). Đối với vùng đất ở ĐBSCL có thể trồng với khoảng cách 5 x 4 m hoặc 6 x 5 m. Sau 7-10 năm, khi cây giao tán thì tỉa bớt cây ở giữa (bỏ 1 cây, chừa 1 cây) để tránh cạnh tranh ánh sáng. Tương tự, những vùng đất ở miền Đông Nam Bộ, miền Trung và Duyên hải Nam Trung Bộ có thể trồng nhãn với khoảng cách trên.
B. Kỹ thuật trồng và chăm sóc:
1. Thời vụ trồng:
Vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên bắt đầu trồng nhãn khi mùa mưa ổn định, thường từ tháng 6-7 hàng năm.
Vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ bắt đầu trồng nhãn vào đầu mùa mưa, thường vào tháng 9 hàng năm.
2. Chuẩn bị hố và cách trồng:
Miền Đông, miền Trung và Tây Nguyên: Hố trồng nhãn có kích thước 1 x 1 x 0,7 m, trộn đều 20-40 kg phân hữu cơ hoai, 300-500 g hỗn hợp NPK 16-16-8 và 0,5-1,0 kg vôi với đất mặt rồi gạt xuống hố. Khi trồng đặt cây xuống giữa hố, mặt bầu cây giống cần cao hơn mặt đất vườn 20 cm, dùng dao cắt đáy bầu, sau đó rạch theo chiều dọc của bầu để kéo bao nilon lên, nén đất xung quanh bầu, cắm cọc giữ chặt cây con, dùng rơm hay cỏ khô đậy kín mô, tưới nước.
Đồng Bằng Sông Cửu Long: nên làm mô trên đất đã được lên líp, mô đất đấp thành hình tròn đường kính khoảng 0,6-0,8 m, độ cao thường là 0,3-0,6 m. Đất đấp mô được trộn với 100-200 g hỗn hợp NPK 16-16-8, 0,5 - 1,0 kg vôi, 15-20 kg phân hữu cơ hoai và tro trấu, 10-20g Regent để sát trùng. Khi trồng dùng dao cắt đáy bầu, đặt cây xuống giữa mô và mặt bầu bằng với mặt mô, sau đó rạch theo chiều dọc của bầu để kéo bao nilon lên và lắp đất lại nén đất xung quanh, cắm cọc giữ chặt cây con. Sau đó dùng rơm hay cỏ khô đậy kín mô. Tưới nước giữ ẩm cho cây mỗi ngày một lần nếu nắng khô, nếu có mưa thì ngưng tưới.
3. Tủ gốc giữ ẩm:
Hằng năm nên đắp thêm đất hay bùn ao vào chân mô. Vào mùa nắng cần phủ kín xung quanh tán cây bằng rơm, thân đậu hay cỏ khô. Phải phủ cách xa gốc nhãn 20 cm để phòng nấm bệnh gây hại (Hình 10)
.
4. Làm cỏ và trồng xen
Khi cây nhãn chưa khép tán cần làm sạch cỏ xung quanh gốc theo đường kính tán cây (Hình 11
), thông thường làm 4-5 đợt/năm kết hợp mỗi lần bón phân. Có thể trồng xen một số loại cây khác trong vườn nhãn để lấy ngắn nuôi dài (Hình 12). Nên trồng xen cây họ đậu để cải tạo đất và tạo nguồn phân hữu cơ cho cây nhãn.
5. Tưới nước:
Cần cung cấp nước thường xuyên trong mùa nắng khi cây còn nhỏ, nhất là trên vùng đất pha cát rất dễ bị thiếu nước. Cây trưởng thành chịu đựng khô hạn khá hơn nhưng phải cung cấp đủ nước vào các giai đoạn cần thiết trong vụ nhãn (Hình 13).
Nên tưới nước cho cây từ khi bắt đầu ra hoa, trái phát triển và sau khi thu hoạch. Bắt đầu ngưng tưới ngay khi xử lý ra hoa cho cây. Đến khi cây vừa nhú hoa thì tiến hành tưới nước trở lại. Nếu trong thời gian ngưng tưới thấy có triệu chứng cây thiếu nước thì có thể tưới nhẹ cho cây.
Tuy nhãn có thể chịu đựng được ngập trong thời gian ngắn nhưng cây phát triển kém, do đó cần thoát nước kịp thời.
Nguồn: sites.google.com/site/tailieukn/trong-trot/ky-thuat-trong-nhan.