tài liệu tham khảo nè bạn
Dòng sông Sêrêpok (sông Dak K'rông) được hình thành từ sự giao lưu của hai con sông lớn trên cao nguyên Dak Lak. Đó là Krông Ana (sông mẹ) và Krông Knô (sông cha). Địa điểm bắt nguồn của sông Sêrêpok là ở ngã ba sông thuộc buôn Rây, xã Drai Sáp, huyện Krông Ana. Sêrêpok là tên gọi của người Khmer, còn người Ê đê gọi sông này là K'rông, người M'nông gọi là Dak, rồi từ đó do sự giao lưu văn hóa, nên đồng bào trong vùng gọi là Dak Krông. Sêrêpok chảy qua các vùng đất : Krông Ana, Krông Knô, Câư Jút, Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn, Ea Súp đổ về sông Mê Kông, tạo nên những danh lam thắng cảnh nổi tiếng : Drai Sáp (Thác khói), Drai Sáp Thượng (Thác Gia Long), Drai H'Linh (Thác nàng H'Linh), thác Trinh Nữ, vườn quốc gia Yok Đôn, thác bảy nhánh, khu sinh thái hồ Dak Mil (ở Buôn Đôn), v.v Dọc hai bên bờ sông Sêrêpok đã mọc lên bao buôn làng của các dân tộc : Ê đê K'pă, Ê đê Bih, M'nông Gar, M'nông Rlăm, M'nông Preh, M'nông Prâng, M'nông - Lào, J'rai hình thành một nền văn hóa của các dân tộc bản địa Dak Lak bên dòng Sêrêpok vô cùng phong phú, đa dạng, giàu bản sắc.
Từ xa xưa, sông Sêrêpok là cửa ngõ giao lưu buôn bán làm ăn của các tộc người : Lào, Khmer, M'nông, Ê đê, J'rai. Sự giao lưu này đã hình thành nên những tên làng, tên đất bên dòng sông thơ mộng: buôn Đôn, buôn Trí, buôn Trấp với những ngôi nhà dài huyền thoại. Bên cạnh những nét kiến trúc độc đáo thể hiện bản sắc của người Tây Nguyên, ngôi nhà còn được xem là biểu tượng thiêng liêng về quyền lực của thời kỳ mẫu hệ (đầu cầu thang lên xuống phía trên được chạm khắc hình bầu vú của người phụ nữ, những hoa văn trang trí... đều tô đậm uy quyền của người phụ nữ trong gia đình, dòng họ và trong buôn làng). Cũng từ bao đời nay, người Tây Nguyên biết trồng lúa nước, trồng cói, dệt chiếu và làm nghề khai thác thủy sản trên sông, suối.
Nghề săn và thuần dưỡng voi rừng từ lâu đã trở thành huyền thoại -niềm tự hào về sức mạnh, sự thông minh và lòng dũng mãnh của người Tây Nguyên. Nghề này bắt nguồn từ những năm đầu thế kỷ 19, do ông Y Thu Knul (Khu Zu Nốp) ở Buôn Đôn gây dựng nên. Từ đó đến nay đã hơn 2 thế kỷ nhưng nghề săn và thuần dưỡng voi rừng ở Buôn Đôn vẫn được duy trì và và được gọi là "văn hóa voi" của đồng bào Ê đê, M'nông, J'rai. Đến nay, đàn voi nhà ở Dak Lak còn lại 54 con. Nó đã trở thành biểu tượng văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Đây cũng là sản phẩm độc đáo thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Dak Lak.
Cồng chiêng của các dân tộc bản địa Dak Lak từ bao đời nay đã gắn với đời sống văn hóa của cộng đồng. Cồng chiêng thể hiện quyền lực, sự giàu sang của mỗi gia đình. Cồng chiêng là phương tiện giao tiếp duy nhất giữa con người với thần linh. Cồng chiêng gắn với nghi lễ vòng đời người (từ khi mở mắt chào đời cho đến khi trở về với tổ tiên ông bà). Cồng chiêng gắn với nghi lễ nông nghiệp (từ khi tìm đất, đốt rẫy, gieo hạt cho đến khi thu hoạch, đưa lúa về nhà). Theo số liệu điều tra của Sở VHTT Dak Lak, hiện nay toàn tỉnh Dak Lak có 3.375 bộ cồng chiêngNhìn chung nhạc cụ của các dân tộc bản địa Dak Lak (trong đó có cồng chiêng) là phương tiện duy nhất trong tín ngưỡng tâm linh, trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân nơi đây.
Gắn liền với mùa lễ hội của các dân tộc bản địa Dak Lak mà người Ê đê gọi là "mùa ăn năm uống tháng". Đồng bào các dân tộc nơi đây có hai hệ thống nghi lễ, lễ hội : lễ hội vòng đời người (gồm: Lễ cúng người mệ khi mang thai, lễ cúng khi sinh con, lễ đặt tên ) và lễ hội vòng cây cối (còn gọi là lễ hội nông nghiệp-gồmcó: lễ tìm đất, lễ phát rẫy, lễ gieo hạt, lễ vun gốc, lễ cầu mưa, lễ cầu được mùa ) được tổ chức hàng năm theo từng gia đình, dòng họ, buôn làng. Lễ vật là ché rượu, con gà (hoặc con heo), phương tiện để giao tiếp với thần linh, tổ tiên ông bà không gì khác ngoài cồng chiêng. Khi trong buôn có tiếng chiêng vang lên, người dân trong buôn biết sắp có lễ hội, họ sẽ kéo đến nhà chủ lễ để tham gia và chia vui với gia chủ
Đồng bào Tây Nguyên tự hào về mảnh đất quê hương mình còn bởi nơi đây còn là chiếc nôi sản sinh và nuôi dưỡng những bản anh hùng ca huy hoàng. Đó là những sử thi nổi tiếng: Đam San, Dam Di, Xing Nhã, Dăm Tiông (của dân tộc Ê đê); Đẻ Tiăng, Cây nêu thần, mùa rẫy bon Tiăng,... Tất cả đều là những bản anh hùng ca hoành tráng, ca ngợi người anh hùng lý tưởng, với ước vọng vươn lên chinh phục thiên nhiên, cải tạo xã hội, xây dựng một cuộc sống công bằng tốt đẹp.
Bằng những nét văn hóa độc đáo đó, các dân tộc bản địa Dak Lak sống dọc theo bờ sông Sêrêpok đã hình thành một nền văn hóa sông nước vô cùng phong phú đa dạng, giàu bản sắc. Có thể gọi là nền văn hóa Sêrêpok. Nền văn hóa độc đáo này đã và đang được bảo tồn, phát huy để phục vụ sự hưởng thụ của đồng bào các dân tộc trong tỉnh và khách tham quan du lịch trong và ngoài nước đến với Dak Lak, với Cao nguyên huyền thoại.