W.sechpia từng viết:
" hỏi đi - anh sẽ được trả lời
tìm đi - anh sẽ thấy
gõ đi - cửa sẽ mở cho anh"
Anh chi hiểu như thế nào về câu nói trên? Nó cho anh/chị bài học gì trong cuộc sống?"
Đọc những câu này, anh chợt nhớ đến một câu đã đọc được trong
Kinh thánh, sách
Tân Ước: "
Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ, cửa sẽ mở cho các con. Vì ai xin thì được, ai tìm thì gặp và ai gõ, cửa sẽ mở. Có ai trong vòng các con, khi con mình xin bánh lại cho đá, hay con xin cá, lại cho rắn chăng?" (Ma-thi-ơ). Đó là lời Chúa Giê-su nói với các tín đồ của ngài. Câu nói rất ấn tượng về hình thức (cấu trúc lặp) cũng như nội dung (ngợi ca lòng từ ái, tình yêu thương, sự bao dung vô hạn của Đức Chúa trời, của con người).
Đọc câu văn của Sếchx-pia, thoáng nghe có vẻ nội dung và hình thức tương tự như câu nói trong Kinh Thánh, nhưng thực sự, trong nó hàm chứa những tư tưởng của thời đại mới,
thời kì Phục Hưng châu Âu thế kỉ XV, XVI (mà Sêchx-pia là một trong những người đại diện và kế thừa xuất sắc nhất ở thời hậu Phục Hưng). Đây là một trong những thời đại rực rỡ nhất của văn minh phương Tây nói riêng và văn minh nhân loại nói chung, dù đã qua đi nhưng những ánh sáng và tư tưởng của nó vẫn còn chiếu rọi mãi trên con đường phát triển, tiến bộ của loài người.(các bạn có thể tham khảo thêm về thời kì này tại wikipedia:
http://vi.wikipedia.org/wiki/Phục_Hưng) .
Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của thời kì Phục hưng là việc con người đặt lại mối hoài nghi đối với hệ thống tri thức kinh viện vốn bị thống trị bởi tư tưởng tôn giáo. Con người thời Phục hưng là
con người khao khát chân lí, khám phá thế giới, xã hội và bản thân mình (mà trong chính những trang viết của Sêchxpia - tiêu biểu là Hăm-lét cũng thể hiện rất rõ hình ảnh con người đó). Đặt trong bối cảnh đó, theo anh hiểu, câu nói trên của Sếchxpia thể hiện khát khao truy tầm chân lí, tri thức, khám phá thế giới của con người. "Hỏi", "Tìm" và "Gõ cửa" để mở cánh cửa bí mật của thế giới tự nhiên, xã hội, để khám phá những điều chưa biết về thế giới, về con người, về chính bản thân mình.
Và phải nói rằng, nội dung ấy đã được thể hiện rất ấn tượng qua
hình thức ngữ pháp của câu văn: Biên pháp lặp cấu trúc, kiểu câu cầu khiến (hỏi đi, tìm đi, gõ đi) như một lời động viên con người không ngừng hoạt động, suy nghĩ, tìm tòi, khám phá. Vế sau của mỗi câu tác giả dùng hình thức khẳng định: "sẽ được trả lời, sẽ thấy, sẽ mở cửa cho" thể hiện sự tự tin, niềm tin vào sức mạnh tri thức con người.
Đấy là một vài suy nghĩ của anh khi nghe câu nói này. Còn khi trình bày trong bài viết của mình, em có thể sắp xếp các ý sao cho hệ thống, chặt chẽ. Có thể đi từ giới thiệu tác giả, thời đại của Sếchxpia, giải thích hình thức và nội dung câu nói, đánh giá ý nghĩa vấn đề mà tác giả nêu lên qua câu nói, liên hệ với thời đại ngày nay và bản thân mình.
Mong em và các bạn khác cùng đóng góp, thảo luận để chúng ta có thể hiểu sâu hơn, rộng hơn vấn đề này.