clb truyện "tuổi học trò"

U

uocmolamnhavan

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

tôi sẽ sưu tầm và post những truyện "tuổi học trò"
mở đầu là
"Thuở Áo Trắng Bay"

Tác giả:Đào Thắng Duy
Mười lăm tuổi, hồi đó đã học lớp 10 rồi nhưng em “nai” lắm. Sau buổi biểu diễn văn nghệ ở trường, em quen anh. Thầy chủ nhiệm rủ anh cùng các bạn nữ trong nhóm đưa em về vì nhà em xa quá. “Hải - học 12 5 là “cây” vật lý của lớp đó, mấy đứa”. Thầy giới thiệu anh với cả nhóm. Tụi em nhao nhao “A, vậy là mai mốt có người chỉ bài rồi!”. “Nhớ ưu tiên em Ðào nghe!”...
Con đường về nhà em không liền lạc như những con đường khác mà lại bị cắt ngang bởi một con rạch nhỏ. Người ta chưa kịp bắc cầu nên chèn vào đó một chiếc xà-lan để đi qua. Nhường lối cho em, anh nói một câu đến giờ em còn nhớ rõ: “Trời ơi! Ði học như vầy thì khổ quá!” Giọng nói của anh có vẻ như là lo lắng mà vừa như là thương hại. Khi đó em cứng cỏi trả lời: “Có chí thì nên mà!”. Rồi thôi, cả hai không nói với nhau thêm một câu nào nữa.
Mấy ngày sau, chiều tan học em về một mình và không hay anh đi sau lưng. “Hôm nay về trễ vậy...”. Em quay nhìn rồi cười: “Quen không à nghe”. Anh không trả lời mà bỏ đi luôn, nhanh nhanh như có ai đuổi ngoài sau lưng vậy. Em biết anh giận rồi nhưng không biết phải làm sao. Hối hận thì đã muộn. Thầy gặp em, không rầy cũng không trách mà chỉ nói lại lời nói của anh “Hải nó nói: Ðào lớp thầy kênh quá!”. “Tại em quên thật thầy ơi!” Em chỉ biết nói vậy với thầy mà không biết phải thanh minh làm sao. Em tự trách mình. Suốt thời gian sau đó, anh là nguồn cảm xúc cho hàng loạt những bài thơ của em ra đời và cất giữ đọc riêng như một gia tài quý báu. Những buổi chiều, anh đến trường học phụ đạo thêm (cùng buổi với em) là tụi nữ quái bạn em lại trêu em inh ỏi. Nhưng tuyệt nhiên anh không nói gì. Có lần anh đứng với thầy chủ nhiệm lớp em, ngay trước hành lang nhìn xuống, tụi bạn ngoắc lia em đang đi dưới sân. “Nhanh lên, anh Hải vô nè!”. Em mắc cỡ đi một mạch vào phòng học và ngồi luôn không chịu ra ngoài, mặc tình cho tụi bạn hết lời trêu chọc...
Ngày tổng kết cuối năm, anh lại đến phòng thầy, gặp tụi em nơi đó anh liền khựng lại. Vô thì cũng ngại mà quay ra lại cũng không xong. Thầy ra cửa vỗ vai anh và kéo ngồi xuống ghế. “Bữa nay thầy giới thiệu lại nghe. Ðây là Hải – 125 nhưng hôm nay thì ra trường rồi. Còn đây: Ðào, Linh, Hạnh, Nga, Thảo... lớp thầy. Rõ ràng rồi, đừng ai thắc mắc nữa nha!”. Thầy nhìn anh cười trong lúc tụi bạn em vỗ tay rần rần. Em quê độ không dám mở miệng nói điều gì hết và anh cũng vậy. Thầy nói “rõ ràng rồi” nhưng mà kể từ mai em đâu còn được gặp lại anh. Tấm giấy khen cầm trên tay em cứ cuốn tròn thật nhỏ rồi lại bung ra, rồi lại cuốn vào... đến khi về nhà mới hay nó bị nhăn nheo và đã ngả màu vì mồ hôi tay - thật tội!
Cứ ngỡ thế rồi thôi, vĩnh viễn không còn gặp lại. Nhưng sau năm 11, thêm một lần gặp bất ngờ và lý thú. “Ðào, có người nhà tìm... ở ngoài quán trước cổng trường đó nghen!” Trước khi vào lớp bắt đầu tiết dạy, thầy Văn nói riêng với em như vậy. Từ trước đến giờ có bao giờ người nhà tìm em khi em đang học đâu. Bỗng dưng em linh cảm có điều gì đó nên rủ nhỏ bạn thân cùng đi. Ôi trời! “Người nhà” của em mà thấy nói không ai khác hơn là anh và có thêm một “ông” nào nữa. Xiết chặt tay nhỏ bạn, em quay mặt vào trong khẽ đưa tay lên chặn lấy trái tim mình. Tưởng chừng như tiếng đập của nó có thể làm vỡ toang lồng ngực. Rồi như một phản xạ tự nhiên, em nắm tay nhỏ bạn kéo đến chỗ anh theo bàn tay giơ cao vẫy vẫy. Và lần đầu tiên trong đời, ly đá chanh anh gọi, em chỉ dám nếm một miếng rồi để lại y nguyên vì mắc cỡ, thẹn thùa.
Tan học. Anh lại theo về chung đường với em. Lần này thì không còn “lạ” nữa nhưng em vẫn nói chuyện nhát gừng. Không còn lạ nữa nên anh mạnh dạn rủ em đi chơi vì “ngày mai anh lại về quê rồi”. Anh nói với em như vậy và em ngốc nghếch nên bây giờ không biết là quê anh ở tận nơi đâu. Em lắc đầu nguầy nguậy, từ chối với lý do “Sợ bị mẹ rầy”. Buồn hiu. Anh đi với em thêm một đoạn nữa rồi quay về đường cũ, không hẹn đến khi nào thì gặp lại nhau. Em cũng cảm thấy buồn thật nhiều mà không biết phải làm sao, nên tự mình an ủi: “Trái đất tròn, thế nào rồi chúng mình cũng còn gặp lại nhau, anh nhỉ?”
Vậy mà mãi đến bây giờ chẳng có lần nào em gặp lại anh. Chẳng lẽ giữa chúng mình trái đất không tròn sao Hải? Những bài thơ học trò em viết và đọc một mình. Em không quen thân với một tên con trai nào khác suốt những năm cuối cùng trung học. Và bây giờ, nghĩ về mối tình đầu của mình em lại nhớ anh dù kỷ niệm với anh, em không có một bức thư tình – cũng không có một cái gì khác dù là nhỏ nhoi để làm chứng tích. Chỉ có những trang thơ của riêng em còn giữ lại sau mười mấy năm trời. Hồi đó, nhỏ bạn thân thường nói với em: “Quên đi! Không khéo tình cảm của mày sẽ trở thành đơn phương, nhỏ ạ!” Em ậm ừ nhưng trong lòng thì không tin và cũng không quên. Nhớ, để nghe thoáng một chút buồn, một chút vui, một chút ngờ nghệch vụng về của những ngày mới lớn. Nhớ, để mong những năm còn lại giữa chúng mình trái đất sẽ tròn...
 
U

uocmolamnhavan

Phiên khúc Ngày Mưa

Phiên khúc Ngày Mưa
Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
970915755B2646F594E5BF831FFFC245.jpg

MỘT

Sáng nay mưa dầm, ướt hết cả sân trường. Mưa làm đám Cúc dại mà My yêu dấu nhất ngả nghiêng. My tưởng chúng đã bật hết gốc, mà thật thì chúng chỉ nép mình cho qua cơn mưa, rồi sau đó vẫn đứng dậy, vẫn nở những cánh vàng rũ sạch nước mưa. Thương quá! My tưởng chúng yếu đuối mà thật thì chúng dẻo dai vô cùng. Trong khi lũ hoa Móng Tay còn ngơ ngác và bàng hoàng vì mưa, thì Cúc dại đã vươn mình cười những nụ thật rạng rỡ.

My nghĩ đến Danh. Có phải là Danh không, những cây Cúc dại vàng óng kia? Có phải là Danh, đã gục ngã và đã đứng lên, đã tuyệt vọng và đã tin tưởng, đã buồn nản và đã yêu thương? Có phải là Danh, ở một nơi nào không giống ngôi trường My đang học? Ở một nơi nào hàng ngày chỉ thấy sự đau đớn, mất mát? Có phải là Danh, ở một hiện tại phẳng lặng hoài vọng một quá khứ sôi động? Có phải là Danh, một người lớn mang tâm tư của trẻ thơ, một trẻ thơ làm hành động của người lớn? Phải thế không Danh – nụ Cúc dại rạng rỡ kia là nụ cười của Danh, lá Cúc dại xanh non kia là ước mơ của Danh, và thân Cúc dại mềm mại nhưng dẻo dai kia là cuộc đời của Danh?

My yêu đám Cúc dại mọc nghiêng ngả trong sân trường của My. Sân trường của My có trồng thật nhiều hoa. Màu hoa càng sặc sỡ càng tăng thêm vẻ vui tươi cho sân trường mỗi buổi tan học đầy những tà áo mầu. Càng kiêu sa hơn, khi sân trường có những chiếc xe hơi bóng loáng. Nhưng My vẫn chỉ thích đứng ngắm đám Cúc dại của My, mọc không thành hàng và ít được chăm sóc. Đám Cúc dại của My mọc vây quanh bức tượng hai con người – một con người gục mặt buồn thiu và một con người đứng thẳng. Hai con người đứng giữa những vòng kẽm gai. Dưới chân tượng là đám Cúc dại của My. My ngắm chúng hàng giờ không chán. My nghĩ đến Danh. Danh nhé, đừng thèm làm hoa Hướng Dương quá vui vẻ và to lớn. Đừng thèm làm hoa Sứ chỉ thích đứng trên cao nhìn xuống bằng đôi mắt tự mãn. Đừng thèm làm hoa Hồng chỉ xứng đáng giam mình trong chậu kiểng. My cũng không thích lũ hoa Móng Tay chỉ chăm lo màu sắc tươi thắm, đến lúc bị mưa làm dập cánh hoa thì ngẩn ngơ than vãn, và My cũng ghét lũ hoa Phấn ích kỷ chỉ nở về buổi chiều. Hãy làm một cây Cúc dại, sống bất cứ ở đâu và nở bất cứ lúc nào, đứng ngang tàng bất phục nhưng vẫn chịu đựng được những dập vùi. Và đó, hoa Cúc dại, My nghĩ đó là Danh – Danh thân mến, đang ở một nơi không giống như trường học của My.

HAI

Sáng nay mưa dầm. Lúc tan giờ thi, My ra nhìn luống hoa trong sân trường. Ở quanh bệ xi-măng, My thấy nước mưa cuồn cuộn chảy, như một dòng sông nhỏ. Dòng sông chảy thẳng men theo bờ thành thấp, đến chỗ trũng cuối sân trường dòng sông tẽ ra làm hai. Chưa có cảnh nào lặng lẽ như thế đối với My. Cái gì nao nao hiện đến trong lòng My, có phải là nỗi buồn, hay nỗi nhớ? Dòng sông nhỏ bé của My buồn chi lạ! Phải thế không Danh? Và đời người, đời người cũng lặng và buồn như một dòng sông. Dầu có những sinh hoạt đó, những đổi thay đó, nhưng rồi lúc hồi tưởng ta vẫn thấy lặng và buồn. Nhất là đời người khi phải ngưng mọi hoạt động – không phải là chết, mà là ngồi đó đếm những u sầu, tiếc nhớ. Là Danh phải không, dòng sông nhỏ lặng và buồn? Khi mọi người , trong đó có My, đang sống trong cảnh đời khá náo nhiệt, với những sinh hoạt bận rộn, với những âu lo hồi hộp, với bài vở, với bạn bè, thì Danh, ở một nơi không phải là trường của My, có phải đang đếm những khắc của thời gian đi qua lặng lẽ? giống như dòng sông khi đến khúc bằng phẳng. Chưa có lúc nào buồn như thế, phải không Danh? Và ở trong hiện tại bằng phẳng này, hẳn là Danh có nhớ và có nghĩ đến những ngày vùng vẫy. Dòng sông đời Danh ngày xưa đã có lần là ghềnh thác, có lần là trũng xoáy miệt mài. Có phải Danh đang nhớ? Có phải Dang đang bâng khuâng vì đã trải qua một đoạn đời gian nan? Đã có lúc Danh ra đi bỏ trường lớp bỏ bạn bè và gia đình thân mến để làm một cánh chim. Danh làm người lớn. Danh theo những người bạn từ mọi phương tụ về để cùng sống và cùng nếm mùi gian truân. Danh đã đi từ thành phố bình yên này ra tận những nơi mang những địa danh xa lạ. Danh đến một thành phố cổ kính u sầu. Danh đến một vùng quê hoang tàn. Danh sống trên một ngọn đồi. Có phải Danh đã nói với My là đồi mọc đầy sim? Chiều nào Danh cũng đi hái sim. Bạn của Danh cũng đi hái sim. Và hai người bạn cùng yêu màu sim đó, đã bỏ Danh mà đi. Có phải Danh đã nói với My rằng Danh lúc đó chai đá vô cùng. Danh đã không khóc. Thái độ ấy là của một người lớn chăng? My chưa bao giờ sống một đoạn đời giống như Danh, nên My không trách Danh đâu. Danh sống ở đó – đồi sim - và làm công việc cứu bạn bè của Danh. Và đó, trong công việc của Danh, ở vùng hiểm trở đó, trong khúc sông hùng vĩ của đời Danh, từ một định mệnh khắc nghiệt, Danh đã quỵ xuống. Dòng sông đến lúc đó là một ngọn thác. Nước chảy xô vào những mũi đá nhọn, gào thét thật to và rơi từ trên cao, rất cao, xuống một trũng xoáy và âm vang những tiếng hãi hùng.
<còn nữa>
 
U

uocmolamnhavan

tiếp...phiên khúc ngày mưa!

Có phải là Danh không? Danh chạy trong mưa pháo, Danh dìu đỡ bạn bè. Danh chạy xuống hầm sâu. Pháo nổ dòn trên nắp. Hầm sụp, chôn vùi Danh. Bạn bè lấy xẻng đào hầm, mang Danh lên. Danh đã hôn mê, Danh nào biết có một sự mất mát từ nay sẽ đến nơi Danh. Và đó, đồi Con Trâu – có phải Danh đã nói với My là có một bộ xương trâu trên đồi?- là ngọn đồi nơi Danh đã quỵ té. Dòng sông đã đến khúc oanh liệt của nó. Danh có biết, Danh đã là người lớn – đúng hơn, Danh đã làm công việc của người lớn, một công việc rất lớn không Danh?

Dòng sông của Danh bây giờ đã đến khúc yên lặng. Bây giờ có phải là lúc hồi tưởng? Có gì lặng và buồn hơn khúc sông này chăng? Và My đã, sáng nay, đứng nhìn dòng nước nhỏ bé âm thầm chảy men bờ thành thấp, lẩm cẩm nghĩ đến quãng đời của Danh. Và nó – dòng nước nhỏ - khi đến cuối sân trường đã tẽ ra như những nhánh sông đời.

BA

Sáng nay mưa dầm. My đứng trong hành lang đợi chờ qua cơn mưa. Nghe gió hơi hơi lạnh. Nước mưa tuôn rào rạt trên những lá cây, gợi buồn. My nghĩ đến những người bạn thân yêu ngày cũ, đến Danh, đến những người thầy xa xưa. Có phải Danh đã nói với My rằng Danh luôn luôn nghĩ đến thầy? Và My cũng thế. Có cái gì khó diễn tả xảy đến trong lòng, khi My nhìn thấy một người thầy lái chiếc xe hơi bóng loáng chạy qua. Thế thôi. My nhớ đến những người thầy khắc khổ của My ngày xưa. Có thầy đi chiếc xe mobylette cũ kỹ, có thầy đi chiếc xe đạp. Có lúc thầy ốm, thầy vừa dạy vừa ho. Có lúc thầy vui, thầy giảng bài thật tuỵêt diệu. Danh đã nói với My rằng ngày xưa Danh nghịch lắm. Ở lớp thầy nào cũng lắc đầu vì Danh. Có thầy đã hiểu tính Danh và thương Danh lắm. Thầy Thiều dạy Vạn vật của Danh đã mắng yêu Danh “Láu cá vừa vừa chứ!”. Danh nhắc hoài với My câu nói đó. Phải không Danh? Có những câu nói ghi đậm vào lòng người, mà mỗi khi nghĩ đến là một thân tình khó phai?

Ngày xưa ở những lớp học nhỏ, có đầy những kỷ niệm. My muốn nói cho Danh nghe về kỷ niệm của My ở ngôi trường mà cả My và Danh đều đã học. Lớp học của My rộng thoáng nhờ cửa sổ và gió trời. Bên trên đầu bảng đen là tượng Chúa Giê-su. My không theo đạo, nhưng ngày nào My cũng đứng dậy, thành khẩn đọc lời tâm niệm – Lạy Chúa, xin giúp chúng con chăm chỉ học hành, rèn luyện tư cách chúng con, trau dồi tâm hồn chúng con… - Danh có biết, ở đó có những người thầy thân mến. Thầy Long có đôi mắt hiền dịu vô cùng, thường đứng cạnh bên nhắc My chấm câu. Thầy Ái cũng hiền không kém, My nhớ ngày tất niên, thầy đàn và hát bản Mưa Hồng, và cuối năm học thầy đã viết lưu bút cho My với những lời chân thành làm My phải khóc. Thầy Xung, khi hai lớp dồn vào nhau, đã phải leo lên ghế giảng truyện Kiều khan cả cổ mà lũ học trò đông đảo vẫn rì rào nói chuyện. Và ngôi trường đó, lớp học đó, hai năm sau Danh đã đến ngồi. Danh cũng nhận những kỷ niệm đó giống như My. Danh nhé, chúng ta đã là bạn với nhau từ thuở nào, vì Danh và My, đều cùng học chung các thầy, đều đã đến ngồi một lớp.

Danh đã làm My xúc động biết bao, khi Danh nhắc đến Thầy bằng một giọng thương mến. My thấy Danh rưng rưng mắt, khi My kể chuyện lớp học, tả từng cái bảng, cái cửa sổ, kể từng người thầy. Danh đã làm My xúc động biết bao, khi Danh đòi đến thăm thầy. Nếu My là Thầy, chắc My sẽ khóc, khi biết rằng trong đám học trò mà thầy ra công dạy dỗ, có Danh, đang gánh chịu thật nhiều nỗi thiêt thòi.

BỐN

Sáng nay mưa dầm. Không còn gì buồn hơn. Nhưng cũng không có gì thích hơn. Có phải là mâu thuẫn không? Thật thế, buồn – chứ không phải khổ - làm cho con người giống như cành hoa Cúc dại được tắm mình qua mưa. Ở nơi đó Danh có cảm thấy một nỗi gì vây quanh, giống như My lúc đứng ở sân trường nhìn ra mưa không?

Mùa mưa đến làm gợi nhớ. My ở đây, nhớ về một thứ kỷ niệm dầu đã khá xa nhưng vẫn hoài gần gũi. Có phải không Danh? Có những kỷ niệm mà con người phải dùng hết cả đời để hồi tưởng – một văn sĩ nào đã viết như thế. Và My vẫn luôn luôn hồi tưởng đây. Kỷ niệm đã hơn một năm qua rồi, bắt đầu từ một thời điểm khắc nghiệt của dân tộc. Không phải kỷ niệm của riêng My, mà của tất cả, trong đó có thầy My, bạn My, anh em My, và Danh. Nhưng kỷ niệm đó trói buộc vào cho My. Danh có biết, My đã khóc hoài trong lớp học. My đã lặng người trong giảng đường. My đã theo những chuyến xe không hứa hẹn bình yên để đến với những nỗi nhọc nhằn. My đã gội nắng để chia sớt từng hạt gạo cho người. My đã đến dạy hát cho những bé thơ của một lớp học chạy loạn để đến lúc ra về không nỡ dứt, My lại khóc. Và ở một nơi – một nơi mà Danh đang sống bây giờ, My đã đến, trong một quãng thời gian dài, một năm, để My thấy những cơn mưa tai nghiệt vẫn không ngớt đổ lên đầu người. Và như thế, My sẽ hồi tưởng kỷ niệm ấy, suốt cả cuộc đời My.

Danh có biết, My đã không đi “Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam” sau ngày ngưng bắn như một nhạc sĩ đã viết. Mà My trở lại nơi cũ. Nơi đó, My gặp Danh, đang mang một nỗi thiệt thòi vô cùng. Danh đã khiến My xúc động biết bao, khi Danh hỏi “Phải chị viết quyển này không?”, khi Danh hỏi “Phải chị học thầy C. không?”, và khi Danh cùng kể với My những kỷ niệm ở một mái trường. Phải không Danh, bốn bể rồi cũng là anh em. My đã xem Danh là một người bạn – một người bạn nhỏ, hai năm sau My, Danh đã đến ngồi ở cùng một lớp.

Danh có biết, Danh đã cho My những phút giây xúc động. My đã muốn khóc khi đem đến cho Danh một quyển Tuổi Hoa, một quyển Thằng Bờm, Danh đã giở mục đố vui ra say sưa làm. Một cử chỉ rất bé thơ, rất học trò. Không thể nào nhìn Danh là một người lớn. My biết Danh, khi qua khúc sông đời hùng dũng nhất, giờ đã trở về làm một trẻ thơ, phải thế không Danh?

Danh có biết, chiếc xe lăn để ở cạnh giường Danh, cũng đã làm My xúc động. My muốn viết nhiều về Danh và chiếc xe lăn đó. My nhớ đã có một thời người ta viết về những đứa trẻ tật nguyền, về những người lớn tật nguyền. Đã có một thời người ta viết về những chiếc xe lăn như một thời trang văn nghệ. Nhưng chưa có chiếc xe lăn nào là chiếc xe của Danh. My chưa thấy chiếc xe lăn của Danh trong văn của mọi người. Vì đó không phải là thời trang. Cũng không có quyền đem vào chuyện thời cuộc. Hơn thế nữa, Danh không phải là trẻ thơ, cũng không hẳn là người lớn. Chưa có ai viết về một người lớn mang tâm tư của trẻ thơ, một trẻ thơ làm công việc của người lớn cả. Và Danh, cũng như My, dầu đã qua thời thơ ấu, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình là người lớn. Rồi My sẽ viết về Danh, về chiếc xe lăn của Danh, không phải thời trang văn nghệ, Danh nhé! Chỉ là chiếc xe lăn của Danh mà thôi. Nó chỉ hiện diện trong Danh, trong My. Nó là một cái gì khích động sâu xa vô vàn, trong khoảng thời gian My đã đến, My đã làm một Nightingale trong bài học Anh văn thuở nhỏ. Người ta thấy Nightingale mỗi đêm, với một chiếc đèn dầu trong tay, đi khắp nơi mang nước đến cho những người thương bệnh binh… Và My, muốn làm người ôm đàn đi khắp nơi, hát cho những người bệnh nghe. Danh có biết, đã có lần My ngồi đàn trên chiếc xe lăn của Danh, My đã muốn khóc, khi My cố gắng tưởng tượng một sự mất mát ở chân My, giống như Danh.

Thôi Danh nhé, mưa đã dứt. Cành Cúc dại đã cười rạng rỡ những nụ hoa vàng. My muốn nói với Danh rằng: ở trong khắp cùng của đời sống, niềm tin yêu và hy vọng vẫn là món thuốc qu‎ý giá nhất. My xin tặng Danh món thuốc đó. Muốn bảo Danh gìn giữ Tuổi Thơ quý‎ giá trong tim, muốn Danh cười hoài nụ cười của trẻ thơ. Ở những khúc đời mà người ta thấy nỗi tuyệt vọng tột cùng, là người ta đã thấy yêu thương đời sống vô vàn, phải thế không Danh?

Rồi Danh hãy thực hiện hoài bão của Danh: viết về một loài cỏ, về cuộc đời của Danh. Loài cây thân thảo đó, My muốn Danh viết về loài Cúc dại mọc trong sân trường My, qua cơn mưa vẫn đứng dậy nở những nụ tin yêu. Nhé Danh! Mưa đã dứt….
<hết>
 
U

uocmolamnhavan

Nữ chúa

,



Con Chúc nhìn thẳng phía trước khi đi ngang qua mặt tôi. Hôm nay nó mặc một chiếc áo dài màu xanh nhạt, tay còn xách một cái ví nho nhỏ nữa chứ! Với tôi thì nó chả đẹp tí nào. Trông cái mặt nó nghênh nghênh thấy ghét. Tôi chống nạnh đứng xìa hai chân ra nhìn nó. Nó vẫn làm như không biết – nó làm bộ. Tôi tiến đến chận ngang lối đi. Nó lại tránh sang bên kia, mà mắt vẫn không nhìn tôi. Nhỏ này hôm nay găng nhỉ! Tôi không thích chờ đợi lâu. Tôi xông đến nắm chặt cánh tay nó, dòm nó trừng trừng. Mặt nó tái mét. Bây giờ nó mới nhìn thẳng vào mặt tôi. Nó nói giọng hoảng sợ:
- Làm gì vậy?
- Làm gì hả? Muốn chận bồ lại chơi vậy hà. Được hông?
- Bỏ tôi ra, tôi méc má “ấy” bây giờ.
Tôi bật cười lớn, thách thức nó:
- Méc thì méc, ai sợ!
Con Chúc mếu máo như muốn khóc. Nó nhìn quanh. Chỉ có mấy đứa con nít chơi bắn bi đàng xa. Buổi trưa trong ngõ vắng ngắt. Nó nhìn tôi căm hận. Tôi càng làm cái dáng dữ tợn cho nó sợ. Nó sắp khóc thật rồi! Tôi lại càng hả hê. Tôi giả vờ cho tay vịn lưng quần, dáng như tên cao bồi sắp sửa móc dao. Con Chúc hãi hùng há to miệng…
Bất chợt nó giật tay tôi thật mạnh. Chiếc ví của nó mắc lại trên những ngón tay tôi. Và nó cắm đầu chạy. Chân nó vướng vít trông thật buồn cười. Nó vừa chạy vừa khóc nức nở, tiếng nó tắc nghẹn:
- Đồ mất dạy! Hu hu…Con gái gì mà… cao bồi! Con gái gì mà… du côn! Hu hu… Má ơi!...
Tôi nhìn nó, rồi nhìn lại chiếc ví nhỏ. Tôi phì cười đắc thắng. Tự nhiên không định trước mà tôi lại được cái này. Sướng quá! Tôi mở ví ra, nhìn vào. Có hai trăm mới tinh trong đó, cùng những kẹo, xí muội, và gương lược nữa. Tôi cười tít mắt lại. Trước hết phải xơi trọn xí muội và kẹo đã. Còn tiền này, để đó chiều nay bao bọn thằng Nha một chầu bò viên.
Tôi đi vòng đường luồn để vào cửa nhà bếp. Trên nhà, mẹ tôi đang nằm ngủ, ngáy thật đều. Nhà vắng tanh, chỉ còn nghe tiếng đồng hồ kêu tích tắc. Tôi mở rương áo ra, nhét chiếc ví của con Chúc xuống dưới đáy. Xong, tôi xoa tay cười thích thú. Tôi tưởng tượng giờ này con Chúc đang run rẩy kể cho má nó nghe. Rồi má nó sẽ sang đây, méc me tôi. Nhưng tôi “cóc” sợ. Me tôi chả làm được gì đâu. Tôi lại tưởng tượng đến nét mặt thằng Nha, thằng Quan, thằng Chuộc… hẳn sẽ vui vẻ lắm khi được tôi bao đi ăn.
Tôi toan ngả mình nằm xuống giường nghỉ một chút thì bỗng có tiếng ồn ào trước nhà. Tiếng má con Chúc nói vọng vào:
- Bà Tư ơi! Cho tôi gặp bà một tí.
Rồi có tiếng gõ cửa nữa. Tôi đứng sau ngạch cửa nhìn ra. Me tôi đang ngủ phải choàng dậy. Bà ngạc nhiên, nhưng rồi cũng đứng dậy đi ra mở cửa. Má con Chúc xuất hiện trước tiên, theo sau là con Chúc mắt còn đỏ hoe và mấy người hàng xóm đứng nhìn. Me tôi hỏi, giọng ngái ngủ:
- Việc gì thế, bác?
- Bà Tư nè, con của bà… nó quá lắm.
- Đứa nào hở bác? Mời bác vào trong này.
Má con Chúc nói, sau khi ngồi xuống chiếc đi-văng:
- Con Tiếp, con gái của bà đó.
- Nó thế nào, hở bác?
- Con Chúc tôi đi chơi về, con Tiếp nó chận đường, giật chiếc ví, còn dọa nạt làm nó sợ hết cả hồn. Nhờ bà gọi nó ra, bảo trả cái ví cho con tôi.
Me tôi trợn mắt:
- Ối giời ơi! Đến thế cơ à? Con Tiếp đâu? Tiếp ơi!...
Tiếng gọi sau của me tôi dài ra, the thé. Tôi chẳng nói chẳng rằng, nghênh ngang đi lên. Tôi nhìn quanh me tôi, má con Chúc và nó. Con Chúc hơi lùi lại, mặt nó còn in nét sợ sệt và giận tức.
- Me gọi gì?
- Mày có lấy cái ví của con Chúc không? Trả cho người ta.
Tôi chầm chậm lắc đầu, khiêu khích:
- Đâu có! Tui ở trong nhà nãy giờ.
Con Chúc nghẹn tức, nắm chặt cánh tay má nó:
- Nó nói dối. Cháu đi ngang đây, nó chận đường, lấy chiếc ví của cháu mà.
Má con Chúc nhìn me tôi. Me tôi đứng dậy, chỉ vào mặt tôi, hăm he:
- Mày lấy trả cho người ta ngay. Tao còn lạ gì mày. Con quái! Tao đánh tan tành mày ra bây giờ!
Tôi đáp ngay:
- Đánh coi nào!
Me tôi kêu trời. Tôi càng nghênh mặt lên, trêu tức. Me tôi hết dằn nổi. Bà vớ lấy cây chổi lông gà, quất vào người tôi lia lịa. Tôi “cóc” sợ. Tôi lì người ra cho bà đánh. Con Chúc lè lưỡi, nép vào má nó. Ngọn roi vút lên da thịt nghe “chát, chát” chẳng làm tôi sợ sệt. Tôi tỉnh ráo như không. Bất ngờ cây roi trúng sống lưng tôi một cái nghe đau điếng. Tôi kêu “oái” lên rồi chợt xoay người lại nắm chặt cây chổi. Me tôi trợn to mắt tưởng chừng tròng mắt muốn bật ra ngoài, nhìn tôi giận dữ. Tôi giật mạnh cây chổi, ném vào trong góc rồi điềm nhiên đưa tay ra xoa sau lưng. Me tôi đứng sựng, không biết làm gì. Mi mắt bà long lanh như sắp khóc. Bà ngượng với mẹ con con Chúc. Mặc kệ bà. Tôi từ từ tiến đến trước mặt má con Chúc, trỏ tay chỉ mặt bà:
- Bà này về đi! Cút ngay! Ai thèm giật ví con bà. Láng quáng… bẻ răng à.
Má con Chúc đứng phắt dậy, nói:
- Con này hỗn quá đi. Mày lấy quyền gì đuổi tao?
- Quyền chủ nhà. Tôi là chủ nhà. Đi mau đi!
Me tôi kêu lên:
- Tiếp!
Tôi thản nhiên chống sườn, đứng lườm. Má con Chúc tức đến nghẹn. Bà nói:
- Tôi thật không ngờ. Qua đây mách bà, bà chẳng giúp gì hết, còn lôi con ra đánh trước mặt tôi. Con bà nữa, con… trời đánh thiệt, gian manh hơn thằng du côn. Thiệt không ngờ, nhà này… chẳng biết điều gì hết.
Bà quay sang con Chúc:
- Chúc, về con! Kệ nó, bố thí cho họ đi. Má sắm cho con cái khác. Về!
Hai mẹ con bước ra cửa. Me tôi ngồi phịch xuống đi-văng, thở ra. Bà chẳng buồn nhìn tôi. Vầng trán bà nhăn lại. Tôi cười khẩy. Kệ bả! Những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán , lăn trên thái dương me tôi. Bà đưa tay áo lên lau. Tôi bỏ đi vào buồng.
Chị Hai tôi ngồi trên giường, đang chải gỡ mái tóc. Vừa thấy mặt tôi, chị đặt mạnh cây lược xuống chiếu, mắng:
- Mầy là con báo hại, làm khổ mẹ không hà. Tao cũng đến ngán mầy rồi. Mầy hết dạy nổi rồi hở?
Tôi chẳng thèm đáp, tiến đến trước gương, soi mình trong ấy. Tôi ngắm thân hình tôi. Tôi đã cao lớn ra phết đấy chứ! Mái tóc tôi được uốn hồi Tết, dài chưa đến vai – hầu như nó không dài nổi, quăn queo không ra hình thù gì, phủ lờm xờm trước trán. Mặt mày tôi trông “yêng hùng” lắm, xứng đáng làm “nữ thủ lãnh” bọn thằng Nha; chúng cứ gọi tắt là “nữ chúa” cho tiện, và tôi rất hài lòng về cái tên đó. Áo tôi ngắn cũn cỡn, hai chéo áo được cột lại thành một cái gút. Quần tôi thì cũng chẳng kém gì, cao quá mắt cá và bó sát chân. Tôi gật gù. Trông tôi oai quá! Chẳng có đứa con gái nào oai như tôi cả.
Tiếng chị Hai vẫn ở bên tai tôi:
- Tao đi làm cả ngày, đầu tắt mặt tối giúp đỡ gia đình. Buổi tối về tao phải đi gánh nước. Đáng lẽ mày cũng nên làm gì cho me bớt mệt chứ! Sao mày còn làm me phải phiền rầy?
Tôi nhìn chị Hai trong gương, lớn tiếng:
- Dẹp chị đi! Chả biết gì cả cũng “lối”. Nói ngửi không vô.
- Thế nói làm sao để mày ngửi cho vô?
- Chị “sức mấy” nói chuyện với tôi. Im đi là vừa.
Chị Hai lắc đầu, chép miệng. Chị lẳng lặng ngồi xuống giở rương quần áo tìm đồ thay. Bất chợt chị “à” lên, và tôi thấy – trong rương – chị lôi ra cái ví nhỏ của con Chúc. Chị quay phắt lại, trừng mắt hỏi:
- Nãy mày chối, chứ cái gì đây?
- Của tôi. Chị không được sờ tới!
Tôi chồm đến, giật cái ví. Chị Hai giữ không kịp. Mặt chị đanh lại, cơ hồ chị muốn giết chết tôi. Chị giận lắm. Tôi bước ra cửa hông, nhưng còn ngoái lại chọc tức chị:
- Cho chị méc “bà già” đó. Mười “bà già” tôi cũng “cóc” ngán.

**

Tôi từ giã bọn con trai, bước về nhà. Chầu bò viên và đậu đỏ bánh lọt vừa rồi làm tôi no ứ bụng. Bọn thằng Nha, đàn em của tôi, có vẻ hả hê lắm. Nhưng tôi cứ làm như không nghe thấy, ra dáng ta đây chẳng để ‎ý đến chuyện nhỏ mọn. Ăn xong, tôi giao cho chúng nó “công tác” mới: kiếm tiền để xài nữa. Thằng Quan phải chận đường thằng Tài, con bà Hai bán quán ở khúc quanh tối nhất của ngõ xóm đêm nay. Thằng Nha – to con nhất - sẽ xông ra thoi cho Tài mấy thoi, và thằng Chuộc sẽ giật lấy cây bút máy hiệu Parker của Tài. Công việc được bàn tính rất kỹ, vì chúng tôi biết rõ Tài là con một của bà Hai, nên bà rất cưng chiù nó mặc dù bà chỉ có cái quán nhỏ nghèo nàn bán bánh kẹo. Chúng tôi biết rõ Tài đã học đến lớp mười một, bà Hai còn cho nó đi học thêm Toán Lý‎ Hóa ban đêm. Cứ chín giờ tối là nó đạp xe đi ngang đây. Và điều mà chúng tôi biết rõ hơn cả là trên túi áo của Tài lúc nào cũng có giắt một cây bút máy – cây bút máy hiệu Parker rất tốt, có thể bảo đảm cho chúng tôi một bữa “nhậu nhẹt” ngon lành hơn chầu bò viên đậu đỏ hôm nay.
Tôi đến trước cửa nhà. Thấy đôi guốc vông để trên ngưỡng cửa, tôi đoán là có bà Tám bán bánh cuốn sang chơi. Tôi lại đi vòng ngả sau để vào nhà. Chị Hai đi làm chưa về. Tôi nghe tiếng me tôi nói chuyện với bà Tám xầm xì. Tò mò, tôi muốn biết hai người nói gì với nhau, nên đến bên tấm phên ngăn “phòng khách” với buồng ngủ, lắng tai nghe. Tôi ngạc nhiên lắm vì rõ ràng là tiếng me tôi sụt sịt khóc. Me tôi sao thế? Me tôi nói chuyện gì? Bà Tám đã nói gì? Tôi nóng lòng muốn nghe me tôi nói. Đúng là me tôi đang than thở về tôi:
- Bác thấy đó, tôi muốn dạy nó mà rồi cũng phải bó tay. Nó hung dữ quá. Nó du côn hơn cả con trai. Cả xóm này gọi nó là “nữ chúa”, xem có xấu hổ cho tôi không?
Me tôi cúi xuống hỉ mũi. Bà Tám nói:
- Tui cũng ngán cho nó. Ai đời con gái mà lại đi phá làng phá xóm, ai cũng ghét. Mà… sao nó lại khó dạy vậy hả bác?
Me tôi ngẩng lên, mắt long lanh như đang hồi tưởng điều gì:
- Bác hỏi thế làm tôi thêm buồn. Chẳng giấu gì bác, con Tiếp nhà tôi khó dạy là cũng có nguyên do. Hồi mà – bà chỉ bàn thờ bố tôi – ông nhà tôi còn sống, tôi sinh con Tiếp, bác biết không , tôi sinh nó thật khó khăn, tưởng chết. Nó ra đời, thân thể èo ọp trông chả ra hồn gì cả. Mắt nó thì lúc nào cũng lừ đừ, da thì xanh xao, tay chân ít cử động như những đứa trẻ bình thường. Nó chậm lớn lắm bác ạ. Lúc sắp thôi nôi, bỗng nhiên nó ốm một trận không tưởng được. Nó đi chảy cả ngày, người cứ gầy rộc đi. Vợ chồng tôi chạy đủ thứ thuốc mà không khỏi. Tôi lo quá, tôi đoán chắc là “ông bà” quở nó, bắt nó bệnh, nên tôi cầu, tôi cúng, tôi van vái khắp các đền chùa. Mà nó khỏi thật bác ạ. Nhưng rồi nó cứ như thế hoài, vài tháng nó lại ốm một trận. Tôi sạt nghiệp cũng là vì lo chạy chữa cho nó. Lần nào tôi cũng cầu khẩn, lạy lục xin ông bà tha cho nó.
Me tôi ngừng một lát, rồi tiếp:
- Có lẽ ông bà bắt vậy, chứ lẽ nào nó lại kỳ cục thế? Vợ chồng tôi khi thấy nó thoát khỏi những lần đau ốm suýt chết đó, lấy làm mừng lắm và hết sức nâng niu nó. Con Hai chị nó, tội nghiệp, không hề đòi hỏi một thứ gì; chứ nó thì đủ thứ, được cưng chiù hết mực. Tôi không dám đánh mắng nó một chút. Tôi sợ, bác ạ. Tôi sợ mình xử quấy với nó, ông bà lại bắt nó đi thì khốn. Nhất là từ khi ông nhà tôi mất đi, tôi lại càng lo sợ hơn. Nhỡ nó có bề gì, tôi không biết sống làm sao. Bố nó mất, chị Hai nó rồi cũng ra riêng, chỉ có nó với tôi, làm sao?
Bà Tám thở dài. Me tôi chép miệng:
- Cứ chìu nó như thế, nên càng lớn nó càng quá quắc. Đến chừng nó hung dữ quá rồi thì tôi đành bó tay. Mà mỗi lần đánh nó cho đã tức, tôi lại phải lo, phải phiền. Tôi sợ nó trở lại đau ốm như xưa, nhỡ nó “đi”, chắc tôi chết mất bác ạ.
Me tôi lại khóc sụt sùi, giọng bà ướt sũng:
- Đành chịu vậy bác ạ. Nó chả chịu học hành gì cả, đi theo bọn con trai phá phách xóm làng. Chỉ tội nghiệp chị Hai nó, làm thợ may tháng có mấy nghìn bạc, quần quật thấy mà thương…
Tôi rời chỗ đứng, đi ra sau bếp. Bếp núc lạnh ngắt, chưa ai nấu nướng gì. Quá giờ rồi thì phải? Me tôi bận nói chuyện nên không để ý đến thì giờ. Tự nhiên tôi đưa tay sờ lên những son nồi, rồi tôi cầm lấy que đũa sắt, quậy tròn trong lò cho tro rớt xuống. Những son, nồi, những bếp núc, than củi này tôi chẳng bao giờ đụng đến. Xa lạ quá! Tôi chán nản buông que sắt xuống. Tôi chẳng làm gì giúp được cho me tôi hết.
Tôi bỏ ra đường, đứng thơ thẩn như một thằng con trai đợi bạn đi chơi. Nắng chiều xuyên trên má, trên áo tôi. Tự nhiên tôi thấy buồn.

**

<còn nữa>
 
U

uocmolamnhavan

tiếp Nữ chúa

Công tác của tôi giao cho bọn thằng Nha không thành, vì tối hôm qua thằng Tài không đi học. Tôi cho gác việc đó để đêm nay hành động. Nhưng không ngờ, thằng Nha lại bắt tôi phải “ra tay”. Nó viện lẽ xưa nay toàn là chúng nó làm, còn tôi chỉ ngồi không, bây giờ phải thay đổi lại. Chúng nó bảo tôi lén lúc me tôi ngủ trưa để đánh cắp tiền. Nếu tôi không làm được, chúng nó sẽ hết tín nhiệm tôi. Tôi do dự, song cuối cùng đành phải thuận. Từ trước đến giờ tôi vẫn oai hùng làm “nữ chúa” của bọn nó mà! Một “lãnh tụ” không bao giờ được làm cho đàn em mất tín nhiệm. Tôi phải chứng tỏ cho bọn chúng biết tài của tôi – của “nữ chúa”.
Nhưng bây giờ thì tôi lo quá! Mưu kế của chúng tôi lại không thành nữa, biết làm sao đây? Trưa nay khi canh me tôi đã ngủ say, tôi lén mở tủ tìm chiếc hộp vuông nhỏ đựng tiền của bà – dành dụm được bao nhiêu bà đều cất kỹ vào đó. Tôi chắc mẩm thế nào cũng lấy được sơ sơ năm trăm, vì rõ ràng chị Hai mới lãnh tiền về đưa cho me tôi hôm kia. Nhưng tôi chưng hửng vì chiếc hộp trống không. Hay me tôi đã đoán biết mà giấu tiền đi? Vô lý, me tôi ở nhà làm sao biết được? Tôi thắc mắc, suy nghĩ đến bực mình. Thế là bọn đàn em sẽ khinh thường tôi, thế là chúng tôi lại hụt một bữa ăn uống.
Cơm nước xong, tôi đi lững thững ra chỗ hẹn. Bọn thằng Nha, Quan, Chuộc đã đứng sẵn đó từ hồi nào. Thấy tôi, thằng Nha hất mặt, có ý hỏi, nhưng không mở miệng. Tự nhiên tôi đâm cáu. Thằng này bây giờ trông hách quá, chẳng coi tôi ra gì cả. Ý nó đã thay đổi gì chăng? Tôi muốn tỏ vẻ đàn “anh”, nên chỉ lắc đầu và cũng không thèm nói. Thằng Nha “hừ” một tiếng, quay nhìn thằng Quan và thằng Chuộc, nói:
- Thấy chưa tụi bay? Tao đoán không sai mà.
Tôi bực mình, hỏi hơi gắt:
- Mày đoán gì?
Thằng Nha cười khẩy:
- Đoán mày không “cuỗm” được tiền chứ đoán gì.
Tôi nuốt nước bọt, giải thích:
- Tụi mày đứng ngoài chả biết gì cả. Tao đây mới khó khăn. “Bà già” giấu tiền ở đâu ấy. Hộp của bả trống trơn.
Thằng Chuộc ngắt lời:
- Xạo hoài.
- Thật mà. Tao mà nói láo… cho…
Tôi toan thề, song tôi thấy như thế “yếu” quá, mất mặt “nữ chúa” nên ngưng lại. Thằng Nha vung tay đấm trong không khí. Tôi nạt:
- Nha! Mày hôm nay “lớn lối” lắm nhá! Mày là em út tao, mày chớ có làm cái vẻ đó. Mày có giỏi thì về xoay tiền “ông già” mày đi.
- “Ông già” tao hết tiền rồi, chứ còn thì tao cũng đâu để yên.
Cả bọn nhìn nhau. Tôi thấy nản, quay lưng toan về. Nhưng thằng Nha nắm cánh tay tôi lại:
- Bộ về sao bạn? Ở đây tính cho xong đi chứ!
- Tính cái gì?
- Làm sao có tiền cho tụi tao đi ăn chứ!
- Về nhà lục cơm nguội mà ăn. Để tao về.
“Bốp”! Thằng Nha tát tôi một cái tóe lửa. Tôi lảo đảo. Mặt tôi nóng lên vì đau lẫn vì giận. Tôi nhìn thằng Quan, thằng Chuộc. Chúng nó vẫn đứng yên như biểu đồng tình với thằng Nha. Tôi nói run run:
- Tụi mày… phản hả?
- Ừa, phản đó. Không xứng đáng thì làm em tụi tao.
Tôi là “nữ chúa” mà! Tôi vùng lên toan đánh trả thằng Nha. Nhưng nó lanh tay hơn, nắm vai tôi quật tôi té xuống đất thật mạnh. Lưng tôi đau điếng. Tôi nhăn nhó nhìn bọn đàn em từ lâu phục tòng nay trở mặt. Tôi lầm bầm rủa chúng nó. Thằng Nha bồi thêm một thoi vào vai tôi. Tôi tức nghẹn ứ cổ họng.
Bỗng tôi nghe tiếng chị Hai vang lên:
- Nha! Ai cho mày đánh em tao? Dang ra!
Tôi quay lại. Chị Hai bỏ gánh nước đàng kia, chạy đến. Chị xô bọn thằng Nha ra, ngồi xuống nâng tôi dậy. Máu ứa một bên mép tôi, đầu tóc tôi bù xù, áo tôi rách hết một bên vai. Tôi hẳn giống một “anh hùng cao bồi” chiến bại hơn lúc nào hết. Chị Hai xốc tôi lên, hổn hển nói:
- Tiếp! Tiếp! Mày có sao không đó? Đừng xỉu nghen! Giời ơi khổ quá! Trông mày đến đẹp! Mày ơi! Em ơi có sao không? Ơi me ơi! Me ơi!
Giọng chị nghe lanh lảnh, nhưng tôi nhận thấy rõ ràng chị thương tôi lắm, lo cho tôi lắm. Mắt tôi như cứng lại nhưng tôi muốn phải chi lúc này ứa được một giọt nước mắt thì hơn.

**

Ngày tôi mặc chiếc áo dài đầu tiên cũng là ngày cưới của chị Hai. Đám cưới, đám hỏi cử hành luôn một lúc vì me tôi nghèo quá mà bên nhà trai cũng không dư dả gì. Chồng chị Hai là một người lính bộ binh. Anh ấy trông cũng hiền từ lắm, rất xứng với chị tôi.
Đám cưới tổ chức trong căn nhà chật hẹp của tôi, trong khu xóm ồn ào đông đúc. Trẻ con đứng xem đầy cửa sổ. Cũng chẳng ai thèm đuổi chúng, vì lệ ở xóm nhỏ là vậy, đám cưới, đám ma ở đâu cũng không tránh khỏi sự tò mò của trẻ con. Chúng bình phẩm cô dâu chú rể, nào là cô dâu mặc chiếc áo hơi rộng, chú rể không mặc “đồ lớn”. Nhưng không đáng kể. Chỉ đáng kể là khi chúng trông thấy tôi xúng xính trong chiếc áo dài mới màu hoa ngũ sắc đã reo lên:
- Kìa tụi bây! Coi “nữ chúa” hôm nay đẹp ghê!
- Ừa, “nữ chúa” mặc áo dài trông tha thướt tệ!
- Thướt tha như cây đa cổ thụ.
Tôi thoáng thấy bóng thằng Chuộc trước cửa. Nó réo:
- “Nữ chúa”! “Nữ chúa”! Ra đây đấu vài hiệp coi “nữ chúa”!
Tôi quay đi tránh mặt nó. Tôi dễ dàng quên ngay vì trong nhà đông người quá, nói cười hỏi han liên miên. Nhưng khi nhìn kỹ me tôi, tôi thấy nao nao trong lòng. Me tôi mặc chiếc áo dài mới nhất của bà, tóc vấn lên gọn gàng, trông me tôi trẻ lại đôi ba tuổi.
Nhưng không, đôi mắt của me thâm quầng, kết quả của những đêm âu lo.
Mới sáng nay, me tôi lại ngồi khóc với chị Hai. Mắt chị Hai cũng đỏ. Song chị sắp đón nhận một cuộc đời mới tươi đẹp hơn cuộc đời tối tăm ở đây.
Tội nghiệp chị! Bây giờ tôi mới thấy chị vui vẻ. Còn me tôi, những ngày kế tiếp đây, me tôi sẽ cô đơn ghê lắm. Chị Hai đi rồi, chỉ còn me với tôi. Me tôi chưa một lần ngồi kể lể chuyện trò với tôi, vì tôi là “nữ chúa”, là con gái hoang. Me tôi đâu biết những đổi thay trong tâm hồn tôi từ mấy ngày nay, từ cái hôm bị thằng Nha cho vài cái tát. Tôi thấy, thật rõ, những tính nết ngang tàng đã dần dần mất đi trong tôi. Tôi cảm thấy ghét bọn con trai, nhất là bọn thằng Nha. Tôi ghét tụ tập, ghét đánh đá. Và tôi đã thấy ngượng khi nghe một tiếng chửi thề. Tự nhiên tôi thấy yêu thích sự yên lặng, thích ngồi im nhìn me nhìn chị.
Tôi đâm ra thèm muốn một chiếc áo dài khi nhìn con Chúc tha thướt đi ngang nhà. Hôm qua tôi đã đứng chờ nó trước cửa. Nó đi ngang, sợ sệt nhìn tôi, ngại tôi lại “giở trò” gì nữa chăng. Nhưng tôi chỉ hiền từ nhìn nó, và hơi mỉm cười. Khi nó đi khỏi mặt tôi, chợt tôi gọi:
- Chúc! Cho tôi nói này nghe.
Con Chúc e dè nhìn lại. Tôi tiến đến, ngại ngần:
- Chúc này, tôi muốn trả lại cái ví cho Chúc, cái ví… hôm trước… đó!
Con Chúc ngạc nhiên, song nó bớt e dè, cười một cái. Chắc nó thấy tôi không còn dữ tợn như thằng ăn cướp nữa. Và tôi đã trả lại cái ví cho nó, cả hai trăm mới tinh mà chị Hai cho tôi trước khi chị đi lấy chồng. Con Chúc chịu để tôi nắm tay nó một lát. Tôi có được một đứa bạn gái, đứa bạn gái đầu tiên!
Chị Hai và anh Hai đang quỳ trước bàn thờ tổ tiên, sì sụp lạy. Tôi thấy chị Hai len lén nhìn sang phía me tôi. Hình như nước mắt đang lăn dài trên má chị. Tôi hiểu đó là giọt nước mắt chân thành nhất, chứ không phải là nước mắt giả dối thường tình của các cô gái trước khi lên xe hoa. Vì chị Hai thương me tôi lắm, chị hẳn đang nghĩ đến những ngày vắng chị, không ai săn sóc me, giúp đỡ me trong mọi công việc. Chị tôi đáng thương quá! Tôi bỗng tiếc rẻ những ngày sống bên chị. Phải chi tôi cũng như mọi đứa em gái bình thường khác, không ngang tàng phá phách khó dạy như thế này, thì tôi đã có quyền làm nũng, có quyền vòi vĩnh chị, bắt chị kể chuyện cho nghe, bắt chị mua quà, bắt chị ru ngủ… Tôi chưa được sống một ngày nào êm đềm như thế. Mà nay thì chị sắp xa tôi rồi. Tại tôi, do tôi hết cả…
Tôi bỏ đám đông, bỏ những tiếng cười nói rộn rã. Tôi lách mình đi ra ngoài. Đám trẻ con vẫn còn đứng đầy ngoài cửa sổ, bàn tán. Tôi cảm thấy lạc lõng. Lần đầu tiên, giọt nước mắt vì xúc động ứa ra khỏi mắt tôi.
 
Top Bottom