Suy nghĩ của em về vẻ đẹp Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương .
Mọi người cho em một số bài tham khảo với ạ
Phải nói rằng tác giả không có ý định cho Vũ Nương mang đức tính của một phụ nữ yêu nước hay một mỹ nhân nơi gác tía lầu son .Vũ Nương là người phụ nữ bình dân vốn con kẻ khó có một khát khao bao trùm cả cuộc đời - đó là thú vui nghi gia nghi thất.Nàng mang đầy đủ vẻ đẹp của một người phụ nữ lý tưởng “tính đã thùy mị nết na lại thêm có tư dung tốt đẹp ”.Càng đi sâu vào câu chuyện ta càng thấy vẻ đẹp của nàng được tác giả tập trung thể hiện rõ nét.
Tính cách nhân vật được thể hiện qua từng hoàn cảnh khác nhau. Khi mới về nhà chồng, biết Trương Sinh có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức, Vũ Nương đã giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa. Quả là một người vợ tốt, biết giữ trọn lề lối gia phong, biết giữ đạo làm vợ, làm con và hết lòng yêu thương, chăm lo cho hạnh phúc của gia đình.
Khi tiễn chồng đi tòng quân, tính cách của Vũ nương được thể hiện ở lời đưa tiễn. Nàng nói với chồng rằng: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi. Chỉ e việc quân khó liệu(…)bay bổng”. Nàng nghĩ đến những khó nhọc, gian nguy của người chồng trước rồi mới nhận ra sự lẻ loi của mình. Ta thấy rằng: rõ ràng việc Trương Sinh đi lính là một bất hạnh đối với Vũ Nương, nàng mất đi chỗ dựa tinh thần. Với nàng, khát vọng cháy bỏng nhất và cũng rất đỗi bình dị đấy là sự bình yên cho chồng giữa chiến trường khắc nghiệt. Bởi vì sự bình yên cho chồng cũng có nghĩa là sự bình yên cho mái ấm gia đình. Nàng yêu chồng mình tha thiết, dám mạnh dạn bày tỏ tấm chân tình của mình với chồng. Những lời nói của nàng với chồng thể hiện nỗi nhớ nhung nghe sao mà da diết,nồng nàn tình phu thê sâu nặng, không mảy may một chút giả tạo gượng ép nào. Những lời nói ấy thực sự ngân lên từ trái tim của người phụ nữ dành trọn tình yêu thương cho chồng, tràn đầy khát khao mong mỏi về một hạnh phúc gia đình bình dị. Và để đặc tả nỗi nhớ và tấm chân tình này của Vũ Nương, Nguyễn Dữ đã dùng những hình ảnh của ước lệ thể hiệnbao niềm thương nỗi nhớ, bao thổn thức đau đáu của Vũ Nương khi cảm nhận trước được thời gian và không gian phải xa cách chồng như thế nào. Tất cả những cảnh vật hiện ra trước mắt nàng đều làm nàng nhớ đến người chồng của mình. Bao lá thư cũng không thể diễn tả hết được tình cảm của nàng dành cho chồng. Từ đó cho ta thấy Trương Sinh có vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc đời của Vũ Nương, và trong trái timcủa nàng.
Tâm hồn trong sáng và tấm chân tình da diết cháy bỏng của Vũ Nương đã lay động trái tim của những người chứng kiến, khiến họ “ứa hai hàng lệ” cảm thương cho hoàn cảnh của nàng đồng thời trân trọng, cảm phục tấm lòng, tình yêu thương dành cho chồng của nàng một cách tuyệt đối. Lẽ dĩ nhiên cả người đọc chúng ta nữa làm sao không thể không xúc động trước người một người phụ nữđức hạnh vẹn toàn lại luôn bị chồng phòng ngừa quá sức. Nhưng trước cảnh biệt li vợ chồng Vũ Nương lại đau khổ, da diết nhớ thương bởi nếu như Trương Sinh tử trận nơi sa trường, thì đồng nghĩa với việc cướp đi một cách phũ phàng niềm vui nghi gia, nghi thất mà nàng luôn khát khao, cướp đi hạnh phúc mỏng manh mà bấy lâu nay một tay nàng gây dựng.
Cuộc đời của Vũ Nương càng gắn chặt với mái ấm gia đình của nàng hơn khi nàng sinh con. Vũ Nương bây giờ không chỉ gánh trọng trách của một người vợ, của người con dâu mà còn là một người mẹ. Nhưng nàng đã làm tròn vai trò của mình: Một người vợ đảm đang, chung thuỷ, một người mẹ đức hạnh, yêu con, một người con dâu thảo hiền. Với người mẹ chồng, Vũ Nương đã tạo được mối quan hệ tốt đẹp nặng tình, nặng nghĩa, đã làm được cái điều xưa nay là việc khó đối vớicác nàng dâu: tận tình chăm sóc, lựa lời khéo léo động viên mẹ lúc mẹ ốm đau,khi mẹ chồng mất thì nàng lo việc ma chay tế lễ như đối với cha mẹ đẻ của mình. Vì thế nàng đã dành được niềm tin yêu của người mẹ chồng. Chúng ta biết rằng trong xã hội xưa vai vế người phụ nữ trong gia đình thường là thấp hèn nhất . Mẹ chồng kiếm con dâu chỉ cốt để đày đọa , hay kiếm đứa cháu nối dõi tông đường . Cho nên mẹ chồng và con dâu thường thất hòa , không dễ hòa thuận . Thế nhưng Vũ Nươnglại được chính người mẹ chồng này tô đậm phẩm giá của mình. Nguyễn Dữ đã đặt những lời ca ngợi đẹp đẽ nhất về Vũ Nương vào miệng của chính mẹ chồng nàng khiến nó trở nên vô cùng ý nghĩa: “Sau này trời xét lòng lành, ban cho phúc đức ,giống dòng tươi tốt,con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ”. Có thể nói những lời của người mẹ tựa như vàng ròng. Một thứ vàng tâm được đúc ra từ tấm lòng tràn đầy niềm tin yêu cảm phục người con dâu hiếu thảo, nết na đức hạnh đã dành hết tâm sức cho gia đình. Bà cầu Phật ban phúc đức cho người con dâu của mình. Bà tin vào lẽ công bằng, tin ông trời thấu hiểu cho tấm lòng hiếu thảo của người con dâu. Một người như Vũ Nương dung hạnh hơn người lẽ đương nhiên là được hưởng hạnh phúc,xứng đáng với những gì nàng mong muốn khát khao. Song số phận lại đùa cợt với nàng.
Ngày Trương Sinh trở về những tưởng sẽ là những ngày hạnh phúc nhất của Vũ Nương, bao lo lắng, bao nhớ thương, chờ đợi hi vọng của nàng sẽ được đền đáp. Thế nhưngvào ngày này điều mà Vũ Nương từ trước đến nay đã cố giữ gìn không cho nó xảy ra đã đến với nàng và kết thúc tất cả những hạnh phúc vốn rất mong manh của nàng. Chính câu nói ngây thơ của bé Đản: “Ô hay ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói chứ không như cha tôi trước kia chi nín thin thít…trước đây có người đàn ông đêm nào cũng đến mẹ Đản đi cũng đi mẹ Đản ngồi cũng ngồi nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”. thổi bùng lên ngọn lửa ghen tuông vốn đã ăn sâu vào máu của Trương sinh. Thế là Trương Sinh không cần hỏi han cho rõ cơ sự, bất chấp những lời giải thích kể cả sự bênh vực lên tiếng của hàng xóm, về nhà đổ cho vợ cái tội tày đình: tội thất tiết. Vũ Nương cũng chỉ vì nhớ chồng và thương con không nhận được tình cảm của người cha như bao đứa trẻ khác, nàng cho con hình dung người cha bằng chính cái bóng của mình trên vách mỗi khi trời tối. Nhưng nghiệt ngã thay, oan nghiệt thay, cái bóng lại trở thành nỗi oan không có cách nào gỡ nổi cho nàng. Trước nỗi oan tày đình người chồng đổ lên đầu mình, trước sau nàng vẫn giữ trọn đạo làm vợ, vẫn dùng những lời lẽnhẹ nhàng nói với chồng để cởi bỏ mối nghi ngờ. Nhưng Trương Sinh vẫn tàn nhẫn, lạnh lùng không những không cho nàng thanh minh mà còn mắng chửi, đánh đuổi nàng ra khỏi nhà. Là người phụ nữ giàu lòng tự trọng, biết không thể gỡ được nỗi oan, cũng như mong ước giản dị về hạnh phúc gia đình đã bị tan vỡ nàng đã nói lời cuối cùng với chồng:“Nay bình rơi châm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió, khóc tuyết bông hoa rụng cuống; kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa,đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa”.Lần này Nguyễn Dữ cũng dùng những hình ảnh của thiên nhiên để diễn tả tâm trạng nhưng lần này là diễn tả tâm trạng tan nát, từng câu từng chữ như từng giọt máu dứt ra từ trái tim bất hạnh của nàng. Nhưng ngay cả trong những lúc như thế này ta vẫn thấy trong cái quằn quại đau đớn Vũ Nương hiện lên là một người vợ ngoan hiền, tấm lòng đầy khát khao về mái ấm gia đình.Vũ Nương đã cố gắng hết mình ngay từ khi bước chân về nhà chồng để xây dựng hạnh phúc gia đình nhưng đến bây giờ tất cả đã hoá thành hư không. Tuyệt vọng và đớn đau, VN đã tìm đến cái chết để thoát khỏi nỗi oan. Với nàng,cái chết là hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh dự. Cái chết đã chứng tỏ bản lĩnh của nàng. Vũ Nương dám sống và cũng dám chết. Nàng đi đến cái chết một cách rất bình tĩnh, chủ động: trước khi chết tắm gội chay sạch,ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than, mà giãi bày nỗi oan.Rõ ràng Vũ Nương là người muốn sống hơn ai hết nhưng nàng phải tìm đến cái chết. Quyết định đi đến cái chết của VN là một quyết định dũng cảm. Cảm phục thay tấm lòng trinh bạch của nàng. Cảm phục thay cho người phụ nữ vốn rất mực hiền lành dịu dàng, nhẫn nhịn đến quên mình để chăm vén cho gia đình nhưng lại rất cứng cỏi và bản lĩnh khi chẳng còn cách nào khác, sẵn sàng đi đến cái chết để chứng tỏ cho tấm lòng trong trắng của mình.
Và lúc này Nguyễn Dữ đã để cho Vũ Nương sống dưới thủy cung để một lần nữa hoàn thiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ vốn có tư dung tốt đẹp này: đấy là khi nàng gặp Phan lang người cùng làng với nàng. Khi Phan lang khi hỏi về nguyên nhân tại sao lại phải xuống thuỷ cungthì Vũ Nương đã trả lời rằng: “Tôi không may bị người vu oan” chứ không hề oán than, trách móc Trương Sinh. Điều ấy chứng tỏ nàng trước sau vẫn mãi là người vợ ngoan đạo, mọt lòng một dạ giữ gìn danh dự cho chồng, luôn nghĩ cho chồng. Một phần nàng cũng không muốn nhắc lại nỗi đau, nỗi oan nghiệt chưa được hoá giải. Khi Phan Lang nhắc đến chuyện nhà của tổ tiên vàTrương Sinh: “nhà cửa của tiên nhân, cây cối thành rừng, phần mộ tiên nhân của nương tử, cỏ gai lấp mắt. Nương tử dù không nghĩ đến, nhưng tiên nhân mong đợi nương tử thì sao ?’’ thì Vũ nương “ứa nước mắt khóc”. Nàng quả thật là một con người thiện căn, thiết tha gắn bó với quê hương đời sống mà không được sống. Tính cách của nàng và bi kịch như được tô đậm khơi sâu một lần nữa.Ta có thể cảm nhận được những gì đang diễn ra tâm trạng của Vũ Nương: Nhắc đến Trương Sinh là nhắc đến nỗi oan nghiệt của nàng, và khát vọng được giải oan lại cháy lên trong nàng, cả nỗi nhớ chồng con, gia đình lại cồn cào thổn thức. Cũng chính vì thế Vũ Nương đã đi đến một một quyết định táo bạo: nhờ Phan langgửi lời nhắn cùng với một chiếc hoa vàng cho Trương Sinh để lập đàn giải oan cho nàng nếu Trương Sinh còn nhớ đến tình xưa. Chi tiết này lại cho ta thấy Vũ Nương hơn ai hết là người hiểu Trương Sinh, rõ ràng là có yêu thương thì mới hiểu chồng của mình đến vậy.
Chi tiết Vũ Nương trở về kì ảo lộng lẫy trên mặt sông trên kiệu hoa theo sau năm mươi chiếc xe cờ tán võng lọng rợp cả một khúc sông, cùng với lời nói của Vũ Nương từ giữa sông vọng vào cho ta những rung động khôn nguôi về nàng: Vũ Nương vẫn mãi là người vợ ngoan hiền, một mực kính chồng khi nói trong bao tiếc nuối như không thể nào khác được: “thiếp đa tạ tình chàng nhưng thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa”. Vẫn còn đấy trong câu nói của Vũ Nương bao da diết đầy ântình như chưa bao giờ có chuyện Trương Sinh đối xử tệ bạc với mình. Tấm lòng hỉ xả như Phật Bà, nhưng vẫn nặng ân nghĩa cõi trần tục ấy của Vũ Nương quả là đáng trân trọng biết bao. Dẫu biết rằng câu chuyện có những nét hư thực, nhưng ta vẫn tin ở đời này có một Vũ Nương như thế với tên tuổi quê quán rõ ràng - Người con gái Nam Xương.
Dưới ngòi bút của Nguyễn Dữ,Vũ Nương được mọi người yêu mến bằng tính tình,phẩm hạnh của nàng.Trong cái nhìn đầy nâng niu, trân trọng của ông,Vũ Nương là con người của gia đình,đức hạnh của nàng là đức hạnh của một người vợ hiền,dâu thảo, một người yêu mến cuộc sống gia đình và làm mọi việc để giữ gìn,vun vén cho hạnh phúc. Hình ảnh Vũ nương hiện lên là một người phụ nữtrong trắng, thuỷ chung, giàu lòng vị tha, hiếu thảo nhưng cũng là một người phụ nữ khí khái, tự trọng. Ðó là một tâm hồn đẹp, đẹp một cách có văn hoá. Dường như Nguyễn Dữ đã tập trung những nét đẹp điển hình của người phụ nữ Việt Nam vào hình tượng Vũ Nương.
Nguồn: gg