Núi Ấn sông Trà” một cụm từ mà hầu như khi người ta nhắc đến thì đều nghĩ đó chính là vùng đất Quảng Ngãi. Bởi núi Ấn sông Trà” thuộc vào bậc đệ nhất thắng cảnh của tỉnh Quảng Ngãi. Người dân Quảng Ngãi cũng cho rằng núi Ấn sông Trà” là nơi linh thiêng nhất của quê hương này.
Sông Trà Khúc là một con sông lớn nhất tại tỉnh Quảng Ngãi có chiều dài 150km bắt nguồn từ núi Đắc Tơ Rôn cao 2.350m ở phía đông dãy núi Ngọc Linh Từ cầu Hà Giá ngược lên Sơn Hà thì gọi là sông Re, sông Xà Lò. Xuống đồng bằng mới là Trà Khúc chảy qua Sơn Tịnh đỗ ra Cửa Đại (Cổ Lũy), làm nên một cảnh đẹp nữa là Cổ Luỹ cô thôn. Tại ngã rẽ này gọi là Tam Thương.
Trà Khúc giang gắn liền với giai thoại Cao Biền – một vị thầy địa lý tài ba lỗi lạc của triều đình nhà Đường bên Trung Hoa. Ông này phục chỉ của vua nhà Đường sang đất Giao Châu (Việt Nam ngày nay) để triệt phá long mạch vì biết rằng vùng đất này sẽ xuất hiện những người tài giỏi và xưng vương. Cao Biền đã tìm đến khu vực sông Trà Khúc của tình Quảng Ngãi ngày nay.
Trong quá trình thực hiện mưu đồ triệt hạ long mạch tại vùng đất này, Cao Biền đã đúc gươm vàng khắc bùa và trảm long Trà Khúc”. Cao Biền đã chiến đấu với rồng nằm ẩn mình dưới lòng sông Trà Khúc và chém đứt đầu rồng. Đầu rồng bị đứt đã rơi xuống vị trí của núi Long Đầu ngày nay, máu rồng dâng trào làm đỏ cả một dòng sông. Chính vì thế mà nhiều người ngày nay cho rằng nước sông Trà Khúc có màu đỏ là do máu rồng tuôn chảy đến tận bây giờ chưa dứt. sau khi rồng chết nhiều yêu ma thủy quái đã lộng hành ở sông, phá hoại đời sống của người dân. Từ trên thiên giới vào ngày nọ Ngọc Hoàng vén mây nhìn xuống hạ giới xem tình hình cảnh sống của người phàm thế nào, Ngài đã thấy bá tánh sông Trà đang điêu đứng gian nan bởi bọn thủy quái hung hăn. Thế lúc đó Ngài đã ném Ngọc Ấn của mình xuống đấy để diệt trừ yêu ma. Ngọc Ấn của Ngọc Hoàng đã hóa thành ngọn núi Thiên Ấn ngày nay.
Thiên Ấn niêm hà (dấu trời đóng bên sông) là một quả núi cao 105m nằm giữa đồng bằng huyện Sơn Tịnh ở tả ngạn của sông Trà Khúc, cách thành phố Quảng Ngãi hơn 3km về hướng Bắc. Từ bến đò Trà Khúc năm xưa qua khỏi cầu Trà Khúc 1 nằm trong tuyến quốc lộ 1A có thể nghỉ chân nắ ngắm cảnh Long Đầu hý thủy rồi theo quốc lộ 24B Trà Khúc – Sa Kỳ 2km, bên tay phải có con đường trải nhựa, xoáy tròn trôn ốc lên đến tận đỉnh bằng phẳng hơn 10 mẫu. Chân núi rộng chu vi khoảng 5km như một khối hình thang, chiếm mặt đất khoảng 50 mẫu.
Núi Ấn còn có nhiều tên gọi khác như: núi Hó, Kim Ấn Sơn, Thổ Sơn (núi đất), Thổ châu (núi đỏ). Xưa kia núi mọc toàn là tranh chen lẫn với đá, mặt đỉnh câu cối mộc sầm uất có cọp ở. Người dân trong làng thường dung tranh của núi Ấn để lợp nhà, tuy nhiên, không ai dám bén mảng lên đỉnh và cho rằng đất là vùng đất thiêng.
Chân núi phía Đông Thiên Ấn có cái gò cao giống cái hộp đựng con dấu, gọi là hòn Triện. Mặt khác, ngày xưa các nho sĩ thường đến Thiên Ấn lấy đá non về mài mực viết vẽ, phê sách vở rất tốt. Cũng từ đó mà trong dân gian đã có câu:
Son núi Ấn, mài hòn son Ấn, Ấn tốt son tươi
Nước sông Trà, pha nấu nước trà, trà thơm nước động”
Đứng trên Thiên Ấn có thể nhìn bao quát cả một khung cảnh thiên nhiên núi non thơ mộng. Phía Tây Thiên Ấn giáp với núi Long Đầu, phía Bắc giáp núi La Vọng. Ngoài cảnh đẹp núi non Thiên Ấn còn thu hút khách hành hương đến đây chiêm bái, hành lễ vì trên núi còn có mộ của cụ Huỳnh Thúc Kháng một nhà nho yêu nước, một chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ đấu tranh đòi tự do dân chủ từ thực dân Pháp. Tọa lạc trên núi còn có Sắc Tứ tổ đình Thiên Ấn” chứa đựng nhiều câu chuyện kỳ bí thú vị, được vua Lê sắc phong vào năm 1727.
Năm 1990 núi Thiên Ấn - chùa Thiên Ấn - mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng đã được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam xếp hạng di tích và thắng cảnh quốc gia.
Nguồn : sưu tầm