Câu 3
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Chúng ta biết tới danh nho Nguyễn Dữ với tư cách một nhà nho ẩn dật gần như suốt cả cuộc đời trong thời trung đại với tác phẩm bất hủ Truyền kì mạn lục. Từ khi tác phẩm ra đời tới nay đã có khá nhiều công trình nghiên cứu bàn về những giá trị nhiều mặt cùng vị trí văn học sử của nó đối với sự phát triển của thể loại truyện ngắn truyền kì trung đại. Tên tuổi và tấm lòng của ông cũng từ đây mà được hết sức trân trọng và đề cao. Song có một vấn đề khá đặc biệt và lí thú là: trừ chuyện số 19 (Cuộc nói chuyện ở Kim Hoa), 19 thiên còn lại của Truyền kì mạn lục đều có phần lời bình của tác giả đặt ở cuối. Đây nội dung còn chưa được ai bàn bạc một cách thấu đáo. Bài viết của chúng tôi đi sâu tìm hiểu toàn bộ phần lời bình này để từ đó chúng ta có cơ hội hiểu thêm về thái độ, chính kiến và tình cảm của nhà văn đối với những sự việc và câu chuyện trong tác phẩm.
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Vấn đề xác định tác giả của phần lời bình
Thể loại truyện ngắn trung đại ViÖt Nam, ngoài những thiên trong Việt điện u linh tập (Lý Tế Xuyên), Thiền uyển tập anh ngữ lục (khuyết danh), Lĩnh Nam chích quái lục (Trần Thế Pháp), Nam Ông mộng lục (Hồ Nguyên Trừng) đến Truyền kì tân phả (Đoàn Thị Điểm), Tục truyền kì (Đặng Trần Côn)... không có phần lời bình cuối các thiên truyện còn lại các tác phẩm khác như Thánh Tông di thảo (tương truyền của Lê Thánh Tông), Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ) và Lan Trì kiến văn lục (Vũ Trinh) là đều có phần lời bình cuối mỗi thiên.
Thực chất việc tác giả truyện ngắn trung đại viết truyện có lời bình là do ảnh hưởng của lối viết sử trung đại. Vì thế, việc các tác giả như Lê Thánh Tông, Nguyễn Dữ và Vũ Trinh viết truyện có thêm phần lời bình là một việc làm hết sức bình thường chứ không nên cho rằng lời bình là do người đời sau chắp vào. Vì nếu hiểu là lời bình do người đời sau chắp vào thì sẽ không thể lí giải được tại sao Lan Trì kiến văn lục, một tác phẩm xuất hiện khá muộn (thế kỉ XVIII - XIX) vẫn có lời bình. [8 ], [9 ].
Vì vậy, chúng tôi suy nghĩ rằng, việc xác định toàn bộ phần lời bình là của Nguyễn Dữ hay không có một ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì, nếu như phần lời bình đó chỉ có một phần là của Nguyễn Dữ, phần còn lại là của một người nào đó đồng quan điểm với tác giả viết thêm vào sau khi tác phẩm ra đời như trong cách suy luận của một số nhà nghiên cứu thì sẽ nảy sinh vấn đề tiếp theo: lời bình nào là của Nguyễn Dữ, lời bình nào là của người khác viết sau? Quan điểm của Nguyễn Dữ là gì, trong tác phẩm hay ở phần lời bình? Đây quả là những câu hỏi không dễ đi tìm lời giải đáp vì chúng ta hiện thời chưa có được đầy đủ tư liệu xác tín.
PGS. Bùi Duy Tân cho rằng, phần lời bình là một phần của Nguyễn Dữ và một phần của người khác viết thêm vào: “Trừ truyện số 19 (Cuộc nói chuyện ở Kim Hoa) các truyện còn lại đều có lời bình của tác giả ở cuối mỗi truyện... Hoặc lời bình đó là của một người cùng quan điểm với tác giả.” [1, 374]
Trong khi đó, PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh không nói rõ vấn đề này nhưng hình như nghiêng về quan điểm cho rằng, 19 lời bình là đều do Nguyễn Dữ viết ra: “Truyện được viết bằng văn xuôi Hán có xen những bài thơ, ca, từ, biền văn, cuối mỗi truyện (trừ truyện 19 - Kim Hoa thi thoại kí) đều có lời bình thể hiện rõ chính kiến của tác giả” [2, 202]. PGS.TS. Lại Văn Hùng thì mặc nhiên coi phần lời bình là của Nguyễn Dữ mà không có sự giải thích thêm nào: “Nhất là ở các lời bình cuối truyện, nơi người ta lại thấy rõ sự phân thân của nhà văn” [4, 60].
Thật ra, các nhà nghiên cứu đều coi phần lời bình này như một vấn đề đương nhiên nên không đặt trọng tâm sự chú ý của mình vào đó mà tập trung bàn tới vấn đề chính của bài viết là về nội dung tư tưởng và nghệ thuật của Truyền kì mạn lục.
2.2. Vấn đề xác định vị trí của phần lời bình
19 lời bình được viết rất ngắn gọn, khoảng từ 100 đến 150 chữ. Nội dung cô đọng và súc tích. Chúng được đặt ở cuối các thiên trong tác phẩm. Các nhà tuyển dịch và xuất bản sau này phân biệt phần lời bình với câu chuyện trước nó bằng cách in nghiêng và với co chữ nhỏ hơn. Các tác giả sách giáo khoa lớp 9 và lớp 10 sử dụng bản dịch của Ngô Văn Triện nhưng lại cho phần lời bình là một bộ phận riêng biệt, tách rời khỏi thế giới nghệ thuật của tác phẩm nên đều cắt bỏ phần lời bình đi mặc dù học giả Ngô Văn Triện khi dịch đã giữ lại toàn bộ phần lời bình theo đúng nguyên tác. [3, 40-48; 6, 142-147]
Thiết nghĩ, việc cắt bỏ phần lời bình đi thì rõ ràng là các nhà nghiên cứu đã quan niệm phần lời bình không phải là một bộ phận hữu cơ của các thiên truyện; còn giữ phần lời bình lại ít nhiều cho thấy quan niệm của người dịch: lời bình là một bộ phận đi liền và không thể thiếu của các thiên trong tác phẩm.
Chúng tôi quan niệm, 19 lời bình là một bộ phận hữu cơ của các thiên truyện bởi một số lí do sau đây:
Thứ nhất, lời bình là do Nguyễn Dữ viết ra, chỉ có ý nghĩa khi nó được đặt ở cuối các thiên truyện.
Thứ hai, tác phẩm văn học là một hệ thống chỉnh thể. Trong đó, các thành tố bộ phận có tính độc lập tương đối và tham gia cấu tạo tác phẩm. Các thành tố bộ phận này có quan hệ hữu cơ với nhau, nó chỉ có ý nghĩa trọn vẹn khi tham gia vào chỉnh thể, tạo nghĩa cho chỉnh thể. Và chính ý nghĩa của chỉnh thể quy định ý nghĩa của các thành tố bộ phận. Với lí do đó, bản thân lời bình vẫn có thể có ý nghĩa nhất định nào đó, song rõ ràng là nó luôn bị lệ thuộc và chịu sự chi phối của toàn bộ thế giới nghệ thuật của thiên truyện (tác phẩm) đó. Ở đây chúng ta cần có cái nhìn lịch sử cụ thể đối với các hiện tượng văn học.
Thứ ba, có sự tương đồng và dị biệt trong quan điểm của Nguyễn Dữ giữa phần tác phẩm và phần lời bình. Ở đây, sẽ quy định nên hai tư cách của Nguyễn Dữ: người sáng tác và người đọc, thưởng thức, phê bình.
2.3. Giá trị của phần lời bình
Lời bình - thành phần trữ tình ngoại đề vốn có một giá trị rất đặc biệt để cho tác giả tạt ngang cảm xúc - trực tiếp thể hiện tình cảm, thái độ của mình về các vấn đề nội dung - tư tưởng đã được xây dựng trong tác phẩm. Một đặc điểm dễ nhận ra là lời bình của Nguyễn Dữ tập trung bàn về nội dung ý nghĩa của tác phẩm. Một số lời bình khá dễ hiểu; song có một số lời bình lại rất khó hiểu. Có lời bình trực tiếp; có lời bình gián tiếp - trên cơ sở liên tưởng đến một nhân vật khác ngoài thế giới nghệ thuật của thiên truyện có cùng đặc điểm về mặt phẩm chất đạo đức, nhân cách nào đó…
Truyền kì mạn lục được viết ra với mục đích “khuyến thiện trừ ác”, bàn về vấn đề nhân cách, đạo đức của con người trong xã hội đương thời. Vì lẽ đó, truyện số 19 - Kim Hoa thi thoại kí hầu như không đề cập tới vấn đề đạo đức nên dễ hiểu là thiên này không có phần lời bình.
Còn lại, 19 lời bình tập trung bàn về giá trị nhân cách - phẩm chất của các nhân vật. Từ đó, Nguyễn Dữ muốn đề cao những giá trị đạo đức, nêu cao chủ nghĩa nhân đạo - một trong những khuynh hướng tư tưởng của Truyền kì mạn lục. Điều này, xét đến cùng là phù hợp với quan điểm của tác giả về các vấn đề được trình bày trong tác phẩm. Nguyễn Dữ trong tư cách một nho gia, hấp thụ khoa cử Nho học với việc đề cao đạo đức của con người, cho nên đấng nam nhi ở đời thì phải học hành và thi thố để có thể mang tài năng, sức lực phục vụ triều đại phong kiến, phục vụ nhân dân; phụ nữ thì phải tuân thủ lễ giáo đạo đức phong kiến, công dung ngôn hạnh... Vượt ra ngoài những khuôn phép đó thì họ sẽ bị lên án, phê phán. Thái độ của nhà nho Nguyễn Dữ trong lời bình cũng theo chiều hướng như vậy. Hãy xem lời bình của Nguyễn Dữ trong Câu chuyện ở đền Hạng Vương:
“Than ôi, so Sở với Hán thì Hán hơn, sánh Hán với bậc vương đạo, Hán còn xa lắm. Sao vậy? Hồng Môn nổi dậy, Thái công tha về, những việc ấy, Sở không phải là bất nhân; nhưng nhân nông mà ác sâu. Làm cỏ Dĩnh Xuyên, giết hại công thần, những việc ấy, Hán không phải là không có lỗi, nhưng lỗi ít, tốt nhiều. Sở đã đành là trái với nhân nghĩa, nhưng Hán cùng chỉ là giống với nhân nghĩa. Họ Hạng nước Sở không được là hạng bá giả mà vua Cao nhà Hán cũng là tẹp nhẹp. Kẻ trị thiên hạ nên tiến lên đến đạo thuần vương, còn Hán Sở nhân với bất nhân, hãy gác ra không cần bàn đến” [2, 212]
Hay trong Chuyện nghĩa phụ ở Khoái Châu:
“Than ôi, người con gái có ba đạo theo, theo chồng là một. Nàng Nhị Khanh chết, có quả là đã theo chồng không? Thưa rằng không. Đời xưa bảo theo, là theo chính nghĩa chứ không theo tà dục. Chết hợp với nghĩa, có hại gì cho cái đạo theo. Theo nghĩa tức là theo chồng đó. Có người vợ như thế mà để cho phải hàm oan. Trọng Quỳ thật là tuồng chó lợn. Muốn tề được nhà, phải trước tự sửa mình lấy chính, khiến cho không thẹn với vợ con, ấy là không thẹn với trời đất”.
Còn đây là lời phê phán của Nguyễn Dữ đối với Hà Nhân: vì tham sắc dục mà bỏ quên việc học hành khoa cử:
“Than ôi, thanh lòng không bằng ít dục, dục nếu yên lặng thì lòng trống rỗng mà điều thiện sẽ vào, khí bằng phẳng mà cái lý sẽ thắng, tà quỷ còn đến quấy nhiễu làm sao được. Chàng họ Hà lòng trẻ có nhiều vật dục, cho nên loài kia mới thừa cơ quyến rũ. Nếu không thì những giống nguyệt quái hoa yêu, mê hoặc sao được mà chẳng phải thu mình nép bóng ở trước Lương công là một bậc chính nhân. Kẻ sĩ gánh cặp đến học ở Tràng An, tưởng nên chăm chỉ về học nghiệp, tuy không dám mong đến được chỗ vô dục nhưng giá gắng tiến đến chỗ quả dục thì tốt lắm!”.
Trong tư cách một người phê bình đặc biệt, đứng ngoài thế giới hình tượng của tác phẩm (song bản thân lại hiểu sâu sắc thế giới đó!), Nguyễn Dữ viết lời bình để đề cao cái nhân nghĩa, cái lễ giáo ở đời mà con người ta phải theo. Lời bình tạo ra thêm một bước để cụ thể cho quan điểm, thái độ của người viết, giúp định hướng cảm thụ cho người đọc. Lời bình theo đó cũng là sự cụ thể hơn nội dung, tâm sự, tư tưởng thực mà các thiên truyện chưa thể hiện rõ; hoặc cũng có khi lời bình lại đẩy xa hơn cái hệ quả mà nhân vật đáng được hưởng hoặc đáng phải nhận, bị phạt.
Nhưng một vấn đề cần bàn tiếp là: Nguyễn Dữ trong tư cách nhà văn, người xây dựng thế giới hình tượng, thế giới nghệ thuật của tác phẩm so với Nguyễn Dữ trong tư cách một người phê bình có tương đồng và dị biệt như thế nào “Nhất là ở các lời bình cuối truyện, nơi người ta lại thấy rõ sự phân thân của nhà văn. Nhiều khi truyện và lời bình không khớp nhau” [4, 60].
Chúng tôi nhận thấy, 13 lời bình của 13 thiên truyện, gồm các thiên 1, 2, 4, 6, 8, 9, 10, 11, 13, 15, 17, 20 về cơ bản là có sự thống nhất tương đối với nội dung tư tưởng tác phẩm. Tức là, nếu cảm hứng của tác phẩm là phê phán thì lời bình cũng là sự phê phán; cảm hứng của tác phẩm là ngợi ca thì lời bình cũng sẽ là ngợi ca. Ví như trong Chuyện đối tụng ở Long cung: truyện phê phán những việc làm xấu xa, bỉ ổi của thần Thuồng luồng và ca ngợi phẩm chất cứng cỏi của vợ chồng Dương thị thì ở phần lời bình, Nguyễn Dữ tiếp tục nhấn mạnh hai điểm này:
“Than ôi, chống được ách lớn thì thờ, cản được nạn lớn thì thờ, đó là phép cúng tế. Hưởng sự cúng tế ấy thì phải “cố danh tư nghĩa”, đâu có nhẽ nhận sự thờ cúng lại còn đi làm tai làm hại cho người. Thế thì cái tội của vị thần Thuồng luồng chỉ phải bị tù đày thôi sao!
Quảng Lợi vương dụng hình như thế, thật là chưa đáng. Tất phải làm như Hứa Tốn, Thứ Phi mới là cái việc thú vị được. Cho nên Địch Nhân Kiệt khi làm tuần phủ Hà Nam tâu xin phá huỷ đến một nghìn bảy trăm toà đền thờ không xứng đáng, thật là phải lắm!”.
Còn trong Chuyện Chức Phán sự đền Tản Viên, Nguyễn Dữ ca ngợi phẩm chất đẹp đẽ, táo bạo cứng cỏi của kẻ sĩ ở đời là Ngô Tử Văn. Sau hành động đốt bỏ đền để trừ yêu quái cho dân lành, Ngô Tử Văn đã gặp phải một số khó khăn thử thách nhưng cuối cùng Ngô Tử Văn vẫn đắc đạo, được người đời thờ tụng: “Người ấy ngẩng đầu trông về phía trước, người ngồi trên xe chính là Tử Văn. Song Tử Văn chỉ ngồi trên xe chắp tay thi lễ chứ không nói một lời nào, rồi thoắt đã cưỡi gió mà biến đi mất”.
Và đây là lời bình của truyện này: “Than ôi! Người ta vẫn nói “cứng quá thì gãy”. Kẻ sĩ chỉ lo cứng cỏi không được, còn gãy hay không là việc trời. Sao nên đoán trước là sẽ gẫy mà đổi cứng ra mềm ru!
Còn tiếp
Sưu tầm