Chuyện về mẹ những ngày khốn khó ( sT)
Chuyện về mẹ những ngày khốn khó
Tôi không nhớ mình cảm nhận được tình yêu dành cho mẹ từ khi nào. Có thể từ hôm có một bà sang đánh ghen, gào ầm ĩ trong khi mẹ đi chợ. Tôi hèn nhát loanh quanh trong nhà rồi lại len lén ra sân trong khi cả khu tập thể chạy ra dòm ngó.
Người đầu tiên bao giờ cũng là Mẹ, người có thể cho tôi tất cả các cảm xúc mà một người có thể có được: vui, buồn, giận hờn, chán nản, hạnh phúc... nhưng lớn hơn cả vẫn là tình yêu thương. Với hầu hết mọi người, tôi chỉ có thể thực sự cảm thấy sự yêu thương khi đã lớn, nhưng với Mẹ thì từ lâu lắm rồi. Từ khi nào đó, tôi không còn nhớ nữa, tôi đã cảm nhận được sự yêu thương trong lòng mình dành cho Mẹ.
Có thể là từ ngày tôi lên 5, mẹ dẫn tôi về Bắc. Trên chuyến tàu chợ từ Nha Trang về Vinh cực kỳ đông, người ta xếp chồng biết bao nhiêu hàng hóa gạo thóc mang ra Bắc để bán. Hành trang của mẹ là mấy bao gạo và tôi. Đến ga Diêu Trì, tàu nặng quá không chạy được, thế là xuất hiện mấy ông đại loại như quản lý thị trường ấy, trèo lên tàu và không cần biết hàng hóa của ai, cứ thế vứt xuống. Mẹ con tôi cũng bị vứt xuống 2 bao gạo. Mẹ dặn tôi ngồi trông bao gạo còn lại để mẹ chạy xuống xin xỏ người ta.
Tôi ngồi trên tàu, nhìn xuống sân ga sáng rực lửa đuốc đầy những đàn ông trần trùng trục khuân gạo chạy ngang chạy dọc, đầy những đàn bà hò hét gào thét để giữ hàng, mà lo cho mẹ. Không biết mẹ làm gì mà lâu ơi là lâu, mãi không thấy lên. Tôi sợ mất mẹ lắm. Tôi không sợ cho tôi, chỉ sợ nhỡ mẹ không lên kịp, tàu chạy thì làm thế nào mà về được nhà. Hồi đó đâu biết người lớn giỏi thế nào đâu.
Cứ như thế mãi, cuối cùng thì mẹ cũng lên tàu, áo mẹ mặc ướt sũng mồ hôi. Có hai ông bê hai bao gạo lên vứt vào chỗ chúng tôi ngồi, vừa khuân vừa càu nhàu bảo cái bà bộ đội này rách việc thế. Mẹ thì đứng sững, nhìn tôi một lúc và ôm tôi vào lòng, bật khóc. Sau này mẹ kể, lúc đó nhìn thấy mặt tôi tái xanh, hai mắt tròn xoe hoảng hốt ngồi trên bao gạo, hai chân hai tay ôm chặt lấy bao gạo sợ người ta lấy mất. He he, thần giữ của từ nhỏ, nhỉ? Hôm đó mẹ con tôi lãi to, vì hai bao gạo mà người ta trả lại to hơn hai bao bị vứt xuống ban đầu...
Có thể là từ hôm nhà tôi bị mất trộm, trời mưa gió, mẹ đạp xe lên trường đón tôi về, mẹ khóc. Hôm đó nhà tôi mất hết, từ cái bật lửa. Mẹ biết ai là kẻ trộm, nhưng không nói gì. Đó là lúc tôi bắt đầu biết tức giận và thương mẹ vô cùng. Lúc về nhà mẹ đi nằm luôn, các cô chú trong khu tập thể sang thăm và động viên, còn mẹ thì cứ khóc. Tôi nhìn thấy trên bàn có cái gì đó giống như bánh quy Hương Thảo, loại bánh tròn tròn cứng cứng mà mỗi khi ăn tôi thường phải nhúng vào nước cho mềm ra. Thoạt tiên tôi thấy thèm lắm, và có tí tủi thân khi nghĩ mẹ có bánh mà không cho mình. Nhưng sau đó tình thương nổi lên thì phải, tôi nghĩ mẹ đang buồn và mệt lắm, phải nhường cho mẹ ăn. Thế là tôi đến gần, cầm cái bánh lên định đưa cho mẹ. Té ra không phải, đó chỉ là miếng mút đánh phấn của cô nào đó sang chơi để quên. Tôi thấy ân hận vì trót ghen tị với mẹ. Cảm giác đó đến bây giờ vẫn còn.
Cũng có thể là từ hôm có một bà nào đó sang tận khu tập thể đánh ghen, gào ầm ĩ trong khi mẹ đi chợ. Tôi hèn nhát loanh quanh trong nhà rồi lại len lén ra sân trong khi cả khu tập thể chạy ra dòm ngó. Từ xa, nhìn thấy mẹ xách mớ rau về nhà, tôi hoảng sợ chỉ muốn chạy ra bảo với mẹ hãy tránh đi, mà không dám. Tôi sợ gì không biết nữa. Quá bé để có thể hiểu hết những việc mà người lớn đang làm, nhưng tôi có thể tưởng tượng ra hậu quả của nó. Hic, trái với sự hèn nhát của tôi, mẹ bình tĩnh không ngờ và đã xử lý mọi chuyện đâu ra đấy. Té ra bà kia ghen nhầm, và xin lỗi mẹ tôi sao sao đó (tôi không biết vì bận trốn vào một góc ngồi khóc vì hổ thẹn cho mình và thương cho thân người phụ nữ nuôi con một mình như mẹ).
Có thể là từ hôm trời bão to, cả khu tập thể đã sơ tán lên nhà bảo tàng hết, chỉ còn nhà tôi chưa lên vì tôi sốt cao quá không đi được. Nửa đêm bỗng dưng nghe tiếng ầm ầm và thấy trời sáng hẳn. Té ra tường mấy nhà đầu hồi đã sập hết, gió đang đà lùa đến nhà tôi. May mắn làm sao, đến lượt nhà tôi thì tường lại đổ trở ra chứ không đổ vào nhà nên mẹ con tôi thoát nạn.
Mẹ quấn chăn chiên vào người tôi, ôm tôi lần theo bờ tường để đi lên khu nhà trưng bày. Gió mạnh làm hai mẹ con ngã xiêu vẹo, cứ đứng lên lại ngã xuống. Khi lên đến nhà trưng bày, mọi người đã ngủ hết nên không nghe thấy tiếng mẹ gọi. Mẹ đưa tôi chui vào góc đằng sau tượng Bác Hồ để đứng đợi và đi tìm cây gỗ để đập vào cửa. Tượng Bác Hồ bây giờ không còn như xưa nữa, cái góc mà tôi chui vào bây giờ cũng không còn nữa. Nhưng cái đêm bão bùng đó thì không bao giờ quên được, nhất là khi giở lại những cuốn sách rách nát sau trận bão mà mẹ tôi còn thu lại được và giao cho tôi ngồi phơi mất mấy ngày trời..
Có thể là từ những đêm giao thừa tôi ở nhờ nhà cậu, còn mẹ một mình đốt pháo và cúng sang canh trong căn nhà tập thể bảo tàng...
Mẹ lấy chồng, sinh con và chia ly khi bằng tuổi tôi bây giờ. Từ khi về Vinh, cuộc sống của mẹ gắn với cái bảo tàng, biết bao buồn vui, bao thất vọng và cả vinh quang đến với mẹ từ nơi đó. Bây giờ mẹ đã già, nhiều lúc nhìn mặt mẹ mệt mỏi và già nua thấy thương quặn trong lòng. Thế nhưng tính nết ương bướng giống nhau nên nhiều khi khắc khẩu.
Tôi hay cãi mẹ, vừa cãi vừa thấy mình quá đáng. Thế mà mãi không sửa được. Những đứa bạn biết cả tôi và mẹ đều yêu quý mẹ, và bảo với tôi rằng mẹ có một tình thương kỳ lạ dành cho tôi, vừa yêu thương vừa sợ. Có lẽ mẹ sợ mất tôi, cũng như tôi luôn sợ mất mẹ. Hic! Mẹ ơi, có phải tại mẹ thương con nhiều quá không?
Dạo này mẹ già và hay đau ốm. Tôi thì lại chẳng thể ở gần.