Chương 6: Tôi là thằng cu Mùi
Con Tủn hồi bé khác xa con Tủn bây giờ. Nghĩa là đáng yêu hơn nhiều, cho dù nó không hề yêu tôi.
Sau vụ tin nhắn, tôi ngoắt nó ra ngoài hè, chửi té tát:
- Mày đưa cho ****** đọc mẩu tin đó chi vậy?
- Tại mình không hiểu bạn muốn rủ mình làm gì.
- Bây giờ mày hiểu chưa?
- Chưa hiểu.
- Chưa hiểu thì đừng bao giờ hiểu.
Tôi nói vậy vì tôi đã hiểu rồi. Chính chú Nhiên đã giải thích cho tôi. Chú vừa giải thích vừa cười khà khà trong khi mặt tôi méo đi từng phút một.
Kể từ hôm tôi lỡ lầm một chút đó, đời tôi mất đi bao nhiêu thứ một chút khác. Ba tôi cấm tôi không được nghịch chiếc điện thoại của chú Nhiên nữa.
Không được gửi tin nhắn rủ con Tủn đi dạo một chút, lai rai một chút, đời tôi trở nên buồn quá nhiều chút.
Ngày tháng trở lại là những ngày tháng cũ. Lẽo đẽo trong hành lang hiu quạnh của cuộc sống, tôi lại đi từ trường về nhà, từ phòng ngủ đến phòng tắm, từ bàn ăn đến bàn học với một nhịp điệu không đổi, y như trái đất vẫn buồn tẻ quay quanh mặt trời.
Nếu tôi là trái đất, đôi khi tôi lẩn thẩn nghĩ, tôi sẽ không cam chịu sống một cuộc sống máy móc và đơn điệu như thế. Tôi sẽ không thèm quay nữa, hoặc là tôi sẽ tìm cách quay theo hướng khác. Mặc cho mọi thứ ra sao thì ra.
Nhưng tôi không phải là trái đất. Tôi là thằng cu Mùi.
Thằng cu Mùi không lái được trái đất theo ý mình nhưng nó có thể bắt cuộc sống của nó đi theo cái cách mà nó chợt nghĩ ra.
Khi khát nước, tôi không thèm rót nước vô ly nữa. Tôi rót nước vô chai xá xị. Những chai xá xị uống xong, mẹ tôi chất hàng đống trên đầu tủ, chờ bán cho các gánh ve chai. Tôi uống nước trong chai, thấy thú vị làm sao.
Hải cò qua nhà tôi chơi, thấy vậy ba chân bốn cẳng chạy về nhà nằng nặc đòi mẹ nó mua xá xị cho nó.
Xưa nay nhà Hải cò không bao giờ uống các loại nước ngọt đóng chai. Mẹ nó bảo các loại nước ngọt toàn chất hóa học, có họa là điên mới nốc ba thứ độc hại đó vào người.
Nhưng thằng Hải cò bù lu bù loa ghê quá, bà đành ra chợ tha về cho nó một chai.
Hôm sau, Hải cò cầm chai nước chạy qua nhà tôi, mặt hiu hiu tự đắc:
- Mày xem! Hôm qua đến giờ tao uống nước bằng cái chai này nè.
Tôi tủm tỉm:
- Mày thấy thế nào?
- Ờ, nước trong chai ngọt và mát hơn nước trong ly mày ạ. Lạ ghê!
Tôi còn bày cho Hải cò nhiều chuyện lạ khác nữa. Hết uống, tôi chuyển sang ăn. Tôi không thèm bới cơm vô chén như trước nay. Tới bữa ăn, trước ánh mắt sửng sốt của ba mẹ tôi, tôi đổ cơm và thức ăn vào chiếc thau nhôm, trộn lên như một món thập cẩm. Rồi bưng cái thau ra ngoài hè, tôi ngồi xổm nhìn ra đường vừa lấy muỗng xúc cơm tọng vô miệng, cảm thấy cuộc sống vô cùng tươi đẹp.
Trông tôi ăn cơm trong thau rất giống con heo nhà tôi ăn cơm trong máng, nhưng Hải cò vẫn tấm tắc:
- Hay quá! Kiểu mới à?
- Ừ, kiểu mới! Thích lắm!
Hôm sau, Hải cò lại háo hức đi tìm tôi, chỉ để khoe:
- Tao vừa ăn cơm trong thau.
Lần này không đợi tôi dò hỏi, Hải cò hớn hở nói luôn:
- Ăn cơm trong thau ngon tuyệt mày ạ. Ngon hơn ăn bằng chén nhiều. Lạ ghê hén mày?
Hải cò lại “lạ ghê”.
Tôi cũng thấy lạ, mặc dù tôi lường trước được điều đó.
Bây giờ, tức là lúc ngồi viết lại câu chuyện này, dĩ nhiên tôi thừa biết hồi đó chính yếu tố tâm lý đã tác động đến khẩu vị của bọn tôi. Sự thay đổi của hoàn cảnh đã dẫn đến sự thay đổi của cảm xúc.
Tại sao những lời tỏ tình thốt ra ở cạnh bờ sông hay ngoài đồng cỏ dễ thành công hơn khi cũng những lời đó thốt ra giữa quảng trường hay nơi chợ búa?
Tại sao những đôi vợ chồng thích đi du lịch đến những nơi xa lạ để tìm lại cảm giác của những ngày đầu, điều mà họ không thể tìm thấy khi quanh quẩn trong căn nhà quen thuộc?
Tất cả đều có lý do của nó. Con người ta bao giờ cũng cần đến một hoàn cảnh mới để trước tiên làm mới lại chính cảm xúc của mình, rồi sau đó nếu tiện thì tiếp tục làm mới những thứ khác.
Do vậy, người lớn khi có điều kiện họ lập tức thay đổi hoàn cảnh, đôi khi bằng cách hết sức cực đoan như thay một người vợ này (hay một người chồng này) bằng một người vợ khác (hay một người chồng khác).
Tóm lại, người lớn thường cho phép mình làm tất cả những gì mình thích, kể cả những ý thích rất là vớ vẩn và cấm trẻ con làm tất cả những gì họ không thích, và sự cấm cản của họ nhiều khi cũng vớ vẩn nốt.
Tôi và Hải cò thay đổi thói quen ăn uống thì đâu có ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Không phải vì bọn tôi không thích uống nước trong ly mà hết ông tổng thống này đến bà thủ tướng nọ bị ám sát. Cũng như thế, người Israel và người Palestine nã pháo vào nhau chắc chắn không bắt nguồn từ việc bọn tôi thay chén bằng thau.
Nhưng dưới mắt các ông bố bà mẹ, việc một đứa con bỗng nhiên thích ăn uống theo kiểu trái khoáy là cái gì đó hết sức nghiêm trọng, có thể không liên quan đến chiến tranh nhưng rất có khả năng dính dáng đến sự điên rồ.
- Con có điên không hả con? - Mẹ tôi hỏi, cái cách bà nhìn tôi như thể tôi vừa khoác vào bộ đồ trắng toát của bệnh viện.
Tôi hiểu mẹ tôi, khi nhìn vẻ lo âu ánh lên trong đáy mắt bà. Nhưng tôi cũng rất buồn là bà không hiểu tôi như tôi đang hiểu bà.
- Không đâu, mẹ à. - Tôi ủ rũ đáp.
- Tại sao con lại làm thế? Tất cả mọi người đều uống nước trong ly, sao con lại thích uống nước trong chai?
Chính vì tất cả mọi người đều uống nước trong ly nên tôi mới thích uống nước trong chai. Lý do hết sức đơn giản nhưng tôi chỉ dám nghĩ trong đầu. Tôi không thể nói điều đó ra miệng, e rằng sẽ làm cho mẹ tôi thêm hoảng.
Nếu như bây giờ mẹ tôi còn đủ minh mẫn để nhớ lại câu chuyện hồi đó và lặp lại câu hỏi trên kia, tôi sẽ sẵn sàng giải thích cho bà hiểu rằng bọn trẻ con trên thế giới vẫn thích làm như vậy và tất cả những đứa đó chẳng có đứa nào bị điên hết.
Ba tôi hừ mũi:
- Ly dùng để uống nước, chai dùng để chứa nước, chén là để ăn cơm, thau là để đựng rau, đựng thịt cá, mày có biết không hả thằng kia?
Thằng kia tức là thằng cu Mùi. Khi ba tôi chuyển sang gọi tôi là thằng kia, tức là ông đã giận lắm.
- Dạ biết.
- Biết sao mày còn trở chứng như vậy?
Tôi không thể giải thích cho ba tôi, cũng như trước đó tôi đã không thể giải thích cho mẹ tôi.
Sau này, khi đã là một ông bố hẳn hoi thì tôi phát hiện ra trẻ con trở chứng là thứ đầy rẫy trên trái đất này.
Rất nhiều đứa trẻ không đi đứng bình thường như thiên hạ mà cứ thích nhảy chân sáo ngoài đường. Thậm chí nhiều đứa thích đi bằng mũi chân trên gờ tường cheo leo hơn là sải bước vững vàng trên mặt đất.
Nhiều đứa trẻ khác đội nón cứ thích quay ngược lưỡi trai ra đằng sau.
Nhiều đứa trẻ khác nữa thích dùng bút để đọ gươm và xé giấy tập để xếp tàu thuyền hơn là dùng thứ này để viết lên thứ kia.
Nếu có thời gian tìm hiểu hẳn tôi sẽ tìm thấy những chú bé thích rót nước vô chai và xới cơm vô thau. Chắc chắn thế.
Thật là sáng tạo, những đứa trẻ đó. Chúng làm vậy chẳng qua chỉ để cho đời bớt nhạt. Lý do mới lành mạnh làm sao!
Nhưng người lớn lại coi là ngổ ngáo, ngược đời và không giống ai những điều mà bọn trẻ chỉ đơn giản coi là thú vị.
Người lớn sẽ nói, hết sức nghiêm khắc:
- Này con, khi nào phải rượt đuổi ai hoặc bị ai rượt đuổi, con người mới phải chạy, khi nào cần vượt qua một chướng ngại vật như vũng nước hay mô đất, con người mới phải nhảy. Còn lúc khác, những người đứng đắn đều đi đứng khoan thai. Chẳng đứa trẻ ngoan nào lại nhảy như cóc hoặc đi trên gờ tường như khỉ thế kia!
Người lớn tiếp tục bảo ban:
- Người ta tạo ra cái lưỡi trai là để che nắng cho gương mặt, chỉ có những kẻ ngốc nghếch mới quay ngược cái nón lại như thế!
Tới lần thứ ba thì người lớn răn đe:
- Tao sắm tập bút cho mày đánh nhau và xé làm đồ chơi hả thằng kia?
Tất cả những gì người lớn dạy dỗ đều đúng về mặt lý thuyết, bọn trẻ đều thấy vậy. Nhưng bọn chúng vẫn có một sự thôi thúc vô hình làm cho khác đi trong thực tế.
Chẳng qua so với người lớn, trẻ con sống trong một bầu khí quyển khác và dưới một thứ ánh sáng khác. Ở đó, bọn trẻ tiếp cận thế giới theo cách của chúng, nghĩa là chúng không nhìn mọi thứ chung quanh dưới khía cạnh sử dụng. Đó là điểm khác biệt căn bản giữa trẻ con và người lớn.
Với người lớn, ý nghĩa và giá trị của mọi thứ trên đời đều thu gọn vào hai chữ chức năng. Bạn lật bất cứ một cuốn từ điển nào của người lớn mà coi. Người ta định nghĩa thế giới này bằng chức năng, và chỉ bằng chức năng. Áo để mặc, ghế để ngồi, răng để nhai và lưỡi để nếm.
Cho nên không thể trách được nếu ba tôi quả quyết ly mới là thứ dùng để uống nước, còn chai chỉ dùng để đựng nước, nếu mọi ông bố bà mẹ khác đều nhanh chóng đồng ý với nhau rằng nón lưỡi trai dùng để che nắng, bút để viết và tập vở tất nhiên dùng để ghi chép.
Trẻ con không quan tâm đến chức năng. Đơn giản vì trẻ con có kho báu vô giá: óc tưởng tượng.
Chiếc gối với người lớn là thứ để gối đầu nhưng với con Tí sún nghèo rớt mùng tơi thì đó là con búp bê hay khóc nhè mà nó phải ru mỗi ngày.
Với tôi và Hải cò, áo không chỉ dùng để mặc mà còn là thứ để nắm lấy khi tụi tôi cần trì níu để vật nhau xuống đất. Nếu áo mà chỉ dùng để mặc thì chán chết. Mà thực ra nếu trời không quá lạnh thì trẻ con cũng chẳng cần mặc áo.
Với mẹ thằng Hải cò, hiển nhiên cây chổi dùng để quét nhà. Nhưng nếu thấy Hải cò đứng tần ngần trước cây chổi, tôi đoán là nó đang nghĩ xem nên làm gì với cây chổi, nên ném vào cửa kiếng nhà hàng xóm để xem điều gì sẽ xảy ra sau đó hay nên cưỡi lên cây chổi rồi đọc thần chú để biết mình có bay được như các phù thủy trong truyện hay không. (Chuyện thần tiên là do người lớn viết ra, nhưng thường thì họ quên khuấy đi rằng họ viết ra chuyện thần tiên để trẻ con sống trong thế giới đó cho đến chừng nào trẻ con cũng trở thành người lớn như họ).
Những ngày ngồi cặm cụi gõ những con chữ này tôi còn nghiệm ra rằng những đứa trẻ thích trở chứng là những đứa trẻ muốn thể hiện cái tôi, tất nhiên thể hiện theo kiểu trẻ con. Quay ngược cái nón lưỡi trai ra phía sau, đứa trẻ muốn khẳng định rằng ta khác với phần còn lại của thế giới, thực ra cũng khó mà khác được vì trên thế giới bao la này có rất nhiều đứa trẻ đội nón kiểu oái oăm như vậy, nhưng ít ra cũng khác với thằng bạn đi bên cạnh.
Tất nhiên không phải đứa trẻ nào cũng thế. Cũng có những đứa trẻ thích giống nhau, bên cạnh những đứa trẻ thích khác nhau.
Người lớn dĩ nhiên vỗ tay hoan nghênh đám trẻ thứ nhất. Vì giống lẫn nhau, đó là thứ nguyên tắc mà người lớn sùng bái. Giống nhau tức là không cá biệt, không phá phách, không nổi loạn. Là nề nếp, quan trọng hơn nữa là an toàn. Nếu thật giống đám đông, giống đến mức lẫn lộn giữa người này với người khác, thậm chí tư tưởng ai nấy đều trùng khít với nhau thì càng tuyệt đối an toàn.
Nghĩ khác, nói khác và làm khác đám đông, dù là nghĩ đúng, nói đúng và làm đúng vẫn là sự lựa chọn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong nhiều trường hợp đó là con đường dẫn đến giàn thiêu mà Bruno là một ví dụ bi thương trong lịch sử nhân loại. (Khi mọi người đều tin rằng mặt trời quay quanh trái đất thì kẻ khăng khăng cho rằng trái đất quay quanh mặt trời chỉ có cách duy nhất là dùng cái chết để bảo vệ cho chân lý - điều đó là không thể khác).
Rất may là chúng tôi - tôi, Hải cò, con Tủn và con Tí sún - không ai trở thành Bruno vào năm tám tuổi. Chúng tôi chỉ làm ba mẹ phiền lòng chứ không động chạm đến những trật tự và những quyền lực bất khả xâm phạm.
Tôi và Hải cò không lên giàn thiêu.
Nhưng hai đứa tôi buộc phải thừa nhận rằng cái ly và cái chai (cũng như cái chén và cái thau) hoàn toàn khác nhau về công dụng và để bảo đảm cuộc sống vẫn diễn ra đúng theo khuôn phép và nhất là đúng ý ba mẹ, chúng tôi đành phải đồng ý rằng chức năng của những đứa trẻ ngoan là phải sử dụng đồ vật theo đúng chức năng mà người lớn đã quy định.
Sầu ơi là buồn!