Trường Đại học Công nghệ (tên tiếng Anh: College of Technology hay Coltech) là một trường đại học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, được Thủ tướng chính phủ quyết định thành lập ngày 25 tháng 5 năm 2004. Đây là một mô hình đại học hiện đại. GS. TSKH. Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu là Hiệu trưởng sáng lập trường.
Sứ mạng
Xây dựng một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu phát triển và ứng dụng các lĩnh vực khoa học - công nghệ mũi nhọn; một địa chỉ sáng tạo tri thức và công nghệ mới; một trường đại học tiêu biểu cho hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam trong nền kinh tế tri thức; hiện thực hóa mô hình đại học hiện đại ở Việt Nam: đại học định hướng nghiên cứu, phát huy hiệu quả mô hình liên kết trường - viện - cơ sở công nghiệp và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo. Lĩnh vực hoạt động của trường là các lĩnh vực công nghệ trọng điểm lấy công nghệ thông tin làm trung tâm.
Nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu
Theo quyết định số 92/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trường có nhiệm vụ (1) đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, sau đại học chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ cao, chọn lọc; (2) nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Bốn lĩnh vực khoa học – công nghệ chiến lược của trường Đại học Công nghệ là
* Công nghệ thông tin và truyền thông
* Điện tử và tự động hóa
* Khoa học và Công nghệ nanô
* Công nghệ sinh học phân tử
Tiềm lực phát triển
* Trường hiện đào tạo cử nhân của 6 ngành học: công nghệ thông tin, khoa học máy tính, công nghệ điện tử viễn thông, vật lý kỹ thuật định hướng công nghệ nanô, cơ học kỹ thuật và công nghệ cơ điện tử, đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ các chuyên ngành khoa học máy tính, hệ thống thông tin, mạng và truyền thông máy tính, công nghệ phần mềm, kỹ thuật điện tử - viễn thông, khoa học và công nghệ nanô, cơ học kỹ thuật. Chương trình đào tạo cử nhân công nghệ cơ điện tử liên kết với Viện máy và dụng cụ công nghiệp (IMI) đã được triển khai từ khóa tuyển sinh 2007. Từ năm 2007, trường thực hiện đào tạo chương trình tiên tiến (Dự án 16+23 của ĐHQGHN) chuyên ngành Thạc sỹ Khoa học Máy tính; từ năm 2008, trường thực hiện đào tạo chương trình tiên tiến (Dự án 16+23) cử nhân ngành Khoa học Máy tính và cử nhân ngành Công nghệ Điện tử - Viễn thông. Trường có 1730 sinh viên hệ đại học chính quy, 1700 sinh viên hệ đại học tại chức, 540 học viên cao học và 23 nghiên cứu sinh tiến sỹ.
* Năm học 2008-2009, đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của trường gồm 128 cán bộ trong đó có 3 Giáo sư, 14 Phó Giáo sư, 36 tiến sĩ, 41 thạc sĩ. Có khoảng 60 giảng viên từ Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Ngoại ngữ thuộc ĐHQGHN giảng dạy các môn chung cho sinh viên của trường. Năm 2008, các nhà khoa học của trường công bố quốc tế khoảng 80 công trình khoa học; phối hợp tổ chức 4 hội nghị khoa học quốc tế.
* Mô hình liên kết trường - viện khẳng định được lợi thế: 41 giảng viên kiêm nhiệm (11 GS, 16 PGS, 14 TS) từ các viện chuyên ngành đối tác từ Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã là lực lượng chủ chốt giảng dạy tại các khoa, các ngành đào tạo mới. Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa là khoa phối thuộc của Viện Cơ học Việt Nam.
* Trong năm học 2007-2008, nhiều giảng viên của Đại học Paris 11 (Pháp) giảng dạy chương trình đại học Pháp PUF tại Đại học Công nghệ; nhiều giảng viên từ các cơ sở đào tạo đã thỉnh giảng tại trường như GS. Huỳnh Hữu Tuệ (Canada), GS. Nguyễn Đình Thông (Úc), GS. Ribler (học giả Quỹ Fulbright), TS. Nguyễn Hùng Sơn (Đại học Warszawa, Ba Lan)... GS. Susumu Horiguchi (Đại học Tohoku) hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh của trường. Ngoài ra, TS. Nguyễn Lê Minh (JAIST), TS. Đoàn Sơn (Tohoku), TS. Lê Sỹ Vinh (New York), TS. Trần Quang Anh (Trung Quốc) và 2 nghiên cứu sinh ở nước ngoài đã đồng hướng dẫn sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp, nghiên cứu khoa học với kết quả có chất lượng cao. Năm học 2008-2009, Nhà trường tiếp tục huy động các nhà khoa học tại các trường đại học tiên tiến trên thế giới về giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại trường.
* Năm 2008, trường được công nhận đạt mức 2 chất lượng kiểm định trường đại học. Trường đang xây dựng báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo công nghệ thông tin theo chuẩn của Tổ chức mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) để đánh giá ngoài vào tháng 12/2009.
Chương trình đào tạo
Đại học
Chương trinh đào tạo gồm ngành Công nghệ thông tin (216 đvht), ngành Điện tử Viễn thông (220 đvht), ngành Vật lý kỹ thuật (224 đvht), ngành Cơ học kỹ thuật (4 năm rưỡi gồm 246 đvht), ngành Cơ điện tử (230 đvht): Khối kiến thức chung (62 đvht), Khối kiến thức xã hội và nhân văn (5 đvht), Khối kiến thức cơ bản của nhóm ngành (45-57 đvht), Khối kiến thức cơ sở của ngành (63-83 đvht), Khối kiến thức chuyên ngành (10-16 đvht), Khoá luận hoặc thi tốt nghiệp (15 đvht). Năm 2008, Nhà trường phát triển chương trình đào tạo cử nhân ngành CNTT thành các chương trình đào tạo cử nhân ngành Khoa học Máy tính, Hệ thống thông tin, Công nghệ phần mềm, Mạng và Truyền thông Máy tính... phù hợp với nội dung "Computing Curricula 2005" do The Joint Task Force for Computing Curricula 2005 ban hành. Triển khai hai chương trình đào tạo tiên tiến ngành Khoa học Máy tính và Ngành Điện tử - Viễn thông.
Thạc sỹ và Tiến sỹ
Gồm các chuyên ngành của các ngành: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật Điện tử - viễn thông, Khoa học và Công nghệ Nanô. Từ năm 2007, triển khai chương trình tiên tiến chuyên ngành Khoa học Máy tính.
Học chế tín chỉ
Từ năm 2007, tiến hành chuyển đổi chương trình đào tạo từ niên chế sang tín chỉ theo hướng phát huy thế mạnh của học chế tín chỉ phù hợp với điều kiện thực tiễn, trong đó chương trình đào tạo đại học có khối lượng khoảng 140 tín chỉ.
Ban giám hiệu
Hiệu trưởng
* GS. TS. Nguyễn Hữu Đức
Phó hiệu trưởng
* PGS. TS. Nguyễn Ngọc Bình
* PGS. TSKH. Nguyễn Đình Đức
* PGS. TS. Hà Quang Thuỵ
* PGS. TS. Trần Quang Vinh
Cho mình hỏi là trường cao đẳng công nghệ hay công nghiệp vậy?