Thấy tranh luận thú vị nên vào "tám" chút luôn
Theo mình biết thì vận tốc và tốc độ khác nhau nha. Vận tốc là một đại lượng hữu hướng (đại lượng vector) còn tốc độ là
độ dài của vector vận tốc hay đơn thuần là độ lớn của vector vận tốc - một đại lượng vô hướng.
Lấy VD nha: khi 2 người chuyển động trên 2 con đường vuông góc với nhau thì nói đúng phải là với 2 vận tốc khác nhau chứ không phải là với 2 tốc độ khác nhau.
Rất tiếc là bạn hiểu sai vấn đề với ví dụ trên.
Tốc độ là 1 đại lượng vô hướng, biểu thị sự nhanh chậm của chuyển động, hai vật chuyển động thế nào đi nữa thì bạn ghi "tốc độ" cũng được, chẳng có vấn đề gì hết, trung bình tính bằng quãng đường chia thời gian.
Còn vận tốc nó là đại lượng có hướng, và có độ lớn tính bằng độ dời chia thời gian.
Ví dụ: nhà bạn cách trường học 1km, bạn đi từ nhà đến trường mất 30ph, rồi quay về mất 30ph nữa, thì tốc độ trung bình của bạn trên đoạn đường đó là 2km/h.
Nhưng vận tốc của bạn là 0.
Sách giáo khoa lớp 8 của BGD dùng từ "vận tốc" nhưng lại tính như "tốc độ", đó là cái không chính xác.
Học theo cách của Cố vấn của diễn đàn, copy trực tiếp từ một nguồn mà mình cảm thấy hay nhé!
"Vấn đề phân biệt thuật ngữ “vận tốc” và “tốc độ” trong vật lý"
Vận tốc là đại lượng vật lý mô tả cả mức độ nhanh chậm và chiều của chuyển động. Do đó, cần thực sự lưu ý rằng vận tốc là một đại lượng vật lý có hướng (vector), cho nên trong không gian, người ta dùng một đoạn thẳng có hướng (1 đầu có mũi tên chỉ hướng) để biểu diễn vận tốc và gọi đó là vector vận tốc. Khi đó, hướng của mũi tên là hướng vận tốc (chuyển động tới đâu), độ dài của vector là độ lớn của vận tốc (nhanh chậm thế nào). Giá trị (độ lớn) này còn gọi là tốc độ của chuyển động.
Nói cách khác, tốc độ là độ lớn của vận tốc hay tốc độ là giá trị tuyệt đối của vector vận tốc. Nếu như vận tốc bao gồm hai nội dung là hướng và độ nhanh chậm của chuyển động thì tốc độ chỉ thể hiện độ nhanh chậm của chuyển động mà thôi và không quan tâm tới chuyển động đó đi đâu, vì thế nó là đại lượng vô hướng (scalar).
Sự phân biệt này là cần thiết và rõ ràng và đã được chuẩn hóa, tuy nhiên không ít người sử dụng lẫn hai thuật ngữ này, thậm chí cả một số sách in cũng dùng một cách dễ dãi và nhầm lẫn giữa vận tốc với tốc độ. Nhiều câu hỏi trong một số sách khi chỉ về tốc độ đã dùng thuật ngữ vận tốc. Sở dĩ có hiện tượng này là vì người ta thường dùng khái niệm “vận tốc” với nghĩa hẹp, và do đó, tiếm nghĩa của “tốc độ”, trong khi đó đã có sẵn một từ rất phù hợp gọi là “tốc độ” nhưng lại không dùng.
Trong tiếng Anh, người ta dùng “velocity” để chỉ vận tốc, xuất phát từ gốc Latin “vēlōcitās” và phân biệt với tốc độ là “speed”, hoặc “rapidity”. Trong tiếng Nga, “скорость” chính là vận tốc còn tốc độ thường được dùng là “быстрота”, tuy nhiên từ “скорость” trong nhiều trường hợp cũng được dùng với nghĩa “mở rộng” để chỉ “быстрота”.
Điều thú vị là người Trung Quốc và cả người Nhật Bản đều gọi khái niệm tương ứng với “vận tốc” của tiếng Việt là “速度” (âm Hán Việt: tốc độ), trong khi đó họ lại gọi khái niệm “tốc độ” của tiếng Việt là 速率 (âm Hán Việt: tốc suất). Rõ ràng cùng trên cơ sở từ tố gốc Hán nhưng các thuật ngữ Trung, Nhật kia so với tư duy cấu tạo thuật ngữ của người Việt đã có sự “tréo ngoe”. Tiếng Trung (và Nhật) dùng 速度 (tốc độ) để chỉ vận tốc là một điều chưa thật sự hợp lý, bởi lẽ trong cấu tạo từ ghép chính phụ này, trung tâm ngữ là 度 (độ) tức là mức độ, trình độ, bậc, cấp… mô tả sự đối chiếu to, nhỏ, lớn, bé, nhanh, chậm… Người Việt Nam đã dùng thuật ngữ này (tốc độ) để mô tả độ lớn đơn thuần (vô hướng) của vận tốc chứ không dùng để thể hiện “vận tốc” (có hướng) là một điều hợp lý hơn. Do từ 速度 “tốc độ” trong tiếng Trung đã bị sử dụng để chỉ thuật ngữ mà tương đương với “vận tốc” của tiếng Việt rồi, cho nên để chỉ khái niệm “tốc độ” của tiếng Việt thì trong tiếng Trung phải dùng từ khác là 速率 (tốc suất) để thay thế. Tư duy cấu tạo của khái niệm 速率 (tốc suất) này thuộc về trường thuật ngữ lấy 率 (suất) làm trung tâm ngữ, chẳng hạn như “công suất’, “hiệu suất”, “năng suất”… và do đó 速率 (tốc suất) của tiếng Trung được dùng như “tốc độ” (speed) của tiếng Việt với quan niệm vô hướng, mô tả độ nhanh chậm đơn thuần mà thôi. Lưu ý thêm, cũng trong “trường” thuật ngữ này, khái niệm “ứng suất” mà ngành “cơ học vật liệu” ở Việt Nam thường dùng thì lại là một khái niệm vector (có hướng) và người Trung Quốc dùng khái niệm 應力 (ứng lực) để thay thế.
Nguồn: Tiểu Phi - trithucvui.blogspot.com