English [Chia sẻ] Cách trở thành "chiến thần" trong bài thi IELTS Listening

_dm.ttt

Cựu TMod Anh
Thành viên
7 Tháng sáu 2017
664
2
1,194
176
Đắk Lắk
FTU2
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

2_.png

Bài thi Nghe (Listening section) là bài thi đầu tiên mà các bạn phải vượt qua trong kỳ thi IELTS. Một tin tốt là sẽ không có bất kỳ sự khác nhau nào giữa bài thi Nghe của 2 dạng đề thi: Academic Test (Học thuật) và General Test (Tổng quát).

Nhiều bạn nghĩ rằng bài thi Nghe là bài thi dễ lấy điểm nhất, “gánh” điểm cho các phần còn lại. Nhưng thực tế không phải như vậy. Bài thi Nghe hiện nay đã được thiết kế khó hơn và đánh đố hơn trước rất nhiều, ngoài ra nó còn liên quan đến yếu tố tâm lý: nếu bạn làm không tốt bài thi Nghe sẽ ảnh hưởng đến 3 bài thi còn lại (vì đây là bài thi đầu tiên). Bài thi Nghe diễn ra với tốc độ nhanh đòi hỏi sự tập trung cao độ. Để đạt được điểm số cao, cần phải nắm chắc về phần ngôn ngữ và phụ thuộc thêm vào kỹ năng quản lý thời gian của bản thân.

May mắn thay có một số điều dưới đây các bạn có thể làm để chuẩn bị tốt nhất cho bài thi IELTS Listening của mình. Hãy cùng tìm hiểu nhé!

TIP 1. Hãy biết mình đang ở phần nào của bài thi nghe!

Bài thi Nghe có 4 phần (4 sections) như sau:

Phần 1 (Section 1).
  • Gồm 2 người nói.
  • Thường là một cuộc trò chuyện qua điện thoại về các hoạt động hàng ngày của nhân vật.
  • Các tình huống có thể xảy ra trong cuộc hội thoại có thể là việc đi thuê một căn hộ, đặt bàn tại nhà hàng, lên kế hoạch cho một chuyến đi chơi xa v…v.
  • Các câu hỏi ở phần này tập trung chủ yếu vào các nội dung chính như: tên nhân vật, tên địa điểm, thời gian, ngày tháng năm, số điện thoại, địa chỉ, số fax, số căn cước công dân v…v.
Phần 2 (Section 2).
  • Chỉ có một người nói.
  • Điển hình là một đoạn độc thoại tập trung vào một tình huống xã hội hàng ngày.
  • Các dạng câu hỏi ở phần này bao gồm trắc nghiệm, ghi nhãn sơ đồ (tên sơ đồ), hoàn thành bảng, hoàn thành lưu đồ (sơ đồ khối – được dùng để miêu tả các bước để giải quyết/ hoàn thành vấn đề nào đó, được biểu diễn thứ tự theo hướng mũi tên).
Untitled.png
Ví dụ cho phần Trắc nghiệm ở Listening Section 2 – trắc nghiệm chọn chữ cái từ A-I.
Phần 3 (Section 3).
  • Gồm 3 đến 4 người nói.
  • Chủ đề là một cuộc thảo luận mang tính học thuật, đặt trong bối cảnh giáo dục hoặc đào tạo (ví dụ: cuộc trò chuyện giữa giảng viên và sinh viên về 1 bài tập nào đó).
  • Các dạng câu hỏi ở phần này bao gồm trắc nghiệmđiền vào chỗ trống.
Phần 4 (Section 4).
  • Chỉ có một người nói.
  • Là một bài độc thoại về 1 chủ đề học thuật. Không nghỉ (no break) giữa chừng.
  • Các dạng câu hỏi bao gồm điền vào chỗ trốnghoàn thành bảng.
Bài thi Nghe được thiết kế theo mức độ khó dần theo từng phần, do đó phần 1 là phần dễ nhất và phần 4 là phần khó nhất. Để làm quen với từng phần, bạn cần làm những đề thi mẫu có sẵn trên mạng (ở các kênh Youtube hoặc các web cung cấp đề thi IELTS miễn phí).

Lần gần nhất mình đi thi là 27/3/2021 tại British Council, phần ví dụ (đáp án (0)) ở phần đầu Section 1 của bài thi Listening đã bị bỏ. Bài thi sẽ vào thẳng đáp án (1), do đó các bạn cần lưu ý về điểm mới này!


TIP 2. Sẽ không có lần nghe thứ 2, cho nên hãy tập trung!

Nếu bạn đã luyện tập các bài thi Nghe ở nhà, có thể các bạn sẽ quen với việc nghe đi nghe lại các phần một vài lần sau đó mới điền đáp án. Nhưng khi đi thi, các bạn chỉ được nghe 1 lần duy nhất.

Mỗi phần trong bài thi Nghe chỉ được phát 1 lần. Do đó tai và não của bạn cần phải hoạt động tích cực hơn rất nhiều trong phòng thi để không bỏ lỡ những thông tin quan trọng. Hãy cứ luyện tập ở nhà cho đến khi bạn có thể hoàn thành bài thi Nghe mà chỉ nghe 1 lần duy nhất, đến lúc đó bạn đã sẵn sàng 50% cho bài thi nghe rồi đó!


TIP 3. Hãy đọc kĩ câu hỏi.

Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng bạn cần chú ý thật kỹ đến yêu cầu của đề bài trong mỗi câu hỏi. Một số loại câu hỏi sẽ giới hạn về số từ bạn được điền, ví dụ như “Write NO MORE THAN TWO WORDS for each answer” (điền không quá 2 từ cho mỗi câu trả lời). Nếu vi phạm quy tắc, chắc chắn bạn sẽ nhận về con 0 tròn trĩnh cho câu trả lời đó.


TIP 4. Viết câu trả lời của bạn lên tờ đề (Question sheet) trước, sau đó mới chép lại vào tờ trả lời đáp án (Answer sheet).

Bốn bản ghi âm của bài thi Nghe sẽ được phát liên tục trong vòng 30 phút. Trong thời gian này bạn nên viết đáp án của mình ngay trên giấy nháp/ đề thi cho từng câu hỏi, không nên viết vào tờ trả lời đáp án vội. Tốc độ của bài thi rất nhanh và bạn phải đảm bảo được 3 yếu tố của đáp án: đúng, dễ đọc, không sai chính tả. Và bài thi Nghe cũng được thiết kế cho bạn thêm 10 phút cuối bài thi để chuyển tất cả các đáp án từ giấy nháp/ đề thi vào tờ trả lời với mục đích giúp cho bạn bảo đảm 3 yếu tố trên.


TIP 5. Chính tả cũng rất quan trọng, nhưng đừng lo lắng về điều đó cho đến khi đã kết thúc bài thi Nghe.

Phải đảm bảo yếu tố đúng chính tả cho câu trả lời của các bạn vì nếu sai chính tả dù chỉ 1 chữ cái, câu trả lời đó vẫn là sai. Tuy nhiên trong lúc đang nghe, đừng lo lắng về việc mình viết đáp án sai chính tả vào tờ đề hay giấy nháp. Còn rất nhiều thứ phải lo lắng trong khoảng thời gian đó. 10 phút điền đáp án vào tờ trả lời mới là lúc để bạn kiểm tra lại chính tả của mình. Đã có nhiều thí sinh bị mất tập trung vì sửa lại chính tả cho đáp án khi điền nháp, và hậu quả là bỏ lỡ hết những câu còn lại vì không biết người nói đang nói đến đâu.


TIP 6. Hãy sẵn sàng với những giọng đọc khác nhau (Different accents).

Người nói trong bài thi Nghe sẽ có giọng bản ngữ tiếng Anh. Tuy nhiên vì bài thi IELTS là bài kiểm tra quốc tế và không có sự thay đổi giữa các quốc gia, cho nên bạn có thể sẽ nghe được nhiều giọng tiếng Anh khác nhau. Các giọng có thể bao gồm:
  • Giọng Bắc Mỹ (North America): Canada, Bắc Hoa Kỳ, Nam Hoa Kỳ.
  • Giọng Anh (UK): Bắc Anh, Nam Anh, Scotland, xứ Wales.
  • Giọng Nam bán cầu (Southern Hemisphere): Úc, New Zealand, Nam Phi.
Tuy nhiên nhiều người dân bản địa cũng có thể gặp khó khăn khi nghe những giọng đọc khác nhau. Việc bạn làm quen trước với từng âm sắc của người đọc ở trên có thể giúp bạn nhận ra được sự khác biệt trong cách họ phát âm và đặt trọng âm.

Hãy yên tâm rằng bạn sẽ không phải gặp những giọng đọc quá đánh đố hay quá khó nghe, giọng quá dày... nhưng bạn vẫn nên làm quen với chúng trước. Bằng cách này thì bạn có thể sẽ bớt sự bất ngờ khi vô tình gặp chúng trong những bài kiểm tra thực tế.


Và thế là chúng ta đã đi qua hết 6 cách để trở thành "chiến thần" trong bài thi Listening rồi. Những chia sẻ tuy ngắn nhưng mong rằng sẽ giúp các bạn chuẩn bị tốt hơn cho bài thi Nghe của mình. Hẹn các bạn vào thứ 2 tuần sau (18/07/2022), chúng ta cùng đến với 10 cách để trở thành "chiến thần" trong bài thi "tử thần" mang tên Reading (bài thi Đọc) nhé!

Chúc các bạn có một thời gian học hiệu quả!
 
Top Bottom