A. Yêu cầu:
- Thí sinh phải phân tích được "diễn biến tâm trạng" nhân vật Chí Phèo "để thấy rõ bi kịch của nhân vật này”.
- Phạm vi, nội dung phân tích là một đoạn trích cụ thể: đoạn cuối tác phẩm "từ buổi sáng sau khi gặp Thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời".
B. Những ý chính cần có:
1. Chí Phèo là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Nam Cao, cũng là của văn học hiện thực phê phán Việt Nam 1930 - 1945. Ở đó nhà văn đã miêu tả rất thành công tâm lý của nhiều nhân vật, đặc biệt là diễn biến tâm lý nhân vật Chí Phèo (từ buổi sáng sau khi gặp Thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời).
2. Diễn biến trong tâm lý nhân vật Chí Phèo ở đoạn này khá phức tạp nhưng có lô-gích, đúng quy luật tâm lý. Đó là một quá trình tự thức tỉnh để hy vọng, tuyệt vọng và để báo thù.
2.1. Diễn biến ấy có thể tóm lược như sau: từ sự thức tỉnh những cảm xúc thông thường của con người (nỗi buồn mơ hồ với bao nhiêu rung động sâu xa của những cảm giác, cảm xúc thuộc về con người) đến nỗi sợ cô đơn, nỗi khát khao trở về với xã hội bằng phẳng, thân thiện với mọi người. Nỗi khát khao ấy càng tha thiết khi Chí Phèo bưng bát cháo hành và nhận được những chăm sóc mộc mạc mà tình tứ chân thành của Thị Nở, nhận ra hương vị cháo cũng là hương vị của hạnh phúc, tình yêu. Nhưng rồi Chí Phèo bị Thị Nở từ chối phũ phàng, Chí Phèo bấy giờ mới nhận ra số phận bi đát và bi kịch đau đớn của mình. Càng đau đớn càng uất hận. Hắn vác dao đi trả thù.
2.2. Việc Chí Phèo giết Bá Kiến rồi tự sát là theo tâm lý giải tỏa bế tắc, trả thù của kẻ cố cùng (bị cự tuyệt quyền làm người) liều thân. Thoạt đầu, có thể Chí Phèo hành động theo sự thúc đẩy bản năng, hoặc theo tiếng gọi hay sự mách bảo của tiềm thức. Nhưng về sau, khi đã giáp mặt Bá Kiến, Chí Phèo đã hành động trong một trạng thái rất tỉnh táo: nhận thức đúng ai là kẻ đã đẩy mình đến tình trạng bi đát (cả đến người cuối cùng ở làng Vũ Đại có thể sống thân thiện với Chí Phèo là Thị Nở cũng từ chối Chí Phèo thì không còn gì bi đát hơn). Đó cũng là tình trạng tuyệt vọng cùng cực. Chí Phèo đã hành động vừa rất u tối, bản năng, vừa rất sáng suốt, tỉnh táo.
2.3. Xét về một mặt nào đó, chính sự từ chối của Thị Nở đã kéo Chí Phèo về với thực tại và nhận ra kẻ thù của mình trước hết vẫn là Bá Kiến. Trong truyện, Nam Cao kể Chí Phèo 3 lần đến nhà Bá Kiến lần nào cũng mang theo hung khí (một cái vỏ chai hoặc một con dao). Nghĩa là mâu thuẫn Chí Phèo - Bá Kiến là mâu thuẫn không thể điều hòa, trước sau gì cũng bùng nổ thành án mạng.
3. Sự miêu tả thành công diễn biến tâm lý nhân vật Chí Phèo trong đoạn cuối tác phẩm như vừa phân tích, một mặt thể hiện cái nhìn hiện thực sắc sảo của Nam Cao, mặt khác cũng thể hiện một tinh thần nhân đạo sâu sắc và cảm động của tác giả.
bạn có thể tham khảo dàn ý ở đay nha