Văn chí phèo

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
dàn ý chi tiết phân tích diễn biến tâm trạng của chí phèo từ sau khi gặp thị nở cho đến khi chết
Em tham khảo dàn ý chi tiết này nhé ^^
I. Mở bài.

Có những nhân vật văn học đã từng trang sách bước thẳng ra giữa cuộc đời và sống sâu sắc, bền lâu trong lòng người đọc. Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao là một nhân vật như thế. Nhờ Chí Phèo, ta nhớ đến cái tiếng chửi điên khùng, những vụ rạch mặt ăn vạ tóe máu, nhớ đến cái bộ mặt cơng cơng cùng tính cách lưu manh của con quỷ dữ làng Vũ Đại. Nhưng bên cạnh cái phần quỷ, ta còn nhớ đến một cách thấm thía cái phần người của y, từ khi Chí Phèo gặp thị Nở cho đến lúc y tự kết liễu đời mình trong cái bi kịch cự tuyệt quyền làm người mà y là một nạn nhân thê thảm của chế độ cũ trước Cách mạng tháng Tám. Quãng đời đầy xung đột nội tâm này đã được Nam Cao miêu tả thật tài tình, hấp dẫn bằng một ngòi bút nhân đạo sâu sắc hiếm có.

II. Thân bài.

Từ một anh canh điền hiền lành lương thiện làm thuê cho nhà lí Kiến, Chí Phèo đã bị xã hội thực dân phong kiến đẩy vào con đường lưu manh và biến thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Y mất cả nhân tính, nhân hình và cuộc đời y cứ trượt dài mãi trên cái dốc tha hóa, không lối thoát... May thay, y đã gặp thị Nở, và tình yêu thương mộc mạc chân thành của người đàn bà xấu xí đó đã làm cho cuộc đời y bừng sáng lên trong khoảnh khắc, để rồi sau đó đã lại tắt lịm ngay trong cái chết thê thảm của một bi kịch xã hội không có con đường tháo gỡ.

A. GẶP THỊ NỞ.

1. Chí Phèo đã gặp thị Nở trong một trường hợp khá đặc biệt. Sau cái trận mửa thốc, mửa tháo, mửa ồng ộc, mửa đến cả ruột, hình như trong con người y đã bắt đầu có sự thay đổi. Lần đầu tiên trong đời, y bỗng nhiên rùng mình trước mùi rượu từ đống mửa và sau khi được thị Nở dìu về lều, đắp cho tất cả những manh chiếu rách, sáng hôm sau trở dậy, y thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn. Người thì bủn rủn, ruột gan nôn nao, y thấy sợ rượu cũng như những người ôm thường sợ cơm. Tiếng chim hót, tiếng cười nói của những người đi chợ, tiếng gò mái chèo đuổi cá vọng vào càng làm cho y thêm buồn và nhớ đến một cái gì rất xa xôi. Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Cảm giác cô độc xâm chiếm lòng y. Tỉnh dậy hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời... một trận ốm có thể nói là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều (...) Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.

Đang ở trong tâm trạng cô độc như thế thì thị Nở đến, mang theo nồi cháo hành. Thằng này rất ngạc nhiên, Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Nhìn bát cháo bốc khói, y thấy bâng khuâng, vừa vui vừa buồn, và một cái gì nữa giống như là ăn năn. Thị Nở đến, giải tỏa cho y sự cô độc đáng sợ và khơi dậy trong y những tình cảm tốt đẹp của con người. Nghĩ đến cái con quỷ cái hay bắt bóp chân, Chí Phèo nhận ra hắn chưa được một người đàn bà nào yêu cả, vì thế mà bát cháo hành cứu thị Nở làm hắn suy nghĩ nhiều. Hắn có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây kẻ thù?. Ăn cháo mà lòng thành trẻ con và y muốn làm nũng với thị như với mẹ. Một nét tâm trạng chưa bao giờ có ở Chí Phèo đã khiến Nam Cao phải thốt lên: Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người?. Đó là cái bản tính của hắn, ngày thường bị lấp đi. Hay trận ốm thay đổi hẳn về sinh lí cũng thay đổi cả tâm lí nữa?. Sự thay đổi đó làm y mơ hồ thấy rằng sẽ có lúc y không thể liều được nữa, không còn đủ sức mà giật cướp, dọa nạt được nữa. Bây giờ mới nguy! Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thế được.

Như vậy là, gặp thị Nở, được thị thương yêu chăm sóc, phần nhân tính còn lại trong con người y đã thức tỉnh và y muốn trở lại làm người lương thiện. Mùi cháo hành đã đẩy lùi hơi rượu trong y, và ngọn lửa lương tri tưởng đã tắt, giờ lại bừng lên với một ước mơ được sống lương thiện trong đời thường.

2. Nhưng cái xã hội lúc bấy giờ (mà thu nhỏ là làng Vũ Đại) đã không cho y được sống lương thiện, được trở lại làm người lương thiện, chỉ vì y đã bị lưu manh hóa lâu rồi, và dưới mắt họ, y chỉ là một con quỷ dữ - một con vật không hơn không kém. Chẳng thế mà khi nghe lời bà cô nói, thị Nở đã cự tuyệt ngay mối tình với y. Bi kịch ập đến – tất cả và bất ngờ - đã khiến tâm trạng nhân vật giằng xé dữ dội để đi đến những hành động quyết liệt.

Khi thị Nở trút vào mặt hắn tất cả lời bà cô thì hắn nghĩ ngợi một tí rồi hình như hắn hiểu, hắn bỗng nhiên ngẩn người. Đó là cái ngẩn người ngạc nhiên thì ít mà xót đau thì nhiều khi y đã nhận ra mình một cách cay đắng, thấm thía: y không còn là người nữa, không thể trở lại với thế giới loài người nữa. Đến cái con thị Nở xấu ma chê quỷ hờn kia mà y còn không xứng, mà nó còn cự tuyệt y, thì làm sao y có thể làm người được?. Thoáng một cái, hắn như hít đẩy hơi cháo hành. Hắn cứ ngẩn người, không nói gì. Có phải y đang nhớ lại những ngày được thị Nở thương yêu chăm sóc, nhớ lại cái mùi cháo hành của tình người lương thiện mà không bao giờ y có được?. Trong nỗi nhớ là cả một nỗi đau thấm thía khiến y cứ ngồi ngẩn mặt, không nói gì. Và nỗi đau ấy đã biến thành nỗi phẫn uất, thành ý chỉ trả thù khi hắn bị thị Nở giúi ngã lăn khoèo xuống sân. Hắn tự phải đến cả như con Thị Nở kia. Đến để đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó. Phải uống thật say để trả thù. Nhưng càng uống lại càng tỉnh ra. Tỉnh ra, chao ôi, buồn! Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức. Cho đến phút cuối cùng trước khi có hành động trả thù quyết liệt, con người ấy vẫn nhớ đến hơi cháo hành, đến cái mùi lương thiện của tình người trong một nỗi buồn đau và nuối tiếc tuyệt vọng.

B. GIẾT BÁ KIẾN VÀ TỰ KẾT LIỄU ĐỜI MÌNH.

1. Gặp thị Nở, Chí Phèo muốn làm người lương thiện, nhưng xã hội lúc bấy giờ không cho y được làm người lương thiện: Đó là bi kịch cự tuyệt quyền làm người trong chế độ cũ trước Cách mạng tháng Tám. Bị thị Nở cự tuyệt mối tình, cùng một lúc, y nhận ra hai điều sâu sắc: y không còn là con người nữa và người đẫ đấy y sang thế giới loài vật chính là bá Kiến. Xã hội đã không cho y được làm người lương thiện (tức là được sống như con người) thì y phải chết, nhưng trước khi chết, y phải giết được kẻ thù là bá Kiến. Trong nỗi buồn đau tuyệt vọng, Chí Phèo đã ra đi với một con dao ở thắt lưng. Nhưng không rẽ vào nhà thị Nở mà lại thẳng đường đến nhà bá Kiến. Cứ tưởng là do say rượu đi nhầm, nhưng không, từ trong sâu thẳm của tiềm thức, y đã xác định đúng kẻ thù là bá Kiến. Bởi vậy, khi đến ngõ nhà cụ bá thì hắn xông xông đi vào như là một mục tiêu phải đến, không thể nào khác được.

2. Ở đây đã diễn ra, cùng một lúc, hai cái chết khủng khiếp để khép lại một cuộc đời, một số phận vô cùng bi thảm của nhân vật. Bi kịch đã được dấy lên đến cao trào để giải quyết. Những câu đối thoại sắc lạnh như những thanh gươm chạm nhau tóe lứa, ánh dao vung lên túi bụi trong tiếng kêu làng thật to, máu tươi lênh láng... Nhưng thường xuyên qua những cái đó, đằng sau những cái đó là tâm trạng một con người trước khi tự kết liễu đời mình, vẫn muốn sống lương thiện mà không ai cho sống lương thiện. Con người ấy đã trợn mắt, chỉ vào cụ bá: - Tao không đến đây xin năm hào; hắn đã vênh cái mặt lên, rất kiêu ngạo: - Tao đã bảo tao không đòi tiền; để rồi dõng dạc: - “Tao muốn làm người lương thiện”; và cuối cùng hắn lắc đầu: - “Không được! Ai cho tao lương thiện. Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không! Chỉ có cách... biết không!... Chỉ còn.một cách là... cái này! Biết không!...”.

Chí Phèo vung dao chém bá Kiên túi bụi - đó là hận thù sâu sắc đã biến thành hành động trả thù quvết liệt; còn khi y quay lưỡi dao vấy máu kẻ thù vào cổ họng mình thì đó là một hành động cùng đường dẫn đến cái chết bất đắc kì tử của một bi kịch không lối thoát.

III. Kết luận.

Từ lúc gặp thị Nở cho đến khi kết thúc cuộc đời là quãng đời Chí Phèo đã thức tỉnh, muốn làm người lương thiện mà không được làm người lương thiện. Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người đó đã được giải quyết bằng cái chút vô cùng bi thảm của nhân vật, từ hơn nửa thế kỉ qua, vẫn không thôi nhức nhối lòng người đọc chúng ta. Mặc dầu vậy, quãng đời này đã được ghi lại “phần người” rất đáng quý ngay trong cả một con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Người đọc cảm nhận thấm thía những phát hiện tinh tế sâu sắc, những nét tâm trạng điển hình, và đặc biệt, sự diễn biến tâm trạng hợp lí, lôgic của nhân vật Chí Phèo qua ngòi bút nhân đạo và tài hoa của Nam Cao.
 
Top Bottom