Chế Lan Viên

H

hocmai.thaodinh

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Phong cách nghệ thuật thơ Chế Lan Viên
1. Sức mạnh trí tuệ biểu hiện trong khuynh hướng thơ suy tưởng - triết lý

Chế Lan Viên từng nhiều lần phát biểu quan niệm thơ của mình, trong đó ông nhấn mạnh: "Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh, không chỉ ở hời mà còn đập bàn, quát tháo, lo toan" (Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ...). Tư duy thơ của Chế Lan Viên có cách tiếp cận riêng với đời sống. Không dừng lại ở xúc cảm, ở bề ngoài của sự vật hiện tượng cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ muốn khám phá sự vật "ở cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái bề xa". Trí tuệ của nhà thơ hướng tới nắm bắt cái ý nghĩa triết lí hàm ẩn trong mỗi hiện tượng, và bằng tưởng tượng, liên tưởng, mà liên kết các sự vật, hiện tượng trong nhiều mối tương quan từ đó làm nảy lên những ý nghĩa sâu sắc. Cuộc sống hiện ra trong thơ Chế Lan Viên, vì thế, không chỉ như nhà thơ xúc cảm về nó, mà còn - và điều này quan trọng hơn - như nhà thơ suy nghĩ về nó. Cuộc sống đi vào trong thơ vì thế mà có thể ít đi phần nào cái cụ thể, chi tiết, sinh động, cái "non tơ" tươi tắn của nó, nhưng lại được làm giàu thêm ở một phía khác ở sức khái quát triết lý, ở sự hư ảo biến hóa, ở sự đa diện và đa dạng của các điểm nhìn, của các quan hệ...

Tuy nhiên, cũng dễ nhận ra rằng khi nào trí tuệ chưa đi liền với xúc cảm, hoặc những suy nghĩ chưa bắt dễ sâu vào trong thực tiễn sống động của đời sống mà nặng màu sắc tư biện trừu tượng thì câu thơ, đoạn thơ dễ rơi vào khô khan hoặc cầu kì, xa lạ.

Nhà thơ đã huy động vào trong công việc sáng tạo nghệ thuật nhiều năng lực và thao tác tư duy như phân tích, so sánh, khái quát hóa, triết lý và một vốn văn hóa, tri thức phong phú, nhiều mặt. Do cách nhìn ấy, thơ Chế Lan Viên không thiên về cảm xúc, cảm giác mà thâm nhập vào bề sâu và các bình diện của mỗi sự vật, hiện tượng, đặt nó trong nhiều mối tương quan để phát hiện những ý nghĩa tiềm ẩn mới mẻ, gây hứng thú và gợi suy nghĩ cho người đọc. Mỗi ý thơ, mỗi hình tượng thường được tác giả lật đi lật lại, để xem xét các mặt của nó, được đẩy tới tận cùng bằng cách đào sâu, mở rộng, đối sánh với các sự vật và hiện tượng khác. Vì thế thường bắt gặp trong thơ Chế Lan Viên những cách khai triển tú thơ như:

"Em đi như chiều đi

Gọi chim vườn bay hết

Em về tựa mai về

Rừng non xanh lộc biếc

Em ở, trời trưa ở

Nắng sáng màu xanh tre"

(Tình ca ban mai)

"Không ai có thể ngủ yên trong đời chật


Buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng


Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt,


Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm


Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt,


Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng..."

(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?)

Năng lực khái quát đi liền với thiên hướng triết lý là một phương diện cơ bản làm nên sức hấp dẫn trí tuệ của thơ Chế Lan Viên. Triết lý ở thơ Chế Lan Viên vừa dựa vào kinh nghiệm, trải nghiệm, vừa dựa vào trí tuệ sắc sảo, thông minh, và vốn tri thức văn hóa phong phú. Cố nhiên, những triết lý trong thơ chỉ có thể đạt được hiệu quả tối đa khi nó là kết quả tổng hợp của cả trí tuệ và trải nghiệm cả suy nghĩ và cảm xúc. Chế Lan Viên cũng không hiếm trường hợp đạt đến sự thành công như vậy.

2. Khai thác triệt để các tương quan đối lập

Tư duy thơ của Chế Lan Viên đặc biệt nhạy bén trong sự phát hiện những tương quan đối lập. Nhà thơ nhìn sự vật trong các mặt đối lập, đặt các hiện tượng tương phản bên nhau, làm nổi rõ bản chất và quy luật phát triển của nó, gây được hứng thú thẩm mỹ bất ngờ. Khai thác các tương quan này là phương thức phổ biến để tạo ý và cấu tứ trong thơ Chế Lan Viên, nó cũng là một hình thức quan trọng để sáng tạo và liên kết các hình ảnh thơ. Thường gặp trong thơ Chế Lan Viên là các mối tương quan giữa các phạm trù quá khứ và hiện tại, dân tộc và nhân loại, nội dung và hình thức, chủ thể và khách thể, còn và mất... Cũng rất phổ biến trong thơ Chế Lan Viên là những hình ảnh đối lập, chuyển hóa

- "Xưa phù du mà nay đã phù sa"

- "Xưa bay đi mà nay không trôi mất."

- "Người dưới vực sâu vẫn cứu kẻ trên bờ"

- "Nếu dưới vực sâu còn dũng khí"

- "Ta nấu xích xiềng ta làm súng đạn"

- "Người ngã xuống tựa máu mình mà đứng dậy"

- "Ta đội triệu tấn bom mà hái mặt trời hồng"

- "Cái hầm chông là điều nhân đạo nhất"

- "Một cái hôn cân vạn ngày lửa đạn"

Khai thác các tương quan đối lập không chỉ là một thủ pháp nghệ thuật mà đã trở thành một nét đặc trưng của tư duy thơ, chi phối cái nhìn nghệ thuật của Chế Lan Viên

3. Năng lực sáng tạo hình ảnh phong phú

Trí tuệ sắc sảo ở Chế Lan Viên gắn liền với năng lực sáng tạo hình ảnh hết sức dồi dào và đa dạng. Có thể nói, Chế Lan Viên cảm nhận, suy nghĩ về mọi điều bằng hình ảnh và hình ảnh lại khêu gợi, kích thích cho sự suy tưởng của nhà thơ càng vươn xa - sức mạnh của thơ Chế Lan Viên nổi trội cả ở ý và hình.

Thế giới nghệ thuật thơ của Chế Lan Viên được tạo lập bằng vô số hình ảnh dày đặc với nhiều dạng thức khác nhau. Có hình ảnh khái niệm, có hình ảnh kì ảo, lại có hình ảnh vừa thực vừa ảo, có hình ảnh đơn lẻ nhưng nhiều hơn là những hình ảnh được kết thành chuỗi, thành chùm, theo lối liên tưởng bổ sung hoặc đối lập. Năng lực sáng tạo hình ảnh ở Chế Lan Viên đã được bộc lộ ngay từ tập Điêu tàn. Nhưng chủ yếu Điêu tàn thiên về những hình ảnh được tạo bằng tưởng tượng, thậm chí bằng hư tưởng để gây được ấn tượng kinh dị (những nấm mồ, sọ người, xương khô, ma trơi, xương vỡ, máu trào...)

Từ Ánh sáng và phù sa, thơ Chế Lan Viên càng giàu hình ảnh, nhưng chủ yếu là những hình ảnh có mối liên hệ với hiện thực, bắt nguồn từ đời sống được sáng tạo bằng liên tưởng phong phú, táo bạo. Trong thơ Chế Lan Viên có những hình ảnh thật chân thực và chứa chan cảm xúc, nhưng còn bắt gặp nhiều hơn cả là những hình ảnh được sáng tạo bằng trí tưởng tượng phong phú liên tưởng bất ngờ cùng với cảm xúc dạt dào mà sâu lắng. Những đảo đá Hạ Long cũng mang chứa linh hồn và sự sống:

"Những đêm trăng, đá suy nghĩ như người



Khi xuân đến, đá động lòng thương nhớ,


Khi hè gọi đá xôn xao trong dạ đá

Hoa phong lan tím hồng rủ bướm đến từng đôi."

(Cành Phong Lan bể)

Còn đây là cảnh tượng rực rỡ, kì ảo nơi đáy bể qua trí tưởng tượng không phải của một nhà sinh học mà của một nhà thơ.

"Tôi muốn đến chỗ nước, trời lẫn sắc


Nơi bốn mùa đã hóa thành thu


Nơi đáy bể, những rừng san khô vờ thức ngủ


Những rừng rong tóc xõa, lược trăng cài.


Nơi những đám mây trắng xóa, cá bay đi


Cá vào hội xòe hoa, mang áo đẹp."

(Cành Phong Lan bể)

Để tạo thành hình ảnh, Chế Lan Viên cũng sử dụng những thủ pháp quen thuộc như miêu tả, so sánh, liên tưởng và những phép chuyển nghĩa như ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng. Liên tưởng và tưởng tượng, mỗi hình ảnh và sự vật được hiện ra trong các so sánh tương đồng hoặc đối lập, được mở rộng, bổ sung trong không gian và vận động biến đổi trong thời gian. Vì thế, hình ảnh trong thơ Chế Lan Viên ít khi tồn tại đơn lẻ, biệt lập mà thường kết thành từng chuỗi, từng chùm, tầng tầng, lớp lớp, như những chùm pháo hoa liên tiếp, nhiều màu sắc và hình dáng, tạo nên khoái cảm thẩm mỹ bất ngờ cho người đọc.

Đây là biển được nhìn trong nhiều thời khắc và với nhiều liên tưởng bất ngờ:

"Xanh biếc màu xanh, bể như hàng nghìn mùa


Thu qua còn để tâm hồn nằm đọng lại


Sóng như hàng nghìn trưa xanh trời đã tan xanh ra


Thành bể và thôi không trở lại làm trời:


Nếu núi là con trai thì bể là phần yểu điệu


Nhất của quê hương đã biến thành con gái,


. . . .


Thoảng tí gió, gợn màu mây, nhạt tí nắng, ửng


Sắc trời, ló vầng trăng, hay chỉ vô tình


Con chim bay, con cá đớp


Bể đổi thay như lòng ta thay mùa, thay cảm xúc


Lật từng trang mây nước lạ lòng ta."

(Cành Phong Lan bể)

Cũng thường gặp trong thơ Chế Lan Viên rất nhiều hình ảnh biểu tượng. Có thể là những biểu tượng đã quen thuộc trong đời sống hoặc trong sách vở Cổ, Kim, Đông, Tây được sử dụng và tái tạo để mang được màu sắc thời đại. Nhưng cũng có nhiều biểu tượng mới do nhà thơ sáng tạo ra, dựa trên sự mở rộng nghĩa vốn có của từ ngữ và hình ảnh, đem lại cho những hình ảnh quen thuộc một ý nghĩa khái quát mới. Thời Điêu tàn là những biểu tượng tháp Chàm, Sông Linh, Huyệt mộ, nhánh xương khô... Từ sau cách mạng, lại thường thấy trong thơ Chế Lan Viên những hình ảnh biểu tượng mới: Ánh sáng và phù sa, con tàu lên Tây Bắc, Sông Hồng và Sông Thương, bể và người, hình của nước, thần chiến thắng... Ở chặng thơ cuối đời, biểu tượng của Chế Lan Viên thêm đa dạng, đa nghĩa: Có tháp Bay-on bốn mặt và tháp Cao tăng, có Dã tràng có ích và hoa trên đá, xứ không màu.

4. Sự đa dạng trong bút pháp

Tiếp nhận ảnh hưởng của nhiều trường phái thơ phương Tây, nhất là thơ trí tuệ của Valêri, thơ Chế Lan Viên thiên về xu hướng hiện đại, nhưng không ít trường hợp, đặc biệt là trong thể tứ tuyệt lại có được cái hàm súc và phong vị man mác cổ thi. Về thể thơ cũng rất đa dạng. Chế Lan Viên thành thạo, nhuần nhuyễn trong thể bảy tiếng, tám tiếng ngay từ tập thơ đầu, ông cũng là người có nhiều thành tựu nổi bật nhất trong thể thơ tự do thơ văn xuôi, thúc đẩy xu hướng tự do hóa hình thức trong thơ hiện đại Việt Nam.

Thể thơ tứ tuyệt, hay nói chính xác hơn là thơ bốn câu của Chế Lan Viên là sự sáng tạo mới mẻ, hiện đại trên cơ sở một thể thơ truyền thống. Đó là kết quả nghệ thuật đầy năng động vừa tiếp thu và mài giữa những công cụ của truyền thống mà những khả năng tiềm tàng của nó không phải chúng ta đã khám phá hết được, đồng thời lại tìm tòi thể nghiệm để đem đến sự cách tân mang tính hiện đại cho một thể thơ truyền thống?
(PGS.NGND Nguyễn Văn Long - Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại,Khoa Ngữ Văn, ĐHSP Hà Nội.)
Hi vọng bài này sẽ có ích đối với những ai muốn tìm hiểu về Chế Lan Viên. Bạn nào có tư liệu gì giúp cắt nghĩa tìm hiểu các tác phẩm của nhà thơ này thì cùng chia sẻ với mọi người nhé.
 
C

conu

Cảm ơn bạn rất nhiều, một bài viết rất hay về hồn thơ Chế Lan Viên.
 
S

shinichi5692

hay quá, nhưng nó tỉ lệ thuận với dài quá. đọc xong choáng luôn. ^^!
 
H

hocmai.thaodinh

:) Quả là hơi bị dài thật nhưng mọi người có thể ghi nhớ ý chính (4 đề mục) từ đó tự triển khai theo ý hiểu của mình là ok rồi.
Lúc nãy hì hục viết về quan niệm thơ CLV rồi lại làm mất mất, bực mình quá - giờ đành trình làng bà con mình một đoạn thôi, ai có thời gian thì viết tiếp nhé:
QUAN NIỆM THƠ CHẾ LAN VIÊN
Chế Lan Viên là nhà thơ có quan niệm thơ rấtt rõ ràng, không chỉ thể hiện trong các bài viết, bài phát biểu mà còn ông nói đến trong nhiều bài thơ của mình. Quan niệm của thơ của Chế Lan Viên có sự vận động qua các giai đoạn sáng tác nhưng vẫn có những nét chung nhất quán xuyên suốt sự nghiệp thơ.
Trước cách mạng, Chế Lan Viên có quan niệm thơ rất độc đáo, khác lạ - được ông phát biểu trong "Lời tựa" tập "Điêu tàn": "Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: làm thơ là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải là người. Nó là người mơ, người say, người điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là tinh là yêu. Nó xáo trộn Dĩ - vãng. Nó ôm trùm tương lai. Người ta không hiểu được Nó vì Nó nói nhiều cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý nhưng thường nó không nói. Nó gào, Nó thét, Nó khóc, Nó cười. Cái gì của Nó cũng tột cùng." ý kiến này đã được xem là tuyên ngôn của "Trường thơ loạn". ". Hạt nhân, cơ bản, cốt lõi của quan niệm thơ trên đấy là sự đề cao cái tột cùng, xem thơ như một hành động phi thường, vượt ra khỏi mọi sự thường để luôn khác lạ và đạt tới sự tột cùng. Tập "Điêu tàn" là sự hiện thực hóa quan niệm thơ ấy. Chế Lan Viên đã dựng nên một thế giới kinh dị trong "Điêu tàn"với những nấm mồ, xương trắng, cùng yêu ma... - những hình ảnh về sự tàn vong của vương quốc Chiêm Thành. Trong tập thơ này Chế Lan Viên bộc lộ một cái tôi chán nản đến gay gắt, phủ nhận hoàn toàn thực tại:
"Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài ngĩa khổ đau"
(Xuân)
"Trời hỡi hôm nay ta chán hết
Những sắc màu hình ảnh của trần gian"
(Tạo lập)
Quả thực thi sĩ đã đưa tất cả lên mức tột cùng.

---Tạm stop ở đây đã----
 
H

hocmai.thaodinh

Sau cách mạng, Chế lan Viên hòa nhập với cuộc sống mới, thơ ông không còn bị ám ảnh bởi nỗi chán chường đến cùng cực của Điêu tàn mà căng đầy nhựa sống. Chế Lan Viên đưa ra vấn cơ bản về quan niệm sống:
Ta là ai? Như ngọn gió siêu hình
Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt
Ta vì ai? khẽ xoay chiều ngọn bấc
Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh
(Hai câu hỏi)
Thực ra, cả hai câu hỏi trên đây vẫn luôn tồn tại và mỗi người nghệ sĩ ở thời đại nào cũng đều phải tìm cách trả lời. Có điều là, tùy theo tình thế của thời đại mà câu hỏi nào sẽ được đặt lên trước.
Nhà thơ tìm được lời giải đáp cho nỗi băn khoăn về ý nghĩa đích thực của thơ ca:
Suốt một đời ăn hạt gạo nhân dân
Lần thứ nhất nhà văn đi học cấy
Bỗng hối tiếc nghìn câu thơ nước chảy
Chửa "vì người" bằng một bữa cơm ăn
(Đi thực tế)
Trong cách nói có phần hơi cực đoan ấy là sự giác ngộ chân thành và dứt khoát của nhà thơ về chân lý giản dị này: "Thơ cần có ích cho cuộc đời, cho nhân dân".
Tham gia vào hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Chế Lán Viên cũng như các nhà văn nhà thơ thời ấy ý thức sâu trách nhiệm của mình, ông quan niệm nhà thơ cũng là chiến sĩ:
Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy
Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi
(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng)
Chế Lan Viên yêu cầu người làm thơ phải gắn bó với cuộc sống, phải mở rộng lòng mình ra mà đón lấy “những vang động của đời”:
“Cuộc sống đánh vào thơ trăm nghìn lớp sóng
Chớ ngồi trong phòng ăn bọt bể, anh ơi!”
(Nghĩ về thơ)
“Thơ, đong từng ngao nhưng tát bể
Là cái cân nhỏ xíu lại cân đời.
Thơ không phải chỉ đưa ru mà còn thức- tỉnh
Không phải chỉ "ơ hời" mà còn đập bàn, quát tháo lo toan.”
(Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ…)
Nhà thơ hăng say lao động sáng tạo, hàng loạt tập thơ ra đời thể hiện tài năng, bút lực dồi dào của Chế Lan Viên.
 
H

hocmai.thaodinh

Những năm cuối đời, Chế Lan Viên trở lại với những trăn trở băn khoăn về đời sống thế sự, những suy tư triết học về bản thể, về sự sống và cái chết, hư vô và tồn tại, về thơ ca và con đường thơ của mình. Những câu hỏi một thời tưởng như đã giải quyết xong nay lại được nhà thơ nhìn nhận lại:
Ta là ai? Về đâu? Hạt móc
Là ta chăng? Dòng sông là ta chăng? Tiếng khóc
Là ta chăng? Vì sao lạc phương trời
Là ta chăng? Ta chưa kịp trả lời
Thì sông đã cuốn ta vào bóng tối
(Hỏi - Đáp)
Nhà thơ tự vẽ lại Cái "tôi" phức tạp của mình bằng biểu tượng tháp Bay-on bốn mặt:
Anh là tháp Bay-on bốn mặt
Dấu đi ba, còn lại đó là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc.
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình
(Tháp Bay-on bốn mặt)
Và tác giả khao khát được trở về với cuộc sống đời thường giản di, trở về làm "nhà thơ cưỡi trâu":
Cho tôi về với cành lau vàng vọ
Về với con trâu nghé ngọ
Có cặp sừng bỡ ngỡ
Chiều buồn không biết cọ vào đâu?
 
L

loveyou1990

Mình muốn hỏi phong cách văn của Chế Lan Viên thể hiện như thế nào trong bài thơ''Tiếng hát con tàu''.
 
Top Bottom