Có gì buồn hơn một ngày không nắng? Có bao giờ trời âm u hơn một ngày mưa? Và có khi nào cuộc sống đơn điệu và tẻ nhạt hơn khi con người không có những niềm mơ ước cao xa? “ Hai đứa trẻ”_ tác phẩm xuất sắc, giàu chất thơ của Thạch Lam đã tạo cho người đọc những dư ba trong trẻo và tươi sáng bởi chính ngôn ngữ miêu tả giàu hình ảnh, ngòi bút tài hoa giàu cảm xúc, giọng văn ngân nga như có nhạc điệu , vẻ đẹp bình dị của cuộc sống đời thường và những tình cảm ngây thơ cùgn sự bay bổng của niềm mong ước xa xôi ấy.
Chất thơ trong truyện ngắn, trước tiên toả ra từ cảnh vật quê hương được khắc hoạ bằng ngòi bút miêu tả tài hoa của tác giả “...Khi tiếng trống thu không gọi buôỉ chiều, phương tây đỏ rực như lửa cháy, tre làng cắt hình rõ rệt lên nền trời....” Câu văn vang lên, nhẹ nhàng từ một buổi chiều “êm ả như ru”, ngân vang từ tiếng trống thu không đầy sức ám gợi, man mác buồn từ ánh tà dương le lói, quạnh vắng, hiu hắt hơn từ tiếng muỗi vo ve, tiếng ếch nhái, xơ xác, tiêu điều, ngập dần trong bóng tối.... Thạch Lam đã mở đầu thiên truyện ngắn bằng những dòng văn kết hợp giữa cảnh vật và ngôn ngữ miêu tả giàu hình ảnh, nhịp điệu, cảm xúc như thế. Trong lời văn xuôi êm ái đó có nhịp điệu của thơ và nhịp rung của một tâm hồn thiết tha yêu mến cảnh vật làng quê, gắn bó máu thịt với quê hương xứ sở. Cảnh vật, tự thân nó đã là hình ảnh của thơ. Không gian chiều nơi làng quê có lẽ đã là một không gian quen thuộc với tất cả mọi người. Cảnh vật, mùi vị quê hương hiện lên, gần gũi, bình dị nhưng đầy sức gợi. Nói là một khu phố nhưng phố huyện chẳng khác với làng quê là mấy, vẫn có “dãy tre làng”, có “tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng”, “con đường thăm thẳm ra sông” và “các ngõ vào làng”_ một không gian chất chứa hồn quê Việt với những người dân chưa xa rời đồng ruộng, ban ngày vẫn mò cua, bắt ốc. Vẫn có cái mùi âm ẩm riêng của đất, vòm trời với hàng ngàn ngôi sao lấp lánh, những con đom đóm bay là là trên mặt đất.... đến cái ánh sáng nhạt nhoà buồi chiều tà, ánh đèn “thưa thới từng hột sáng lọt qua phên nứa”.... Nếu người xưa vẫn nói “thi trung hữu hoạ” thì trong thơ_truyện ngắn của Thạch Lam thật là vừa có hình ảnh, vừa có mùi vị, vừa có màu sắc, có âm thanh và cả ánh sáng.
Trong cảnh ngày tàn, qua cái nhìn của An và tâm trạng của Liên, con người nơi phố huyện xuất hiện như những đốm sáng tù mù, leo lét, vật vưỡng một cách tội ngiệp trong nghèo đói, buồn chán và tăm tối. Đó là mẹ con chị Tí ngày mò cua bắt tép, tối lại đội cái chõng che ra ga ngồi bán với một hy vọng còm cõi như chính chõng hàng nước của chị. Đó là bà khách quen mua rượu ở cửa hàng của chị em Liên, bà cụ hiện ra trong bóng tối và cũng trở về trong bóng tối.... Đó là gánh hàng của bác phở Siêu, manh chiếu của gia đình bác Xẩm....Người dân phố huyện sống lầm lụi, lặng lẽ với những công việc ngày nào cũng giống ngày nào, không xê dịch, không thay đổi,dường như họ an phận với cuộc sống mòn mỏi, uể oải, nhàm chán của mình. Cái bóng tối của thời khắc, cái bóng tối của cuộc đời cứ dần bủa vây lấy những kiếp người lầm lũi nơi phố huyện. Chất thơ toả ra từ chính đời sống u buồn, hiu hắt ấy.
Chất thơ còn toả ra trong cách tác giả miêu tả hồn người, tinh tế trong việc nắm bắt những rung cảm tinh tế nơi tâm hồn nhân vật, tác giả dường như hoá thân vào nhân vật Liên, cảm nhận được những tác động rất nhẹ nhàng của cảnh vật vào tâm trạng. Cảnh thiên nhiên trong lặng trầm và u uất đã “thấm vào tâm hồn ngây thơ của chị” khiến Liên thấy buồn man mác. Một cảnh tượng làm chị không thể không chạnh lòng đó là sự xuất hiện của những chú bé nheo nhóc đi nhặt nhạnh những thứ rác rưởi còn sử dụng được ở cái nền chợ nghèo xác xơ. Quá khứ và hiện tại, ánh sáng và bóng tối, lãng mạn và hiện thực,giấc mơ và sự thật, tất cả tạo ra những biến động sâu kín trong lòng Liên. Điệu buồn chất chứa nơi giọng văn, vương vấn ngay từ suy nghĩ, tâm trạng cô bé ngây thơ và non nớt.
Nhưng hai đứa trẻ còn có sự vượt thoát của tâm hồn khi hướng về một thế giới đẹp đẽ,một thế giới xa xăm, bí ẩn nhưng đầy sức quyến rũ, như vòm trời với hàng ngàn ngôi sap lấp lánh, như đoàn tàu chở đầy ánh sáng xuyên màn đêm tăm tối.........Truyện cứ trải dài ra như một bài thơ, lắng sâu vào tâm hồn người đọc. Chất nhạc du dương thấm trong từng câu văn, một giọng văn bình dị mà tinh tế, đầy ưu ái.
Có thể nói “Hai đứa trẻ” là một bài thơ trữ tình trọn vẹn mang trong mình sự trìu mến đối với cảnh vật và lòng thương cảm đối với những kiếp người bình thường, nhó bé của Thạch Lam.
Kết hợp hài hoà giữ ngữ điệu buồn, hiu hắt và cảnh vật thân thuộc, gần gũi nơi đồng quê Vịêt, giữa lời văn nhẹ nhàng, uyển chuyển và những cảm xúc tinh tế của một tâm hồn dễ rung động_truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam cứ ngân vang mãi trong lòng người đọc cái chất thơ sâu lắng của mình.
Nguồn : net