Chất lãng mạn thể hiện ở các phương diện sau:
-Bức tranh thiên nhiên là những dòng văn giàu chất thơ,đi sâu vào khai phá đời sống đầy chất thơ nơi làng quê:“Một chiều êm ả như ru, với gió nhẹ, với ếch nhái kêu ran và cả khi bóng tối ăn lan lên mặt đất, ở bầu trời, hàng ngàn vạn sao đã chi chít mọc. Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”
Vũ trụ nghệ thuật của Hai đứa trẻ là vũ trụ của bóng tối, hay nói đúng hơn đó là một thế giới có sự xung đột rõ rệt giữa ánh sáng và bóng tối. Chọn cái “giờ khắc của ngày tàn” để khởi đầu trang truyện và đặt nhân vật của mình vào lòng đêm thăm thẳm, bí mật và ngập tràn bóng tối, nhà văn đã rất “hiện thực” trong việc miêu tả kiếp sống con người. Trên cái nền kiến trúc cơ bản: sáng và tối, Thạch Lam đã triển khai cuộc sống cho các nhân vật của mình, từ đó làm bật lên những điều bi thiết mà nhà văn muốn gửi gắm.
Lúc hoàng hôn, tuy các nhà lên đèn, nhưng nguồn sáng vẫn không đủ xua tan bóng tối khiến những “hòn đá hãy còn một bên tối”. Lúc bắt đầu đêm thì đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối. Bác hàng phở lom khom nhóm lửa, bóng bác mênh mông ngã xuống đất một vùng và kéo dài ra tận đằng xa. Chị em Liên ngồi dưới gốc bàng tối. Con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng sẫm đen hơn. Lối đi của con người đã tối, mà ngay cả âm thanh của tiếng trống cầm canh đánh tung lên một tiếng rồi cũng chìm vào ngay trong bóng tối. Các cửa hàng cơm ở ga cũng im lặng tối đen. Ngay cả con tàu cũng loáng qua như một giấc mơ rồi bị bóng đêm nuốt chững. Dường như vũ trụ nghệ thuật của Hai đứa trẻ là vũ trụ của bóng tối. Đất quê đồng ruộng mênh mang cứ yên lặng nằm trong bóng tối đã đành mà ngay cả đôi mắt con người cũng ngập đầy bóng tối. Kết thúc tác phẩm là sự “tịch mịch và đầy bóng tối”.
Thế nhưng, không chỉ có bóng tối, ánh sáng cơ hồ cũng đi tìm chỗ đứng của mình trong Hai đứa trẻ,… nhưng nó chỉ mong manh yếu đuối như là những dấu hiệu của sự sống. Đó là những vệt sáng của đom đóm bay là là trên mặt đất cành cây, đó là những ngôi sao ganh nhau lấp lánh. Nhưng cái ánh trời ấy chỉ là sản phẩm thiên tạo nhợt nhạt xa vời. Trong lây lất lụi tàn, những đốm sáng của con người thắp lên có lẽ ít nhiều xua đi vẻ u ám của bóng đêm, nhưng quả thực, cái hiu hắt lặng lẽ và nhỏ nhoi của nó chỉ có ý nghĩa như là dấu hiệu của sự sinh tồn của con người mà thôi. Nó yếu ớt, le lói. Ngọn đèn chị Tí chỉ là một “quầng sáng nhỏ nhoi” trên mặt đất ngập tràn bóng đêm. Bếp lửa bác Siêu chỉ là “một chấm lửa nhỏ và vàng, lơ lửng đi trong đêm tối”. Ánh đèn cửa tiệm chị Liên thưa thớt từng hột lọt qua phên nứa. Ánh đèn lồng của hiệu khách đi đón người ở nhà ga về thì chỉ đủ sức làm lung lay cái bóng đen dài của người cầm đèn. Chiếc đèn ghi nhà ga thì xanh biếc như đốm lửa ma trơi. Chính vì thế, ánh sáng tự thân từ các nhân vật đốt lên chỉ là những ”vết”, những ”hột”, những ”chấm” lửa trước bóng đêm u tối vô tận. Trong bóng tối dày đặc đen nghịt mênh mông, những điểm sáng leo lắt của con người chỉ là những biểu hiện cho sự vươn sống, nhưng cũng chỉ là chứng nhân cho một sự mỏi mòn, yếu ớt như sự mong manh tàn lụi của kiếp người không hơn không kém. Chính ở đây, rõ ràng nhà văn Thạch Lam đã sử dụng thủ pháp tương phản của văn học lãng mạn để làm bật lên chủ đề của truyện.
Song điều đặc biệt thể hiện rõ nhất tinh thần lãng mạn trong Hai đứa trẻ là nhân vật Liên. Trong những cái bóng nhập nhòa của đời sống phố huyện chỉ hiện diện có một tâm hồn biết sống. Tâm hồn ấy là Liên. Liên vừa hòa vào khối người trong bóng tối, vừa tách ra như một điểm nhìn đầy ý thức của ”cái tôi”. Cô bé không chịu tự đánh mất mình trong một tổng thể nhạt nhòa dễ lẫn. Trong cái hun hút khuya đêm, trong bóng tối tĩnh lặng của đời mình, Liên đã nhìn vào lòng đêm mà khắc khoải nhận ra một thứ hào quang cao rộng, xa xôi hơn của kiếp người. Đôi mắt mở to của cô thiếu nữ không chịu ngủ yên. Cuộc sống diễn ra trước mắt người khác sẽ lặng lẽ như một thứ ao tù, nhưng tâm hồn tinh tế nhạy cảm của Liên đã tự thấy ở cõi lụi tàn ấy cả một sự sống xôn xao. Đằng sau dáng ngồi bất động và gương mặt ưu phiền của Liên là cả một ”cái tôi” đa cảm và trầm tư.
Bên ngưỡng cửa của người lớn, Liên vừa cứ hồn nhiên vừa biết lo toan, Liên đã cảm nhận cái gì đó thật mơ mộng, bâng khuâng mà cô bé không đặt tên nỗi: ”Liên không hiểu tại sao chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”. Cho nên người đọc không lạ gì khi đôi mắt ngập buồn của Liên có thể vừa nhận ra sự giống nhau vừa nhận ra sự khác nhau trong các loại đèn: đèn nhà bác phở Mỹ, đèn Hoa kỳ leo lắt ở nhà ông Cửu, đèn dây sáng xanh ở hiệu khách, đèn ma trơi của tàu,… Thế giới còm cõi, đơn điệu với cô vì thế chẳng hề vô cảm. Tiễn một ngày tàn ở phố chợ hiu quạnh, từ cái mùi âm ẩm của xác lá và rác bốc lên hơi nóng của ngày lẫn mùi cát bụi, cô cũng nhận ra ở đấy có mùi riêng của đất quê hương, ở đấy có một cái gì rất đằm thắm, rất riêng tư. Cô còn nhận ra nỗi cô đơn muốn đồng cảm níu kéo gặp gỡ của những con người ”mặc dù đòn gánh đã xỏ sẵn vào quang rồi” nhưng cứ chưa rời nhau vì cố ”đứng nói chuyện với nhau ít câu nữa”. Để lắng nghe và cảm thức được những điều ấy, rõ ràng tâm hồn cô bé Liên phải hết sức gắn bó âu yếm với mảnh đất này, một sự gắn bó chỉ ở một tâm hồn lãng mạn mới có.
Ở nhân vật Liên, chúng ta có cảm tưởng rằng, Liên cũng chỉ quẩn quanh trong cái ngõ cụt như bao kiếp phận khác. Vì có gì buồn bằng bóng tối, có gì đáng sợ hơn bóng tối, ấy thế mà giữa cái tối vây quanh hun hút, Liên không thấy buồn, nhất là ”đêm tối với Liên quen lắm, chị không sợ nó nữa”. Thực ra, tâm cảm của Liên đã quên bóng tối, cô để cho đôi mắt của mình bắt lấy mọi thứ ánh sáng, từ vệt đom đóm bay đến ngọn đèn con của chị Tí, từ những hột lửa của đoàn tàu bắn ra đến ”hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh”, nghĩa là từ mặt đất quá thiểu não, nặng nề, tâm hồn bay bổng đã lặng lẽ tách Liên ra khỏi cuộc đời tăm tối để sống những phút giây mơ ước hi vọng, dẫu đó chỉ là những giấc mơ hão huyền. Hình ảnh đoàn tàu với Liên vì thế chất chứa một vẻ đẹp của ngày qua. Ở đó, lặng theo mơ tưởng, một thế giới hoài niệm nơi ký ức sâu đằm hiện lên ngân nga một dư vị ngọt ngào. Đó là một trang cổ tích ngày xưa bỏ quên ở Bờ Hồ, nơi hai chị em đã từng ”uống cốc nước lạnh xanh đỏ thần tiên”. Quá vãng đã trào lên muôn sắc hào quang, dù không rõ rệt nhưng vẫn hấp dẫn và quyến rũ mê hồn với những nhân vật lãng mạn. Vì vậy, ta hiểu vì sao Liên là nhân vật duy nhất trong phố huyện cố thức không phải chỉ để ”may ra còn có người mua” mà chỉ muốn được nhìn chuyến tàu. Đó là hạnh phúc duy nhất trong ngày, và phải chăng còn là mơ ước cả một đời ở con người. Vì thế con tàu trong mắt Liên đồ sộ lạ lẫm và đi với tốc độ phi thường, vừa tới đã vụt qua. Và cô bé đã xốn xang như uống lấy tiếng động của nó, sắc màu của nó. Thế nhưng, như một thứ trò chơi của số phận, con tàu mà Liên ngưỡng mộ khát khao đến rồi đi, trả lại cho cuộc đời thực cái bóng đêm cố hữu như số phận. Nó chỉ là một con sóng đột nhiên dội tới mặt nước bằng phẳng từ hãm của cuộc đời. Cái còn lại sau đó là môt bầu trời đầy sao, và Liên cũng như bao con người khuất lấp khác lại tiếp tục lầm lũi cẩn thận gài then cửa, vặn nhỏ ngọn đèn, khép lại cánh cửa thường nhật để gieo mình câm lặng trong bóng tối. Nhưng ngày mai, ngày mai lại bắt đầu, và giấc mơ của Liên sẽ trở lại,… Trong mắt nhìn của Thạch Lam, nhân vật Liên là thế đấy, một nhân vật lãng mạn.