câu hỏi về đức tính khiêm nhường

N

nguyendieulinh2

T

trannrinn

ĐỨC TÍNH KHIÊM NHƯỜNG
I. MB :
- Trong xã hội bên cạnh những kẻ kênh kiệu phách lối có những người sống khiêm nhường
- Họ nhún mình tự cho mình kém hơn người khác.
- Khiêm nhường là một đức tính tốt đáng cho ta học tập.
II.TB :1) GIẢI THÍCH :
-“Khiêm nhường”có nghĩa là khiêm tốn và nhún nhường.
- Người “khiêm nhường” luôn cho rằng mình thấp kém không tài giỏi bằng người khác.
- Người “khiêm nhường” luôn nhận phần thua thiệt không muốn hơn mọi người.
2) CHỨNG MINH :
- Trong cuộc sống người khiêm nhường không phải là ít.
- Khi vào bàn tiệc, họ ngồi vào chỗ khuất. Khi bình chọn, họ cho rằng mình thua người khác và khiêm tốn từ chối.
-Người học sinh giỏi khiêm tốn trước mọi người , tự cho rằng mình phải cố gắng hơn.
- Người lãnh đạo khiêm tốn tự cho mình không giỏi và chịu khó học hỏi.
3) PHÊ PHÁN :
- Trong xã hội cũng còn rất nhiều người không biết khiêm nhường, luôn tự cao, tự đại, lấn lướt kẻ khác. Họ không biết những hành động đó nói lên giá trị thấp kém của mình.Đó chỉ là những kẻ“thùng rổng kêu to”.
4) ĐÁNH GIÁ :
- Khiêm nhường là một đức tính tốt. Nó làm người ta không kiêu căng, phách lối, luôn cố gắng học hỏi và nâng mình lên.
- Tuy nhiên khiêm nhường không có nghĩa là tự ti hay tự kĩ. Bởi vì khiêm nhường chỉ thể hiện đức tính hạ mình, không làm cho người đối diện phải mất lòng. Không phải lúc nào cũng cho mình là hèn kém, thua thiệt, rồi sinh ra mặc cảm tự ti hay nhìn đời bằng cặp mắt chán nản, tự kĩ.
- Phải luôn quan niệm “ xưng khiêm hô tôn” với mọi người trong xã hội.
III. KB :- Khiêm nhường là một đức tính tốt. Người thể hiện sự khiêm nhường sẽ được mọi người yêu mến và kính trọng.
- Chúng ta rèn luyện đức tính để trở thành người tốt.

Nghị luận Đức tính khiêm nhường
“Đức tính khiêm nhường là một điều thật lạ lùng. Ngay giây phút bạn nghĩ bạn đã đạt được nó, thì cũng ngay giây phút đó, bạn đã đánh mất nó”.
Có một số người hiểu lầm, cho rằng khiêm nhường có nghĩa là xem mình là thấp kém, là không đáng kể, cho mình chỉ là “cái thảm chà chân” để mọi người khác dẫm lên trên. Nếu có một người luôn miệng nói rằng: “Ôi, tôi chẳng là ai cả. Đừng quá quan tâm tới tôi”, thì người này, thoạt tiên chúng ta tưởng như một người khiêm nhường, nhưng thực ra, đây là một người kiêu ngạo ngầm bên trong.
Vì khi một người luôn miệng tự tuyên bố rằng “tôi chẳng là ai cả”, “tôi chẳng có tài cán gì cả”, thì người đó muốn được người khác chú ý đến “sự hạ mình” của mình. Người đó muốn những người chung quanh khen ngợi mình là một người khiêm nhường và dĩ nhiên, đây không phải là một thái độ khiêm nhường đúng nghĩa.
Người khiêm nhường đúng nghĩa là người trung thực với chính bản thân mình và trung thực với những người chung quanh. Một người khiêm nhường thực sự có nhận định trung thực về giá trị bản thân của mình, công nhận những ưu điểm và cũng như những khuyết điểm nào mà mình có. Nhưng quan trọng hơn thế nữa, người khiêm nhường cũng nhìn nhận giá trị của người khác. Qua thái độ nhìn nhận giá trị người khác, người khiêm nhường thực sự bày tỏ sự tôn trọng và lòng quan tâm đến quyền lợi, nhu cầu, sự an ninh và niềm hạnh phúc của người xung quanh mình, đặt những điều này lên trên quyền lợi, nhu cầu, sự an ninh và niềm hạnh phúc của chính bản thân mình.
Một người khiêm nhường đúng nghĩa, không cần phải tự hạ bệ mình xuống, không cần phải đánh giá thấp về chính bản thân mình. Một người khiêm nhường thực sự không bận rộn nói về mình, khoe về sự hạ mình qua những câu như “tôi chẳng ra gì”, “tôi chẳng có tài cán chi”, nhưng người đó thường bày tỏ sự quan tâm đến người chung quanh, lắng nghe những nhu cầu và nguyện vọng của người khác, cũng như tạo ra những dịp tiện hay nhường lại những cơ hội để người khác có thể thăng tiến.
Người khiêm nhượng thực sự không quan tâm lắm đến việc xem xét mình đã đạt đến mức độ nào trong nấc thang khiêm nhường, cũng không bận rộn nói về chính mình hay khoe khoang về thái độ khiêm nhường của mình.
Khiêm nhường là sẵn sàng bước xuống, để nhường cho người khác có thể bước lên, như Kinh Thánh có diễn tả: “Đừng làm việc gì để thỏa mãn tham vọng cá nhân hoặc tự đề cao, nhưng hãy khiêm tốn, coi người khác hơn mình” (Phi-líp 2:3).
Khiêm nhượng không có nghĩa là yếm thế, nhu nhược, nhưng hoàn toàn ngược lại, người khiêm nhượng có tấm lòng can đảm, hào hiệp và sẵn sàng hy sinh cho tha nhân.
Khiêm nhường không dính líu gì đến địa vị hay cấp bậc của một người trong xã hội. Một người ở địa vị thấp kém vẫn có thể kiêu ngạo, và ngược lại, một nhà học giả uyên bác vẫn có thể rất khiêm nhường, bởi vì khiêm nhường không phải là tự hạ bệ mình xuống, nhưng là biểu hiện của sự tôn trọng và lòng quan tâm đến với tha nhân.
Khiêm nhường đi song hành với tình yêu thương, hay nói một cách khác, quý vị và tôi không thể yêu thương một người mà đồng thời lại lên mình, kiêu ngạo, lấn lướt người đó được, như sứ đồ Phao-lô có trình bày: “Tình yêu hay nhẫn nại, nhân từ; tình yêu chẳng ghen tị, khoe mình hay kiêu căng”


Bài viết: Văn nghị luận xã hội về đức tính khiêm nhường

Nguồn :Net.:)
 
N

ngocsangnam12

Trong xã hội hiện nay, chúng ta cần phải trang bị cho mình những hành trang cần thiết để có thể tự hoàn thiện bản thân mình và hội nhập vào cộng đồng, vào xã hội. Một trong những đức tính cần thiết nhất để có thể hòa nhập và có được mối quan hệ tốt là khiêm nhường. Khiêm nhường không chỉ là nghệ thuật sống mà còn là nền tảng dẫn đến thành công.

Khiêm nhường là một bản chất tốt cần phải có trong cách đối xử thế hàng ngày. Đó là thái độ không tự đề cao mình, đánh giá đúng mực về bản thân, luôn học hỏi người khác và biết kính trên nhường dưới. Những người khiêm nhường thường rất hòa nhã, nhún nhường, tôn trọng người khác và nghe nhiều hơn nói. Họ luôn nhanh chóng nhìn nhận và sửa đổi các khuyết điểm của mình, học tập những cái hay, cái tốt từ người khác và không tự mãn với những gì mình đã đạt được. Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về đức tính khiêm nhường. Suốt cuộc đời mình, Bác luôn giữ một lối sống giản dị, thanh đạm. Dù ở cương vị một Chủ tịch nước, Bác vẫn ở trong ngôi nhà sàn đơn sơ với những vật dụng hết sức giản dị, mộc mạc, vẫn tự tay chăm sóc vườn cây, nuôi cá,… Hay anh thanh niên trong tác phẩm “Lặng lẽ Sapa” luôn khiêm nhường, cho rằng mình không xứng đáng để được vẽ tranh.

Khiêm nhường là một đức tính rất cần thiết và là thái độ sống đẹp trong xã hội hiện nay. Vì không ai trong chúng ta là hoàn hảo cả, trí tuệ của mỗi chúng ta chỉ là một hạt cát bé nhỏ giữa sa mạc rộng lớn, khiêm nhường sẽ giúp chứng ta có thể hoàn thiện bản thân và mở rộng vốn hiểu biết của mìn hơn. Khiêm nhường là thái độ cần có của mỗi chúngta bất kể ta là ai, có chức vụ gì, tài giỏi thế nào vì đức tính ấy giúp ta có được thiện cảm với những người xung quanh và có được những mối quan hệ gần gũi và cần thiết.

Nếu không có khiêm nhường, con người chúng ta sẽ ngủ quên trong vinh quang, không biết vươn lên, không tự mình tiến bộ, hoàn thiện bản thân và sẽ trở nên tụt hậu. Thế nhưng vẫn có nhiều người không khiêm nhường, tự cao tự đại, kiêu ngạo và khinh thường người khác. Một số khác lại tự ti, xem nhẹ bản thân mình, rụt rè và nhút nhát. Những con người như thế sẽ khó thành công trong công việc, không chịu học hỏi. Từ đó để lại những hậu quả rất lớn vốn kiến thức sẽ bị thu hẹp, gây đố kị, mất đoàn kết dẫn đến thất bại.

Ngược lại với đức tính khiêm nhường là sự kiêu căng, tự mãn. Những người có tính tự kiêu thường hay tự đề cao mình, luôn coi thường những người xung quanh, dễ bị mọi người xa lánh. Cũng cần phải thấy rằng: khiêm nhường không có nghĩa là tự ti, tự hạ thấp mình, rụt rè và không đánh giá đúng năng lực bản thân.

Khiêm nhường thực sự là đức tính góp phần nâng cao giá trị của con người. Đó là một trong những đức tính mà Bác Hồ đã dạy cho thiếu niên Việt Nam. Chính vì vậy chúng ta cần phải kính trên nhường dưới, không ngừng học hỏi, rèn luyện bản thân và không được tự mãn trước những thành quả mà ta đã đạt được. Đó chính là hướng phấn đấu của chúng ta để có thể tiếp thu tri thức, nâng cao trình độ để góp phần xây dựng đất nước, đưa đất nước ta vươn lên tầm cao mới, văn minh và tốt đẹp hơn.
~Nguồn: google
Tham khảo thêm ở --> Đây
--> Đây

Bạn nào xác nhận nhớ xem lại à mà mình cũng không cope bạn nào phía trên.
 
Last edited by a moderator:
Top Bottom