Hôm nay, nhiều người thức dậy với cảm giác sảng khoái. Sao không là bạn?
Hôm nay, nhiều người mở to mắt đón nhận vẻ đẹp xung quanh mình. Sao không là bạn?
Hôm nay, nhiều người chọn lựa để lại bóng ma quá khứ sau lưng và nắm bắt sức mạnh không đo được của hiện tại. Sao không là bạn?
Hôm nay, nhiều người phá vỡ rào chắn quá khứ bằng cách nhìn vào hạnh phúc hiện tại. Sao không là bạn?
Hôm nay, đối với nhiều người, gánh nặng của nghi ngờ và bất an bản thân sẽ được nhấc đi bởi sự an bình và niềm tin. Sao không là bạn?
Hôm nay,nhiều người lựa chọn sống theo cách mà họ sẽ là một mẫu hình tích cực cho con trẻ của họ. Sao không là bạn?
Hôm nay, nhiều người lựa chọn giải phóng cho bản thân khỏi ngục tù cá nhân gồm những tật xấu của họ. Sao không là bạn?
Hôm nay, nhiều người lựa chọn sống ngoài những điều kiện và nguyên tắc thống trị hạnh phúc cảu họ. Sao không là bạn?
Hôm nay, nhiều người tìm thấy sự đa dạng chính trong sự đơn giản. Sao không là bạn?
Hôm nay, nhiều người đối đầu với những lựa chọn khó khăn mang tính đạo đức và họ chọn làm những điều đúng thay vì những điều có lợi. Sao không là bạn?
Hôm nay, nhiều người quyết định không ngồi lại với tâm trí nạn nhân, mà có trách nhiệm với cuộc sống của họ và làm những đổi thay tích cực. Sao không là bạn?
Hôm nay, nhiều người hành động để tạo ra khác biệt. Sao không là bạn?
Hôm nay, nhiều người cam kết trở thành người mẹ, người cha, người con trai, con gái, học sinh, giáo viện, công nhân, ông chủ, anh, chị …tốt hơn. Sao không là bạn?
Hôm nay, là một ngày mới! Nhiều người nắm bắt ngày hôm nay. Nhiều người sống với hôm nay bằng tất cả tấm lòng mình. Sao không là bạn?
Chúc bạn…
Đủ hạnh phúc để trở nên ngọt ngào,
Đủ thử thách để trở nên mạnh mẽ,
Đủ nỗi đau để giữ bạn là con người,
Đủ hy vọng để bạn hạnh phúc,
Đủ thất bại để bạn khiêm tốn,
Đủ thành công để bạn khao khát,
Đủ bạn bè để mang lại cho bạn nguồn an ủi,
Đủ giàu có để đáp ứng những nhu cầu của bản thân,
Đủ háo hức để mong chờ,
Đủ niềm tin để xua đi muộn phiền,
Đủ quyết đoán để làm mỗi ngày trở nên tốt hơn hôm qua.
Trong khi một người đàn ông đang đánh bóng chiếc xe của ông ta, thì đứa con trai lớn 4 tuổi của ông ta nhặt lên một viên sỏi và vẽ nhiều đường lằn lên phía bên kia cạnh chiếc xe của ông ta. Trong lúc giận dữ, người đàn ông đó đã nắm lấy bàn tay của đứa con và đánh mạnh nhiều mà không nhận rằng ông ta đang dùng một cái cờ lê vặn vít để đánh
Kết quả là trong bệnh viện, đứa con trai của ông ta đã mất đi hết các ngón tay của mình do quá nhiều chỗ gãy. Khi đứa con trai nhìn thấy đôi mắt bố mình biểu lộ sự đau đớn, đứa bé bèn hỏi: "Bố ơi ! Khi nào các ngón tay của con mới có thể mọc trở lại ?" Người bố cảm thấy rất đau đớn và không nói được lời nào; ông ta trở lại chiếc xe của mình và đá nó thật nhiều.
Trong khi đang bị lương tâm dằn vặt và đang ngồi đối diện phía hông của chiếc xe đó, ông ta chợt nhìn thấy những vết xước do chính đứa con trai của ông ta đã vẽ rằng: "Bố ơi ! Con yêu Bố nhiều lắm !"
Và một ngày sau đó, người đàn ông đó đã quyết định tự sát…
Cơn giận và Tình yêu không bao giờ có giới hạn, nên xin hãy chọn Tình Yêu để được một cuộc sống tươi đẹp và đáng yêu, và xin hãy nhớ điều này:Đồ vật thì để sử dụng, còn con người thì để yêu thương.
Vấn đề của thế giới ngày nay thì ngược lại: con người thì để sử dụng, còn đồ vật thì để yêu thương.
Hãy luôn cố nhớ những ý nghĩa này :
- Hãy cẩn thận với những ý nghĩ của bạn, vì bạn sẽ nói chúng.
- Hãy cẩn thận với những lời nói của bạn, vì bạn sẽ thực hiện chúng.
- Hãy cẩn thận với những hành động của bạn, vì chúng sẽ là thói quen của bạn.
- Hãy cẩn thận với những thói quen của bạn, vì chúng sẽ là cá tính của bạn.
- Hãy cẩn thận với những cá tính của bạn, vì chúng sẽ quyết định số mệnh của bạn.
CHIẾC BÁNH KEM
Ăn thêm cái nữa đi con!
- Ngán quá, con không ăn đâu!
- Ráng ăn thêm một cái, má thương. Ngoan đi cưng!
- Con nói là không ăn mà. Vứt đi! Vứt nó đi!
Thằng bé lắc đầu quầy quậy, gạt mạnh tay. Chiếc bánh kem văng qua cửa xe rơi xuống đường, sát mép cống. Chiếc xe hơi láng bóng rồ máy chạy đi.
Hai đứa trể đang bới móc đống rác gần đó, thấy chiếc bánh nằm chỏng chơ, xô đến nhặt. Mắt hai đứa sáng rực lên, dán chặt vào chiếc bánh thơm ngon. Thấy bánh lấm láp, đứa con gái nuốt nước miếng bảo thằng con trai:
- Anh Hai thổi sạch rồi mình ăn.
Thằng anh phùng má thổi. Bụi đời đã dính, chẳng chịu đi cho. Đứa em sốt ruột cũng ghé miệng thổi tiếp. Chính cái miệng háu đói của nó làm bánh rơi tõm xuống cống hôi hám, chìm hẳn.
- Ai biểu anh Hai thổi chi cho mạnh – Con bé nói rồi thút thít.
- Ừa. Tại anh! Nhưng kem còn dính tay nè. Cho em ba ngón, anh chỉ liếm hai ngón thôi!
Một thanh niên học hành xuất sắc nộp đơn vào chức vụ quản trị viên của một công ty lớn. Anh ta vừa xong đợt phỏng vấn đầu tiên, ông giám đốc công ty muốn gặp trực tiếp để có quyết định nhận hay không nhận anh ta. Và ông thấy từ học bạ của chàng thanh niên, tất cả đều tốt và năm nào, từ bậc trung học đến các chương trình nghiên cứu sau đại học cũng đều xuất sắc, không năm nào mà anh chàng thanh niên này không hoàn thành vượt bực.
Viên giám đốc: “Anh đã được học bổng của những trường nào?” Chàng thanh niên đáp “Thưa không” “Thế cha anh trả học phí cho anh đi học sao?” “Cha tôi chết khi tôi vừa mới một tuổi đầu. Mẹ tôi mới là người lo trả học phí.” Viên giám đốc lại hỏi: “Mẹ của anh làm việc ở đâu?” Chàng thanh niên đáp: “Mẹ tôi làm công việc giặt áo quần.”
Viên giám đốc bảo chàng thanh niên đưa đôi bàn tay của anh cho ông ta xem. Chàng thanh niên có hai bàn tay mịn màng và hoàn hảo.
Viên giám đốc: “Vậy trước nay anh có bao giờ giúp mẹ giặt giũ áo quần không?” “Chưa bao giờ. Mẹ luôn bảo tôi lo học và đọc thêm nhiều sách. Hơn nữa, mẹ tôi giặt áo quần nhanh hơn tôi.” Chàng thanh niên đáp.
Viên giám đốc: “Tôi yêu cầu anh một việc. Hôm nay khi trở lại nhà, lau sạch đôi bàn tay của mẹ anh, và rồi ngày mai đến gặp tôi.”
Ðến lúc ấy thì chàng thanh niên có cảm tưởng là công việc tốt này đang sẵn sàng là của mình. Về đến nhà, chàng ta sung sướng khoe với me, và chỉ xin được cầm lấy đôi bàn tay của bà. Mẹ chàng trai cảm thấy có điều gì đó khác lạ. Với một cảm giác vừa vui mà cũng vừa buồn, bà đưa đôi bàn tay cho con trai xem.
Chàng thanh niên từ từ lau sạch đôi bàn tay của mẹ. Vừa lau, nước mắt chàng tuôn tràn. Ðây là lần đầu tiên chàng thanh niên mới có dịp khám phá đôi tay mẹ mình: đôi bàn tay nhăn nheo và đầy những vết bầm đen. Những vết bầm làm đau nhức đến nỗi bà đã rùng mình khi được lau bằng nước. Lần đầu tiên trong đời, chàng thanh niên nhận thức ra rằng, chính từ đôi bàn tay giặt quần áo mỗi ngày này đã giúp trả học phí cho chàng từ bao nhiêu lâu nay.
Những vết bầm trong đôi tay của mẹ là giá mẹ chàng phải trả dài đăng đẳng cho đến ngày chàng tốt nghiệp, cho những xuất sắc trong học vấn và cho tương lai sẽ tới của chàng.
Sau khi lau sạch đôi tay của mẹ,chàng thanh niên lặng lẽ giặt hết phần áo quần còn lại cho mẹ.
Tối đó, hai mẹ con tâm sự với nhau thật là lâu.
Sáng hôm sau, chàng thanh niên tới trụ sở công ty. Viên giám đốc còn thấy những giọt nước mắt chưa ráo hết trong đôi mắt của chàng thanh niên, ông hỏi: “Anh có thể cho tôi biết những gì anh đã làm và đã học được hôm qua ở nhà không?”
Chàng thanh niên đáp: “Tôi lau sạch đôi tay của mẹ, và cũng giặt hết phần áo quần còn lại.”
Viên giám đốc: “Cảm tưởng của anh ra sao?”
Chàng thanh niên: “Thứ nhất, bây giờ tôi mới thấu hiểu thế nào là ý nghĩa của lòng biết ơn: Không có mẹ, tôi không thể thành tựu được như hôm nay. Thứ hai, qua việc hợp tác với nhau, và qua việc giúp mẹ giặt quần áo, giờ tôi mới ý thức được rằng thật khó khăn và gian khổ để hoàn tất công việc. Thứ ba, tôi hiểu sâu xa được tầm mức quan trọng và giá trị của liên hệ gia đình.”
Viên giám đốc nói: “Ðây là những gì tôi cần tìm thấy ở nơi con người sẽ là quản trị viên trong công ty chúng tôi. Tôi muốn tuyển dụng một người biết ơn sự giúp đỡ của những người khác, một người cảm thông sự chịu đựng của những người khác để hoàn thành nhiệm vụ, và một người không chỉ nghĩ đến tiền bạc là mục đích duy nhất của cuộc đời. Em được nhận.”
Sau đó, chàng thanh niên làm việc hăng say, và nhận được sự kính trọng của các nhân viên dưới quyền. Tất cả nhân viên làm việc kiên trì và hợp tác như một đội. Thành tựu của công ty mỗi ngày mỗi được cải thiện.
Các bạn ạ. Một đứa bé luôn luôn được che chở và có thói quen muốn gì được nấy, có thể sẽ phát triển “tâm lý đặc quyền” và nó sẽ chỉ luôn luôn nghĩ đến mình nó trước hết. Nó sẽ thờ ơ về các nỗ lực của cha mẹ trong suốt thời gian nuôi dưỡng nó thành người.
Khi làm việc, nó giả thiết rằng mọi người phải vâng lời nó; và khi trở thành một quản trị viên, nó có thể sẽ không bao giờ biết đến sự chịu đựng của các nhân viên dưới quyền và luôn sẵn sàng đổ thừa cho người khác những khiếm khuyết và sai sót trong sinh hoạt của công ty.
Ðối với loại người này, họ có thể học giỏi, có thể thành công một thời gian ngắn nhưng thật sự trong đời họ sẽ không bao giờ họ có cơ hội thực sự cảm nhận được ý nghĩa của thành tựu. Họ sẽ cằn nhằn, lòng họ luôn chất đầy oán ghét và đấu tranh để có được nhiều thứ cho mình.
Nếu chúng ta thuộc loại cha mẹ chuyên bao che con cái như thế này, phải chăng chúng ta đang cho chúng thấy tình thương của cha mẹ hay là đang tàn phá chúng, tạo điều kiện cho chúng phát triển tối đa tính ích kỷ vô nhân?
Bạn có thể cho con cái bạn sống trong những căn nhà lớn, ăn thức ăn ngon, học dương cầm, xem TV màn ảnh rộng... Nhưng khi chúng ta cắt cỏ, xin bạn vui lòng cho chúng cùng làm việc đó. Sau bữa cơm, hãy để chúng rửa chén bát cùng với anh chị em chúng. Không phải vì bạn không có tiền để mướn người làm trong nhà, nhưng bởi vì bạn nên thương con đúng cách.
Bạn muốn chúng hiểu rằng bất kể cha mẹ giàu có cỡ nào, một ngày kia tóc chúng ta rồi cũng sẽ bạc như mẹ của người bạn trẻ kia. Ðiều quan trọng nhất là con cái của bạn có học để hiểu biết hơn về thái độ chân thành của một con người sống ở đời, và tự khả năng của chúng phải biết cùng làm việc với những người khác để hoàn thành mọi công tác mà chúng gặp phải trong cuộc sống.
Buổi sáng, trên xe buýt. Cụ bà bị lòa mò mẫm rút tờ 10000đ trong gói tiền được bọc kỹ bằng một lớp giấy báo đưa cho anh nhân viên bán vé và nhận lại tiền thối. Không mảy may nghi ngờ, cụ gói lại tiền như ban đầu và nhét vào túi áo.
Khi xe dừng ở trạm, cụ xách giỏ đứng lên. Anh nhân viên vội nắm lấy tay cụ dắt xuống xe, dẫn cụ qua đường và vẫy một chiếc xe ôm gần đó. Anh đỡ cụ ngồi lên xe rồi mới quay trở lại. Hành khách phải chờ đợi nhưng không một lời phàn nàn nào, chỉ có những ánh nhìn trìu mến dành cho anh nhân viên xe buýt.
Buổi trưa, ở ngã tư đường Nguyễn Thị Minh Khai - Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Cô gái khiếm thị đứng bên góc đường, tay phải cầm tập vé số đưa ra phía trước mời khách, tay trái cầm chiếc nón cũng đưa ra trước để khách trả tiền. Đèn đỏ, một người đàn ông mặc áo xanh, đeo cà vạt dừng xe bên cạnh cô gái, ông rút một tờ vé số rồi trả tiền vào chiếc nón. Cô gái cúi đầu như muốn cảm ơn ông. Đèn xanh, ông chạy xe đi. Phía sau có một người khác dừng lại mua vé số cũng bằng cách ấy. Cô gái lại cúi đầu.
Những cuộc mua - bán diễn ra trong lặng lẽ. Cô gái tin tưởng tuyệt đối vào những người khách đi đường như tin tưởng vào lòng tốt của con người. Chợt thấy cái nắng trưa chừng như không còn gay gắt nữa...
Buổi chiều, trong công viên. Người thanh niên ngồi trên ghế đá gần khu vực dành cho những người đi bộ thể dục. Bên cạnh anh là chiếc gậy dò đường. “Mua vé số giúp giùm các anh chị ơi!”. Anh cứ mời như thế và chờ đợi.
Có người dừng lại, rút một tờ vé số và dúi vào tay anh tờ giấy bạc 5.000đ. Một người khác, rồi một người khác nữa... Mỗi ngày, vòng tròn người tuần hoàn đi qua nơi anh ngồi và trong anh cũng tuần hoàn một niềm tin về lòng tốt. Anh đã sống với niềm tin ấy không biết đã qua mấy mùa xuân hạ thu đông...
Giữa những lo toan và đua chen đời thường, chợt thấy lòng bình yên khi nhìn thấy niềm tin và lòng tốt của con người. Ta biết rằng trong cuộc sống này luôn tồn tại những giá trị vĩnh hằng.
Đêm đó đã rất khuya, một đôi vợ chồng cao tuổi tìm đến một khách sạn ở khu du lịch hỏi thuê phòng. Người lễ tân, một thanh niên trẻ nhã nhặn đáp: “Xin lỗi, khách sạn chúng tôi đã kín khách, không còn chỗ nào cả”. Song, khi thấy bộ dạng mệt mỏi và thất vọng của 2 vị khách, người lễ tân lại nói: “Tuy nhiên, để tôi nghĩ cách xem sao…”.
Anh đương nhiên không muốn họ tiếp tục phải đi gõ cửa từng khách sạn mà xem ra cũng đã kín đặc người trong thị trấn, rồi cuối cùng phải ngồi vật vạ đâu đó bên lề đường suốt cả đêm. Vậy nên, anh dẫn hai vị khách ấy đến một gian phòng nhỏ nhưng ngăn nắp và sạch sẽ: “Đây không phải gian phòng tốt, nhưng lúc này tôi chỉ có thể làm được đến vậy”.
Ngày hôm sau, khi hai vị khách đến thanh toán, người lễ tân từ chối: “Không cần, vì đó chỉ là phòng nghỉ của tôi, cho ông bà mượn tạm qua đêm. Chúc ông bà lên đường may mắn”. Hóa ra, cả đêm hôm đó người lễ tân đã không ngủ mà ngồi làm việc trong quầy. Hai vị khách vô cùng cảm động. Khi họ đã đi khỏi, anh tiếp tục bận rộn với công việc của mình và quên hẳn chuyện đó. Không ngờ một ngày kia, anh nhận được một tấm vé máy bay cùng thư mời đến New York làm việc. Hóa ra hai vợ chồng già ấy thuộc hàng tỷ phú, sau khi quay về họ quyết định mua hẳn một khách sạn sang trọng để kinh doanh và mời người lễ tân tốt bụng đến làm quản lý với niềm tin chắc chắn anh sẽ làm rất tốt công việc này.
Đó là câu chuyện truyền kỳ về người giám đốc đầu tiên của chuỗi khách sạn hàng đầu thế giới Hilton. Nó nhắc nhở chúng ta rằng: Nếu biết yêu thương đồng loại, nếu con người đối đãi với nhau bằng chân tình, bất cứ việc gì cũng có thể “nghĩ cách xem sao…”