Câu chuyện đau lòng

U

uocmovahoaibao

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Câu chuyện đau lòng
Nếu truyền thuyết nàng Tô Thị chờ chồng hóa đá là có thật, thì có sống lại nàng Tô Thị có lẽ cũng phải rơi lệ khi nghe chuyện tình éo le của cặp vợ chồng này...
Cặp vợ chồng ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định. 12 năm sau khi kết hôn, 4380 đêm trong vòng tay nhau, đã kịp sinh hai đứa con thì họ mới bàng hoàng nhận ra mình là … chị em ruột.
20111025102002_ngu.jpg

Nàng Tô Thị thời xa xưa thì đau khổ bồng con lên núi ngóng chồng rồi hóa đá. Nàng Tô Thị thời hiện đại thì chồng đi tù vì tội loạn luân, xóm làng kinh sợ khinh rẻ đến mức chuyển làng đi nơi khác… Hết nước mắt rơi rồi nuốt nước mắt vào trong lòng, nàng Tô Thị hiện đại bồng con đi thăm chồng, chờ ngày chồng – em trai về đoàn tụ.

Trong ký ức của mình, chàng thanh niên Đinh Văn Miên (SN 1953, ngụ huyện An Lão, tỉnh Bình Định) không rõ cha mẹ đẻ của mình là ai, chỉ được cha mẹ nuôi kể rằng tình cờ gặp cậu lang thang trong rừng khi chưa đầy 5 tuổi đầu. Tuổi thơ qua nhanh với những ngày tháng theo cha mẹ lên rừng, hơn 10 tuổi thì tham gia du kích. Năm 1975, khi đất nước thống nhất, Miên được cử đi học tại trường dạy nghề Tây Sơn.


Truyền thuyết Tô Thị thành sự thật


Cuộc đời của chàng thanh niên đã đổi thay khi tình cờ gặp cô bạn cùng trường Đinh Thị Miễu (SN 1951, cùng ngụ Bình Định) trước cổng trường. Gặp lần đầu nhưng ấn tượng khó phai, chàng thanh niên không quên được cô gái có nụ cười tươi như đóa hoa pơ – lang trên rừng, dáng người tròn trịa chắc lẳn, giọng nói dịu dàng. Có lẽ duyên trời cũng đã định, cô gái cũng thầm yêu trộm nhớ chàng trai hiền hòa, lại còn có cái tài hát hay, tài hoa chơi giỏi các loại đàn pơ – rưng, pơ – ring…


Gặp lần thứ hai, biết chuyện cô gái cũng là trẻ mồ côi từ tấm bé, được cha mẹ nuôi đưa về nhà khi gặp cô sống vất vưởng sau một trận càn của Mĩ – Ngụy, hai người càng cảm thấy đồng cảm, thương nhau hơn. Bạn bè biết chuyện ai cũng vun vào, lại còn tấm tắc khen: “Ông Trời cho ********* lấy nhau nên mới tình cờ gặp nhau như thế, có hoàn cảnh giống nhau đến thế, có gương mặt hao hao nhau như thế”.


Khi cái bụng đã ưng, lòng đã thuận, theo phong tục tập quán của người H’rê cô sơn nữ Miễu “bắt” chàng Miên về làm chồng. Hai người về chung sống với nhau hạnh phúc tại nhà người cậu (thôn 6, xã An Trung), rồi sinh hạ người con gái đầu tiên.


Đến khi mang bầu đứa con thứ hai, cặp vợ chồng quyết định chuyển về lại mảnh đất ngày xưa cha mẹ người vợ để lại để tạo lập cuộc sống gia đình riêng. Ngày ngày chồng lên rừng đốn củi, săn bắn, vợ lên nương hoặc ở nhà trông con, nấu cơm chờ chồng, cuộc sống bình yên tưởng sẽ mãi mãi bao trùm lên mái nhà của cặp vợ chồng hạnh phúc.


Ngôi nhà của cha mẹ cô Miễu để lại ngày xưa vốn là vùng đã từng chịu nhiều trận bom, càn quét của Mỹ - Ngụy, người trong làng ly tán khắp bốn phương. Chiến tranh kết thúc, người làng lẻ tẻ trở về định cư lại trên mảnh đất quê cha đất tổ, người thì dù đã ở nơi khác nhưng vẫn cố gắng một lần về thăm lại quê hương. 12 năm sau ngày cưới nhau, một ngày đi trên đường làng, anh Miên bất ngờ thấy một người lạ mặt nhìn chằm chằm mình rồi lao đến chặn đường, khóe mắt rưng rưng: “Có phải cháu tôi đấy không?”.


Thì ra đó là một người bà con của Miên, sau hàng chục năm bỏ làng vào Nam sinh sống nay về quê, chỉ nhìn anh thoáng qua đã khẳng đinh: “Nó giống bố nó - anh trai tôi như lột”.


Trời đất đổ sụp xuống đầu khi đưa người chú về nhà, vừa chỉ vào vợ giới thiệu: “Vợ cháu đây”, người chú đã đứng như trời trồng: “Trời ơi, con Miễu”. Người run lẩy bẩy, ông chú mất hồn chỉ lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại: “Có tội với trời đất rồi các con ơi, vợ chồng chúng mày là chị em ruột đấy.


Hết hoảng hồn, đau đớn, căm giận rồi cảm giác bán tín bán nghi, người chồng quyết định đi lại các nơi để xác minh sự thật. Ông Miên kể lại: “Khi biết tin, không tin nổi vào tai mình, tui đã cất công lặn lội mấy ngày trời đi bộ sang làng cũ để hỏi bố mẹ nuôi, xác minh lý lịch và dò hỏi các bô lão trong làng về thân phận thật. Rồi tui lại sang nhà mẹ nuôi của vợ gặng hỏi từng chi tiết”.


Ráp nối các tình tiết, dữ kiện lại với nhau, mọi người có thể khẳng định 100% họ là chị em ruột. Đó là lý do khiến khuôn mặt họ giống nhau như đúc, chứ không phải “duyên trời định” như ngày mới gặp nhau nhầm tưởng.


Cả làng khiêng nhà sàn, dời làng đi “tránh họa


Ông Miên kể lại: “Lúc ấy, tui tưởng như không thiết sống nữa, tui đã phạm một cái tội tày đình không thể nào tha thứ được. Nhưng nghĩ lại thương chị, cũng chính là thương vợ, và hơn hết thương hai đứa con. Mọi chuyện đã lỡ mất rồi.


Ở khắp nơi vang dậy tin đồn, những sự ghẻ lạnh, sự phê phán, chửi rủa, xa lánh khiến tui chán nản. Tui vừa chống chọi với nỗi đau khổ vì số phận oan nghiệt, vừa đối diện với lương tâm của mình, trước vong hồn cha mẹ đã khuất và trước miệng lưỡi của dân làng.


Có lúc nghĩ mình đã kiệt sức, suy nghĩ khiến đầu đau như búa bổ và muốn thiếp đi rồi không trở dậy nữa. Số phận trớ trêu, tui và bà ấy đã có hai đứa con, giờ có nói gì thì sự việc cũng đã như vậy. Tui đau đớn lắm, vì gặp phải nghịch cảnh của số phận như thế này.


Nhưng tui không thể ***** con bà ấy được, không có tui họ sẽ không thể nào sống…” Nhắc đến chuyện cũ, đôi mắt ông rưng rưng ngấn lệ, khuôn mặt với những nếp nhăn nheo ép lại vào nhau hằn lên.


Không chỉ là nỗi đau với gia đình vợ chồng Miên – Miễu, sự kiện này còn là một thảm họa với buôn làng. Với người dân tộc H’rê thì loạn luân là tội “tày đình”, làng sợ rằng họ sống với nhau sẽ gây họa cho cả làng khiến mùa màng thất bát, dịch bệnh chết người và họ tin rằng phụ nữ sẽ sinh ra những đứa con mang hình dáng quái thai. Họ cho rằng vợ chồng Miên – Miễu sẽ mang đến những điều không may, xui rủi cho cả làng.


Những ngày ấy, dân làng sống trong nỗi nơm nớp lo sợ vạ lây. Dân làng quyết định mời một thầy cao tay nhất vùng về cúng heo, gà, làm lễ cúng to nhất trong lịch sử để xua đi “con ma” đang ám trong người hai chị em. Đến bây giờ già làng Đinh Văn Bê (73 tuổi) vẫn nhớ chuyện cũ: “Sự việc xảy ra đã khiến cho cả làng sợ hãi, sống trong nỗi nơm nớp lo sợ, bà con phản ứng gay gắt, phản đối không cho hai chị em ở chung.


Vì phong tục tập quán của bà con người H’rê ta không cho phép làm như vậy, hành động loạn luân là trọng tội. Chị em ruột cùng huyết thống không được lấy nhau, như thế là giày xéo lên tập tục của làng, sẽ mang họa cho làng đồng thời họ sẽ sinh ra những đứa con không nguyên vẹn”.


Thuyết phục không được, chửi bới không xong, có nguyền rủa thì vợ chồng ông Miên, bà Miễu vẫn ở với nhau. “Trời không chịu đất thì đất chịu trời”, sau nhiều đêm họp bàn nát nước bên đống lửa, nhiều ngày bỏ nương bỏ rẫy tìm cách tách cặp vợ chồng loạn luân ra mà không được, làng đi đến một quyết định lịch sử: Cả làng rủ nhau di chuyển làng đến nơi khác sinh sống.


Dân trong làng tập trung khiêng nhà sàn xuống vùng phía dưới các xa ngội nhà của cặp vợ chồng phạm tội “loạn luân” nhiều cây số để tránh điềm không may. Ngôi làng trở thành “làng chết” chỉ còn trơ trọi lại ngội nhà của cặp vợ chồng – chị em.


 
U

uocmovahoaibao

“Dù có chết tao cũng không bỏ”

Dân làng chưa buông tha. Thấy cặp vợ chồng biết việc mình mắc tội “loạn luân” nhưng vẫn sống chung với nhau mặc cho sự phản ứng của dân làng, cả làng không ai là không tức tối: “Truyền thống của người H’rê ta có cả ngàn năm nay, vậy mà chúng nó không chịu tuân theo hay sao, chúng nó coi thường cả làng hay sao?”.


Sự việc ngày càng căng thẳng khi người dân kéo nhau tới cơ quan chức năng, đòi chính quyền phải giải quyết không cho hai chị em sống chung với nhau nữa. Những cán bộ có thẩm quyền choáng váng, không tin nổi vào tai mình và ngay lập tức mở những “cuộc vận động”.


“Già làng đến nói vẫn không nghe, những người bà con thân quen đến khuyên nhủ vẫn không được, cán bộ đến cấm đoán vẫn trơ trơ, thôi thì đã dùng tình hết lẽ mà vẫn không được thì phải dùng lý, dùng luật để xử thôi”, một bô lão trong làng nhớ lại.


Năm 1988, phiên tòa hình sự lưu động xử vụ án loạn luân được mở ra tại xã, toàn bộ dân làng từ đứa bé ẵm ngửa đến các cụ già lụ khụ đều đến theo dõi, chưa kể hàng trăm người dân đồng bào dân tộc các vùng lân cận tò mò với vụ án “kỳ lạ đến cả đời người chưa chắc gặp 1 lần”.


Chủ tọa phiên tòa phân tích: “Luật đã quy đinh “Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra thì không được lấy nhau: cha mẹ là đời thứ nhất, anh chị em cùng cha mẹ cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai, anh chị em con chú con bác, con cô con cậu, con dì là đời thứ ba”. Vợ chông ông Miên, bà Miễu đã vi phạm luật pháp của Nhà nước.


Mặc dù là chị em ruột nhưng ông Miên, bà Miễu đã chung sống với nhau và sinh ra các thế hệ con cái, đồng thời khi phát hiện sự việc vợ chồng không chịu cách ly, từ bỏ mà vẫn tiếp diễn mối quan hệ này. Theo luật hình sự thì đó là tội loạn luân và “Người nào giao cấu với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.


Thế nhưng như “nước đổ đầu vịt”, đứng trước phiên tòa, người em trai vẫn cố “cãi sống cãi chết” : “Dù cán bộ có bắt tao ở tù thì cái bụng tao vẫn thương nó thôi! Lỡ có hai đứa con rồi, dù chết tao cũng không bỏ nó, không sống xa nó”.


Trong phiên tòa hôm ấy, HĐXX đã khuyên giải cho đôi vợ chồng hiểu về phong tục, đạo đức, để họ có thể hiểu rằng luật pháp Việt Nam không cho phép anh chị em ruột cùng huyết thống trước đời thứ bốn lấy nhau. Trước những lời khuyên giải ấy, bị cáo vẫn một mực nguây nguẩy lắc đầu: “Dù có chết tao cũng không bỏ”.


Người vợ trong phiên tòa cũng ngất lên ngất xuống khi nhất quyết không chịu từ bỏ người chồng, người em trai của mình, đòi níu lấy người chồng – người em đứng trước vành móng ngựa. “Tui không cho ông ấy cách ly. Chúng tôi không cố ý vì cha mẹ mất sớm, chúng tôi không nhận ra nhau nên mới xảy ra chuyện này.


Nếu còn một bố hoặc mẹ thì không như vậy đâu. Bây giờ chúng tôi đã có con nữa, không thể bỏ được! Có chết cũng không được”, bà Miễu ngậm ngùi kể lại.


Kết thúc phiên tòa năm ấy, bị cáo Miên nhân mức án hai năm tù giam. Ông Miên tâm sự: “Thật sự lúc đầu tui cũng muốn bỏ bà ấy lắm vì nhục nhã và đau khổ quá, đời chưa bao giờ nghĩ mình sẽ rơi vào hoàn cảnh éo le đau đớn như vậy. Nhưng bây giờ tui bỏ chị thì chị không thể lấy ai khác, một mình hai đứa con bà ấy không thể nuôi nổi, đó là con tui mà…


Tui thương chị, vì đó là chị và là vợ tui, đã lỡ lầm rồi thì thôi. Bây giờ chị tui không thể nào lấy bất cứ một ai khác vì đã phạm tội tày trời này rồi. Bà ấy chỉ có đường ở vậy mà thôi. Dù tui có lấy vợ khác cũng không thể nào hạnh phúc được, mỗi lần có chuyện gì vợ mới sẽ đem chuyện đó ra nói thì nhục nhã lắm. Như thế thì tui và chị sẽ bị xúc phạm, mất hết tình cảm đã có. Thôi thì…”. Nói rồi ông bỏ lửng giữa câu, quay mặt đi chỗ khác, nhìn về phía dòng sông nước chảy xiết như lòng người…


(Theo Pháp luật và thời đại)

Thưa các bạn ! Đọc đến đây mỗi chúng ta nhói lòng cảm thông hoàn cảnh của ông Miên bà Miễu do chiến tranh ly tán mới có cảnh trớ trêu này. Những tập tục cổ hủ lạc hậu đã là nhát dao chia cắt tình cảm vợ chồng - Chị em họ. Nhưng thật sự đáng buồn về một LP áp đặt còn thiếu tính thuyết phục.
 
Top Bottom