tao chém cái đề 3 hjjjjjjjjjjjj
Với “trăm bài, trăm ý đẹp” (Hoàng Trung Thông), chúng ta càng tìm hiểu, càng cảm nhận được tính nhân văn và tính triết lý sâu sắc trong từng bài thơ. Không những vậy, mặc dù Người đang ở trong lao nhưng Người vẫn có những vần thơ mang đậm nét cảm hứng trữ tình như “Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ”. Lại cũng có những bài thơ chỉ gồm những vần thơ vô cùng bình dị, mộc mạc nhưng ẩn chứa bên trong là cả một dũng khí lớn, một tâm hồn lớn, một trí tuệ lớn pha lẫn đôi nét chiêm nghiệm và lồng ghép một cách hài hòa, tinh tế những bài học nhân sinh sâu sắc. “Nghe tiếng giã gạo” là một trong những bài thơ như thế!
Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công.
(Văn Trực – Văn Phụng dịch)
Đây là bài thơ thứ 72 trong tập thơ “Nhật ký trong tù”. Theo dòng lịch sử, ngày 29/8/1942, trên đường đi công tác qua Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch vô cớ bắt giam, đến ngày 10/9/1943 mới được trả tự do. Sau gần 3 tháng bị giải khắp các nhà lao của Tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc, Bác đã sáng tác nên bài thơ này.
Bài thơ “Nghe tiếng giã gạo” là một bài học về tinh thần cách mạng rất sâu sắc đối với việc rèn luyện, phấn đấu của con người trong khó khăn, gian khổ và trước những thử thách của cuộc đời. Ý nghĩa sâu sắc đó sẽ được hiện ra qua từng bước cảm nhận hồn thơ của Bác.
Với lời thơ vô cùng giản dị mà chan chứa nỗi niềm cảm xúc, bài thơ thể hiện sắc màu nhân sinh quan cách mạng của một người chiến sĩ luôn lấy tai ương để thử thách và rèn luyện bản thân mình cũng giống như câu thành ngữ “thất bại là mẹ thành công” vậy! Thực tế những ngày tháng trong lao tù, Bác phải nếm trải bao cay đắng, nào là bị trói giải đi trong mưa rét, cơm không no, thiếu nước uống… đến nỗi “gầy đen như quỷ đói, ghẻ lở mọc đầy thân”. Điều đó đã thể hiện thật rõ nét một tinh thần cách mạng, một ý chí quật cường, một bản lĩnh vững vàng, một niềm tin lạc quan. Chính Người đã tạo nên những vần thơ “thép” này để tự động viên và nâng đỡ mình vượt qua những đoạ đày, gian khổ. Có đặt bài thơ ở trong hoàn cảnh thực tế khi ra đời, chúng ta mới cảm nhận được trọn vẹn giá trị sâu sắc của bài thơ:
“Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông”
Bài thơ mở đầu bằng những suy nghĩ về công việc “giã gạo”, rất đỗi bình dị trong cuộc sống. Ta thấy Bác nêu lên một hiện thực thông thường mà ai cũng có thể quan sát và kiểm nghiệm được. Cái giá phải trả để hạt gạo “trắng tựa bông” là phải chịu đựng “bao đau đớn”. Đó là qui luật nghiệt ngã của cuộc sống.
Đứng trước cảnh ngộ đamh bị kẻ thù giam cầm trong ngục tối, bị muỗi, rệp, đói, rét... hành hạ triền miên, nỗi đau của người chiến sĩ có khác gì nỗi “đau đớn” của hạt gạo đang bị giã. Hình ảnh ẩn dụ “hạt gạo trắng tựa bông” mang hàm nghĩa sâu sắc. Đó là phẩm chất cách mạng, bản lĩnh cách mạng của người chiến sĩ được tôi luyện trong đấu tranh, hi sinh, gian khổ, tù đày. “Trắng tựa bông” là thành quả từ trong cuộc sống. Đó là cái giá phải trả, nhất là được “độc lập, tự do” điều phải đánh đổi bằng bao “đau đớn”, bao mồ hôi, nước mắt và cả xương máu. Bài học về cái mất, cái được đã thể hiện rõ một niềm tin mãnh liệt, một cách nhìn sáng suốt và lạc quan của người chiến sĩ cách mạng. Cũng như trong “Nhật ký trong tù”, Người đã từng viết: “Hết mưa thì nắng hửng lên thôi… Hết khổ là vui vốn lẽ đời” (Trời hửng) hay “Ví không có cảnh đông tàn, thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”(Tự khuyên mình). Đó là quy luật của tự nhiên, cũng như:
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công.
Từ hai câu thơ này, Bác đã trực tiếp nêu lên bài học làm người, đó là phải lấy gian nan để rèn luyện ý chí tinh thần. Gạo “trắng tựa bông” vì đã chịu “bao đau đớn” cũng như người “thành ngọc” vì đã rèn luyện trong gian nan. Bài học sâu sắc này ngụ ý nhắc nhở động viên chúng ta không nên lùi bước, nản lòng trước gian nan, thử thách. Dân gian ta cũng có cách nói ấy, “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Chất ngọc của lòng người đã quý, chất ngọc của người chiến sĩ cách mạng tận trung với nước hiếu với dân càng đáng trân trọng biết dường nào. Câu thơ là cả một chân lý, một bài học sâu sắc, thấm thía đã được đúc kết bởi một người tù cộng sản.
Tính chất triết lý của bài thơ đọng lại ở câu thơ cuối cùng. Chữ “thành công” mà Bác dùng ở đây mang một ý nghĩa hết sức rộng lớn. Để đạt đến những kết quả tốt đẹp trong việc tiếp thu và phát huy tri thức của nhân loại, trong tu dưỡng đạo đức, tác phong cũng như trong sự nghiệp chính trị đều phải trải qua một quá trình phấn đấu lâu dài, phải chịu đựng những khó khăn, phải được tôi luyện với những thử thách, kể cả phải hy sinh tính mạng… đều phải vững vàng, cố gắng vượt qua thì mới đi đến thành công, thắng lợi.
Tại sao muốn “thành công” chúng ta phải chịu “gian nan rèn luyện”? Bởi trong cuộc sống này, mọi điều tốt đẹp, chân chính không thể bỗng dưng mà có được. Như Bác đã từng nói “Đạo dức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bĩ hàng ngày mà phát triển, củng cố; cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Cái mới, cái tốt đều phát sinh và phát triển từ một quá trình lâu dài, từ những gian khổ trở ngại.
Mở đầu “Nhật ký trong tù”, Bác cũng đã nêu cao ý chí của người chiến sĩ cách mạng: “Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần càng phải cao”
Trong bài “Tự khuyên mình”, Bác cũng đã tự động viên:
“Nghĩ mình trong bước gian truân
Tai ương rèn luyện, tinh thần thêm hăng”
Tương tự, Người cũng đã nhắn nhủ: “Nước ta còn nghèo… Muốn sung sướng thì phải tự lực cánh sinh, cần cù lao động”.
Bài thơ là những dòng nhật ký, trước tiên hướng vào chính bản thân tác giả để tự khuyên mình. Nhưng trong cuộc đời đấu tranh giành độc lập – tự do cho dân tộc, ngòi bút của Người luôn hướng vào mục đích phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng. Sự “thành công” ở đây là sự thành công của sự nghiệp cách mạng và của cả sự nghiệp rèn luyện bản thân. Cái chung và cái riêng gắn bó với nhau không thể tách rời. Bên cạnh đó, bài thơ còn là hình ảnh biểu hiện của sức sống bền bĩ, mãnh liệt của dân tộc trải qua lịch sử trường kỳ kháng chiến, đương đầu với những kẻ thù lớn mạnh mà vẫn tồn tại và phát triển, vẫn “thành công”. Có lẽ chính vì thế mà Bác Hồ đặt niềm tin vững chắc vào tính năng động của con người. Bác coi khó khăn là một dịp tốt là môi trường rất tốt để rèn luyện và trưởng thành.
Bài thơ của Bác là một bài học sâu sắc, có ý nghĩa giáo dục lớn lao, cho thấy nhân cách văn hóa và tinh thần cách mạng cao đẹp của Người. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, ta còn gặp biết bao khó khăn gian khổ, chúng ta phải sẵn sàng tư thế đón nhận, coi đó là một dịp thử thách lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội của mình; cần nêu cao tinh thần kiên trì vượt khó khăn, gian khổ để góp phần vào sự nghiệp chung của dân tộc.
Cuộc đời cao đẹp của Bác Hồ, ý chí nghị lực phi thường ấy và biết bao chiến sĩ cách mạng khác đã chứng minh bài học đó. Bài học tự rèn luyện trong gian nan, thử thách để nâng cao tinh thần, dũng khí là bài học sâu sắc đối với tuổi trẻ chúng ta trong quá trình học tập và lao động sáng tạo.