Văn 9 Cảm nhận đoạn 1,2 bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" - Huy Cận

Sily vũ

Cựu TMod Văn
Thành viên
25 Tháng hai 2022
229
1
106
41
18
Hải Dương
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Tập làm chủ, tập làm người xây dựng

Dám vươn mình cai quản lại thiên nhiên!


Hai câu thơ trên khắc hoạ được hình ảnh con người lao động, xây dựng cuộc sống mới. Và một bài thơ khác cũng thể hiện được cảm hứng ấy, một áng thơ xuất sắc của Huy Cận, ấy là “Đoàn thuyền đánh cá”. Bài thơ có hai nguồn cảm hứng lớn, song hành, hài hòa và trộn lẫn vào nhau. Đó là cảm hứng về thiên nhiên vũ trụ và cảm hứng về con người lao động trong cuộc sống mới. Bằng khổ thơ đầu tiên, tác giả đã khắc hoạ được cả 2 hình tượng ấy.

Giữa năm 1958, Huy Cận có một chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi thực tế ấy, hồn thơ Huy Cận thực sự nảy nở dồi dào cảm hứng về thiên nhiên đất nước. Bài thơ được sáng tác trong thời gian ấy và in trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng”.Bài thơ là khúc tráng ca ca ngợi cuộc sống lao động tập thể của người dân chài trong công cuộc xây dựng và tái thiết đất nước, đồng thời bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thớ trước khung cảnh thiên nhiên đất nước giàu đẹp. Đặc biệt, tôi ấn tượng với khổ thơ đầu bài thơ, khi hình ảnh thiên nhiên và con người lao động đều được khắc hoạ rõ nét, để tôi không chỉ thấy cảnh trời nước, mà tôi còn thấy cả những con người lao động hăng say xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Khúc hát ra khơi như được ngân vang ở những dòng thơ mở đầu bài thơ. Hai câu đầu bài thơ nghiêng về tái hiện hình ảnh đoàn thuyền ra khơi trong cảnh hoàng hôn

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then đêm sập cửa”

Bằng phép so sánh “mặt trời xuống biển” ví như “hòn lửa” cho thấy màu sắc đỏ rực và hình dạng tròn đầy của mặt trời. Nhà thơ liên tưởng vũ trụ như ngôi nhà lớn với màn đêm là cánh cửa còn sóng biển là then cài. Phải chăng vũ trụ đang bước vào trạng thái nghỉ ngơi gợi sự bình yên, con người ra khơi vào thời điểm về đêm? Một hình ảnh thiên nhiên thật đẹp được tác giả gợi tả qua câu thơ đầu tiên của bài thơ. Hoàng hôn buông xuống, mặt trời đỏ rực như một quả cầu lửa đang chìm dần xuống đáy đại dương. Sóng khi ấy cũng đã cài then, để màn đêm buông xuống, cửa tối đóng sầm lại. Hình ảnh so sánh giàu tính nghệ thuật, những liên tưởng thật thú vị qua hai câu thơ đầu tiên.

Tiếp đến là hình ảnh con người trong hai câu thơ cuối khổ. Những người dân chài cất cao tiếng hát tạo sự khỏe khoắn

“Đoàn thuyền đánh ca lại ra khơi

Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.

Chính trong hoàn cảnh vào ban đêm ấy, người ngư dân phải ra khơi, bắt đầu công việc của mình. Từ "lại" cho thấy đây không phải công việc bất chợt mà nó được lặp đi lặp lại, có tính thường nhật, quen thuộc của họ, cứ màn đêm buống xuống thì họ lại ra khơi. Người ngư dân vốn đã quen với cái nghề "lênh đênh sóng nước" này rồi. Người dân chài ra khơi theo một tập thể- “Đoàn thuyền”. Hình ảnh ẩn dụ “câu hát căng buồm” cho thấy câu hát cũng như có sức mạnh góp gió căng buồm đẩy con thuyền ra khơi. Dường như vũ trụ bước vào trạng thái nghỉ ngơi thì con người bắt đầu ra khơi đánh cá với khí thế phơi phới và niềm vui đang chinh phục biển khơi

Đến với khổ thơ thứ hai, ta bắt gặp những câu hát thể hiện mong ước đánh nhiều cá và sự tự hào về sự giàu có của biển:

“Hát rằng cá bạc biển đông lặng

Cá thu biển đông như đoàn thoi

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng

Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi”.

Nhà thơ đã sử dụng phép liệt kê và nghệ thuật so sánh tinh tế ngợi ca sự giàu có của biển cả quê hương đêm ngày, từng đoàn cá đã dệt nên bức tranh tươi đẹp của biển khơi với muôn luồng sáng ngoài biển. Lời thơ đã thể hiện mong muốn công việc đánh cá thu được thành quả tốt đẹp. Tiếng ca trên biển mang theo khao khát chinh phục biển rộng của những người ngư dân nơi đây. Những hình ảnh như “ Cá bạc, cá thu” gợi sự giàu có phong phú của biển. Còn so sánh “cá thu biển đông như đoàn thoi” – từng đàn cá lao trên mặt biển như đoàn thoi mang ánh sáng lấp lánh dệt muôn luồng sáng trên tấm thảm biển. Chính những ẩn dụ, nhân hóa “đêm ngày dệt biển” tạo ra nhiều sắc màu chuyển động. Nhà thơ cất tiếng gọi cá thật dịu dàng “đến dệt lưới ta đoàn cá ơi”: vừa là lời gọi vừa là niềm mong ước đánh được nhiều cá vừa xen cả sự lạc quan tươi vui và tự hào về biển khơi.

Qua đó ta thấy cả tấm lòng Huy Cận, “Đoàn thuyền đánh cá” là một bài ca lao động hăng say, hào hùng. Băng bút pháp lãng mạn, nhịp thơ khỏe với trí tưởng tượng mới mẻ, độc đáo, Huy Cận đã ca ngợi sự giàu đẹp của biển quê hương, và đặc biệt là hình ảnh người lao động được miêu tả với rấ nhiều vẻ đẹp: sự sảng khoái của người làm chủ đất nước, hăng say lao động với tất cả tình yêu biển, yêu nghề. Vì vậy, đọc bài thơ ta càng thêm yêu đất nước và con người lao động Việt Nam.
 
Last edited:
Top Bottom