Tham khảo thôi nha
Bước vào đội tuyển văn của trường khi tôi là học sinh lớp 7, nhưng học và rèn văn thì tôi bắt đầu từ khi còn là một học sinh tiểu học, do sớm tiếp xúc với nó khi nằm trong lớp bồi dưỡng là văn - toán của trường, nhờ thế khi bước vào đội bồi dưỡng văn tôi không quá lo ngại hay bị áp lực về khả năng của mình. Bài học đầu tiên trong lớp là cách để có thể viết một bài văn hay. Cô giáo dạy tôi ngày hôm ấy bảo muốn viết ra một bài văn chất lượng thì luôn phải để nhớ: tính logic trong nội dung, chuẩn xác trong cách dùng từ và viết trên tư duy sáng tạo đa góc nhìn.
Tôi vẫn nhớ rõ bài học ngày ấy bởi nó không chỉ là những điều cần cho một người chuyên văn mà nó thực sự là một sự cần thiết cho bất cứ ai khi đặt bút vào viết dù là một lá thư, một câu chuyện, một dòng cảm xúc, một bài luận chuyên ngành... vì muốn viết chuyên sâu, có lối viết không trùng lắp là điều vô cùng khó khăn. Ngày ấy, để rèn luyện điều đó, mọi tuần sẽ có một đề tài viết để có thể luyện dần khả năng viết và cho quen tay–lời của giáo viên giảng dạy lúc bấy giờ.
Hôm trước, qua nhà bà chị gặp lúc đang chấm bài tập làm văn nên định ra về thì chị bảo cứ ngồi chơi, vừa nói chuyện vừa chấm bài, chừng 5 phút là xong một bài, nhìn vào cột lời phê của giáo viên cũng chỉ viết vài từ đơn giản “còn sai chính tả”, “bài chưa tốt, diễn đạt dài dòng”... Nhớ lại ngày đó mọi khi phát bài ra, phần lời phê giáo viên luôn được nhận xét chi tiết, cụ thể thậm chí những chỗ sai về chính tả, ngữ pháp, điệp từ sẽ được gạch dưới, khoanh đỏ, điều đó chứng tỏ bài đã được đọc rất kỹ, không phải là đại khái gạch vài đường cho là “có xem”. Nhờ thế những bài làm sau này sẽ khắc phục dần những lỗi thiếu xót đó, tránh gặp những lại lỗi tương tự. Tôi vui nhất chính là qua đó có thể hiểu rõ những ưu điểm và nhược điểm của mình trong từng cách viết, những điểm tốt và chưa tốt. Cái việc này được xem là hiếm thấy đối với các học sinh ngày nay dù có trong đội tuyển văn đi nữa.
Một lần cô giáo cho đề tài viết là cảm nhận về Thúy Kiều trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Suy nghĩ mất hai ngày, cố gắng tìm rất nhiều tài liệu, bài viết của mọi người về “nàng Kiều” rồi tôi quyết định viết thật theo những gì mình suy nghĩ, và trong bài văn đó tôi đã cảm nhận Thúy Kiều là người cô gái hư hỏng, không tốt như người ta ca tụng... tuy viết như thế nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng phân vân khi nộp bài, có phải mình đang đi ngược lại với lịch sử và với suy nghĩ của mọi người hay không?
Cứ mang theo tâm trạng lo lắng ấy cho đến ngày trả bài, tất cả các bạn đều nhận được bài duy nhất bài văn của tôi là không thấy đâu. Rồi cô đứng lên đọc bài văn của tôi cho cả lớp cùng nghe và giành cả tiết học ngày hôm ấy để giảng lại cho cả lớp lý do vì sao Thúy Kiều lại đi vào con đường ấy, những truân chuyên nước mắt của chính nàng Kiều dành cho số phận mình. Cô còn nói rõ cách nhìn của tôi là chỉ một phía chưa biết nhìn xem kỹ và đi sâu vào lịch sử bấy giờ, chưa đứng trên thân phận “người trong cuộc” để nhìn nhận sự việc. Nhưng khi cầm bài trên tay tôi hoàn toàn bị bất ngờ bởi số điểm khá cao của mình (7 điểm) và lời phê cho lối viết sáng tạo, tư duy độc lập trong sáng, sự nhìn nhận trung thực...
Từ bài văn đó trở về sau, mọi khi viết tôi đều sẽ xem thật kỹ về nhân vật những tác động đến tâm lý nhân vật, nguyên nhân diễn biến của vấn đề. Thử đứng ở nhiều góc độ để nhìn nhận sự việc, tôi không còn dùng bằng cảm quan cá nhân để phân tích đánh giá một vấn đề nữa.
Có một lần sau này tôi bị điểm dưới trung bình môn văn vì cái tội đọc đề bài không kỹ đem râu ông này đi cắm cằm bà nọ. Khi ấy, tôi đem bài Đất nước mà Nguyễn Khoa Điềm thai nghén trong “trường ca Mặt đường khát vọng” trở thành bài Đất Nước của Nguyễn Đình Thi, cứ thế tôi viết hết hơn 5 trang giấy... và nhận về điểm 4. Nhưng chưa bao giờ tôi giận cô về điều đó, tôi sai tôi xin nhận con điểm ấy cho tôi là đúng chứ không sai. Kể từ bài học đó tôi luôn cố gắng học thật kỹ từ tác phẩm, tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm và khi làm sẽ xem xét kỹ đề bài.
Tôi thực sự không phải ngồi đây viết để ôn lại kỷ niệm xưa, hay để “nổ” về thành tích học tập của mình; đều mà tôi muốn nói đó là các giáo viên dạy văn ngày xưa và giáo viên dạy văn ngày nay. Không mang hàm ý so sánh, nhưng thực sự cảm thấy thất vọng với cách dạy văn hiện tại có quá nhiều cái cần nhìn lại, quá nhiều lỗ hỏng phải lấp đầy. Không ngụ ý chê bai về kinh nghiệm, trình độ giáo viên cũng như ngành giáo dục mà chỉ mong mọi các thầy cô hãy nhìn lại cách dạy hiện tại, về những thiếu sót cần phải bổ sung... hãy là những giáo viên có trách nhiệm nhiệt tình với công tác đừng mãi vì thời lượng tiết học hay những bài kiểm tra mang tính đối phó. Để những tiết học trở nên sinh động và thu hút chứ không còn là một sự ngao ngán của học sinh.
Muốn làm được điều này còn phải dựa vào ý thức, sự phấn đấu của người học. Một giáo viên dù giỏi đến đâu, kiến thức yên bác thế nào, người luôn có thể truyền đạt hết sự hiểu biết của mình cho thế hệ học trò mà bản thân người học không biết tự nổ lực thì cũng chỉ là “nước đỗ lá khoai” mà thôi
Nguồn net