3.3. Ngôn ngữ
Qua lời ăn tiếng nói, qua cách dùng từ, giọng điệu của một người, chúng ta có thể nhận ra nghề nghiệp, trình độ văn hóa, nhận ra tính cách của con người ấy. Ngôn ngữ của nhân vật văn học thành công thường được cá thể hóa cao độ, nghĩa là mang đậm dấu ấn của một cá nhân. Nhà văn có tài là người biết sống với nhiều nhân vật, nắm bắt được nhiều kiểu ngôn ngữ. Người ta hay nói tới tài cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật của Nguyễn Công Hoan trong truyện ngắn trào phúng. Nhân vật của ông quả ai nói ra người ấy, đúng với nghề nghiệp, bản chất xã hội của họ. Nhắc tới nhân vật cố Hồng trong tiểu thuyết trào phúng Số đỏ của Vũ Trọng Phụng chúng ta nhớ ngay đến câu gắt đầu cửa miệng “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” mặc dầu ông ta chẳng biết cho ra đầu ra đũa việc gì cả. Cho đến khi trở thành “nhà cải cách thẩm mĩ”, “đốc-tờ Xuân”, “giáo sư quần vợt”, “cố vấn báo Gõ mõ”… được cả xã hội thượng lưu thành thị trọng vọng, Xuân Tóc Đỏ vẫn đầu cửa miệng mấy chữ “mẹ kiếp”, “nước mẹ gì”. Điều ấy chứng tỏ cái bản chất lưu manh, vô học của y không sao gột rửa nổi. Hãy chú ý đến ngôn ngữ của Hoàng (Đôi mắt – Nam Cao) – một bậc đàn anh trong văn giới đồng thời là tay chợ đen chợ đỏ rất tài tình: “ông thanh niên”, “bà phụ nữ”, “bố tự vệ”, “ cái Số đỏ”, “Tôi cho rằng cuộc Cách mạng tháng Tám cũng như cuộc kháng chiến hiện nay chỉ ăn vì người lãng đạo cừ”, “Bộ Đông chu mất ở Hà Nội, không đem đi được. Thế mới sầu đời chứ! Hận quá. May mà bộ Tam quốc lại để ở ngoại thành, đem đi được. Nếu không thì buồn đến chết.”. Ngay đến cách vỗ đùi, đến giọng “chửi yêu” Tào Tháo cũng rất… Hoàng. Trong Rừng xà nu ngôn ngữ của nhân vật Tnú nhiều khi ngắn gọn, chắc nịch, chứng tỏ một tính cách mạnh mẽ, dứt khoát: “Chỉ còn thằng chỉ huy dưới hầm. Kêu nó không lên. Bỏ lựu đạn, nó có ngách. Người chỉ huy mình hỏi: Ai xuống? Tôi xuống. Tối lắm. Tôi mò thấy nó. Nó bắn. Tôi giật được súng nó. Nó vật tôi. Nhưng tôi mạnh hơn. Tôi tống đầu gối lên ngực nó. Tôi bóp đèn pin lên mặt nó: Dục, mày còn nhớ tau không? Nó lắc đầu. Được, đây này, hai bàn tay tau đây này, nhớ chứ? Tau vẫn cầm được súng! Mắt nó trắng giã. Tôi nói: Này, tau có súng đây, tau có cả dao găm đây. Nhưng tau không giết mày bằng súng, tau không đâm mày bằng dao nghe chưa! Dục! Tau giết mày bằng mười ngón tay cụt này thôi, tau bóp cổ mày thôi!”. Quả là đôi bàn tay dồn nén căm hờn, đôi bàn tay quả báo. Con người miền núi là thế: yêu ai, yêu hết lòng, ghét ai, ghét tận độ. Từ ngày thằng Dục dẫn lính về đàn áp dân làng, đánh đập chết mẹ con Mai, Tnú khắc sâu mối thù. Cái tên thằng Dục in đậm trong tâm khảm… Anh muốn chứng tỏ với kẻ thù rằng đôi bàn tay từng bị hành hạ dã man trước đây để dập tắt mộng cầm súng, mỗi ngón đã bị cụt một đốt, lúc này vẫn thừa sức trả thù. Ngôn ngữ ấy, những lời hỏi, lời cảnh cáo cùng cách trả thù ấy chứng tỏ một tính cách mạnh mẽ, một hành động quyết liệt.
3.4. Nội tâm
Khi phân tích nhân vật cần quan tâm đến thế giới bên trong với những cảm giác, cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ… Thế giới bên trong này thường tương tác với thế giới bên ngoài (môi trường thiên nhiên, sự biến chuyển của đời sống xã hội, quan hệ và hành vi của các nhân vật khác xung quanh) đồng thời cũng có qui luật vận động riêng của nó. Một nghệ sĩ tài năng thường cũng là một bậc thầy trong việc nắm bắt và diễn tả tâm lí con người. Miêu tả chân thực, tinh tế đời sống nội tâm nhân vật là chỗ thử thách tài nghệ nhà văn và cảm nhận, phân tích được một cách kĩ lưỡng, thuyết phục mặt này cũng thành nơi chứng tỏ năng lực của người phân tích tác phẩm. Bố cục truyện ngắn Hai đứa trẻ vận động theo dòng cảm giác bâng khuâng, tâm trạng buồn man mác của nhân vật Liên trong không gian phố huyện nhỏ trước giờ khắc ngày tàn rồi dần về đêm. Tính trữ tình, sự tinh tế của ngòi bút Thạch Lam thể hiện qua việc diễn tả bao biến thái nhẹ nhàng của cảnh vật và sự hòa điệu của lòng người. Ở truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, hay nhất có lẽ là những trang Tô Hoài diễn tả sự trỗi dậy từng bước của sức sống tiềm tàng trong lòng Mị, quá trình hồi sinh của tâm hồn cô trong đêm mùa xuân nghe tiếng sáo gọi bạn tình và diễn biến tâm trạng, hành động của Mị trong đêm mùa đông cắt dây trói giải thoát cho A Phủ rồi bất ngờ chạy theo người ấy. Sống trong tâm trạng thiết tha bổi hổi rồi ngày càng rạo rực của nhân vật khi bỗng nghe tiếng sáo, Tô Hoài diễn tả chân thực quá trình hồi sinh này qua các bước tâm trạng, cử chỉ và hành động. Về hành động uống rượu của Mị, chúng tôi đã phân tích ở trước. Cũng tương tự như thế, hãy chú ý hành động thắp sáng thêm đĩa đèn của người phụ nữ này sau đó: “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo…”. Hành động này có ý nghĩa gì? Bấy lâu nay Mị có bận tâm gì đến bóng tối hay ánh sáng xung quanh mình đâu. Cuộc đời đối với người con dâu gạt nợ chỉ như một đêm dài thăm thẳm. Nhưng giờ đây có lẽ Mị không còn chịu nổi bóng tối đang vây bọc quanh mình nữa. Thắp sáng thêm đĩa đèn hay là người phụ nữ này đang muốn thắp sáng lại cuộc đời mình? Tiếp theo hành động uống rượu để lòng càng nhớ về ngày trước, để thấy mình còn trẻ, hành động này chứng tỏ phản kháng âm thầm mà quyết liệt, chứng tỏ sóng cuộn trong chiều sâu tâm trạng từ khi nghe tiếng sáo gọi bạn yêu lấp ló ngoài đầu núi, lửng lơ bay ngoài đường. Đến khi diễn tả tâm trạng, hành động nhân vật Mị ở đêm mùa đông giá lạnh sau đó, ngòi bút Tô Hoài như hồi hộp dõi theo nỗi lòng người phụ nữ này để dẫn người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chúng ta vừa bất ngờ trước hành động táo bạo cắt dây trói cho A Phủ lại ngỡ ngàng trước việc Mị vùng chạy theo (dù trước đó vài giây vẫn đang nghĩ chuyện ở lại mà chết thay) với câu nói trong cơn gió thốc lạnh buốt “ ở đây thì chết mất!”. Nhưng ngẫm ra thì những hành động bất ngờ này lại rất tự nhiên và hợp lí bởi đúng với hoàn cảnh cụ thể ấy, với tính cách ấy. Thâm nhập thế giới nội tâm phong phú của một nhân vật nào đó trở thành hành trình đầy thú vị của nhà văn, cũng là điều hấp dẫn đối với người đọc, người phân tích tác phẩm sau đấy. Điều đáng lưu ý mà qua các dẫn chứng nêu trên các bạn đã thấy là diễn biến nội tâm thường gắn liền cùng từng cử chỉ, hành động của nhân vật, thường được “hữu hình hóa” qua cử chỉ, hành động. Tất nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng có thể “đọc xuôi” nỗi lòng qua cử chỉ, hành động bởi không phải bao giờ hai phía này cũng trùng khít, thậm chí chúng có thể đối lập nhau.
3.5. Cử chỉ, hành động
Không phải ngẫu nhiên mà khi miêu tả nhân vật Hoàng trong buổi chiều rồi buổi tối tiếp chuyện Độ, Nam Cao (qua mắt Độ) hay đặc tả những động tác khác thường ở nhân vật này. Chúng ta hãy thử liệt kê: “Anh cười gằn một tiếng, nhìn bao trùm cả người tôi, hỏi”, “Nỗi khinh bỉ của anh phì cả ra ngoài, theo cái bĩu môi dài thườn thượt. Mũi anh nhăn lại như ngửi thấy mùi xác thối”, “Anh trợn mắt bảo tôi…”, “Hoàng nhếch một khóe môi lên, gay gắt”, “Anh chộp lấy câu của tôi, nhanh như một con mèo vồ con chuột”… Qua những động tác, cử chỉ ấy, chúng ta đủ hiểu Hoàng khinh miệt, ghê tởm dân quê đến mức nào, tính hiếu thắng, kẻ cả trong trò chuyện của anh ta ra sao. Đó cũng là một cái tài của Nam Cao khi khắc họa nhân vật
Bản chất của con người ta bộc lộ chân xác, đầy đủ nhất qua cử chỉ, hành động. Phân tích nhân vật, vì thế, cần tập trung khai thác kĩ phương diện này. Đó là sự thật hiển nhiên. Nhưng đáng chú ý là bản chất nhân vật không chỉ bộc lộ ở việc nhân vật ấy làm mà còn qua cách làm việc ấy của nhân vật nữa. Vế sau này cũng là một phương diện vô cùng quan trọng để nhà văn cá tính hóa nhân vật. Nghị Hách (Số đỏ của Vũ Trọng Phụng) đúng là Nghị Hách ở hành động vỗ bụng Thị Mịch mà ỡm ờ đùa cợt, ở hành động say sưa diễn thuyết và nhỏ nước mắt tỏ lòng thương xót bình dân. Nam Cao đã dựng lên trước mắt ta một Chí Phèo bằng xương bằng thịt với tính cách điên khùng, uất ức, với số phận tuyệt đối cô độc và bi thảm không thể lẫn với bất kì một ai khác. Quả là rất Chí Phèo từ bộ mặt đầy những vằn ngang vạch dọc, dáng đi ngật ngưỡng đến cách chửi, từ kiểu rạch mặt ăn vạ, kiểu uống rượu đến lối làm tình với Thị Nở, Từ hành động xách dao ra đi trả thù đến cách đâm chết Bá Kiến rồi tự kết liễu đời mình. Cũng trừng trị người nô lệ song cái cách thống lí Pá Tra hành hạ A Phủ chỉ vì anh để hổ bắt mất một con bò nhà nó mới độc ác làm sao, càng chứng tỏ cái quyền lực ghê gớm và bộ mặt tàn bạo của giai cấp phong kiến thống trị ở miền núi. Khi điển hình hóa nhân vật, một nhà văn có tài thường “lựa chọn” cho nhân vật những hành động độc đáo, gây ấn tượng sâu đậm đối với người đọc.