DÀN Ý CHUNG VỀ VĂN THUYẾT MINH
(về một danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa, phong tục tập quán...)
I. Mở bài
Cũng giống như các dạng văn nghị luận khác , một bài văn thuyết minh có thể đươc mở đầu bằng:
- Nêu nội dung thuyết minh
- Dẫn dắt, tạo chú ý của người đọc về nội dung thuyết minh.
Tùy theo phong cách của mỗi người mà có thể mở bài theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng điều quan trọng nhất vẫn là nêu ra được nội dung cần thuyết minh để người đọc biết được đối tượng cần nắm bắt trong phần thân bài. Một mở bài hay sẽ là chìa khóa để người viết dẫn dắt độc giả vào bài viết của mình, chính vì thế nên mở bài một cách sáng tạo và ấn tượng sẽ gây được thiện cảm cho người đọc.
Một chú ý khi viết mở bài đó là không nên viết quá dài để tránh trường hợp “đầu voi, đuôi chuột” làm cho bài viết không cân đối, không hợp lí
II. Thân Bài
- Tìm ý, chọn ý từ việc xác định đối tượng cần thuyết mình: có những đặc điểm gì? khai thác theo hướng nào, vai trò, tác dụng…
- Giới thiệu sâu, tỉ mỉ, chi tiết, những nét đặc trưng của đối tượng.
- Sắp xếp các ý thành một chỉnh thể hoàn chỉnh. Cần trình bày các ý theo trình tự nào cho phù hợp với đối tượng thuyết minh, đạt được mục đích thuyết minh, giúp người tiếp nhận dễ dàng nắm được nội dung thuyết minh:
+ Nêu khái niệm
+ Phân tích đặc điểm
+ Bình luận, đánh giá
+…
*Nếu thuyết minh về một danh lam thắng cảnh thì có thể đề cập các ý:
– Vị trí địa lí.
– Những cảnh quan đặc sắc của đốì tượng.
– Cách thưởng ngoạn đối tượng.
*Nếu giới thiệu thuyết minh về một phong tục tập quán thì có thể lần lượt nói rõ về lịch sử hình thành, những biểu hiện của nó, cũng như thái độ và tình cảm của con người đối với phong tục tập quán đó.
*Nếu đối tượng cần giới thiệu, thuyết minh là một danh nhân văn hóa thì có thể lần lượt giới thiệu hoàn cảnh, xã hội, thân thế và sự nghiệp, đánh giá của xã hội đối với người đó. Tất nhiên là phần thân thế và sự nghiệp chiếm vai trò chủ yếu, có dung lượng lớn nhất trong bài viết.
- Việc sắp xếp các ý để trình bày trong phần này tùy theo mỗi người sẽ đi theo mỗi cách khác nhau, có thể sắp xếp theo các trình tự: không gian, thời gian, logic… nhưng cũng có thể để hỗn hợp các quan hệ miễn sao phù hợp với đối tượng thuyết minh, và đạt được mục đích thuyết minh.
III. Kết bài
- Kết bài không phải chỉ là phần kết lại một bài văn mà còn cần mở rộng ra về một phạm vi lớn hơn, để lại cho người đọc những điều cần suy ngẫm, những điều cần nghị luận tiếp theo. Chính vì thế, kết bài của một bài văn thuyết minh ngoài việc cần nhấn mạnh, tô đậm ấn tượng về đối tượng thuyết minh thì còn cần nêu ý kiến, cảm nhận của bản thân. Đồng thời cần mở rộng ra một vấn đề mới để bài viết có độ sâu.
Ghi nhớ
Để làm tốt bài văn thuyết minh đạt kết quả tốt, ta cần phải:
- Nắm vững các kiến thức và cần phải có kỹ năng viết tốt.
- Có đầy đủ những tri thức cần thiết và chuẩn xác về đề tài cần thuyết minh.
- Tìm được cách sắp xếp những tri thức đó thành một hệ thống hợp lí, chặt chẽ.
- Biết cách nhấn mạnh, tô đậm, làm rõ vấn đề thuyết minh; gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc.
...
Văn thuyết minh không phải là dạng bài khó, điều khác biệt của nó so với các dạng bài khác là đòi hỏi tri thức thực tế nhiều hơn, chính xác và khách quan hơn. Do đó, người viết phải có nền tảng tri thức cơ bản, hiểu biết rõ về đối tượng thuyết minh cũng như kiến thức thực tế để có thể làm một bài văn thuyết minh một cách trọn vẹn.