Để làm bài thi sinh học đạt điểm cao, thí sinh cần phải hội đủ ba yếu tố: phương pháp học tập, mức độ chuyên cần và khả năng tư duy. * Học như thế nào cho có hiệu quả? Đến bây giờ mới đề cập phương pháp học tập e rằng quá trễ, vì để có phương pháp học tập đúng đắn, các bạn cần phải rèn luyện ngay khi bước chân vào ngưỡng cửa cấp III và qua đó hình thành được khả năng tư duy tốt. Dù sao cũng còn đến bốn tháng chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học nên nếu chuẩn bị tốt thì kết quả đạt được chắc phải vượt xa mức trung bình. Một số học sinh thường than thở: "Nếu năm nay bốc thăm trúng môn sinh chắc bọn em... cắn lưỡi"! Tại sao các bạn sợ môn học này đến thế? Kiến thức nhiều quá làm các bạn không tự tin, phương pháp học tập chưa đúng, đa số có thói quen học vẹt, thiếu khả năng tư duy nên kiến thức cô đọng ở các bạn có là bao để các bạn tự tin. * Học môn sinh khó không? Thưa rằng không khó, nếu biết học thì rất dễ học lại đỡ phí thời gian. * Bằng cách nào? Trước hết đến lớp phải tập trung, chú ý nghe giảng để nắm được kiến thức trọng tâm, biết cách phân tích và giải quyết vấn đề được nêu. Ra khỏi lớp, trong góc học tập, mỗi bài học, mỗi chương các bạn nên cố gắng hình thành (vẽ) trong đầu một "sơ đồ ghi nhớ" (mind map), một dạng bản đồ qui hoạch chương trình môn học. Các kiến thức trọng tâm, kiến thức cần nhớ, mối liên quan giữa các kiến thức, giữa các bài được thể hiện qua sơ đồ. Khi đề cập (hoặc ôn tập) kiến thức nào, vấn đề nào ta cần đặt câu hỏi (Là gì? Ở đâu? Lúc nào? Tại sao? Như thế nào?...) và phải trả lời, giải đáp thông suốt các câu hỏi đặt ra là ta đã hiểu bài, đã thuộc bài. Có phương pháp học đúng nên dễ hiểu, dễ nhớ bài, tạo cho các bạn thói quen tư duy - biết cách đặt vấn đề và giải quyết được mọi vấn đề của bài học, rèn luyện kỹ năng làm bài, giải bài tập... Điều này giúp các bạn tự tin hơn, yêu thích môn học hơn, các bạn sẽ có mức độ chuyên cần đúng mực, nhẹ nhàng, phù hợp. * Làm bài thi như thế nào để đạt được kết quả tốt? Bắt đầu từ năm học 2006-2007, bài thi môn sinh làm theo phương pháp trắc nghiệm. Đề thi trắc nghiệm được cấu trúc số câu theo từng nhóm chủ đề, rải đều khắp chương trình, mỗi câu hỏi cũng như đáp án và câu mồi được chăm chút qua nhiều cách hành văn, nhiều cách trình bày. Câu trắc nghiệm được biên soạn dưới nhiều hình thức: đúng - sai, gợi nhớ, phân tích, so sánh, điền khuyết, ghép cặp, phân tích, suy luận rất phong phú... - Khi nhận được phiếu trả lời trắc nghiệm phải đọc kỹ mục "thí sinh lưu ý” và làm đúng theo hướng dẫn để tránh những nhầm lẫn hoặc thiếu sót đáng tiếc. - Khi nhận đề thi, điều đầu tiên cần lưu ý là mã đề thi (phải ghi đúng, đủ và hợp lệ trong phiếu trả lời). - Đọc kỹ từng câu hỏi (có thể đọc hai lần) để nắm rõ nội dung câu hỏi. Trong bốn đáp án chỉ có một câu trả lời phù hợp nhất với nội dung câu hỏi nên các bạn phải cẩn thận - loại dần các đáp án vô lý. Ví dụ câu trả lời có ý đúng, ý sai, khi phát hiện câu nào có chứa ý sai tương tự thì loại bỏ các câu đó. - Đối với các câu gợi nhớ, ghép cặp (ví dụ các bệnh, các tật di truyền, các đặc điểm của từng nhóm người, thời điểm xuất hiện các nhóm loài sinh vật...), để làm tốt các bạn nên làm bảng thống kê, cột phân loại, phân nhóm để khỏi nhầm lẫn, dễ ôn tập. - Đối với các câu hỏi về một quá trình sinh học (như quá trình đột biến, quá trình tạo giao tử, quá trình tổng hợp protein, quá trình hình thành đặc điểm thích nghi, quá trình hình thành loài mới...), để có câu trả lời đúng, các bạn nên vẽ sơ đồ ra giấy nháp theo đúng trình tự các kiến thức bài học rồi so sánh với các câu trả lời để chọn câu đúng. - Đối với những câu vận dụng kiến thức để giải quyết một vấn đề hay giải một bài tập gồm nhiều bước, các kiến thức của bài học cần được công thức hóa, sơ đồ hóa (ví dụ chương về cơ sở vật chất di truyền, công thức Hardy & Weinberg...), dùng kết quả tính toán được so sánh với các câu trả lời. Tóm lại do câu hỏi trắc nghiệm rất đa dạng, phong phú, nhiều thể loại nên học vẹt, học tủ, học qua loa sẽ không đáp ứng được yêu cầu, kết quả thấp.