Ngôn từ trong tiếng Nhật là " kotoba'' (言葉) và chữ này là cách nói gọn của "koto no ha" (言葉の葉) nghĩa là"chiếc lá của lời" . Dựa vào ẩn dụ này nhà thơ nổi tiếng Tsurayuki phát triển hành ẩn dụ sau
Trái tim là hạt, thơ ca là lá. Hạt sinh ra lá cũng như trái tim con người sinh ra ngôn từ thơ ca.
Từ những gợi ý trên và từ những trải nghiệm riêng của bản thân, em hãy viết một văn bàn luận về đặc trưng của sáng tạo nghệ thuật đồng thời trình bày suy nghĩ của em.
Em tham khảo dàn bài nha
Mở bài: Dẫn dắt vấn đề
Thân bài:
1. Giải thích
- Trái tim là hạt, thơ ca là lá: trái tim biểu hiện cho cảm xúc, suy nghĩ, tư tưởng của tác giả, đó là nguồn gốc hình thành, là địa hạt của văn học; thơ ca là một phần của văn học, một điều chắc chắn rằng, thơ ca cũng bắt nguồn từ những rung động, xao xuyến của trái tim
- Đặc trưng của sáng tạo nghệ thuật theo như những gợi ý trên: tư tưởng, tình cảm và hình thức ngôn từ. Thơ ca quan trọng nhất ở hai bình diện: tư tưởng, tình cảm, tâm tư mà tác giả gửi gắm qua tác phẩm và ngôn từ, từ ngữ phù hợp thể hiện nó.
=> Ý của đề bài là muốn ta đi bàn luận về 2 khía cạnh trên. Cũng có nghĩa là nội dung (chú ý phần giá trị nhân đạo và giá trị tố cáo) và hình thức ấy
2. Bàn luận
Phần này ta lấy một ví dụ để vừa phân tích vừa chứng minh nha. Chị thấy thơ ca tiêu biểu của văn lớp 9 thì có "Truyện Kiều" của Nguyễn Du. Chị sẽ đưa những ý chính của đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" để em hiểu cách làm nhé
*) Phân tích, chứng minh qua đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích"
6 câu thơ đầu: cảnh ngộ và nỗi niềm cô đơn đến tột cùng của Thúy Kiều
- Kiều ở lầu Ngưng Bích thực chất là bị giam lỏng "khóa xuân" (hai từ "khoá xuân" không phải mang ý nghĩa như những cô gái khác ở nhà đến khi lấy chồng mà nó hàm chứa nỗi xót xa, mỉa mai cho thân phận của Thúy Kiều)
- Nàng trơ trọi giữa một không gian mênh mông, hoang vắng
+ Những hình ảnh non xa, trăng gần, cát vàng, bụi hồng đều cho thấy một quang cảnh rộng lớn đối lập với sự chơ chọi, chênh vênh của lầu Ngưng Bích
+ Từ láy "bát ngát" + nghệ thuật liệt kê
càng tô đậm cái vô cùng vô tận của không gian
-> Quang cảnh rộng, trống, cô liêu của thiên nhiên, đồng thời cũng là tâm trạng cô đơn của Kiều
- Từ "xa trông": trông ngóng, hướng về sự sống, dấu hiệu ấm áp của thiên nhiên, song nàng không tìm được
- Hai chữ "bẽ bàng" được đảo lên đầu câu là tính từ thể hiện tâm trạng xót xa khi cốt nhục bị chia lìa, tình yêu tan vỡ, nhân phẩm bị chà đạp
6 câu thơ tiếp
- Nỗi nhớ chàng Kim
+ Người đầu tiên mà Thúy Kiều nhớ tới là Kim Trọng. Có người cho rằng Thúy Kiều nhớ Kim Trọng trước là không hợp lý nhưng ta cần tìm hiểu rõ để thấy được sự tinh tế trong ngòi bút của Nguyễn Du. Khi nàng quyết định bán mình chuộc cha và em tức là đã tạm tròn chữ hiếu nhưng lại dang dở chữ tình nên luôn mang mặc cảm có lỗi với Kim Trọng.
+ Nhớ chàng Kim, Kiều nhớ đến đêm thề nguyện đính ước, nàng tưởng tượng chàng Kim đang ngày đêm mòn mỏi chờ mong tin tức của mình
+ Câu thơ "tấm son gột rửa bao giờ cho phai" có thể hiểu theo hai nét nghĩa. Đó là tấm lòng son sắc thủy chung của Kiều đã bị hoen ố, không thể gột rửa, cũng có thể hiểu đó là tấm lòng thủy chung của Kiều với Kim Trọng sẽ không bao giờ nhạt phai
- Nỗi nhớ cha mẹ
+ Nghĩ về cha mẹ lòng Kiều ngập tràn thương xót, nàng lo lắng cho cha mẹ ngày đêm tựa cửa ngóng trông tin nàng, lo cho nàng
+ Nàng đau đớn tự trách bản thân vì chưa tròn chữ hiếu, không thể ở bên để nâng giấc cho cha mẹ
8 câu thơ cuối: tâm trạng đau buồn, lo âu của Kiều qua cái nhìn cảnh vật
- Đây là đoạn thơ được xem là kiểu mẫu trong lối thơ sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình trong văn chương cổ điển.
- Tác giả sử dụng thật tài tình điệp ngữ "Buồn trông..." tạo ra hiệu quả nghệ thuật lớn. Buồn mà trông ra tứ phía, nhưng trông mà vô vọng. Điệp từ này vang lên như điệp khúc ngày càng tăng dần lên, lớp lớp vô vọng, vô tận.
- Tám câu thơ với bốn cặp câu, mỗi cặp câu là một ẩn dụ cho một cảnh, một tâm trạng diễn tả những nỗi buồn khác nhau
+ Cảnh một:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Một cánh buồm thấp thoáng nơi cửa bể mênh mông gợi ra cảnh ngộ cô đơn của Kiều, đồng thời cũng là hình ảnh ẩn dụ cho nỗi nhớ gia đình, quê hương da diết trong lòng người con "bơ vơ nơi đất khách".
+ Cảnh hai:
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Hình ảnh ẩn dụ cánh hoa trôi giữa dòng và câu hỏi tu từ "biết là về đâu" gợi ra thân phận lệnh đênh vô định của Kiều. Ta cảm nhận được nàng giống như cánh hoa kia trôi giữa dòng đời đen bạc, sẽ chẳng biết sẽ trôi về đâu.
+ Cảnh ba:
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Đến đây không phải là cỏ non xanh như trong tiết thanh minh ở "Cảnh ngày xuân" mà là "cỏ rầu rầu", cỏ đã nhuốm màu tâm trạng. Nhìn sắc cỏ, ta có thể thấy được sự đồng điệu với thân phận
*) Đặc trưng sáng tạo nghệ thuật qua đoạn trích
- Qua đoạn trích, Nguyễn Du đã thể hiện cảm xúc, tấm lòng của bản thân. Chứng minh "trái tim là hạt"
+ Trước hết, Nguyễn Du phơi bày nỗi khổ đau của con người bị áp bức, đặc biệt là phụ nữ -> bộc lộ niềm thương cảm sâu sắc trước những nỗi khổ đau của con người
+ Phản ánh bộ mặt tàn bạo của thế lực hắc ám, những kẻ bỉ ổi, nham hiểm, bán rẻ lương tâm -> tố cáo các thế lực tàn bạo đã chà đạp lên quyền sống con người
- Ngôn ngữ của "Truyện Kiều" mang tới giá trị thẩm mĩ và cũng có chức năng biểu đạt, thể hiện suy nghĩ, tâm tư mà tác giả muốn gửi gắm
3. Đánh giá, suy nghĩ bản thân
- Qua hai đoạn trích tiêu biểu, ta có thể thấy tinh thần nhân đạo cao cả là nội dung tư tưởng xuyên suốt trong tác phẩm của Nguyễn Du. Đồng hành với đó là cách dùng từ phù hợp, thể hiện được hết cảm xúc, tư tưởng. Điều đó làm nên nét nhân văn, đặc trưng của Nguyễn Du. Tinh thần nhân đạo của ông đã vượt lên trên thời đại, vượt lên những quan niệm, chuẩn mực thời ấy.....
- Không chỉ Truyện Kiều của Nguyễn Du mà thơ ca nói chung đều phải xuất phát từ tấm lòng và xúc cảm sẽ tự tìm tới hình thức thể hiện phù hợp nhất.
Kết bài: Khẳng định lại vấn đề