Tục ngữ là kho báu trí tuệ dân gian. Có biết bao bài học sâu sắc ta tìm thấy trong tục ngữ. Câu "Thất bại là mẹ thành công" vẫn được nhiều người nhắc đi nhắc lại trong cuộc đời để tự động viên mình vươn lên.
Hai chữ "thất bại" và "thành công" trong câu tục ngữ tương phản nhau. "Thất bại" được nhân hoá thành "mẹ"; người con ấy là "thành công" do người mẹ "thất bại" sinh ra. Ông cha ta đã có một cách nói quá thật sắc, thật gọn, thật hay để nêu lên một bài học kinh nghiệm quý báu, khuyên mọi người đừng ngả lòng nản chí mà phải kiên gan bền chí, quyết tâm vươn lên sau mỗi lần thất bại. Thành công là hệ quả được tìm thấy trong bài học thất bại: "Thất bại là mẹ thành công".
Trong cuộc sống, ta luôn luôn đứng trước nhiều khó khăn thử thách. Bắt tay vào làm một công việc mới ai cũng cảm thấy: "Vạn sự khởi đầu nan". Trong học tập, lao động, chiến đấu... ta phải đối diện với bao cái khó, ngay những người thông minh, tài trí cũng thế. Có cái khó, ta tìm được cách để vượt qua, nhưng cũng có cái khó làm ta thất bại.
Có người bị thất bại thì nản chí, hoang mang, trở nên bi quan, tiêu cục. Nhưng cũng có người, sau mỗi lần thất bại, mỗi lần ngã đau, họ lại dũng cảm đứng lên, dám nhìn thẳng vào sự thật, tỉnh táo tìm ra nguyên nhân thất bại, để hướng tới, khiến ý chí, quyết tâm được nâng cao hơn bao giờ hết. Trước mọi thất bại, không nên bi quan, dao động hoặc cay cú, nóng vội, mà phải bình tĩnh và thận trọng. Bài học thất bại là bài học cay đắng ở đời, ta cần phải kiên trì, sáng suốt đề tìm ra được biện pháp khắc phục tốt nhất mới mong giành được thành công mới, thắng lợi mới. Sự lớn lên ấy là chân lí mà ta đã tìm được qua câu tục ngữ: "Thất bại là mẹ thành công".
Có thất bại trong chiến đấu phải trả giá bằng xương máu. Có thất bại trong làm ăn phải tốn nhiều tiền của. Có thất bại... làm hao mòn trí lực, danh dự, thời gian... Mỗi một thất bại là một quả đắng! Có thành công nào mà không hề gặp khó khăn, không hề trải qua ít, nhiều thất bại? Phải đổ nhiều công sức, mồ hôi, tâm huyết, thời gian... ta mới làm nên trái hạnh phúc ngọt ngào. Câu tục ngữ: "Thất bại là mẹ thành công" dạy ta bài học làm người: phải làm người chân chính, có nghị lực, có bản lĩnh, có niềm tin...
Đọc tiểu sử các vĩ nhân, ta càng thấy rõ những cống hiến của họ cho nhân loại là sự kết tinh của tài năng và ý chí chiến thắng khó khăn, thử thách. Sau hơn một thế kỉ chiến đấu anh dũng và hi sinh to lớn, nhân dân ta mới làm nên Cách mạng tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng 30-4-1975 giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong đời học sinh mỗi chúng ta cũng vậy, sau mỗi bài tập, bàik iểm tra, sau mỗi kì thi ai cũng cảm thấy mình "lớn lên" tự tin hơn, càng thấm thía lời dạy bảo của ông cha: "Thất bại là mẹ thành công".
Cụ Phan Bội Châu (1867 - 1940) là nàh cách mạng vĩ đại, là nhà thơ lỗi lạc của đất nước ta đầu thế kỉ XX đã có bài thơ "Thất bại là mẹ thành công" gồm có 30 câu thơ bốn chữ, viết năm 1926, giản dị mà sâu sắc vô cùng:
"... Càng nhiều thất bại,
Càng chắc thành công.
Xin chớ ngã lòng,
Xin càng bền chí
Ngã rồi liền dậy..."
(Trích "Nam quốc dân tu trì")
Trong cuộc sống, ta phải tỉnh táo để giảm bớt mọi thất bại. Nhưng phải dũng cảm trước mọi rủi ro, thất bại. Phải học tập để nâng cao tầm trí tuệ, phải rèn luyện ý chí và bản lĩnh để khắc phục khó khăn thử thách, vươn lên giành nhiều thắng lợi. Câu tục ngữ: "Thất bại là mẹ thành công" không chỉ cổ vũ chúng ta dũng cảm đứng vững trước thử thách mà còn nhắc nhở mỗi người gần xa: "Thắng không kêu, bại không nản". Trên con đường học tập đi tới Ngày mai của tuổi trẻ, những câu tục ngữ ấy, bài học ấy là vô giá.