ChChẳng riêng gì ở Quảng Nam mới có mì quảng mà món ăn này có mặt hầu như khắp mọi miền đất nước, thế nhưng với nhiều người (độ tuổi trung niên trở lên, đã trải qua thời thơ ấu ở nơi khai sinh của đặc sản này) thì mì quảng Phú Chiêm vẫn đem lại những tình cảm nhớ thương... chi lạ!
Nước dùng (nước Nhưng) của mì quảng có thể được nấu bằng nhiều loại nguyên liệu khác nhau như thịt gà, bò, vịt, heo quay, sườn non, tôm, thịt heo, cá lóc... kể cả sứa, nuốt và mỗi thứ nguyên liệu lại mang đến một sắc thái riêng. Nhưng theo những bậc sành ăn có thẩm quyền của xứ quảng thì nước nhưng mì quảng ban đầu chỉ nấu với thịt heo (vừa nạc vừa mỡ) và tôm. Tô mì quảng Phú Chiêm đến nay vẫn trung thành với kiểu nước nhưng ấy.
Ăn mì quảng không thể thiếu ớt xanh, loại ớt sừng trâu phải cắn từng miếng ớt giòn tan, cay xé mới đã. Trong tô mì thì rau chiếm tới 3/4 "nội dung” rồi, thậm chí rau còn quyết định "số phận" của tô mì, mà tuyệt vời nhất phải là rau Trà Quế (Hội An). Nhiều người cho rằng chỉ cần nhìn sơ qua rổ rau bày ra có thể biết ngay chất lượng của tô mì.
Mì quảng là món có thể ăn bất cứ chỗ nào: trong nhà, ngoài sân, ngoài đồng bãi... và ăn bất kỳ lúc nào: ăn chơi, ăn dặm, ăn trừ bữa... Từ những thành phần riêng rẽ, có tính "khắc nhập", để trong bếp, khi nào cần ăn thì cứ bỏ từng loại vào tô. Ở đất Quảng Nam, trong những dịp lễ lạt, cưới hỏi, tang tế, việc họ, việc làng, đãi thợ thầy, ăn ngoài đồng... bao giờ cũng có mì quảng. Khách đến lúc nào dọn ăn cũng được . Không đòi hỏi phải nóng sốt như phở, bún bò...
Sợi mì được làm từ gạo xay thật mịn và phải là gạo ngon từ những cánh đồng ven sông Thu, có vậy sợi mì mới dai, mới đúng điệu. Người quảng có thói quen ăn gì cũng kèm với bánh tráng, ăn mì quảng càng phải kèm với bánh tráng mới ngon. Bánh tráng cứng được tráng từ bột gạo xay mịn. trộn thêm mè, tỏi, nước mắm, bột ngọt, khi nướng lên thơm lừng hương đồng nội. Có thể nói sợi mì và bánh tráng để ăn mì quảng không đâu bằng Phú Chiêm, quê hương của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, người từng viết nhiều bài về ẩm thực xứ quảng rất sâu sắc.
Khác với bún bò và phở, mì quảng muôn đời là sản phầm của đồng nội, hồn vía của nó gắn chặt với ngõ vắng đường quê, bờ bãi bến sông... Trở lại Phú Chiêm tìm tô mì quảng, chúng tôi thật bất ngờ khi vẫn thấy những bà mẹ, bà chị tảo tần quang gánh trên đường làng. Gánh mì quảng theo chân các mẹ, đến tận thị trấn Vĩnh Điện, vào tận Nam Phước và xa hơn nữa để đem đen cho thực khách những tô mì đậm đà hương vị quê nhà...
Mỳ Quảng, từ lâu đã được biết đến như cái “hồn” nghệ thuật ẩm thực của vùng đất Quảng Nam. Bây giờ, ngoài Quảng Nam ra, nhiều nơi cũng có quán ăn mì Quảng. Mì Quảng theo chân những người Quảng Nam tha hương và cùng họ có mặt khắp nơi như người bạn đồng hành tri kỷ. Mì Quảng thường có mặt trong những bữa tiệc "vọng cố hương" của người Quảng Nam xa xứ.
Cũng như phở, bún hay hủ tiếu, mì Quảng cũng được chế biến từ gạo nhưng có sắc thái và hương vị riêng đặc biệt. Mì được làm từ lá bánh tráng thái thành sợi, nhân mì thường được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau: tôm, gà, thịt heo, thịt bò, cá lóc, cua... và có cả mì chay dành cho người hành đạo. Nhưng là nhân gì đi nữa thì mì Quảng cũng không thể thiếu cái bánh tráng nướng, trái ớt xanh, lát chanh, vài hạt đậu phộng và đĩa rau sống đi kèm. Rau để ăn mì Quảng thường là rau muống chẻ nhỏ hoặc cây cải con trộn với búp chuối non thái mỏng, rau thơm, rau quế...
Đến Quảng Nam, du khách dễ dàng bắt gặp nhiều quán ăn mì Quảng nằm dọc trên tuyến đường quốc lộ 1A luôn đông đúc khách sành ăn: quán mì gà Bình Nguyên (huyện Thăng Bình), quán mì gà Kỳ Lý (thị xã Tam Kỳ), quán mì tôm cua Cây Trâm (huyện Núi Thành), quán mì bò Cẩm Hà (thị xã Hội An)...