Tưởng tượng mình gặp ông Sáu (Chiếc lược ngà)
Chào ngokpjtyeu98.
Đề bài em hỏi khá tiêu biểu cho kiểu bài kể chuyện tưởng tượng. Hocmai lưu ý em một số điểm trước khi làm bài:
- Vì là "kể chuyện" nên chắc chắn
phải có nhân vật (ít nhất là hai nhân vật chính: bạn và ông sáu), có
bối cảnh (không gian, thời gian và hoàn cảnh diễn ra), có
diễn biến (mở đầu, phát triển, kết thúc), có một
ý nghĩa nào đó (cái lắng đọng lại sau khi đọc câu chuyện). Một câu chuyện muốn hấp dẫn, chắc chắn phải có ít nhất một trong hai (được cả hai thì càng tốt) yếu tố sau đây: NỘI DUNG câu chuyện thú vị, hấp dẫn và CÁCH KỂ CHUYỆN sống động, linh hoạt, khéo léo. Hãy làm mọi điều để câu chuyện của bạn trở nên thú vị và sống động trong mắt người đọc.
- Vì là "tưởng tượng" nên cho phép người viết có quyền được tự do sáng tạo theo những liên tưởng, tưởng tượng phong phú của cá nhân. Tuy thế, không phải tưởng tượng là được quyền nói (và viết) thế nào cũng được, mà cần tuân thủ "luật chơi". Người viết cần
tôn trọng những đặc điểm của nhân vật (ngoại hình, tính cách, số phận ...), sáng tạo trên cơ sở các sự kiện của cốt truyện tác phẩm (Chiếc lược ngà). Nhân vật trong tác phẩm văn học thì ai cũng biết nhưng cũng chính vì vậy, để tạo được sự cuốn hút với người đọc, bài viết của bạn phải có những chi tiết tưởng tượng BẤT NGỜ, SÁNG TẠO.
Trên cơ sở đó, hãy lên ý tưởng và xây dựng bài viết của mình. Có thể tham khảo Dàn ý (đại cương sau):
- Bạn gặp ông Sáu trong hoàn cảnh nào ? (Chú ý, câu chuyện Chiếc lược ngà diễn ra từ thời kháng chiến, cách nay đã nửa thế kỉ, nhân vật ông Sáu đã hi sinh ngoài chiến trường nên không thể tưởng tượng được gặp ông giữa đời thường được. Bạn có thể gặp ông trong mơ
)
- Những đặc điểm ngoại hình của ông Sáu.
- Nội dung cuộc trò chuyện của bạn và ông Sáu (chuyện về những tháng năm gian khổ, về cái sẹo dài ghớm ghiếc trên khuôn mặt ông, chuyện về bé thu và chiếc lược ngà ...) Chú ý, qua câu chuyện cần làm nổi bật tính cách, phẩm chất của ông Sáu. Bạn có thể làm sinh động bài viết của mình bằng cách thêm vào mạch chuyện những chi tiết (nhỏ thôi) nhưng có tác dụng lớn khiến nhân vật trở nên vừa đáng phục vừa gần gũi đáng yêu. Bạn cũng nên kết hợp giữa việc kể diễn biến câu chuyện với nêu cảm xúc, suy nghĩ của cá nhân mình.
- Kết thúc câu chuyện và những cảm xúc, suy nghĩ, bài học rút ra.
Đôi lời góp nhặt, mong giúp ích được cho em.