“Nét chữ là nết người”. Thật vậy, câu thành ngữ ngắn gọn đã đi sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, nhắc nhở ta về học tập cũng như tầm quan trọng của nét chữ. Bởi học tập là một quá trình đầy khó khăn vất vả để xây dựng những nhân tài phục vụ cho tổ quốc ngày càng tuơi đẹp. Và trong quá trình gian nan đó, đóng góp một công lao không nhỏ chính là cây bút bi. Bút bi là dụng cụ cùng ta đi suốt con đường học tập, giúp ta tạo nên những con điểm mười tươi tắn và được ví như một người bạn đồng hành thân thiện của tuổi học trò nói riêng và tất cả nhân loại nói chung.
Bút bi trông đơn giản, nhưng ít ai biết rõ nguồn gốc xuất xứ và cấu trúc tạo thành của nó. Thoạt đầu, tổ tiên của những loại bút là loại bút lông vũ. Thời xa xưa, người ta dùng chiếc bút lông vũ để viết hay vẽ. Bút có thể làm bằng lông chim, lông gà nhưng đa số là dùng bằng lông ngỗng. Bút này dùng rất bất tiện vì phải mài mực, phải chấm mực thường xuyên khi viết, viết xong lại phải rửa sạch, mất nhiều thời gian và công sức. Phải đến tận năm 1938, một phóng viên người Hungary là Laszlo Biro mới nảy ra ý tưởng phát minh ra một loại bút tiện lợi hơn gọi là bút bi, sau khi quá chán ngán với việc sử dụng bút mực vì bút mực viết dễ bị lem ra giấy, luôn phải bơm mực thường xuyên và đầu bút quá nhọn dễ làm rách giấy, không thích hợp cho nghề nhà báo chủ yếu là ghi chép nhiều. Biro để ý rằng mực dùng để in báo, viết ra khô nhanh, không bị lem nên tận dụng nó vào loại bút của mình, cộng với hình dạng nhỏ gọn, dễ sử dụng, bút bi đã nhanh chóng được mọi người ưa chuộng hơn hẳn bút mực. Sau đó, ngày 15 tháng 6 năm 1938, Biro nhận được bằng sáng chế Anh Quốc cho sản phẩm này, sau khi bút bi càng ngày càng được tất cả người dân ở Anh ưa thích sử dụng. Bút bi sau đó được các thương gia người Anh đem ra giới thiệu trên khắp thế giới và cho đến ngày nay trở thành một trong những dụng cụ cần thiết nhất, với đầy mẫu mã và hình dạng.
Cấu tạo của bút bi gồm ba phần: vỏ bút, ruột bút và ngòi bút. Vỏ bút được làm bằng kim loại hoặc nhựa, có rất nhiều kiểu dáng và màu sắc tuỳ theo thiết kế riêng của từng nhà sản xuất. Vỏ bút được dùng để bảo vệ các bộ phận quan trọng bên trong không bị ảnh hưởng và ăn mòn bởi tác động bên ngoài. Bên trong vỏ bút là ruột bút. Ruột bút gồm một thanh hình ống dài khoảng mười centimet chỉ lớn hơn cây tăm một chút được làm bằng nhựa cứng hoặc kim loại, dùng để chứa mực nên còn được gọi là ống mực. Một đầu của ống mực có gắn bộ phận điều chỉnh bút gồm một đầu bấm, còn ở đầu kia thì có gắn một lò xo. Hai dụng cụ này kết hợp với nhau dùng để điều chỉnh ngòi bút. Khi muốn sử dụng, ta chỉ cần bấm nhẹ đầu bấm ngòi bút sẽ lộ ra; khi không sử dụng, bấm đầu bấm một lần nữa cho ngòi bút thụt vào, có thể bảo quản ngòi bút được lâu bền hơn. Bộ phận cuối cùng và cũng quan trọng không kém là ngòi bút. Ngòi bút gắn ở đầu có lò xo của ruột bút, được làm bằng kim loại không gỉ, một đầu có lỗ tròn. Ở đầu đó có gắn một viên bi nhỏ làm từ sắt mạ crom hay niken, tùy thuộc vào mẫu mã thiết kế khác nhau mà đường kính viên bi có thể khác nhau từ 0,38 đến 0,7 milimet. Viên bi tròn xinh ấy có tác dụng thấm mực và xoay tròn trên mặt giấy cho mực ra đều tạo nên những đường nét cong cong mềm mại.
Bút bi rất tiện dụng và giá cả cũng phù hợp với nhiều người nên số lượng bút bi được tiêu thụ rất lớn. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, cấu tạo của bút bi vẫn không thay đổi song màu mực và kiểu dáng ngày càng đa dạng. Mực có nhiều loại như mực dầu, mực nước, mực nhũ, đến mực dạ quang với đủ các màu sắc như đỏ, xanh, đen,… Ngày càng có nhiều kiểu dáng đẹp lạ. Rồi có những loại bút dùng trong điều kiện bình thường và cả những loại dùng trong môi trường khí áp, khí quyển thay đổi. Thậm chí có loại bút dùng trong điều kiện bất thường không trọng lượng hoặc ở dưới nước. Có loại bút chỉ có một ngòi nhưng cũng có những loại có hai, ba, bốn ngòi với đủ màu mực như xanh, đỏ, đen, tím,… Nhưng dù có hàng trăm kiểu dáng khác nhau nhưng hầu như bút bi vẫn được chia làm hai loại chính: loại dùng một lần rồi bỏ và loại dùng nhiều lần, sau khi xài hết mực có thể bơm mực vào để xài tiếp.
Bút là phát minh đã đi sâu vào lịch sử. Hiện nay, không biết có bao nhiêu hãng chuyên sản xuất bút bi; không biết có bao nhiêu mẫu mã, kiểu dáng, và hàng vô số ích lợi mà nó đem lại, mà công dụng chính của nó chỉ đơn giản là viết. Nhờ có bút, mà việc ghi chép thông tin được hiệu quả hơn; nhờ nó, giới học sinh có thể nắn nót lên những nét chữ mê hồn hơn, không phải sử dụng thứ bút mực bất tiện đó nữa. Bút bi còn có thể sáng tạo nghệ thuật. Từ chiếc bút bi, người ta có thể vẽ được bức tranh đẹp hay xăm hình nghệ thuật. Và bút bi còn có thể là một món quà ý nghĩa cho người thân yêu của bạn. Hẳn rằng nếu thiếu bút bi thì cuộc sống của con người sẽ khó khăn trong việc viết. Nó có rất nhiều công dụng mà chúng ta chưa kể hết. Bút bi đã thay đổi lịch sử chữ viết của loài người.
Để bảo quản một cây bút bi không khó khăn lắm. Mỗi lần viết xong ta phải đậy nắp lại hay bấm cho ngòi bút thụt vào để tránh làm bút khô mực và nếu chẳng may va chạm hay rơi xuống đất thì không bị bể bi không dùng được. Nếu bút bị tắc mực, ta có thể dốc ngược bút xuống để mực chảy về phía đầu ngòi bút thì bút sẽ viết được trở lại. Thường khi để lâu ngày, bút dễ bị khô mực, ta có thể ngâm ruột bút trong nước ấm độ mười lăm phút hoặc hơn thì bút sẽ hết khô mực và viết được. Tóm lại, bút có viết được lâu bền hay không là do cách bảo quản của người sử dụng: “Của bền tại người”.
Cây bút bi – một phát minh đóng góp to lớn cho nhân loại, một đồ dùng không thể thiếu được trong cuộc sống hằng ngày. Bút bi là người bạn đồng hành của mọi người, đặc biệt là với học sinh. Bút bi vẫn mãi gắn bó với tuổi học trò đầy thơ mộng và đầy ắp trong những trang nhật kí, trong ký ức tuổi học trò có những trang giấy trắng thơm mùi mực viết. Dù thời gian có đổi thay qua những thăng trầm của cuộc sống, cây bút bi tuy được cải tiến về nhiều mặt và có thêm nhiều công dụng khác nhưng bút bi vẫn làm công việc mà nó vẫn thường làm là tô điểm cho đời và là người bạn đồng hành hữu ích của con người.