Văn mẫu 11 [Bài văn] Trình bày về căn bệnh thành tích

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đề bài: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về "bệnh thành tích" - một "căn bệnh" gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay.

BÀI LÀM
Bạn có thích được nghe lời khen ngợi? Bạn có muốn công sức mình bỏ ra được ghi nhận? Bạn có mong những nỗ lực phấn đấu của mình đạt thành tích cao? Chắc chắn rồi, bạn và tôi đều như thế. Tất cả chúng ta đều thích, đều muốn, đều mong những việc mình làm đều được đạt kết quả cao, được mọi người tán dương. Tuy nhiên, thực tế lại chỉ ra một sự thật đáng buồn khi chúng ta chỉ chăm lo vẻ bên ngoài để nhận được khen thưởng mà bỏ qua việc chau chuốt nội dung một cách thiếu ý thức. Căn bệnh thành tích ấy đã và đang lan rộng trên quy mô lớn, tạo nên những thành tích giả, ảnh hưởng không nhỏ đến đất nước.

Tất cả chúng ta đều biết, đều hiểu rằng thành tích là được dùng để đánh giá, để thẩm định lại kết quả do một quá trình học tập, làm việc nỗ lực lâu dài. Đó là cách để những nhà lãnh đạo cấp trên biểu dương, tán thưởng và công nhận những đóng góp, cống hiến của chúng ta. Và còn là cách để thắp lên ngọn đuốc thi đua trong tập thể, là cách để thúc đẩy chúng ta nỗ lực tiến lên để gặt hái nhiều thành công hơn.

Thành tích vốn dĩ là một điều tốt đẹp. Tuy nhiên, theo thời gian trôi đi, xã hội tiến bộ hơn thì giờ đây thành tích cũng đã trở thành bệnh rồi. Việc cố gắng học tập, làm việc nhưng mãi không đạt được kết quả như mong muốn, mãi không đạt được chỉ tiêu đưa ra, mãi không đạt được kỳ vọng mà cha mẹ, thầy cô, đồng nghiệp và cả bản thân đặt ra. Dần dần, chúng ta bị ám ảnh rồi sinh dần thành bệnh mang tên bệnh thành tích. Chúng ta dần a dua theo đám đông, chau chuốt vẻ hình thức bên ngoài mà không chú trọng xây dựng nội dung cốt lõi bên trong. Căn bệnh thành tích khiến mọi hành động của chúng ta chỉ mang tính hình thức, để lại vỏ rỗng trong các nội dung được báo cáo, được trình bày.

Bệnh thành tích ăn sâu và lan rộng vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn như trong giáo dục, việc nhà trường quan tâm đến thi đua nên tìm cách đốt cháy giai đoạn, đưa thời gian học tập trên lớp trở thành giờ học bồi dưỡng học sinh giỏi nhằm giành lấy thành tích cao, mang lấy vinh dự cho nhà trường. Chẳng hạn như trong kinh doanh, sản xuất, các công ty chú trọng đến sản phẩm đầu ra, đến việc cung ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng mà bỏ qua việc xử lý chất thải, xả thẳng chất ô nhiễm ấy vào sông ngòi, ao hồ, gây ô nhiễm môi trường sống. Formosa là một ví dụ kinh điển cho căn nguyên của bệnh thành tích trên. Đây là hiện thực tàn khốc, là hệ lụy đáng sợ đã và đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Dễ dàng nhận thấy bệnh thành tích để lại hậu quả nguy hại nhường nào cho đời sống con người. Nó khiến cho cá nhân không nhận thức rõ được thực lực của mình, tự mãn về thành tích, ngủ quên trong chiến thắng và không có xu hướng tiếp tục vươn lên, tiếp tục vận động, tiếp tục phát triển. Nó khiến cho tập thể trở nên trì trệ, sáo rỗng, có xu hướng thiên về vẻ bề ngoài hào nhoáng mà bỏ qua nội dung cốt lõi, dễ dàng dẫn đến sự sụp đổ của tổ chức đó. Nó khiến cho đất nước ngày càng tồn tại nhiều cây gỗ mục, nhiều con sâu mọt phá hoại hệ thống thành tích, phá hoại nỗ lực, khiến những nỗ lực, những cống hiến chân chính của cá nhân khác, tập thể khác bị chôn vùi, không được biết đến. Hệ lụy do căn bệnh thành tích không chỉ làm đảo lộn truyền thống hăng say lao động của dân tộc ta mà còn làm sụp đổ chế độ, nền văn minh phát triển của đất nước hiện nay.

Bệnh thành tích là mụn nhọt trong hoạt động, công tác thường ngày của chúng ta. Là hậu quả của việc thui chột về đạo đức, về tài năng của thế hệ nối tiếp các thế hệ. Để hạn chế, để loại trừ căn bệnh thành tích này, chúng ta cần phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, công tác quản lý, điều chỉnh lại hệ thống, cơ cấu tổ chức một cách công bằng và quyết liệt. Bằng cách đó, chúng ta sẽ tạo dựng mội môi trường học tập và làm việc chuyên nghiệp, một môi trường bồi dưỡng nhân tài và công nhận những cố gắng, những cống hiến tốt đẹp cho xã hội này.

Tác giả: @baochau1112
 

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
Đề bài: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về "bệnh thành tích" - một "căn bệnh" gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay.

BÀI LÀM
Năm tháng trôi đi, xã hội đổi thay, con người cũng biến chất đi. Chẳng biết từ thuở nào, thành tích đến từ mồ hôi, nước mắt, đến từ công sức, tâm huyết của con người lại bị đánh giá thấp đi. Chẳng biết từ thuở nào, thành tích ảo đánh lừa người bằng những báo cáo giả, bằng cái vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài lại được đánh giá cao. Chính điều đó đã vô tình gây nên căn bệnh thành tích trầm trọng như hiện nay.

Từ trước đến nay, thành tích luôn được biết đến là sự biểu dương, tán thưởng của cá nhân dành cho cá nhân, của tập thể dành cho cá nhân. Nó là bằng chứng của một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ, của một cống hiến bằng cả tâm huyết và trí tuệ. Nó là nền tảng cho sự phát triển thịnh vượng của nền kinh tế, là tín hiệu cho tương lai phồn vinh của một quốc gia.

Tuy nhiên, bởi vì nỗ lực hao phí sức người sức của quá nhiều nên hiện nay đã và đang tràn lan hiện tượng đốt cháy giai đoạn nhằm để củng cố thành tích, thỏa mãn hư vinh chi tâm. Căn nguyên của bệnh thành tích đến sự lười nhác, đến từ việc ngại khó ngại khổ của cá nhân, của tập thể. Phẩm chất tốt đẹp của các cá nhân trong xã hội buộc dừng lại và nhường đường cho tâm lý ghen tỵ, hám danh lợi lên ngôi. Ban đầu, thi đua chính là động lực để cá nhân cùng tiến bộ, tập thể cùng đi lên. Nhưng rồi bởi tính ganh đua quá nặng đã kích thích việc chạy đua thành tích ảo, đốt cháy những giai đoạn nền móng thiết yếu, gây ra những hệ lụy không nhỏ cho cộng đồng.

Có thể thấy bệnh thành tích đã và đang tràn lan khắp nơi. Điển hình như trong giáo dục, nhà trường, thầy cô, phụ huynh và bản thân học sinh đều muốn có một bảng thành tích đẹp, một kết quả thi cử cao. Nhà trường và thầy cô mong muốn kết quả cao bởi đó là tiêu chí để đánh giá tình hình giảng dạy, chất lượng thi đua trong toàn xã, toàn huyện, toàn tỉnh, toàn quốc gia. Còn phụ huynh muốn con em kết quả cao để khoe với hàng xóm láng giềng, khoe với bà con, đồng nghiệp. Bản thân học sinh muốn kết quả cao để thỏa mãn hư vinh, để đăng tải lên mạng xã hội và nhận được lời tán dương của bè bạn. Tuy nhiên, để đạt được kết quả cao cần phải có sự đầu tư của nhà trường, có sự bồi dưỡng tỉ mỉ của thầy cô, có sự giúp đỡ của phụ huynh và sự quyết tâm của bản thân học sinh. Nhưng thực tế, không mấy nhà trường, thầy cô, phụ huynh và học sinh làm được điều đó.

Bởi việc, việc phụ huynh gửi tiền, đút lót cho cán bộ nhân viên ngành giáo dục nhằm bài thi THPT đạt được kết quả cao nhất và cán bộ nhân viên vô cùng nhuần nhuyễn hợp tác với họ như trong kì thi THPTQG năm 2018. Hay đơn giản là việc bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp. Để có thể có được thành tích cao nhất, nhà trường và thầy cô cắt thời gian học tập trên lớp chính khóa hàng ngày rồi thay bằng những giờ học bồi dưỡng, giải chuyên đề, ôn thi để tham gia kì thi học sinh giỏi các cấp. Bằng cách này cách kia, thành tích nhìn là được nhân lên nhưng thực chất chỉ là cái vỏ rỗng. Học sinh lớp 12 không đủ năng lực để học tập tại các trường đại học. Còn học sinh các cấp khác thì có quá nhiều lỗ hổng kiến thức và khó bắt kịp tiến độ học tập với các bạn đồng trang lứa. Hệ lụy của bệnh thành tích dẫn đến hiệu ứng cánh bướm, chỉ một thay đổi rất nhỏ thôi đã khiến kết quả khác nhau, khiến tương lai đầy hứa hẹn ban đầu của học sinh trở nên tràn đầy nguy ngập.

Không chỉ là trong giáo dục mà trong các ngành kinh tế - xã hội, thể thao, văn hóa – giải trí,… đều thường xảy ra căn bệnh thành tích. Có một bộ phận xã huyện ở nông thôn vì đạt tiêu chí nông thôn mới mà bỏ qua vấn nạn môi trường, xây dựng tuyến đường, tuyến phố, nhà cao tầng để che lấp đi quang cảnh xấu xí đàng sau. Có những đại hội thể thao dành cho học sinh THPT nhưng người tham gia lại là học sinh THCS. Có những diễn viên không đủ năng lực để đóng chính nhưng lại được chọn diễn trọn suất,… Tất cả đều là những ví dụ kinh điển về tầm ảnh hưởng của bệnh thành tích.

Bệnh thành tích lan rộng ở hầu hết các lĩnh vực. Nó là mối nguy hại cho tương lai của con người nói riêng và thế giới nói chung. Những con số ảo, kết quả ảo chỉ là cái vẻ ngoài hào nhoáng bên ngoài mà cái vỏ rỗng tuếch. Chúng ta cần phải nghiêm túc sửa đổi, nghiêm túc chấn chỉnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh ấy. Đốc thúc quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát là cách thực tế nhất để rửa sạch những con người mắc bệnh thành tích và gây dựng một xã hội, một tương lai tốt đẹp hơn.

Tác giả: @baochau1112
 
  • Like
Reactions: Xuân Hải Trần

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
Đề bài: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về "bệnh thành tích" - một "căn bệnh" gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay.

BÀI LÀM
Xã hội phát triển kéo theo nhu cầu được thể hiện bản thân, được tôn trọng cũng gia tăng. Điều này khiến cho con người ngày càng muốn được thể hiện bản lĩnh, muốn được gia đình, thầy cô, bạn bè, hàng xóm công nhận chính mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có năng lực đạt được thành tích cao khiến người người ngợi ca. Bởi vậy, xuất hiện một bộ phận người dân trong xã hội lựa chọn những đường ngang ngõ tắt nhằm đạt được thành tích ảo, nhằm hưởng thụ sự ngưỡng mộ, tán dương nhất thời của người đời.

Thành tích là một hệ thống đánh giá được dùng để công nhận, tán dương những cá nhân, những tập thể ưu tú trong xã hội. Tuy nhiên, theo thời gian, những bảng thành tích đó đã dần dần biến chất, mất đi mục đích đúng đắn ban đầu. Ngày càng có nhiều người mong muốn được khen này thưởng nọ nhưng bản thân lại chỉ là những cái thùng rỗng kêu to, chỉ sở hữu cái vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài mà chẳng hề có nội dung thiết thực nào.

Căn nguyên của bệnh thành tích đến từ sự ganh ghét, đố kị cùng với sự lười biếng của bản thân người đó. Khi thấy bạn bè mình đạt điểm cao, mình cảm thấy thật sâu kiêng kị, thật sâu ganh ghét. Khi thấy đồng nghiệp vượt chỉ tiêu công việc, mình cảm thấy thật sâu đố kị, thật sâu không cam lòng. Tuy nhiên, bản thân mình lại không có năng lực kiến thức hay chuyên môn phong phú và sắc sảo như thế. Càng là bản thân mình không muốn bỏ ra quá nhiều công sức để làm những điều đó. Bởi vì ganh đua lại không có nỗ lực cố gắng, bởi không cam lòng lép vế trước người khác nên họ đã tẩy đi những phần nội dung cốt lõi và thay bằng những vỏ bọc hào nhoáng, xa hoa, tưởng chừng như xuất sắc, hấp dẫn ấy.

Thực tế chỉ ra hậu quả thiết thực của căn bệnh thành tích. Chẳng hạn như việc công ty Formosa đã bỏ ra khâu xử lí rác thải mà chú trọng vào khâu kinh doanh, sản xuất ra sản phẩm thân thiện môi trường nhằm đạt giải. Những sản phẩm ấy tốt thật đấy, thân thiện thật đấy nhưng toàn quá trình làm ra nó thì không. Kết quả, môi trường sông ngòi, đất đai, mạch nước ngầm bị ô nhiễm khủng khiếp, gây ra một tai nạn cá chết hàng loạt khiến ngư dân oán than ngút trời. Chẳng hạn như đã xuất hiện một bộ phận cán bộ nhân viên ngân hàng để đạt được chỉ tiêu công việc mà cho vay ồ ạt, mà giám định cẩu thả hồ sơ khách hàng khiến chi nhánh ấy gặp rất nhiều khó khăn trong công tác hậu xử lý. Chẳng hạn có một số nhà văn, nhà xuất bản đã sao chép nội dung, đã ăn cắp bản quyền, ăn cắp chất xám của những nhà nghệ sĩ chân chính khiến họ rơi vào cảnh khốn đốn.

Hậu quả mà bệnh thành tích đem lại cho đời sống con người quả thực rất khó kiểm soát. Thậm chí có những hậu quả mà phải mất đến vài năm, vài chục năm mới có thể phát hiện. Đến lúc đó thì chúng ta đã vô cùng khó xử lý được hệ lụy mà nó đem lại. Chính vì vậy, chúng ta cần phải thắt chặt khâu giám sát, kiểm tra, rà soát nội bộ, tránh cho sâu mọt làm rầu nồi canh. Ngoài ra, bản thân mỗi cá nhân cần phải nghiêm túc thực hiện công việc, tuân theo kỷ cương và chấp hành nghiêm chỉnh những nhiệm vụ được giao ra. Có như vậy thì xã hội mới có thể ngăn chặn được cơn lây nhiễm điên cuồng của bệnh thành tích và tạo ra một xã hội văn minh, tốt đẹp hơn!
Tác giả: @baochau1112
 
Top Bottom