Văn mẫu 12 [Bài văn] Phát biểu về quan niệm tác phẩm của Pháp La Bơ – ruy – e

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,985
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đề bài: Anh (chị) hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ – ruy – e: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”.

BÀI LÀM

Khi đánh giá tác phẩm, chúng ta phải căn cứ vào nhiều yếu tố để lập nên các nguyên tắc đánh giá chuẩn xác nhất. Tuy nhiên, khi bàn về việc đánh giá tác phẩm thì nhà văn Pháp La Bơ – ruy – e đã bày tỏ quan niệm: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”.

Thông thường khi đánh giá cuốn sách hay tác phẩm thì người ta thường căn cứ vào đề tài tác phẩm, lối hành văn, nội dung gửi gắm, thủ pháp nghệ thuật, cách sử dụng từ ngữ,… để đưa ra kết luận. Xét trên thực tế, cách đánh giá này chỉ phù hợp với những cây bút non trẻ, mới bước vào nghiệp văn học. Bởi lẽ, khi một cây bút sáng giá, đã trưởng thành thì họ sẽ không dừng bước trong sự rập khuôn, cố định. Cùng một đề tài trông có vẻ như cũ kĩ ấy, cùng việc thể hiện nội dung có vẻ chẳng mới lạ ấy nhưng họ lại có góc nhìn khác, họ có cái đánh giá khác về sự việc đó để sáng tạo nên một tác phẩm xuất sắc, giàu tính nhân văn mang phong cách của chỉ riêng họ. Chính vì thế nên không cần bất kì một nguyên tắc rập khuôn, quy củ nào cho việc đánh giá. Hãy cảm nhận các tác phẩm bằng chính trái tim của chúng ta. Một cuốn sách để đời là một cuốn sách chạm đến phần sâu kín nhất trong tâm hồn, khơi gợi nên những cung bậc cảm xúc tinh tế, đẹp đẽ nhất trong con người. Đó chính là những cuốn sách thật sự hay.

Theo dòng chảy văn học, chúng ta dễ dàng hiểu sâu sắc điều này qua tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao. Nếu đánh giá nó một cách phiến diện thì khả năng sẽ bỏ sót tác phẩm xuất sắc như vậy. Bối cảnh truyện xoay quanh về một người nông dân vốn thiện lương nhưng bị xã hội ấy, giai cấp cầm quyền xã hội ấy giam cầm, hủy hoại đi phần thật thà, chân chất, biến hắn trở thành một tên du côn, ai ai cũng xa lánh. Thậm chí, khi đọc còn dễ dàng cho rằng giọng văn rất tục, rất thô thiển, không hợp quy cách. Nhưng khi thưởng thức tác phẩm ấy thì chúng ta sẽ chìm đắm trong thời đại phong kiến thối nát ấy, thời đại không tồn tại quyền của con người, thời đại mà bất công và bảo thủ lên ngôi và chà đạp lên nhân phẩm của những con người ở tầng chót của xã hội. Xót xa thay! Đau đớn thay cho những số phận hẩm hiu, bị xã hội ấy từ bỏ, bị miệt thị, bị khinh bỉ. Không chỉ là Chí Phèo mà còn có Thị Nở đều là những con người đáng thương chứ không đáng trách. Tác phẩm ấy chạm vào tâm hồn người đọc, chạm vào lòng trắc ẩn bạn đọc khi những con người ấy dẫu bị dồn vào con đường cùng nhưng họ vẫn giữ lại trong mình cái đẹp, cái mấu chốt nhất trong cốt cách con người. Đó mới chính là một tác phẩm hay mà không cần phải dựa vào những lời bình luận của đồng nghiệp để tiến bước đến đỉnh cao, khẳng định vị trí của mình trên thi đàn văn học Việt Nam.

Mỗi một tác phẩm mang theo dấu ấn riêng, mang theo thông điệp riêng theo góc nhìn của nhà văn. Chính vì vậy, các tác phẩm không thể hoàn hảo được, càng không thể tránh được những đánh giá trái chiều từ nhiều nguồn. Thậm chí, có những tác phẩm vượt lên trước thời đại, những tác phẩm mang tư tưởng tiến bộ bị các cụ thời đó nghiêm cấm con cháu tìm đọc. Chẳng hạn như truyện Phan Trần, truyện Kiều hay các bài thơ của Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan hoặc thậm chí là những nhà thơ nữ bị thời đại xóa sổ, ẩn đi trong dòng chảy lịch sử khi có những quan niệm táo bạo, đi ngược với xã hội thời ấy.

Xã hội hiện đại, văn minh tiến bộ khiến chúng ta trở nên công bằng hơn, có góc nhìn nhân văn hơn và tự do hơn khi tiếp cận các tác phẩm văn học. Chính bởi vì vậy mà chúng ta có thể tự mình cảm nhận được giá trị mà mỗi tác phẩm mang lại cho bản thân. Hãy dùng trái tim để cảm nó, hãy lắng nghe những thông điệp nhân sinh được gửi gắm ấy để hoàn thiện bản thân hơn như lời nhận định mà nhà văn Bơ – ruy – e phát biểu về việc đánh giá tác phẩm.

Tác giả: @baochau1112
 

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,985
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
Đề bài: Anh (chị) hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ – ruy – e: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”.

BÀI LÀM

Văn chương là một bức tranh yên bình do người nghệ sĩ vẽ từ những góc phố, hẻm nhỏ trong đời sống thường nhật của con người nơi đó. Văn chương là một bản nhạc du dương do người nghệ sĩ soạn ra từ những nốt trầm bổng trong nhịp sống sinh hoạt của số phận con người. Văn chương như thế liệu có thể được đánh giá bởi những quy củ, rập khuôn theo một hệ thống sàng lọc, tuyển chọn kiểu cách hay không? Chắc chắn là không. Khi bàn về việc đánh giá tác phẩm, nhà văn Pháp La Bơ – ruy – e đã bày tỏ rằng: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”.

Tác phẩm văn học chân chính là tác phẩm đưa ta vào thế giới mà cuốn sách ấy mô tả, nâng tâm hồn ta chạm đến tâm hồn nhân vật, gieo vào lòng ta hạt giống của tình yêu thương, lòng trắc ẩn và dẫn lối ta đến tương lai tươi sáng. Những tác phẩm ấy là những tác phẩm đúng nghĩa, là những tác phẩm vượt qua cái rào cản của hệ thống, bức phá đến một tầm cao mới, mang theo các tư tưởng tiến bộ đến với một thời đại văn minh. Những tác phẩm ấy không cần bất kì nguyên tắc nào để đánh giá, để bàn luận, để bình phán nó cả. Bởi bản thân đó là một tác phẩm hay vượt thời đại, do chính người nghệ sĩ chân chính dốc cả nhiệt huyết của mình để sáng tạo nên.

Đến với tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam thì chúng ta sẽ đắm mình trong giọng văn ngọt ngào, mềm mại và du dương như một bài thơ trữ tình. Chúng ta sẽ ngược dòng về thời thơ ấu của mình qua góc nhìn của An và Liên. Chúng ta sẽ trở lại cái thời với những con người nghèo khổ chốn thôn quê cùng suy nghĩ ngây ngô, non nớt với một hy vọng, một khát khao cháy bỏng về một tương lai đầy ắp tiếng cười và hạnh phúc. Hay đến với tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao thì chúng ta sẽ bức xúc, sẽ giận dữ khi bắt gặp cuộc đời từ thơ ấu đến trưởng thành của Chí. Một chàng trai chất phác, thiện lương, chăm làm với một ước mơ về mái ấm gia đình nho nhỏ lại bị con người, xã hội và thời đại ấy chà đạp, áp bức, tra tấn. Biến con người vốn tốt bụng, thật thà ấy trở thành con quỷ của làng Vũ Đại. Biến con người từng chăm chỉ cày cấy năm nào trở thành một thằng du côn chuyên đòi nợ thuê. Xót xa thay cho những số phận như Chí! Căm phẫn thay cho những con người biến thái, cầm quyền ấy!

Mỗi một tác phẩm là một thông điệp riêng mà tác giả muốn gửi gắm nó cho người đời. Chúng mang theo hơi thở của thời đại, mang theo một bóng dáng của những con người đã chìm vào dĩ vãng, mang theo những bài học nhân sinh chưa bao giờ là cũ cho thế hệ tương lai. Những tác phẩm xuất sắc ấy chạm vào trái tim con người, nâng tinh thần ta lên và thúc đẩy hạt giống của tình yêu thương, lòng can đảm và lòng trắc ẩn ấy vươn lên trở thành những cây đại thụ sừng sững giữa dòng đời xô đẩy, bấp bênh. Những tác phẩm vượt thời đại ấy không cần dựa vào những nguyên tắc vốn có để đánh giá chúng. Nếu như cứ mãi căn cứ vào những quy củ bất biến ấy thì liệu chúng ta có thể phát hiện được giá trị chân – thiện – mỹ trong truyện Kiều hay tư tưởng tiến bộ trong truyện Phan Trần chăng? Câu trả lời chắc chắn là không. Bởi ngược dòng thời phong kiến bảo thủ, cổ hủ ấy thì những tác phẩm mang tư tưởng tiến bộ kia đối lập với tư tưởng Nho giáo, đối lập với quan niệm nhân sinh của con người thời bấy giờ. Và có lẽ trong xã hội hiện đại của chúng ta cũng như vậy. Những tác phẩm truyện đam mỹ, bách hợp vẫn chưa được chấp nhận, những giá trị mà chúng mang lại cho chúng ta bị phủ nhận. Nhưng trong tương lai, trong một ngày không xa nào đó thì có lẽ chúng ta sẽ phát giác ra những giá trị cao cả, phù hợp với tư tưởng và tiến bộ của con người.

Quan niệm của nhà văn văn Pháp La Bơ – ruy – e khi phát biểu: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra” là một quan niệm vô cùng đúng đắn. Nó sẽ tiếp bước và thúc đẩy chúng ta đến với những tác phẩm chạm vào trái tim, nâng ta lên đỉnh cao và tiến đến đỉnh cao của nhân sinh mà không dựa vào bất kỳ một nguyên tắc cố định nào.

Tác giả: @baochau1112
 

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,985
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
Đề bài: Anh (chị) hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ – ruy – e: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”.

BÀI LÀM

Khi bàn về việc đánh giá một tác phẩm, nhà văn Pháp La Bơ – ruy – e đã bày tỏ quan niệm: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”. Đó là một quan niệm đúng đắn và khả thi khi chúng ta tinh tế cảm nhận tác phẩm và ngược dòng thời gian để chứng minh điều đó.

Một tác phẩm xuất sắc là một tác phẩm hướng con người đến sự tích cực trong cuộc sống. Một tác phẩm xuất sắc là một tác phẩm chạm vào trái tim con người, thúc đẩy hạt mầm của tình yêu thương, lòng trắc ẩn để con người ngày một hoàn thiện nhân cách hơn. Một tác phẩm xuất sắc là một tác phẩm vượt thời không, mang theo những tư tưởng tiến bộ cùng những bài học nhân sinh chưa bao giờ lỗi thời đến với con người. Những tác phẩm như thế thì không thể căn cứ vào bất kỳ nguyên tắc cố định nào để đánh giá cả. Bởi nguyên tắc là do chính con người lập nên. Mà tư tưởng con người luôn chuyển động theo nhịp sống của xã hội, luôn chuyển biến theo nền văn minh rực rỡ của thời đại. Hay đơn giản hơn, mỗi người có một sở thích khác nhau như việc người nghệ sĩ có phong cách nghệ thuật riêng biệt vậy. Chúng không thể dựa vào nguyên tắc để bình phán thế này thế nọ mà phải dựa vào trái tim ta, dựa vào tiếng nói bên trong trái tim, dựa vào cảm nhận từ chính sâu thẳm linh hồn của chúng ta.

Nếu đến với tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, Hai đứa trẻ của Thạch Lam, hay Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân,… thì chúng ta sẽ bắt gặp những văn phong khác nhau, những góc nhìn khác nhau từ những mảnh đời trong những mảnh ghép số phận khác nhau. Liệu có thể nào dùng một giọng văn nhẹ nhàng, êm ả trong văn Thạch Lam để đối chiếu với giọng văn có vẻ như rất “thô”, rất mộc trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao hay giọng văn “ngông”, khí phách anh hùng trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân để bình phán hay không? Dĩ nhiên là không. Người thích giọng điệu nhẹ nhàng, yên bình thì sẽ say mê với văn của Thạch Lam. Người thích những cao trào, những câu chuyện trong nhịp sống sinh hoạt thôn làng thời phong kiến thì đắm mình trong văn của Nam Cao. Và người thích những nhân vật anh hùng, những nhân vật tài hoa, uyên bác thì sẽ yêu thích văn của Nguyễn Tuân. Mỗi một tác phẩm, mỗi một giọng văn mang theo cái hồn của nhà văn. Cái hồn của nhà văn cùng linh hồn tác phẩm ấy không thể dựa vào những nguyên tắc vốn có để đánh giá, để bình phán được. Chúng là những tác phẩm xuất sắc, vượt qua ngưỡng cửa của cuộc sống, chạm vào trái tim con người, đánh thức những xúc cảm đang say ngủ trong chúng ta. Những tác phẩm do chính người nghệ sĩ chân chính viết nên bằng cả tình yêu dành cho văn chương và cả bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Những tác phẩm ấy thật cao quý và thiêng liêng biết bao!

Ngoài ra, những tác phẩm xuất sắc là những tác phẩm mang theo tư tưởng tiến bộ. Khi những tư tưởng tiến bộ ấy không phù hợp với thời đại thì nó sẽ bị đào thải bởi thời đại ấy. Chẳng hạn như truyện Kiều của Nguyễn Du, truyện Phan Trần hay bài thơ của Hồ Xuân Hương,… Những tác phẩm ấy, những thi phẩm ấy một thời bị người đời miệt thị, phỉ nhổ bởi những tư tưởng táo bạo, mới mẻ đó. Vào cái thời mà tư tưởng Nho giáo thịnh hành thì những tác phẩm đó bị các cụ tẩy chay, cấm đoán mọi người tìm đọc. Nhưng những tác phẩm ấy lại là những tác phẩm xuất sắc, những áng văn để đời, giúp con người tiến gần nhau hơn và đem lại những bài học nhân sinh bất biến cùng những giá trị nhân văn cao cả. Đấy chính là tác phẩm văn học chân chính, là những tác phẩm không bị trói buộc bởi nguyên tắc. Khi những nguyên tắc trở nên vô dụng khi đánh giá thì chúng ta không cần thiết lập chúng nữa. Hãy đặt trái tim ở bên trái tim, hãy cảm nhận nó bằng chính tâm hồn của mình để biết rằng tác phẩm ấy có xuất sắc hay không.

Văn chương muôn hình vạn trạng, là tập hợp của những bản nhạc du dương, mang theo hơi thở cùng khí phách của thời đại. Vì vậy, những tác phẩm ấy không thể bình phán, đánh giá chính xác bởi những nguyên tắc do góc nhìn phiến diện của chúng ta thiết lập nên. Những tác phẩm ấy nên được đánh giá bởi chính trái tim, bởi giá trị thực tế mà tác phẩm ấy đem lại cho bản thân như quan niệm mà nhà nhà văn Pháp La Bơ – ruy – e đã đưa ra: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”.

Tác giả: @baochau1112
 
Top Bottom