Văn mẫu 12 [Bài văn] Phân tích hình ảnh những dòng sông Việt Nam qua 2 tác phẩm lớn

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đề bài: Phân tích hình ảnh thơ mộng, trữ tình của những dòng sông Việt Nam qua hai bài tùy bút Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) và Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường).

BÀI LÀM

Danh lam thắng cảnh là niềm tự hào của đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta. Những ngọn núi hùng vĩ, giàu tài nguyên hay những dòng sông uốn lượn, thơ mộng đều là những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, làm say lòng người. Vẻ đẹp thơ mộng, yêu kiều, trữ tình ấy đã được nhà văn Nguyễn Tuân với tùy bút Người lái đò sông Đà và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường với tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông phác họa qua hai dòng sông có nét đẹp riêng, có nét thơ riêng.

Sông Đà và sông Hương đều là hai dòng sông của nước ta nhưng chúng mang theo vẻ đẹp thơ mộng khác nhau, trữ tình khác nhau dưới những góc nhìn, đánh giá khác nhau của những người nghệ sĩ. Chúng sống lại, trở nên sinh động hơn dưới ngòi bút thiên tài của hai người nghệ sĩ chân chính ấy.

Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương chính là một kiệt tác không tỳ vết của tạo hóa. Dòng sông Hương ôm ấp cả thành phố Huế mộng mơ, huyền ảo trong cái dịu dàng, duyên dáng, rất riêng như người con gái xứ Huế. Đôi khi, sông Hương lại phóng khoáng và man dại, rầm rộ và mãnh liệt như một “bản trường ca của rừng già”. Hay đôi khi, sông Hương dịu dàng và trí tuệ như “người mẹ phù sa” hóa thân. Hay đôi khi, sông còn biến ảo thần kỳ “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Và thậm chí, sông Hương như một người thiếu nữ tuổi thanh xuân khi thì vui tươi, khi thì lặng yên dưới cái vẻ đẹp mềm mại, uyển chuyển, thanh thuần rất riêng. Không chỉ dừng lại ở nét đẹp riêng của nó, sông Hương còn hiện lên bởi vẻ đẹp trầm ẩn, lặng lẽ chứng kiến nét văn hóa, cảnh đời đổi dời của quê hương xứ Huế. Nó còn hiện lên bởi vẻ đẹp dữ dội khi vượt qua những ghềnh thác, cuộn xoắn như cơn lốc xoáy vào đáy vực bí ẩn rồi thoắt mình trở lại với vẻ dịu dàng, đắm say giữ những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Ngoài ra, sông Hương còn đẹp bởi cái nét phóng khoáng và man dại của một cô gái Di Gan, bởi cái bản lĩnh gan dạ, bởi một tâm hồn tự do, trong sáng, tinh khiết mà rừng già ban tặng. Đến với sông Hương, chúng ta không chỉ cảm được cái nét đẹp dịu dàng, cổ kính mà còn bởi vẻ huyền bí, kì ảo mang dấu tích của lịch sử qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của con người đất Việt.

Nếu ở miền Trung thì ai cũng biết đến sông Hương thì ngược dòng chảy hướng về Tây Bắc, chúng ta sẽ thấy sông Đà cuồn cuộn, đối lập dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân. Dòng sông Đà hung bạo nhưng lại sở hữu một nét đẹp trữ tình rất riêng. Nó đẹp không chỉ bởi sự hùng vĩ của non nước mà còn cả những ghềnh thác tô điểm cho sự uy nghiêm, khí thế thiên địa tạo hóa dành cho.

Sông Đà hung bạo được tái hiện qua mặt ghềnh Hát Loóng dài đằng đẵng, qua hình ảnh nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng muốn lấy mạng những người lái đò qua quãng đó. Nó hung bạo, gớm ghiếc là thế, như tên côn đồ là thế nhưng ẩn mình trong đó lại là vẻ ngây thơ, trữ tình rất riêng. Nó có một linh hồn riêng, mang trong lòng những huyền kinh bí sử từ cái thuở khai thiên tích địa, từ cái thuở Bàn Cổ đạp đất, Nữ Oa tạo người. Từng câu thơ văn thấm đẫm chất thơ xuyên suốt trong thiên tùy bút da diết tình cảm, ngợi ca vẻ đẹp hung bạo nhưng trữ tình của dòng sông. Với Nguyễn Tuân, sông Đà như một cố nhân, có cảnh tuổi thơ chuồn chuồn bươm bướm lượn quanh, có cảnh trang nghiêm như thơ Đường miêu tả hay thậm chí là hoài niệm về thời Lý Trần Lê xa xăm. Khúc sông là thế, bờ sông càng thế. Từng búp cỏ gianh, từng ngọn đồi núi, từng đàn hươu, từng thứ từng thứ một hiện lên như một khu vườn cổ tích của tuổi thơ.

Khép lại hai thiên tùy bút xuất sắc của nền văn học hiện đại nước nhà, Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường với từng mạch cảm xúc khác nhau, với từng góc nhìn, cảm nhận khác nhau, chúng ta nhận ra cái vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình nhưng cũng rất phóng khoáng, hung bạo của hai dòng sông đất Bắc đất Trung, của một tình yêu quê hương đất nước con người, củ một nhịp đập đồng điệu dưới nét đẹp thiên nhiên trầm lắng, ngọt ngào của mỗi một tấc đất Việt Nam. Đồng thời ngợi lên niềm tự hào về dòng sông đất nước, về danh lam thắng cảnh trong trái tim bạn đọc, đọng lại trong lòng người dư vị mặn mà, chua ngọt của dòng sông quê hương.

Tác giả: @baochau1112
 

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
Đề bài: Phân tích hình ảnh thơ mộng, trữ tình của những dòng sông Việt Nam qua hai bài tùy bút Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) và Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường).

BÀI LÀM

Những cánh đồng lúa bao la bát ngát, những dãy núi hùng vĩ uy nghiêm, những dòng sông dịu dàng, thơ mộng; tất cả chúng đều là những đề tài hấp dẫn, tái hiện trên từng trang viết của những người nghệ sĩ. Trong đó, phải nhắc đến dòng sông Đà hung bạo mà trữ tình qua tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân và dòng sông Hương thơ mộng dịu êm qua tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Với sự tài hoa uyên bác của mình, Nguyễn Tuân đã đưa chúng ta đến với một dòng sông không chỉ khiến ta khiếp sợ trước vẻ hung bạo của ghềnh thác mà còn say mê trước vẻ đẹp trữ tình của hạ lưu dòng sông. Sông Đà hùng vĩ không chỉ bởi thác đá mà còn bởi cảnh đá bên bờ dựng đứng tựa bức tường thành. Lại bởi “quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số, nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy.” Đi thuyền trên thượng lưu sông Đà lúc này mà người cầm lái khinh suất một chút thì cả người lẫn thuyền đều dễ dàng bị lật ngửa ra.

Bút pháp hiện thực kết hợp với nghệ thuật miêu tả khiến người đọc ngỡ ngàng trước sự hung bạo của dòng sông này. Nếu dừng lại miêu tả sông Đà như thế thì có lẽ tác phẩm này đã không được đánh giá cao, được bạn đọc truy phủng đến vậy. Với bút pháp trữ tình kết hợp với tài nghệ của mình, Nguyễn Tuân khiến chúng ta ngỡ ngàng trước vẻ yêu kiều, quyến rũ của dòng sông tựa như một người thiếu nữ miền Tây Bắc. “… sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình mà đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân.” Đâu chỉ là mái tóc như hoa ban hoa gạo mà hơn thế, nước sông Đà đổi màu theo năm tháng. “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh cánh hến của nước Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về.” Sông Đà đẹp là thế, hấp dẫn là thế, gợi cảm là thế. Nó được quyện lại vẻ đẹp hoang sơ, hung bạo lại trữ tình, êm ả tựa như một người cố nhân miền thôn núi một chốc hiền lành, dịu dàng, một chốc lại cáu kỉnh, gắt gỏng.

Giống sông Đà, sông Hương cũng có tính cách riêng của nó, cũng sở hữu một nét đẹp phóng khoáng, man dại lại chẳng kém phần dịu dàng, đằm thắm, đậm chất con người xứ Huế. Vẻ đẹp của Hương hiện lên như từ trước, trong và sau khi đặt chân đến vùng châu thổ êm đềm.

Tại vùng thượng nguồn, dòng sông Hương “…đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng.” Sau lại, nó hóa thân thành một thiếu nữ mang vẻ ngây ngô, rất đỗi đáng yêu khi chảy vào lòng thành phố Huế. Nó “… vui tươi hẳn lên giữa những biển bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long”. Vui vẻ là thế, nó còn “… uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”. Đẹp đẽ là thế, linh lung là thế, nhịp chảy dòng sông chính là một giai điệu slow đầy tình cảm được ngân lên bởi người tài nữ tài mạo song toàn đặc dành riêng cho xứ Huế thân thương. Không dừng lại ở đấy, sông Hương cách điệu bởi chuyển sắc từ sớm xanh trưa vàng chiều tím, một cách điệu mang theo linh hồn xứ Huế, trữ tình mà duyên dáng.

Mỗi dòng sông có một vẻ đẹp riêng. Cái tài hoa uyên bác của Nguyễn Tuân cùng nghệ thuật miêu tả tài tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tô điểm nên vẻ đẹp thiên nhiên hiền hòa của dòng sông quê hương, đã phác họa nên bức tranh thủy mặc yên ả mà không kém phần trữ tình, khiến bao người say mê.

Tác giả: @baochau1112

 
Top Bottom