Văn mẫu 11 [Bài văn] Người xưa có câu: “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”. Anh (chị) hãy nói rõ ý kiến của mìn

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đề bài: Người xưa có câu: “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”. Anh (chị) hãy nói rõ ý kiến của mình về quan niệm trên.

BÀI LÀM

Nhắc đến đại thi hào Nguyễn Du là nhắc đến thi phẩm xuất sắc vượt thời gian “Truyện Kiều”. Dưới ngòi bút của danh nhân văn hóa được cả thế giới công nhận này đã thành công khắc họa hình tượng của người con gái, người phụ nữ với nhân cách cùng phẩm cách cao quý Thúy Vân, Thúy Kiều khi nàng vượt qua bao chông chênh, trắc trở, tư tưởng bảo thủ của xã hội phong kiến xưa. Điển hình như quan niệm phiến diện của đại đa số nhà Nho ngày xưa:

“Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”​

Trong truyện Phan Trần, Phan Sinh vì quá yêu Trần Kiều Liên mà ốm tương tư rồi cuối cùng tự vận. Thời xa xưa, các bậc tiền bối thường răn dạy: “nam nhi chí tại tứ phương”, “đầu đội trời, chân đạp đất”,… nên cách sống của Phan Trần bị phủ nhận, bị người đời chỉ trỏ, dèm pha. Với các cụ, nam nhân thì tam thê tứ thiếp là chuyện thường tình nam nhân, bỏ qua việc chuyên tình cùng người bên gối, chỉ cần lo nghiệp lớn, mưu cầu đường công danh. Và với Truyện Kiều cũng xót xa như thế, người con gái tự mình quyết định tình yêu, cùng người thương hẹn hò đêm khuya; tự mình quyết định cầu em gái kết duyên cùng chàng, bản thân bán mình vào thanh lâu chuộc cha; tự mình quyết định hết nên duyên với Thúc Sinh rồi lại đến Từ Hải, thoát khỏi chốn thanh lâu. Còn đâu luân thường đạo lý khi lễ giáo thời bấy giờ quy định người phụ nữ phải lấy chữ trinh làm đầu, quy định nam nữ thụ thụ bất thân, quy định người phụ nữ “tam tòng tứ đức”? Thời thế xô đẩy khiến Kiều một lần rồi lại một lần làm trái với lễ giáo phong kiến. Bởi vậy mà người người đều cho rằng Kiều là cô gái hư, là cô gái lăng loàn, coi thường chuẩn mực đạo đức xã hội. Vào thời bấy giờ, có mấy người nhận ra Kiều là cô gái đáng thương và đáng trân trọng như Từ Hải, như Nguyễn Du?

Kiều gặp Kim Trọng như diều gặp gió muốn tự do bay lượn, chủ động “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”, gặp gỡ người thương, thổ lộ nỗi lòng. Nàng mạnh dạn vượt qua rào cản đạo đức vô hình của thời đại, vượt qua giáo lý cổ hủ của xã hội nhưng trong tình yêu Kim – Kiều, Kiều tỏ ra đoan trang, đúng mực, thủ vững lễ nghi, phong phạm của một người thiếu nữ chốn khuê các. Hơn thế, cũng trong đêm ấy, Kiều cùng Trọng đã cùng đính ước, nguyện thề. Họ trao nhau lọn tóc mây dưới vầng trăng lung linh. Tự mình đêm khuya hẹn hò, tự mình làm chủ thề nguyện rồi nàng Kiều cũng tự mình chặt đứt tình ti, cầu Thúy Vân kết duyên cùng Trọng còn bản thân thì vào thanh lâu, chính thức trở thành gái lầu xanh. Là vì nàng không yêu chàng Kim nên mới đẩy chàng cho Thúy Vân? Không đâu, vì Kiều quá yêu chàng Kim, thẹn với tình yêu mà chàng dành cho nàng, lại không thể không từ bởi đạo con chữ hiếu làm đầu, nàng mới phải ngậm ngùi đau xót, cậy nhờ em gái thay nàng kết đoạn nhân duyên này.

“Ơn cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”​

Vì lời tố bậy của thằng bán tơ mà gia đình Kiều bị bọn đầu trâu mặt ngựa – cướp ngày xông vào đập phá, cướp bóc, vơ vét sạch sành sanh từ đồ tế nhuyễn đến của riêng tây của gia đình Kiều. Còn cha cùng em trai Kiều bị trói, bị đánh đập dã man, bị đẩy vào chốn lao tù. Gia đình tan nát, nhà chỉ còn những người phụ nữ bơ vơ, ngơ ngác nhìn nhau. Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng ấy, Kiều đứng ra làm tròn vai trò của con gái trưởng trong gia đình. Nàng hạ quyết tâm bán mình chuộc cha, chuộc em, cậy nhờ em gái Thúy Vân thay nàng nối tình cùng chàng Kim và bước chân vào chốn thanh lâu. Từ đây bắt đầu cho mười lăm năm lưu lạc, bơ vơ khắp nơi.

Mười lăm năm chìm nổi, bấp bênh giữa dòng đời, Kiều hết bị lừa lần này đến lần khác. Nàng bị Mã Giám Sinh cùng Tú Bà đưa vào làm gái lầu xanh. Tại đây, nàng muốn tự sát nhưng không thành rồi lại bị Sở Khanh lừa tình, cay đắng chấp nhận cuộc sống đầy tủi nhục. Thúc Sinh xuất hiện như chiếc phao giữa đại dương bạt ngàn, Thúc Sinh cứu Kiều khỏi chốn thanh lâu nhưng bẽ bàng thay, Hoạn Thư – vợ của Thúc Sinh vì biết chuyện của chồng nên bắt nàng làm con ở, bắt nàng phải hầu hạ cả hai vợ chồng trong buổi tiệc rượu. Hơn thế, ngày qua ngày, Kiều bị đánh ghen một cách tàn nhẫn, thừa nhận hết cơn ghen tuông cay nghiệt của người chủ mẫu trong chốn khuê phòng. Kiều bỏ trốn đến nương nhờ cửa Phật nhưng chẳng may sư trụ trì lại vô tình gửi nàng cho Bạc Hạnh – kẻ môi giới, cùng nghề với Tú Bà khiến nàng một lần nữa rơi vào chốn lầu xanh. Tại nơi đất khách quê người này, Kiều gặp Từ Hải – một đấng nam nhi đầu đội trời, chân đạp đất. Từ Hải không những cứu Kiều mà còn giúp nàng báo ân báo oán. Có thể nói gặp được Từ Hải là may mắn nhất của đời Kiều trong quãng thời gian rời nhà cho đến bây giờ. Nhưng ngày vui chẳng mấy chốc lại tàn, vì một chút sơ sẩy, Kiều bị Hồ Tôn Hiến lừa khiến Từ Hải chết trận đứng giữa tiền tuyến còn chính mình thì bị ép hầu rượu suốt đêm rồi đem gả cho gã thổ quan. Ngồi trên kiệu hoa, nàng ngẫm lại cuộc đời chông chênh, bị người nhục nhã, bị người coi như hàng hóa, buôn đi bán lại, nàng đau đớn, nàng mệt mỏi, nàng chết lặng. Mỗi lần vươn lên, mỗi lần nỗ lực thoát khỏi chốn lầu xanh dơ bẩn lại là mỗi lần bị nhấn chìm vào bùn lầy sâu hơn. Và rồi nàng trầm mình xuống sông Tiền Đường để kết thúc cuộc sống gian truân này. Nhưng may sao, nàng được vãi Giác Duyên cứu vớt và gặp lại chàng Kim. Mười lăm năm lưu lạc chìm nổi bấp bênh, Kiều đoàn tụ cùng gia đình, gặp lại mối tình đầu năm nào. Nhưng giờ đây, nàng đã không còn là nàng của năm đó nữa, nàng đã “Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ” như một cách tôn trọng người mà nàng từng yêu.

Có mấy ai trải qua bể tình, bể oan, bể khổ như Kiều lại có thể đứng vững trở lại? Có mấy ai qua bao nhiêu năm tháng bị người nhục nhã, khinh bạc, tra tấn lại có thể thủ vững trái tim son sắt năm nào? Có ai sinh ra là lựa chọn được cha mẹ, có ai sinh ra là lựa chọn được nhân sinh của chính mình? Trong xã hội rập khuôn, giáo điều của xã hội phong kiến, Kiều lại bị phủ nhận, bị chỉ trích nặng nề, bị chà đạp khi nàng chỉ đơn giản là muốn vươn lên, chỉ đơn giản là muốn kiếm tìm một bến thuyền hạnh phúc mà thôi. Kiều không sai khi đưa ra lựa chọn về tình yêu, khi tự vẫn kết liễu cuộc đời. Kiều chỉ sai vì dễ tin người, vì không đủ tri thức đánh giá thời thế nên mới bị vận mệnh trêu đùa thê thảm đến vậy. Thúy Kiều là con người đáng thương và đáng trân trọng chứ không hề đáng ghét, đáng khinh như quan niệm “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”. Cuộc đời chìm nổi của Kiều là một bài học nhân sinh đáng quý dành cho mỗi người. Sống trên đời không ai có thể lựa chọn cho mình cha mẹ nhưng lại có thể lựa chọn cho mình nhân sinh. Nếu nàng đủ khôn khéo có thể gõ trống kêu oan lên cấp quận, lên tận Hình Bộ, lên tận triều đình thì có lẽ sẽ có một Từ Hải khác cứu gia đình nàng từ mười lăm năm trước. Nếu nàng đủ khôn khéo thì có thể tránh thoát được bàn tay của Hoạn Thư, có thể nhận ra được con người thật của Bạc Hạnh, có thể giúp được Từ Hải thoát khỏi âm mưu của Hồ Tôn Hiến.

Những bài học nhân sinh, bài học làm người khi đối diện với những nghịch cảnh trong Truyện Kiều để lại cho tất cả chúng ta những giá trị lớn lao và sâu sắc mà chúng ta cần phải có một thái độ khách quan và đúng đắn để đánh giá nó. Qua biết bao nhiêu năm tháng, khi có ngày càng nhiều câu chuyện, vần thơ lên rồi xuống thì Truyện Kiều vẫn luôn là kiệt tác rực rỡ trong làng văn học Việt Nam, là niềm tự hào trong dòng chảy văn học dân tộc mà mỗi người dân Việt Nam đều vinh dự mỗi khi nhắc đến nó.

Tác giả: @baochau1112
 
  • Like
Reactions: Bùi Nhi

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
Đề bài: Người xưa có câu: “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”. Anh (chị) hãy nói rõ ý kiến của mình về quan niệm trên.

BÀI LÀM

Là người dân đất Việt, có ai là không biết đến đại thi hào Nguyễn Du, có ai là không biết đến tuyệt đỉnh thi ca văn học “Truyện Kiều”. Như một bản tình ca ngậm ngùi, chua xót về thân phận của người phụ nữ, như một câu chuyện về người con gái kiên cường vượt thời đại, như một bi kịch về nhân cách con người bị thời đại lên án, Truyện Kiều là làn gió tươi mới thổi vào thi đàn văn học Việt Nam phong kiến, công nhận giá trị của con người, đánh giá người phụ nữ theo góc nhìn nhân văn hơn. Nhưng trong xã hội phong kiến ấy, lại tồn tại biết bao ý niệm sai lầm, phủ nhận tư tưởng tiến bộ ấy như câu thơ:
“Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”​

Quan niệm phong kiến trói buộc người con gái qua tam tòng tứ đức, qua tam cương ngũ thường, qua công dung ngôn hạnh,… và hơn thế hạnh phúc của người con gái không do bản thân làm chủ mà là cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Trong xã hội thối nát ấy, người con gái vượt lên trên chế độ xã hội, ngày nhớ đêm mộng chàng Kim, can đảm “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để gặp người mình yêu, để thổ lộ nỗi lòng mình như nàng Kiều thì bị xã hội phê phán, chỉ trích là người con gái lẳng lơ, là người con gái mất nết. Hay việc nàng tự quyết định bước chân vào thanh lâu, bán mình chuộc cha, lấy chồng nhiều lần,… bị xã hội này tẩy chay, là tấm gương dơ bẩn mà mỗi nhà cần phải tránh xa.

Truyện Kiều là một câu chuyện bi thương về tình yêu, đặc biệt là rung động đầu đời giữa Kim – Kiều. Trong tiết thanh minh năm ấy, Kiều gặp chàng Kim. Chỉ mới gặp qua mà nàng như đã trầm luân trong bể tình, nhất cử vượt qua mọi giáo điều, đạo đức của xã hội mà đến bên chàng Kim. Nàng mạnh dạn vượt qua vách ngăn quy củ của xã hội mà vẫn giữ vững nét đẹp, phong phạm của một thiếu nữ chốn khuê các. Nàng chủ động tìm đến tình yêu, nàng tôn trọng tình yêu tự do chứ không bị ràng buộc bởi lề thói phong kiến “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” hay việc hai nhà trai gái phải đợi đến đêm tân hôn mới có thể gặp mặt nhau. “Nhất kiến chung tình – Tái kiến khuynh tâm” như một lời thỏ thẻ về mối nhân duyên ngắn ngủi tựa đom đóm mùa hè của Thúy Kiều cùng Kim Trọng. Nhưng đồng thời cũng là hòn đá ném vào mặt hồ tĩnh lặng khiến những nhà Nho bảo thủ thời phong kiến đánh giá Kiều là cô gái hư, là cô gái không thủ đạo tiết, nghiêm cấm người người học theo.

Vào thời đại ấy, có mấy ai là nhận ra được nhân cách cao đẹp của Kiều, có mấy ai thừa nhận được giá trị con người sau mười lăm năm nhận hết tủi nhục, sống trong hắc ám, bị xã hội ruồng bỏ, chà đạp, lợi dụng hết lần này đến lần khác? Vì lời tố cáo xằng bậy của thằng bán tơ mà gia đình Kiều gặp nạn. Vì một món tiền 300 lượng bạc và cũng vì lấy chữ hiếu làm đầu, Kiều đứng trước cán cân lương tâm là chọn tình yêu hay giữ trọn chữ hiếu? “Làm con trước phải đền ơn sinh thành” là lời khẳng định cho thái độ kiên quyết của Kiều khi quyết định bán mình chuộc cha, đền ơn sinh dục, nuôi dưỡng của cha mẹ. Nàng là một người con hiếu thảo, dám yêu, dám hy sinh để giữ trọn đạo hiếu.

Nếu như thời gian quay lại một lần nữa, biết rõ mười lăm năm lưu lạc đầy tủi nhục, thê lương của chính mình, liệu Kiều có lựa chọn lại như trước hay không? Câu trả lời là có. Không đơn giản là bởi vì lễ giáo phong kiến lấy cha mẹ làm ưu tiên hàng đầu mà là nàng chính là trụ cột gia đình. Mẹ đã lớn tuổi, em gái còn non nớt, nàng là trưởng tỷ, nàng phải gánh vác lấy trách nhiệm này, phải bảo vệ gia đình của mình. Cho dù có quay lại thì chắc chắn Kiều cũng sẽ lựa chọn lấy chữ hiếu làm đầu, biết trước mắt là hang lang ổ sói, Kiều vẫn sẽ nhận 300 lượng bạc ấy để cứu cha còn bản thân thì bước chân vào chốn thanh lâu và mở đầu cho cả tuổi thanh xuân bấp bênh, bị người khinh bạc, chịu nhục nhã, bị người tra tấn, lẳng lặng chịu đựng mắt lạnh cùng dâm tà của người đời. Trong nghịch cảnh ấy, Kiều cũng lựa chọn đấu tranh nhưng mỗi lần có cơ hội, mỗi lần những tưởng có thể vươn lên thoát khỏi hoàn cảnh trớ trêu ấy thì cũng là mỗi lần nàng bị nhấn xuống sâu hơn. Hết bị Mã Giám Sinh, Tú Bà xô đẩy thì bị Sở Khanh lừa gạt. Hết bị Hoạn Thư tra tấn thì bị Bạc Hạnh bán vào thanh lâu hay bị Hồ Tôn Hiến lừa gạt, bị ép gả cho một tên thổ quan phương nào.

Mười lăm năm bất hạnh, đau thương cùng sai lầm kết thúc khi được vãi Giác Duyên cứu giúp, khi gặp được chàng Kim, khi trở về, đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng đồng thời cũng chẳng thể xóa nhòa vết nhơ trên thân thể hay chẳng thể khép lại vết thương lòng do chính con người, do chính xã hội, do chính thời đại khắc lên người nàng. Bởi vậy nên Thúy Kiều lựa chọn “Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ” như một cách để tôn trọng chàng Kim, như một cách để lưu giữ lại kỷ niệm của mối tình đầu trong sáng năm nào.

Chính vì lẽ đó mà Thúy Kiều là người con gái đáng thương, đáng quý, đáng trân trọng chứ không đáng bị người chỉ trích, xa lánh như câu nói “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”. Truyện Kiều là một kiệt tác vượt thời đại không chỉ đem đến những bài học nhân sinh không bao giờ xưa cũ mà còn soi đường, chỉ lối cho tư tưởng tiến bộ, phong cách xử sự cho mỗi thế hệ người Việt.

Tác giả: @baochau1112
 

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
Đề bài: Người xưa có câu: “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”. Anh (chị) hãy nói rõ ý kiến của mình về quan niệm trên.

BÀI LÀM

“Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”​
Như một tuyên ngôn của thời đại phong kiến, như một bản án tử hình cho người phụ nữ phong kiến, như một nhân cách của con người bị phủ nhận, Truyện Kiều như pháo hoa nở rộ giữa đêm giao thừa, như chiếc thuyền lá lẻ loi ngược dòng, lại công nhận họ, lại ca ngợi phẩm hạnh cao quý ấy của họ. Có lẽ chính vì thế mà năm tháng trôi đi, vật đổi sao dời, xã hội đổi thay, Truyện Kiều vẫn là đầu tàu văn học, vẫn đứng đầu trong bảng xếp hạng thi phẩm văn học và tác gia Nguyễn Du vẫn luôn là tín ngưỡng, là niềm tự hào của dân tộc ta. Nhưng đằng sau thành công ấy, ông cùng Truyện Kiều đã phải nếm trải biết bao cay đắng, chịu đựng biết bao lời lên án, kỳ thị của những nhà Nho bảo thủ năm xưa khi họ bàn về Truyện Kiều của ông.
Phan Sinh hay Thúy Kiều đều là những người có tư tưởng tiến bộ, có cách đối nhân xử thế mới mẻ nhưng lại bị xã hội phong kiến lên án, tẩy chay mạnh mẽ. Như Phan Sinh vì Trần Kiều Liên sinh ốm tương tư rồi tự vẫn bởi chữ “tình” bị những nhà Nho bảo thủ cho rằng yếu đuối, không chí tiến thủ, là sâu mọt của thế hệ anh hào. Như nàng Kiều chủ động đi tìm hạnh phúc nên bị trời phạt phải vào thanh lâu, là loại con gái lẳng lơ ai cũng có thể làm chồng. Thậm chí, có người không cảm thấy nàng đáng thương, không nhận ra vẻ đẹp ẩn khuất đằng sau bóng lưng mảnh mai ấy mà cho rằng nàng xứng đáng khi nàng dám làm trái với lễ giáo phong kiến, dám coi thường chuẩn mực xã hội thời bấy giờ.

Trong tình yêu, Thúy Kiều vượt qua tư tưởng “đại môn bất xuất, nhị môn bất tiến” như những thiếu nữ khuê các khác mà mạnh dạn bước qua rào cản tư tưởng cổ đại, mạnh dạn chủ động đấu tranh vì tình yêu hôm nay, hạnh phúc ngày mai. “Xăm xăm băng lối đường khuya một mình” để tìm đến Kim Trọng, để gặp người mình thương, để bày tỏ nỗi lòng tương tư cùng chàng. Kiều phá vỡ sự áp đặt của chân lý Nho giáo dành cho nữ giới bởi nàng đã cảm nhận được tình yêu chân thực của chàng Kim và đặt trọng niềm tin vào chàng thư sinh hào hoa phong nhã này nên mới nương nhờ nhật nguyệt chứng giám, trao nhau lọn tóc mây, thề non hẹn ước, một đời yêu nhau:

“Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.”​

Khi gia đình gặp biến cố, Kiều thân là trưởng nữ nên phải tự mình gánh lấy trách nhiệm bảo hộ thân nhân. Dẫu biết rõ là bị thằng bán tơ vu oan giá họa, biết rõ là bọn quan lại đầu trâu mặt ngựa vô lý, ngang tàng nhưng thân là phận nữ nhi, nàng không thể làm gì ngoài việc trơ mắt nhìn cha, nhìn em bị người ta gô lên, bị người ta đánh đập dã man. Bởi vậy, dẫu nàng linh cảm được nguy cơ từ việc nhận 300 lượng bạc của “kẻ buôn người” đó nhưng lấy chữ hiếu làm đầu, nàng cậy nhờ Thúy Vân thay nàng nối đoạn tình duyên cùng chàng Kim, còn bản thân thì bán mình chuộc cha, chuộc em trai. Đứng trước mặt cạm bẫy cuộc sống, đứng trước mặt hố lửa hung tàn, liệu có mấy người con gái can đảm đến thế, kiên cường đến vậy mà lựa chọn dấn thân vào, lựa chọn hy sinh bản thân để vẹn tròn đạo hiếu, đền ơn sinh dục, nuôi dưỡng của đấng sinh thành.

Năm tháng lặng lẽ trôi qua, mười lăm năm bẽ bàng, tủi nhục cùng vận mệnh nhấp nhô, chìm nổi, Kiều không ngừng đấu tranh dù là theo hướng tiêu cực nhất nhưng nàng chưa từng từ bỏ khát vọng tự do ấy. Một người con gái vốn nên sống trong cảnh “êm đềm trướng rủ màn che” lại bị dòng đời xô đẩy, trở thành gái lầu xanh, bị người người coi là ngoạn vật, bị người người nhục nhã. Một tia ánh sáng của cuộc đời khi nàng được Thúc Sinh chuộc thân thì ngay lập tức bị Hoạn Thư bắt cóc, hạ thấp xuống làm người hầu, nhục nhã, tra tấn. Chạy trốn khỏi nơi u ám đó thì lại gặp một kẻ buôn người không kém gì Tú Bà năm xưa - Bạc Hạnh, nàng một lần nữa rơi vào chốn thanh lâu. Sau khi được Từ Hải cứu giúp thì ngày vui chẳng mấy chốc lại tàn, nàng bị Hồ Tôn Hiến lừa gạt, trở thành người hầu rượu, bị hắn đem gả cho thổ quan như một món hàng hóa không hơn không kém. Mười lăm năm nhấp nhô cùng tủi hổ, nàng trầm mình xuống dòng nước lạnh nhưng có vẻ như chẳng hề lạnh bằng tình người, nàng được vãi Giác Duyên cứu giúp. Rồi như tỉnh lại sau một cơn ác mộng dài, Thúy Kiều gặp lại được mối tình đầu của mình với chàng Kim. Trời không tuyệt người tốt, kết thúc mười lăm năm lưu lạc đất khách quê người, Kiều trở về cố hương, đoàn tụ cùng gia đình, với Kim Trọng. “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” khiến nàng đã không còn là nàng của năm tháng mộng mơ thiếu nữ năm ấy nữa, như một lời cảm ơn cùng tôn trọng chàng Kim, Kiều quyết định “Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ”, uyển chuyển thay tình yêu thành tình bạn như những tri kỷ cùng phẩm trà, ngâm thơ, hoạn nạn có nhau.

Cuộc đời của Kiều là minh chứng sống cho thân phận của người phụ nữ phong kiến xưa cũng như những bất công, ngang trái mà họ phải nhận bởi những giáo điều, quy củ khắc nghiệt. Nhưng dù đứng trước những bất công, những ràng buộc, lề thói ấy, Thúy Kiều lựa chọn tiến lên, không ngừng vươn lên, đấu tranh để thoát khỏi nghịch cảnh đen tối ấy. Có thể thấy rằng Kiều thật sự rất đáng thương, đáng trân trọng khi vẫn thủ vững được bản tâm sau khi trải qua những thăng trầm, biến cố tang thương ấy. Đồng thời cũng là tấm gương sáng mà tất cả chúng ta nên học hỏi, nên tự hào chứ không nên khinh thường, xa lánh như câu nói “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”.

Năm tháng lặng lẽ trôi, cảnh đời đổi thay, vạn vật biến thiên, con người thay đổi thì truyện Kiều vẫn luôn là viên dạ minh châu tỏa sáng rực rỡ trên thi đàn Việt Nam. Không chỉ bởi lối hành văn xuất sắc mà còn bởi bài học nhân sinh mang vẻ đẹp chân – thiện – mỹ, Truyện Kiều xứng đáng là kiệt tác xuất sắc nhất của dân tộc Việt Nam mà tất cả chúng ta nên tự hào.

Tác giả: @baochau1112
 
  • Like
Reactions: Bùi Nhi
Top Bottom