Bài tri ân thầy cô cha mẹ

H

happy.swan

Bạn phải hiểu được từ tri ân nghĩa là gì?

Tri ân như một lời cám ơn, cảm tạ đến những người đã sinh thành nuôi dưỡng ta. Tri ân thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn.

Đó là ý nghĩa của tri ân.

Hiểu được ý nghĩa đó thì bạn sẽ viết được bài theo những ý cơ bản sau:
- Những công lao to lớn mà cha mẹ, cô thầy mang lại cho chúng ta.
(Viết trong sự nghẹn ngào và xúc động của tình thương)
~> Những tình cảm mà ta nhận thấy và tình cảm mà chúng ta dành cho thầy cô cha mẹ (Đôi lúc là sự giận dỗi vô cớ)
~> Biểu hiện của sự tri ân của chúng ta bây giờ.
(Cố gắng học tập và đạt được ước mơ thành tài)
 
H

hochoidieuhay

TRI ÂN THẦY CÔ

“Ngày ngày cắp sách đến trường Cơm cha áo mẹ tình thương cô thầy” Lời thơ như vang vọng trong tâm hồn mỗi con người. Khi sinh ra, cha mẹ cho ta hình hài, dáng đứng, cho ta dòng sữa mát lành và nuôi ta lớn lên. Rồi cuộc đời lại bước sang một hướng đi mới khi ta cắp sách đến trường, cho ta gặp những người cha, người mẹ thứ hai, nơi đó dòng sữa ngọt chính là nguồn tri thức và lời cha dạy, là lời thúc giục, vẫy gọi ở ngoài kia khơi xa của cuộc đời. Công ơn trời bể đó, chúng em không một phút lãng quên, vì vậy ngày hôm nay – ngày phụ nữ Việt Nam 20 – 10 cho chúng con được bày tỏ lòng mình, được nói lên những tâm tư, suy nghĩ về các thầy, các cô thân yêu. Thầy cô ơi! Hai tiếng gọi thân thương con mang trong tim suốt cuộc đời. Dẫu có đi hết chiều dài của cuộc sống, con vẫn chưa đi hết lời thầy cô chỉ dạy; dẫu có bước lên muôn đỉnh vinh quang con vẫn biết rằng, người nâng bước cho con trên từng bậc thang là đôi tay không bao giờ mệt mỏi của các thầy, các cô. “Thời gian qua mùa thu nay có khác Bao chuyến đò qua chốn ấy sông sau Nghĩa thầy cô một đời không trả hết Dẫu đời con qua mấy nhịp cầu” Có ai đó đã từng nói rằng “Tuổi học trò cũng như người thợ đang xây nền móng cho tòa nhà...”, con cũng như bao đứa trẻ kia, vô tư đùa nghịch để đôi khi tự làm vỡ những viên gạch của đời mình. Con đâu biết sau lưng mình là bóng dáng thầy cô hao gầy theo năm tháng, mong mỏi cho con từng bước trưởng thành để đến khi nhận ra con chợt thấy bâng khuâng, nuối tiếc. “Một mùa thi như bao mùa thi trước Nắng hồng lên trong mắt biếc học trò Phấn trắng bảng đen nét mực thầy vẫn đó sao con tìm mà chẳng thấy ngày xưa...”
Cái ngày xưa của một thời kỷ niệm, quá khứ đã qua đi sẽ không bao giờ quay lại nhưng những hồi ức về 1 thưở đến trường dưới vòng tay thầy cô sẽ không bao giờ phai nhòa trong mỗi học sinh. Tình thương yêu trân trọng đó, chúng con muốn gửi đến không chỉ là hôm nay mà lớp lớp thế hệ thầy cô quả ngày hôm qua, của ngày mai ... như truyền thống “Tôn sư trọng đạo” cha mẹ dạy con từ thưở lọt lòng. Sinh ra trong cuộc đời, không ai có biết được tương lai của đời mình nhưng mỗi chúng con nhận thức được rằng: tri thức chính là hạt giống mà thầy cô ươm mầm trong tim mỗi học trò. Cây có đơm hoa kết quả, quả có chín ngọt lành hay không chính là sự vun đắp của chúng con dưới sự chỉ dạy của thầy cô. Qua bao lứa tuổi học trò – bao mùa cây đơm hoa kết trái, thầy cô vẫn âm thầm, lặng lẽ. có mấy ai quay về trường cũ, cũng như cây cây kia chỉ mãi vươn lên trời xanh nhưng thầy cô vẫn luôn giữ vững niềm tin và biết rằng ở trên cao kia là ánh sáng của chân lý, là những đứa con càng khắc ghi thêm những cống hiến âm thầm, lặng lẽ. Chúng con muốn được cảm ơn thật nhiều vì tình yêu thương, che chở của các thầy, các cô nhưng lời con nói làm sao kể hết ân tình. Tự khắc ghi trong tâm trí mình, chúng con nguyện là những đứa con ngoan, trò giỏi, xứng đáng với biết bao công sức, ân tình của thầy cô. (sưu tầm)




Bài học từ một người thầy
Người đã dạy cho tôi một bài học thấm thía về nhân cách đạo đức người thầy đó là thầy Nguyễn Thế Vinh- giáo viên trường trung cấp kế toán Hải Phòng.

Đó là khi chúng tôi theo học chuyên ngành kế toán của trường.Thường thì khi học trung cấp,phần lớn sinh viên đều chểnh mảng học hành,nghỉ học quá số tiết,ít tiếp thu kiến thức.Lắm lúc thầy cô giảng bài bên trên,bên dưới sinh viên xìo xầm nói chuyện,ăn quà hay sửa sang làm đẹp…Tư tưởng học để lấy bằng,ra ngoài làm đâu có giống như học dường như đã thành hiển nhiên trong tâm trí không ít người.Nhưng điều đáng buồn là đã có không ít giáo viên không chú trọng đến việc tiếp thu kiến thức của sinh viên mà chỉ quan tâm đến việc dạy đủ số tiết và ra về.Từ đó việc tôn trọng giáo viên cũng giảm sút đáng kể.

Khi theo học hầu hết các môn học ở đây,tôi nhận thấy một thực tại không lấy gì làm tốt đẹp đó là sự không công bằng.Người đi học đầy đủ hay chăm chỉ học hành cũng như người nghỉ học quá số tiết và không chịu học.Chỉ cần cuối mỗi kỳ kiểm tra có phong bì cho thầy cô là đủ tư cách thi,điểm tăng vọt,nhiều người điểm tổng kết còn đạt mức thưởng học bổng.Nhiều thầy cô còn ngã giá với cả sinh viên.Cả năm học cố gắng để đạt bằng khá giỏi cũng chỉ bằng một số tiền đặt cọc để làm bằng.Đó quả là sự lố bịch và là mặt trái của ngành giáo dục hiện nay.

Nhưng chính thầy Vinh đã làm cho tôi phải suy nghĩ nhiều.Bên cạnh những thầy cô làm hư học sinh,tôi đã biết được còn rất nhiều thầy cô là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Thầy dạy chúng tôi môn kế toán doanh nghiệp học phần 3.Thầy mới chuyển về trường và đây là lần đầu tiên thầy dạy lớp tôi nên lớp tôi cũng nghĩ về thầy như một số thầy cô khác.Thầy rất nghiêm khắc.Thầy bắt lớp phải trật tự nghe giảng,ai không muốn học hoặc thái độ không nghiêm túc là bị thầy đuổi thẳng ra ngoài.Thầy dạy nhiệt tình và kiểm tra bài thường xuyên. Nhưng vì học hành chểnh mảng ở cả hai phần trước nên gần như chúng tôi bị mất gốc. Thầy có giảng thế nào cũng không vào đầu mấy.Số tiết quy định có hạn nên dù có cố gắng đến mấy thầy cũng không thể khiến kiến thức chui vào đầu chúng tôi được mấy phần.Lắm lúc thấy thầy buồn,nét mặt trùng xuống,ánh mắt mệt mỏi nhìn lớp qua mắt kính dày cộp,tôi thấy thật tội cho thầy quá.Nhưng nhờ thầy,chúng tôi cũng có chút tiến bộ hơn.Kết quả kéo về được cho thầy tuy không cao nhưng dù sao trong lớp cũng có một số bạn tiếp thu tốt bài vở,còn lại các bạn cũng hiểu bài một cách chậm chắc chứ không mù mờ như hai phần trước.

Kết thúc môn,lớp tôi có tới gần nửa số lớp không đủ tư cách thi phải học lại vì nghỉ học quá số tiết và điểm trung bình chung kiểm tra dưới 5 phẩy.Trước tình hình vậy,cũng giống như những môn trước,lớp lại họp nhau đi phong bì thầy.Vì thầy nghiêm khắc nên phải đi nhiều hơn,vả lại có ai chê tiần bao giờ.Thế nên cuối giờ,lớp trưởng và một số bạn ở lại gặp riêng thầy và bắt đầu nói chuyện tế nhị với thầy.Hôm đó tôi thu sách vở về muộn nên được chứng kiến tất cả.Thầy đưa mắt nhìn một lượt lũ học trò *** về kiến thức nhưng nhanh nhạy về tiền nong.Rồi thầy cầm phong bì đập mạnh xuống bàn.Giọng thầy vừa nghiêm nghị vừa như giãi bày:

- Tôi biết đây là điều các em có thể đã làm thường xuyên với những môn khác.Tôi biết đây là cách giải quyết vấn đề nhanh gọn nhất với các em và cũng có một số thầy cô đã làm hư các em.Sai lầm lớn nhất của các em là sự đồng nhất giữa kiến thức và tiền bạc.Những đồng tiền ấy có thể các em xin cha mẹ,cũng có thể vất vả kiếm được từ công việc làm thêm.Khi dùng những đồng tiền ấy để mua kiến thức,thử hỏi các em thu lại được gì?Tiền mất,kiến thức vẫn trống rỗng,có chăng chỉ là một tấm bằng vô giá trị.Tôi thấy rất buồn khi các em quan niệm việc học chỉ như một cuộc mua bán.Tư cách người thầy chỉ đáng giá vậy thôi sao?Hãy cố gắng học hành,các em sẽ thấy được giá trị của việc học thật và hiểu những gì tôi nói.Không phải thầy cô nào cũng như các em nghĩ.

- ....

Những gương mặt lặng đi.Những cái đầu cúi xuống.Những lời chào lí nhí khi thầy xách cặp rảo bước đi.Tôi ngồi đó,lặng đi vì bất ngờ và khâm phục.Thầy đã làm nên một sự thay đổi lớn trong cách nghĩ của chúng tôi bấy lâu nay.Một sự tủi hổ bao trùm quanh đây.Với những thầy cô chân chính,tư cách đạo đức người thầy là vô giá.

Tác giả: nguyen thi thanh tam
Nguồn: netbuttrian.vn


 
H

hochoidieuhay

Cha Mẹ - Ánh Sáng Của Cuộc Đời Con


Gửi cha mẹ thân yêu của con! Khi cha mẹ đọc được những lời con viết thì con đã sắp bước qua 12 năm học – một thời gian rất dài – 18 năm cha mẹ tảo tần nuôi con khôn lớn. Cho con một hình hài đầy đủ, một cuộc sống ấm no và một gia đình hạnh phúc! Con nhớ mẹ thường hay kể “Con ra đời vào ngày trăng tròn 14, đẹp và sáng lắm! Mẹ hi vọng đời con rồi cũng sẽ sáng và tròn như ánh trăng ngày đó”.

Khi mẹ sinh con ra, cha mẹ đã phải sống với cảnh thức khuya dậy sớm, kéo từng lưới để bắt từng con cá con tép, bán lấy tiền mua sữa cho con. Mẹ cũng là phụ nữ nhưng mẹ không được như người ta. Khi sinh con ai cũng phải tịnh dưỡng ít nhất 1 tháng, vậy mà mẹ của con chỉ mới sinh có 18 ngày đã phải đội cá đi bán. Còn cha cứ tối đến là lại đi giăng câu giăng lưới ngoài đồng một mình, dù mưa hay gió cha vẫn ngồi ngoài đồng thui thủi một mình khi không có cá! Cha sợ không có tiền để lo cho con.

Khi con lên 5 con đã phải chơi một mình suốt ngày. Con còn nhớ rất rõ, năm đó mẹ lại có mang em con, cứ mỗi khuya khoảng 2h sáng mẹ ẫm con lên gửi nhà nội, rồi cha với mẹ đi kéo lưới tới tận trưa hôm sau mới về! Sáng thức dậy con phải tự rửa mặt, tự lấy cơm ăn, luôn là đứa bị anh chị ăn hiếp. Mỗi khi bị người ta ghét bỏ con hay trốn vào góc buồn của nội mà khóc một mình! Con cứ nói “sao cha mẹ lại bỏ con ở nhà một mình, để người ta đánh con!”. Con cứ hay ra đứng trước cửa để chờ đến chiều mẹ ra rước con về.

Khi nhìn thấy con mặt mày lem luốc, mẹ ôm con, hôn con, hỏi: “Con ăn cơm chưa? Tắm chưa? Có ai ăn hiếp con không?”. Con khóc và kể cho mẹ nghe như để nhõng nhẽo với mẹ: “Suốt ngày không ai chơi chung với con lại còn đánh con nữa, cũng không ai tắm cho con”. Mẹ khóc…….Mẹ khóc rất nhiều! Là một đứa bé con luôn cảm thấy an toàn khi có cha mẹ bên cạnh!

Dù nghèo không có tiền nhưng ngày nào cha mẹ cũng lấy tiền bán cá mua bánh cho con ăn, con muốn gì cha mẹ cũng cố gắng cho con. Con vui lắm, cứ ăn, cứ chơi một cách ngây thơ mà đâu biết cha mẹ đã phải cực khổ như thế nào trong lúc con ngon giấc để có được cái bánh, viên kẹo cho con ăn. Con lại cứ hay đòi cha cõng đi chơi, cha mượn chiếc xe đạp thô kệch cũ kĩ của người ta để chở con đi vòng vòng chơi. Cha ơi! Lúc đó con đâu biết cha đang mệt nhọc như thế nào! Con xin lỗi cha, con đã quá ngây dại để hiểu được gánh nặng đang đè lên đôi vai chai sần của cha. Đôi vai đã từng làm thuê vác mướn đến nỗi dây thần kinh phải ảnh hưởng đến đôi mắt của cha.

Rồi đến mùa lúa, cha mẹ chuyển sang cắt lúa mướn. Từ tờ mờ sáng cha mẹ đã phải thức sớm nấu cơm để mang ra đồng! Con lại ở nhà một mình. Cha mẹ dặn con không được đi đâu chỉ ở yên trong nhà, nếu đói bụng thì lấy cơm trên bếp mà ăn. Cả 3 cánh cửa đều đóng kín. Con sợ lắm….rất sợ….con sợ tối! Con ngồi khóc một mình mà thầm trách sao cha mẹ lại bỏ con. Nhưng con đã không biết chính những lúc con ngồi đó hờn trách thì cha mẹ đang dãi dầu mưa nắng làm mướn cho người! Những giọt mồ hôi mặn chát thấm ướt khuôn mặt rám nắng gầy guộc của cha mẹ. Con cũng không biết là cha mẹ cũng đang rất lo cho mình. Có người cha mẹ nào mà an tâm khi để con nhỏ ở nhà một mình như vậy.

Ngày mẹ sinh em con, tờ mờ sáng mẹ vẫn theo cha ra đồng để cắt cho xong công lúa. Đến khi đau bụng mẹ vẫn ở ngoài đồng. Một thân một mình mẹ xách chiếc giỏ chỉ có vỏn vẹn một bộ đồ và một chiếc bình thủy, mẹ đã đi bộ gần 2 cây số để đến nhà bà đỡ vì không có tiền đi xe.

Đến chiều khi Bác 4 về nói mẹ sinh một bé trai. Tối đó con và cha đã sửa soạn mùng mền và đồ cho em bé. Con tháy khuôn mặt khác khổ của cha rạng lên một niềm vui hạnh phúc. Con tự hỏi: “lúc con ra đời cha có vui như vậy không cha?”. Con cũng vui vì sự có mặt của em bé trên đời này, vì từ nay sẽ có người chơi với con. Nhưng cũng từ khi có em bé thì tình thương cha mẹ dành cho con đã bị sẻ đôi. Con lại gần em thì cha không cho sợ con làm em khóc. Con giữ em không tốt cha mẹ cũng la con. Em nghịch lắm, cứ mỗi lần em té con lại bị la. Con khóc và trách sao “cha mẹ không thương con, cha mẹ không thương con nữa rồi”. Con thật là ngốc khi quên đi một điều “em cũng là con của cha mẹ”, cha mẹ dành nhiều tình thương và sự lo lắng cho em vì nó còn quá nhỏ. Cũng như khi con ra đời, cha mẹ cũng đã phải chịu cực khổ biết bao để lo cho con. Nhà ta nghèo đến nỗi phải cho em bé uống nước cơm chín pha đường thay cho sữa. Suy nghĩ lại thì ít ra con cũng được sướng hơn em bé rồi, vậy mà con còn ganh tị, một lòng ganh tị nhỏ nhoi đúng không cha mẹ. Sau đó mẹ của chúng con vì kiếm tiền mà làm đủ mọi chuyện. Từ đi làm móng dạo, mẹ chuyển sang bán ít trái cây, rồi mẹ học hỏi người ta làm hụi. Mẹ của chúng con đã làm nên tất cả từ hai bàn tay trắng. Cha con cũng như thế, cha đã lặn lội suốt ngày ngoài đồng ruộng để kiếm từng đồng tiền nuôi chúng con ăn học.

Trải qua một khoảng thời gian dài trong cái nghèo đói, cha mẹ cũng đã cho chúng con một căn nhà đầy đủ. Suốt 12 năm học cha mẹ chưa bao giờ để con thiếu thốn hay thua sút bạn bè. Sách, vở và đủ mọi thứ con đều có như bao bạn khác. Vậy mà đã bao lần con làm mẹ buồn, mẹ khóc. Con học không giỏi như người ta, con chưa một lần làm cho cha mẹ tự hào về con. Con cảm thấy thất vọng về chính bản thân mình. Khi con tham gia lớp võ taekwondo, con lại mang về cho mẹ sự lo lắng và vất vả hơn. Mỗi khi con bị bầm, bị trầy hay trật chân, mẹ đã lo quýnh lên, mẹ tự tay thoa dầu, lăn trứng cho con đỡ đau. Con thương mẹ lắm nhưng con chưa một lần nói ra vì con thấy bản thân mình thật tệ hại. Mẹ ơi hãy tha lỗi cho con! Con gái đã không bao giờ làm mẹ vui. Có nhiều lúc con muốn nghỉ học để đi làm phụ giúp cha mẹ đỡ cực nhọc. Nhưng con nhớ những lời mẹ nói “phải cố gắng học thật giỏi thì sau này sẽ sung sướng bản thân, mẹ không cần con kiếm nhiều tiền để trả hiếu cho cha mẹ, mà mẹ chỉ muốn con học thật giỏi để sau này có nghề nghiệp ổn định mà liệu lo lấy thân, cha mẹ không thể lo cho con hoài được, con cũng đã lớn rồi, con phải cuộc sống nếu không có tiền thì sẽ không làm được gì đâu, huống chi khi con có gia đình con còn phải lo cho con của con nữa, đến lúc đó con sẽ hiểu nỗi lòng của mẹ khi không thể lo cho con mình một cách đầy đủ”. Không….không đâu mẹ ơi, mẹ đã lo cho chị em con rất đầy đủ, đối với con tình thương mà cha mẹ dành cho con là đã quá đầy đủ hơn tất cả mọi thứ trên đời. Con hứa sẽ không bao giờ làm mẹ khóc nữa. Con cũng sẽ không để cha phải thức khuya dậy sớm nữa. Con sẽ cố gắng học thật tốt, con sẽ làm bằng tất cả khả năng của mình. Rồi nhất định sẽ có ngày con sẽ mang về niềm tự hào cho cha mẹ. Dù đó là một điều nhỏ nhoi. Con sắp phải trải qua những kì thi quyết định thành quả của mình bằng thành quả học tập của chính con. Nhìn cha mẹ ngày ngày rơi giọt mồ hôi vất vả vì mong con được vào đại học. Con nhất định sẽ làm được điều đó. Hãy tin con!

Con cám ơn cha mẹ đã mang lai nguồn sống cho con! Đã cho con một hình hài vóc dáng! Con sẽ khắc ghi mãi công ơn sâu nặng ấy! Con xin lỗi….vạn lời xin lỗi về những gì con đã làm cha mẹ buồn! Con cũng xin gửi vạn lời cám ơn đến người đã che chở, yêu thương con – một tình thương ấm áp, cao cả mà không bao giờ có thể cân đo đong đếm được! Con yêu cha mẹ nhiều lắm! Hãy mãi bên con!

Tác giả: Đặng Thị Ngọc Trân
Nguồn: netbuttrian.vn
 
H

hochoidieuhay

Hạnh phúc từ những điều giản dị
- Ba của nó kìa tụi bây ơi! Ba nó làm ruộng….

Tiếng cười vang lên khi con vừa bước vào lớp. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía con dò xét như một sinh vật lạ. Ba biết không, đó là buổi học đầu tiên trong đời làm con nhớ mãi. Gia đình chỉ có mình con nhưng ba mẹ vẫn chấp nhận cho con ở với Dì để có thể tiếp cận môi trường giáo dục tốt, được học hành tử tế. Ngày tựu trường , ba sợ con gái buồn vì lần đầu tiên sống xa ba mẹ nên đã thức dậy sớm, chạy thật nhanh để vào đón con đi học. cảm giác lúc ấy vui lắm ba ơi! Dừng xe trước cổng trường, ba dặn dò: “ráng học thật tốt nghe con! Hôm nay có rất nhiều việc ở ngoài đồng nên ba phải về sớm, ít hôm nữa ba mẹ lại vào thăm con….” Ba là người rất ít khi bộc lộ tình cảm ra ngoài, nên chẳng bao giờ ba ôm con vào lòng , hôn lên trán con như những ông bố khác. Giờ đây, con đã bước vào một ngưỡng cửa đầy những thử thách và khó khăn, trường mới, lớp mới, lạ thầy, lạ bạn…cứ ngỡ như ngày đầu tiên bước vào lớp một. Nhìn xung quanh, ai cũng được ba mẹ nắm tay gửi gắm cho thầy cô giáo mà lòng con bỗng thắt lại, buồn thật nhiều ! Con lặng lẽ bước vào chỗ ngồi của mình và nhìn ra hướng cổng trường nơi con vừa gặp ba lúc nãy, cảm giác trống vắng cứ hiện lên trong tâm trí, nỗi sợ hãi làm con bật khóc. Cô giáo đến bên an ủi ,động viên con rồi ra ngoài trao đổi với phụ huynh. Một vài tiếng thì thầm trong lớp:

- Học sinh mới kìa! Con nhỏ xấu xí quá! Con của ông làm ruộng đó tụi bây à!...

Con ngượng lắm, cúi mặt xuống bàn. Con phải làm gì trong lúc này hả ba, trong khi xung quanh con chẳng có đứa bạn thân nào để tâm sự. Bạn bè nhìn con bằng bao cặp mắt đầy vẻ khinh miệt, cứ như con là đứa có lỗi. ngày đầu tiên là như vậy, con cố bước thật nhanh về nhà để không phải nghe những lời dèm pha, cố ý chọc tức từ mấy đứa bạn. đóng chặt cửa rồi chẳng ăn uống gì, con khóc thật nhiều…

Cuối tuần, ba vào thăm con và hỏi tình hình học tập. Con giận ba , trách ba tại sao lại làm nông dân mà không phải là một nghề nào khác có thể kiếm thật nhiều tiền và có địa vị trong xã hội. ba mỉm cười…làm con khó chịu. Có phải ba mãn nguyện vì điều đó? Nhưng còn bản thân con thì cảm thấy xấu hổ vô cùng. Nỗi ấm ức trong con bật lên thành lời: “con ghét ba, con không muốn làm con gái ba một tí nào cả. Tại ba mà con bị bạn bè trêu chọc, chẳng ai yêu quý con…tất cả là lỗi của ba!” Ba nhìn con, im lặng…nét mặt trông có vẻ hơi buồn. Ba ôm con vào lòng : “ thông cảm cho ba nghe con, vì ba mà con phải khó xử….”

Ngày tháng trôi qua nhanh, con lớn dần và thích nghi với cuộc sống mới mà không có ba mẹ bên cạnh chăm sóc, quan tâm mỗi ngày. Con luôn cố gắng học thật tốt để chứng tỏ với bạn bè, để sau này kiếm được việc làm thật nhiều tiền và… để che đậy cái lí lịch chẳng có gì đáng tự hào của bản thân_ con gái của người làm ruộng. Bên cạnh việc học tập, con dần học tính đua đòi để xứng với các bạn. con đâu biết ba ở nhà phải làm lụng vất vả, dành dụm từng đồng để đóng tiền học phí, tiền sinh hoạt cho con. Có lẽ sự vô tư, thờ ơ của con đã làm ba vất vả.

Dòng đời cứ lặng lẽ như thế, con trưởng thành trong sự hinh sinh thầm lặng của ba. và không biết từ lúc nào con đã cảm nhận được trái tim cao cả của người đã ban tặng cho con đầy đủ hình hài. Có lẽ những suy nghĩ của con vẫn chưa được chu đáo, vẹn toàn nhưng ba ơi, con đã kịp tìm ra một điều mà trước đây con đánh lạc mất. con lớn lên trong tình thương của ba_ một người nông dân chất phác, bình thường, không giàu sang, không địa vị nhưng ba đã cho con rất nhiều. con nhận ra rằng mình giàu hơn bất kì ai, thứ mà con có được còn đáng giá gấp ngàn lần của cải, tiền bạc. tuổi thơ con lớn lên với cánh đồng, thơm mùi sữa ngọt ngào của bông lúa, với những hạt lúa tròn trĩnh, căn mọng là thành quả sau bao ngày tháng vất vả chăm sóc của người nông dân. Nhìn từng giọt mồ hôi chảy thành dòng trên má, nhìn những nếp nhăn đã in hằn theo thời gian, rồi… lại nhìn đôi bàn tay thô ráp, nứt nẻ mà lòng con thương ba vô cùng! Nhớ lại những kỉ niệm về ba, tâm hồn con thêm lắng xuống. Đó là những đêm trời đầy sao, con theo ba đi đánh cá. Được ngăm mình dưới làn nước mát, nồng vị mặn của muối, được ngắm cảnh biển khi màn đêm buông xuống, được la hét thỏa thích mà không sợ làm phiền người khác...và được ngắm kĩ ba yêu quí của con. Đó chính là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời.

Ai bảo người làm cha thì không được khóc. Đôi khi ba của con cũng có những giây phút yếu mềm, mệt mỏi cần được giải tỏa. những giọt nước mắt lo lắng cho gia đình, buồn vì con chẳng hiểu được nỗi lòng của ba, nhưng cũng có những giọt nước mắt tràn ngập niềm vui, mãn nguyện từ những thứ do chính bàn tay mình tạo nên. Chỉ có điều nước mắt ba không bật thành tiếng mà cố che giấu trong bóng tối để tránh sự lo lắng hiện lên trên nét mặt mẹ. Sự chịu đựng ấy khiến con cảm phục vô cùng.

Ba đã cho con tất cả. Cho con hiện hữu trong cuộc đời này mà có lẽ mọi người cha đều làm được. Nhưng ba khác với họ, ba cho con cả một không gian đẹp của tuổi thơ, dạy con biết kiên nhẫn để có được thành công từ những bài học đầu tiên về cây lúa_ thứ quà đậm chất quê hương, đất nước. tình yêu thương của ba đã truyền cho con một sức mạnh phi thường để vượt qua mọi khó khăn, chông gai trong cuộc sống, giúp con biết quý trọng những gì mình đạt được để rồi nhận ra rằng: hạnh phúc tìm thấy từ những điều giản gị có ở xung quanh ta.

Giờ đây con đã trở thành cô bé mười lăm tuổi, không còn con nít như ngày xưa. Con biết quan tâm, suy nghĩ cho người khác nhiều hơn, con còn biết nấu ăn, chăm sóc gia đình để giúp đỡ mẹ và... đọc được niềm vui trong ánh mắt của ba. Tại sao con phải hổ thẹn vì ba chứ? Con hạnh phúc hơn những đứa trẻ lang thang ngoài kia, không cha, không mẹ. Từ nay con sẽ ngẩng cao đầu và hãnh diện nói rằng: “ba tôi làm nông dân thì đã sao nào. Tôi vẫn là người giàu có vì chẳng bao giờ tôi thiếu tình thương. Đồng tiền không mua được hạnh phúc đâu, các bạn ạ!”

Ba kính yêu! Cảm ơn ba đã sinh ra con trên cõi đời này. Chẳng hiểu sao con cứ day dứt khôn nguôi vì câu nói vô tình ngày đó. Giá như con kiềm chế được bản thân thì đã không tạo nên vết thương lòng trong trái tim ba. Hãy tin tưởng ở con ba nhé! Cho dù những điều con làm không bao giờ là đủ so với công lao sánh bằng trời biển của ba, nhưng con sẽ cố gắng tạo nên kì tích để luôn giữ mãi nụ cười mãn nguyện trên môi người đã ban tặng cho con một cuộc sống tốt đẹp.


Tác giả: dinh thi phuong chi
Nguồn: netbuttrian.vn
 
Top Bottom