Bài thơ của một người yêu nước mình

  • Thread starter neu_em_khong_phai_giac_mo01
  • Ngày gửi
  • Replies 3
  • Views 2,612

N

neu_em_khong_phai_giac_mo01

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Hôm nay đi làm, tự nhiên thấy buồn. Chẳng biết từ đâu trong đầu vẳng lên những câu thơ được nghe thầy giáo đọc từ hồi ĐH:
Buổi sáng, tôi mặc áo, đi giày, ra đứng ngoài đường .....

Tôi vẫn sống, vẫn ăn, vẫn thở ... như bình thường.
Tôi post bài này cho riêng tôi, như một xác tín mong manh rằng tôi vẫn tồn tại, vẫn được kết nối với cộng đồng, vẫn có khí quyển sinh tồn riêng, rằng kí ức vẫn tồn tại dù ẩm mốc và bốc mùi và rằng đời có quá nhiều điều vô nghĩa, nhạt nhẽo và rỗng tuếch.

P/s: các bạn học lớp 12 có thể tham khảo bài thơ này vì nó là sáng tác của tuổi trẻ vùng tạm chiếm trong những năm 60, 70 của thế kỉ trước (cùng chủ đề, cùng hoàn cảnh, gần gũi về cảm hứng và hình thức thể hiện với trường ca Mặt đường khát vọng của NKĐ)
Bài thơ của một người yêu nước mình

Buổi sáng tôi mặc áo đi giày ra đứng ngoài đường,
Gió thổi những bông nứa trắng bên sông
Mùi toóc khô còn thơm lúa mùa qua
Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà
Những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé
Tôi yêu đất nước này như thế
Buổi sớm mai
Bầy chim sẻ ngoài sân
Gió mát và trong
Đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng
Tôi vẫn sống
vẫn ăn
vẫn thở
như mọi người
Đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ
Một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu
Một vết bùn khô trên mặt đá
Không có ai chia tay
Cũng nhớ một tiếng còi tàu
Mẹ tôi thức khuya dậy sớm
Năm nay ngoài năm mươi tuổi
Chồng chết đã mười mấy năm
Thuở tôi mới đọc được i tờ
Mẹ thương tôi mẹ vẫn tảo tần
Nước sông gạo chợ
Ngày hai buổi nhà không khi nào vắng người đòi nợ,
Sống qua ngày nên phải nghiến răng
Cũng không vui nên mẹ ít khi cười
Những buổi trưa buổi tối
Ngồi một mình hay khóc
Vẫn thở dài mà không nói ra
Thương con không cha
Hẩm hiu côi cút
Tôi yêu đất nước này xót xa
Mẹ tôi mười mấy năm không lấy chồng
Thương tôi nên ở góa nuôi tôi
Những đứa bà con nhà giàu hàng ngày chửi bới
Chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc
như cho một đứa hủi
Ngày kỵ cha họ hàng thân thích không ai tới
Thắp ba cây hương
Với mấy cái bông hải đường
Mẹ tôi khóc thút thít
Cầu cha tôi phù hộ tôi nên người
Con nó còn nhỏ dại
Trí chưa khôn chân chưa vững bước đi
Tôi một mình có kể chi mưa nắng
Tôi yêu đất nước này cay đắng
Những năm dài thắp đuốc đi đêm
Quen thân rồi không ai còn nhớ tên
Dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
Áo mồ hôi những buổi chợ về
Đời cúi thấp
Dành từng lon gạo mốc
Từng cọng rau hột muối
Vui sao khi còn bữa đói bữa no
Mẹ thương con nên cách trở sông đò
Hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
Đêm nào mẹ cũng khóc
Đêm nào mẹ cũng khấn thầm
Mong con khôn lớn cất mặt với đời
Tôi yêu đất nước này không nguôi
Tôi yêu mẹ tôi áo rách
Chẳng khi nào biết tuổi mình bao nhiêu
Tôi bước đi
Mưa mỗi lúc mỗi to
Sao hôm nay lòng thấy chật
Như buổi sáng mùa đông chưa thấy mặt trời mọc
Con sông dài nằm nhớ những chặng rừng đi qua
Những vách đá hàng cây cheo leo bốn mùa
Nỗi mệt mỏi rưng rưng từng con nước
Chim đậu trên cành chim không hót
Khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may
Tôi yêu đất nước này những buổi mai
Không ai cười không tiếng hát trẻ con
Đất đá cỏ cây ơi
Mười ba năm có héo mòn
Đất đá cỏ cây ơi
Lòng vẫn thương mẹ nhớ cha
Ăn quán nằm cầu
Hai hàng nước mắt chảy ra
Mỗi đêm cầu trời khấn Phật, tai qua nạn khỏi
Ngày mai mua may bán đắt
Tôi yêu đất nước này áo rách
Căn nhà dột phên không ngăn nổi gió
Vẫn yêu nhau trong từng hơi thở
Lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài
Thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai
Tôi yêu đất nước này như thế
Như yêu cây cỏ ở trong vườn
Như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương
Nuôi tôi thành người hôm nay
Yêu một giọng hát hay
Có bài mái đẩy thơm hoa dại
Có sáu câu vọng cổ chứa chan
Có ba ông táo thờ trong bếp
Và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen
Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
Thuở tóc kẹp tuổi ngoan học trò
Áo trắng và chùm hoa phượng đỏ
Trong bước chân chim sẻ
Ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi
Hay nói chuyện huyên thuyên
Chuyện trên trời dưới đất rất lạ
Chuyện bông hoa mọc một mình trên đá
Cứ hay cười mà không biết có người buồn
Sáng hôm nay gió lạnh vẫn còn
Khi xa nhà cứ muốn ngoái lại
Ngó cây cam cây cải
Thương mẹ già như chuối ba hương
Em chưa buồn
Vì chưa rách áo
Tôi yêu đất nước này rau cháo
Bốn ngàn năm còn cuốc bẫm cày sâu
Áo đứt nút qua cầu gió bay
Tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan
Tôi yêu đất nước này lầm than
Mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển
Ăn rau rìu rau éo rau trai
Nuôi lớn người từ ngày mở đất
Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
Một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng
Tôi đi hết một ngày
Gặp toàn người lạ
Chưa ai biết chưa ai quen
Không biết tuổi không biết tên
Cùng sống chung trên trái đất
Cùng nỗi đau chia cắt Bắc Nam
Cùng có chung tên gọi Việt Nam
Mang vết thương chảy máu ngoài tim
Cùng nhức nhối với người chết oan ức
Đấm ngực giận hờn tức tối
Cùng anh em cất cao tiếng nói
Bản tuyên ngôn mười bốn triệu người đòi Độc Lập, Tự Do
Bữa ăn nào cũng phải được no
Mùa lạnh phải có áo ấm
Được ca hát, nói cười yêu đương không ai cấm
Được thờ cúng những người mình tôn kính
Hai mươi năm cuộc đời khi nào định
Tôi trở về căn nhà nhỏ
Đèn thắp ngọn lù mù
Gió thổi trong lá cây xào xạc
Vườn đêm thêm mát
Bát canh rau dền có ớt chìa vôi
Bên hàng xóm có tiếng trẻ con khóc
Mẹ thương con ngồi cầu Ái tử
Đất nước hôm nay đã thấm hồn người
Ve sắp kêu mùa hạ
Nên không còn mấy thu
Đất nước này còn chua xót
Nên trông ngày thống nhất
Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
Lòng vui hôm nay không thấy chật
Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Và yêu tôi đã biết làm người
Cứ trông đất nước mình thống nhất.
(19/12/1967)​
 
N

neu_em_khong_phai_giac_mo01

Nhân hứng cũng vừa ...

Nhân nhắc đến bộ phận văn học trong khu vực tạm chiếm trước năm 75, tôi nhớ tới bài thơ Thưa mẹ, trái tim - một bài thơ được xem như tuyên ngôn về nghệ thuật, tuyên ngôn về lí tưởng sống mà những thanh niên tiến bộ đã lựa chọn để dấn thân, để tranh đấu, để hi sinh và đời đời bất diệt. Bài thơ có những câu thơ hay nói về sứ mệnh của văn học cách mạng:
Con sẽ vót nhọn thơ thành chông
Xuyên vào gan lũ giặc
Con sẽ mài thơ như kiếm sắc
Chặt đầu văn nghệ tay sai
hay những vần thơ cháy bỏng nhiệt huyết và tình yêu nước:
Trái tim là của con người
Viết lịch sử mình trên mặt đất
Bằng từng nét máu thắm tươi
Nhưng phải nói, cái ấn tượng nhất của bài thơ chính là cách lập tứ, một tứ thơ không mới nhưng chưa bao giờ thôi khiến người đọc xúc động bởi lẽ nó đề cập đến những tình cảm thiêng liêng nhất của con người: tình mẫu tử, tình yêu nước. Bài thơ là lời tự bạch của nhà thơ (một thanh niên 25 tuổi) với Mẹ, nói về tình cảnh gia đình, thế hệ, thời đại, đất nước, nói về bản thân và cách sống, cách lựa chọn của chàng trai trong thời đại ấy. Hai hình tượng trung tâm của bài thơ (như tên gọi của nó) là Mẹ và Trái tim. Trái tim là của con người, là máu thịt của con do MẸ cha ban tặng nhưng nó còn đập và mãi đập những nhịp sôi nổi, hào hùng của lịch sử cha ông, của MẸ Tổ quốc, của quê hương đất nước đang bị giặc thù giày xéo. Cùng với những Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm, Lưu Hữu Phước, Trịnh Công Sơn và đông đảo thanh niên trong các đô thị vùng tạm chiếm khác, Trần Quang Long đã cất cao tiếng hát thức tỉnh, lay động trái tim bao người: "Dậy mà đi, Dậy mà đi, đồng bào ơi hãy dậy mà đi ...."

Lại dài dòng rồi, mời các bạn quan tâm đọc thử bài thơ nhé.


THƯA MẸ ! TRÁI TIM



Thưa mẹ,
Năm nay con hai mươi lăm tuổi đầu
Công danh gì chẳng có
Cuộc sống lại cơ cầu
Bữa đói bữa no cậy nhờ bè bạn
Lây lất chẳng ra sao
Mai mốt trái đòi con vào Thủ Đức
Chắc gì mẹ gặp con đâu
Anh cả, anh Hai, chú Cường, chú Phúc
Người chết triền đồi, người chết lũng sâu
Chỉ còn tờ điện tín xanh lạnh lùng để lại
Bây giờ con sống đây bên những người đã chết
Bên những người đang chết
Cuộc sống mù lòa giữa mặt trời đen
Con mang máng thấy mình còn sống
Khi ngồi âm thầm đếm nhịp trái tim
Và con đếm nhịp trái tim
Trong cơn hấp hối
Những nhịp im lìm như móng chân rắn mối
Bước vào trong nỗi ăn năn
Những nhịp băn khoăn
Như những lá rơi tình đầu chờ đợi
Những nhịp giận dỗi
Thuở con thơ đòi mẹ bế bồng
Những nhịp ngoan hiền như gió thoảng bờ sông
Căn nhà mình, mẹ con cơm cá
Và con rùng mình những âm thanh lạ
Xoáy tròn trong mỗi thớ tim
Con nghe tiếng kêu la của bà mẹ đi tìm
Quờ quạng xác con trong căn nhà gạch vụn
Oanh tạc vùng tình nghi
Con nghe tiếng quay cuồng của vũ điệu về khuya
Từng tràng cười ré lên như địa ngục
Những tiếng cười xen vào tiếng nấc
Thằng bé con lượm mẩu bánh mỳ rơi
Con nghe tiếng cười quằn quại kêu la
Những tràng súng vô nhân giữa lòng đô thị
Bắn chết trẻ em, ông lão, bà già
Rồi “bồi thường xứng đáng”
Câu chuyện sẽ dần qua
Con nghe giữa phố phường
Lựu đạn cay và đá, chai độc thoại
Máu đổ rồi sẽ thấy mặt anh em.
Con đang nghe trái tim
Nổ tung từng mảnh vụn
Máu từng dòng im lìm
Máu từng dòng phẫn nộ
Trên bàn tay con đó
trên giải đất khô cằn
trên mặt mày khốn khổ
trên cuộc sống lầm than
Mẹ ơi, con của Mẹ
Chỉ còn có trái tim
Sẽ sống nhờ trái tim
Sẽ chết nhờ trái tim
Là tâm hồn con đó
Là vần thơ con đây
Bài học i tờ ngày xưa mẹ dạy
Con viết thành lời đắng cay
Dòng máu anh hùng cha con kháng Pháp
Con luyện thành lời hăng say
Con sẽ vót nhọn thơ thành chông
Xuyên vào gan lũ giặc
Con sẽ mài thơ như kiếm sắc
Chặt đầu văn nghệ tay sai
Trả thù cho cha, rửa hờn cho nước
Cho con ngẩng đầu nhìn thẳng tương lai
Nếu thơ con bất lực
Con xin nguyện trọn đời
Dùng chính quả tim mình thành trái phá
Sống chết một lần thôi
Con sẽ chết như những người đã chết
Và những người đang chết.
Nhưng trái tim con
Sẽ đời đời bất diệt
Dầu đã nổ tan tành
Dầu đã khô máu hết
Vì Mẹ ơi, con biết
Trái tim con là thơ
Trái tim con là rừng, là núi
Là lúa ngô, là cam, là bưởi
Là quá khứ, là tương lai
Là khổ đau, là hạnh phúc
Là đấu tranh, là bất khuất
Trái tim là của con người
Viết lịch sử mình trên mặt đất
Bằng từng nét máu thắm tươi
 
Top Bottom