MỘ ( Chiều tối )
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân độ mạn mạn độ thiên không
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.
DỊCH THƠ
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng.
( Hồ Chí Minh - Nhật kí trong tù )
Hoàng hôn, chiều tối thường là cảm hứng của nhiều thi nhân. Mỗi người một tâm trạng, một hình thức thể hiện để bày tỏ nỗi lòng của mình trong tác phẩm. Thôi Hiệu ( nhà thơ nổi tiếng đời nhà Đường ở Trung Quốc) viết :
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Nguyễn Du thể hiện tâm trạng khắc khoải của nhân vật trong thơ mình:
Nay hoàng hôn đã ngày mai hôn hoàng.
Thâm tâm thể hiện nỗi buồn chia li :
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng!
Bóng chiều không thẳm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Hồ Chí Minh, người chiến sĩ, người thi sĩ đang còn bị giam hãm trong tù ngục cũng làm thơ nói về hoàng hôn, song cảm hứng thi ca trong bài “ Chiều tối” lại khác, cái khác là trong cảnh chiều tối vẫn có những nét tươi sáng, vẫn toát lên hình ảnh lạc quan :
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng.
Cảnh chiều tối gợi lên cái buồn của sự hoang vắng. Trong không gian bao la của núi rừng, ánh hoàng hôn chỉ còn hiu hắt, trời tối dần, những cánh chim mỏi đang tìm về chốn ngủ. “ Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không”. Tất cả như cùng góp phần tạo thêm vẻ cô tịch của không gian. Giữa cái bao la, hắt hiu buồn ấy, người tù lại không buồn, trái lại, người tù lặng ngắm cảnh vật, lại tạo cho cảnh vật vốn buồn vắng ấy một sức sống, một sự ấm áp :
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng.
Từ bức tranh cô tịch của thiên nhiên, người hoạ sĩ, thi sĩ đã vận dụng sự quan sát và miêu tả bức tranh xã hội một cách chân thực, gần gũi như người trong cuộc. Hình ảnh người thôn nữ xay ngô tối bên lò than rực hồng mang lại sự ấm áp cho cuộc sống vùng sơn cước buổi hoàng hôn. Chưa hết, đằng sau, thấp thoáng trong bức tranh ấy còn có người tù nữa, một người chiến sĩ có con mắt nhìn hiện thực một cách sống động, nhìn sự vật theo hướng vận động, tạo nên sự tươi sáng, lạc quan của bức tranh chiều tối, gợi nên niềm vui vào lao động, vào đấu tranh, vào ngày mai tươi sáng. Đây không phải là hiện tượng hiếm thấy trong thơ Hồ Chí Minh, trong “ Nhật kí trong tù”. Chúng ta đã đọc nhiều bài thơ của Người, và chúng ta đã từng bắt gặp hình ảnh “ chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn”, chúng ta đã từng thấy cảnh “ Mặc dù bị trói chân tay” nhưng vẫn thấy “ Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng” trong thơ của Người.
Ngoài nét đẹp của bài thơ như đã phân tích, ta cũng nhận thấy ở đây một ý nghĩa nữa : tình yêu thiên nhiên và đặc biệt là lòng yêu quý, trân trọng con người lao động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“ Chiều tối” vì thế là một bài thơ hay, một bức tranh đẹp, một bài ca lao động của một con người yêu tự do, yêu thiên nhiên và yêu cuộc sống, của một nhà thơ, một chiến sĩ chiến đấu cho tự do. Người đó là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, là Chủ tịch Hồ Chí Minh.