Văn 9 Bài thơ "Ánh trăng" gợi suy nghĩ gì?

Trần Tuyết Khả

Cựu Mod Văn | Cựu phó CN CLB Địa
Thành viên
13 Tháng hai 2018
2,356
6,278
616
21
Hà Nội
Trường THPT Hoài Đức A
Bài thơ" Ánh Trăng" của Nguyễn Duy gợi cho em suy nghĩ gì?
Bạn tham khảo dàn ý nhé
MB: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và đạo lý uống nước nhớ nguồn được gợi ra từ văn bản.
TB:
- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ "Ánh trăng" được sáng tác vào năm 1978 trong một đêm mất điện tại thành phố Hồ Chí Minh, ba năm sau khi đất nước thống nhất. Sống trong hoà bình, cuộc sống vật chất và tinh thần được đầy đủ, tiện nghi hơn, có ít người đã quên đi quá khứ nghĩa tình, thủy chung. Bài thơ là lời nhắc nhở bản thân cũng như tất cả mọi người về đạo lí ân nghĩa thủy chung, uống nước nhớ nguồn.
- Kí ức về vầng trăng trong quá khứ và hiện tại
+ Mối quan hệ giữa người và trăng trong quá khứ rất gắn bó, thân thiết
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ.

+ Vầng trăng tuổi thơ trải rộng trên một không gian bao la với đồng, sông, bể, rừng. Điệp từ "với" cùng những câu thơ ngắn và giọng kể thủ thỉ, tâm tình đã gợi lại một quãng thời gian dài gắn bó với vầng trăng từ thời niên thiếu đến khi trưởng thành.
+ Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, vầng trăng lại càng có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời người lính. Mối quan hệ ấy đã được nhân hoá để trở thành tri kỉ. Trăng với người gắn bó trong tình cảm vô tư, trong sáng, chân thành, không vụ lợi, toan tính.
+ Phép so sánh "Trần trụi với thiên nhiên/ Hồn nhiên như cây cỏ" lại một lần nữa khẳng định tình cảm gắn bó, chan hoà với thiên nhiên.
+ "ngỡ không bao giờ quên/ cái vầng trăng tình nghĩa" Song, từ "ngỡ" đã báo trước sự thay đổi.
+ Mối quan hệ trong hiện tại không còn như xưa
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường

+ Không gian đã thay đổi, không còn ở "đồng sông bể rừng" nữa mà chuyển qua nơi phồn hoa với "ánh điện, cửa gương". Chiến tranh đã qua đi, cuộc sống yên bình trở lại, con người được sống no đủ, hạnh phúc nhưng tình cảm lại thay đổi. Con người đã quên lãng những kỉ niệm đẹp thời quá khứ và coi như "người dưng qua đường".
+ Nhà thơ đã tạo ra sự đối lập về hoàn cảnh sống của con người trong quá khứ và hiện tại. Vầng trăng- đại diện cho quá khứ- vẫn lặng lẽ bên cạnh con người nhưng giờ đây, con người đã lãng quên.
- Tình huống bất ngờ làm chuyển mạch cảm xúc
+ Sự lãng quên vô tình có thể là mãi mãi nếu không có tình huống bất ngờ khơi gợi lại
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn

+ Bốn câu thơ với hai từ "thình lình" và "đột ngột" được đảo lộn trật tự nhấn mạnh sự việc bất thường: đèn điện tắt, phòng tối om.
+ Vầng trăng không phải chỉ khi đèn tắt mới đột ngột xuất hiện mà nó vẫn toả sáng, vẫn đồng hành cùng con người bấy lâu nay. Tình huống là lời nhắc nhở, sự thức tỉnh trong tâm hồn người lính, gợi nhớ về quá khứ, đạo lý ân nghĩa thủy chung. Hay đó còn là lời nhắc nhở cho tất cả mọi người.
- Suy ngẫm về hình ảnh ánh trăng
+ Nhà thơ lặng lẽ đối diện với vầng trăng
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng

+ Nhà thơ đối diện với vầng trăng chính là đối diện với quá khứ, cũng là đối diện với lương tâm để tự vấn và nhận ra, ân hận về sự bội bạc của mình
+ Cái "giật mình" của lương tâm nhà thơ thật đáng trân trọng.
KB: Khẳng định và khuyên con người có lối sống, đạo lý ân nghĩa thủy chung.
 
  • Like
Reactions: ~ Su Nấm ~
Top Bottom