Tớ làm nè
Theo khoa học, dừa nước là loài cây họ cau duy nhất mọc trong vùng đất sình lầy, dọc theo bờ sông và cửa sông đổ ra biển, nơi có dòng nước chảy chậm. Trong tự nhiên, dừa nước sinh sôi phát tán rất nhanh theo sự đưa đẩy lên xuống của dòng thủy triều. Những hạt dừa khô già sẽ rơi rụng xuống, trôi theo dòng chảy của con sông, rồi mọc mầm, nhân giống nhanh, để rồi lấn sông, lấn biển, mở rộng cõi bờ…
Trong “đoàn quân lấn biển”, dừa nước là cây đi sau cùng. Những cây đước, cây tràm, cây mắm là đội quân đi tiên phong, thả những chùm rễ buông thõng xuống nước sâu ngập đầu để cắm những cột mốc đầu tiên. Dừa nước đi sau, với nhiệm vụ giữ lại phù sa dinh dưỡng, giữ lại tinh túy từ thiên nhiên ban tặng để vun đầy, bồi đắp... Cứ thế, nước ròng rồi lại nước lên, năm này qua năm nọ, bãi bồi được hình thành, đất lại nối đất, đất liền nới rộng ra, màu mỡ.
Trong cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta, rừng dừa nước là nơi nuôi giấu và hoạt động kháng chiến của cán bộ, bộ đội và nhân dân Nhà Bè. Nếu gọi Củ Chi quê tôi là “căn cứ chìm”, chìm trong lòng đất, ở mặt trận Tây Bắc thành phố thì rừng dừa nước ở Cần Giờ, Nhà Bè là những “căn cứ nổi”, theo nghĩa đen, nổi trên mặt nước, ở mặt trận Đông Nam thành phố. Nghe kể lại, Nhà Bè xưa kia là “vùng trắng”, giặc Mỹ tùy tiện thả bom ác liệt bất kể ngày hay đêm. Sau những trận bom, dừa nước cũng vẫn xanh tươi với những thân lá đứng thẳng, vẫn giương cờ phất phơ qua lại như giễu cợt với đạn bom Mỹ, vẫn hiên ngang bám đất giữ làng. Có rất nhiều đồng bào ta hy sinh ngay dưới chân những bụi dừa nước đó, vùi trong bùn - đất và nước! Rừng dừa nước lại mở lòng bao dung trở thành chiếc áo quan khổng lồ để bảo bọc, chở che cho lớp lớp thi hài vì nước quên thân của đồng bào ta trong thời kháng chiến khốc liệt đó.
Đất nước hòa bình, rừng dừa nước lại nuôi dân nghèo bằng chính những thân, lá và hoa trái của mình. Rừng dừa nước trở thành nguồn sống cho nhiều người dân. Đốn lá dừa để bán là nghề lâu năm của nhiều người dân nơi đây. Lá dừa nước dùng để lợp nhà, rất mát. Nước dừa nước là thức uống tinh khiết và mát dịu. Mật nhựa dừa nước có nồng độ đường rất cao, dùng để lên men để tạo thứ rượu uống rất ngon. Những gốc dừa chìm ngập trong bùn và nước là nơi cung cấp cho dân nghèo những cua, tôm cá…, nhiều vô kể. Những học sinh của tôi cũng thường hay hì hụp dưới những bụi dừa nước sau giờ học, mặt mũi lấm lem bùn đất, mò từng con cua, con cá để phụ thêm vào nguồn sống cho gia đình. Cá nhỏ thì giữ lại ăn, cá lớn thì đem bán mua gạo để trong nhà, rất đạm bạc!
Ngày nay, đất nước đang trên đường công nghiệp hóa hiện đại hóa để theo kịp đà tiến không ngừng của các nước trong khu vực và thế giới. Những khu công nghiệp tập trung với máy móc hiện đại, những khu dân cư được quy hoạch đẹp đẽ đàng hoàng mọc lên ngay trên mảnh đất của dừa nước ngày xưa. Đó âu cũng hợp với quy luật phát triển tự nhiên của xã hội văn minh vậy. Có thể nói rằng, cây dừa nước đã hoàn thành sứ mệnh hòa bình trong một giai đoạn lịch sử khốc liệt nhất của quân và dân Nhà Bè. Hình ảnh cây dừa nước rất khó phai nhòa trong tiềm thức của nhiều người nơi đây. Nó mãi mãi tồn tại trong lòng các thế hệ con em chúng ta như một biểu tượng của sự thủy chung, chịu đựng, hy sinh nhưng cũng rất bao dung và nhân hậu.
Vài dòng suy nghĩ nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27.7, như một nén nhang thắp dâng những anh hùng xả thân cho vùng đất Nhà Bè hôm nay.