Bài tập làm Văn Số 3

Q

qu0cca1212

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đề : Thuyết về chiếc áo dài Việt Nam

Khi nói đến khía cạnh thẩm mỹ, văn hóa và trang phục truyền thống của người Việt, người ta thường nghĩ ngay đến tà áo dài và chiếc nón lá, thật vậy trải qua từng thời kỳ, từng giai đoạn cùng với những diễn biến của quá trình phát triển lịch sử, tà áo dài Việt Nam luôn tồn tại cùng với thời gian, được xem là trang phục truyền thống mang tính lịch sử lâu đời của phụ nữ Việt.

Cho đến nay, vẫn chưa ai biết rõ được nguồn gốc chính xác của chiếc áo dài, nhưng nếu ngược dòng thời gian tìm về cội nguồn, hình ảnh chiếc áo dài Việt với hai tà áo thướt tha trong gió đã được tìm thấy qua các hình khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ cách nay khoảng vài nghìn năm. Theo truyền thuyết kể lại, khi cưỡi voi xông trận đánh đuổi quân Hán, Hai Bà trưng đã mặc áo dài hai tà giáp vàng, che lọng vàng. Rồi do tôn kính hai bà, phụ nữ Việt tránh mặc áo hai tà mà thay bằng áo tứ thân. Một lý do khác xem chừng cũng cũng có vẻ hợp lý là thời trước kỹ thuật còn đơn giản, thô sơ và mộc mạc, không thể dệt vải theo khổ lớn được, nên người ta phải ghép bốn mảnh vải lại mới có thể tạo ra được một chiếc áo dài - áo dài tứ thân.Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, áo dài tứ thân cũng trôi nổi nhưng vẫn tồn tại và không thể bị xóa bỏ. Rồi chịu ảnh hưởng và thay đổi theo thời gian, trong khoảng từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, để có dáng dấp trang trọng và mang vẻ quyền quý hơn, phụ nữ nơi thành thị đã biến tấu kiểu áo ngũ thân từ chiếc áo dài tứ thân nhằm thể hiện sự giàu sang cũng như địa vị xã hội của người phụ nữ, đồng thời chiếc áo ngũ thân cũng là biểu hiện của ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Giống như một quy luật, thời trang cũng đi liền với diễn biến của lịch sử, chiếc áo dài ngũ thân vẫn không thể là điểm dừng của trang phục truyền thống Việt, khoảng những năm 1932 trở đi, làn sóng văn hóa Tây Âu du nhập vào Việt Nam đã làm ảnh hưởng đến thị hiếu của người dân, đặc biệt là quan niệm về thẩm mỹ đối với áo dài. Thời kỳ này một nhân vật có tên là Cát Tường, tung ra kiểu áo dài mới gọi là áo dài Lemur, chữ Le mur trong tiếng Pháp có nghĩa là “cái tường”, là một cách đặt tên theo họa sĩ Cát Tường. Chiếc áo dài này được cắt may theo kiểu Tây phương nối vai ráp tay phồng, cổ bồng... hoặc được khoét hở cổ. Vài năm sau khi áo dài Lemur xuất hiện và có nhiều trào lưu khen chê khác nhau, họa sĩ Lê Phổ đã cải tiến chiếc áo này, loại bỏ những đường nét Tây phương táo bạo để dung hòa với kiểu áo ngũ thân cũ tạo ra kiểu áo cổ kín vạt dài ôm sát thân người để hai tà áo tự do bay lượn.
Cho đến cuối thập niên 50, trong một buổi lễ khai mạc, phu nhân ông Ngô Đình Nhu, bà Trần Lệ Xuân đã xuất hiện với kiểu áo dài không cổ và tạo ra một làn sóng thời trang áo dài hở cổ mới. Khoảng đầu những năm 1960, áo dài tay raglan với chiếc quần xéo ống rộng trở nên phổ biến…Cuối những năm 1960, đầu những năm 1970, tại miền Nam, nơi mà làn sóng Hippy của nền văn hóa phương Tây tác động mạnh mẽ, tuy không tồn tại lâu nhưng phong trào áo dài hippy cũng đã xuất hiện. Hình ảnh thiếu nữ trong trang phục áo dài với các sắc màu rực rỡ thể hiện nét đặc trưng của người phụ nữ hiện đại thời kỳ này. Qua nhiều giai đoạn và thời kỳ lịch sử, áo dài đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Việt, là sản phẩm văn hóa không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của phụ nữ Việt.
Trong cuộc sống hằng ngày của phụ nữ Việt…
Không giống như kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc hay Sari, trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ, người mặc không cần tốn nhiều thời gian, lại đơn giản, gọn gàng, duyên dáng mà thanh lịch, có lẽ chính vì vậy mà áo dài - trang phục truyền thống đã “len lỏi” vào cuộc sống hằng ngày của phụ nữ Việt một cách tự nhiên và dễ dàng. Không gì đẹp mắt và thanh bình cho bằng khi mỗi sáng từng nhóm nữ sinh trong bộ đồng phục áo dài trắng thướt tha đổ về các cổng trường. Trên chững chuyến bay đường dài với những sự thay đổi thời tiết và khí hậu đột ngột dễ gây mỏi mệt và bực bội đối với những hành khách trên không, hình ảnh những thiếu nữ Việt xinh tươi đằm thắm trong tà áo dài chính là “linh hồn” làm dịu đi những nỗi mệt nhọc cho hành khách của chuyến bay. Không chỉ có thế, ngày nay tại các công sở, cũng dễ dàng tìm thấy hình ảnh những phụ nữ gọn nhẹ trong tà áo dài nhưng vẫn hoạt bát nhanh nhẹn xử lý công việc thật ngăn nắp, chỉnh chu. Đúng như lời nhận xét của một chuyên gia thời trang Đông Nam Á: “Áo dài Việt Nam tạo ra sự thoải mái cho người phụ nữ. Trong khi áo dài Trung Quốc có một số hạn chế, áo dài Việt cho phép người mặc có thể hoạt động tự do và nó cũng có sức cuốn hút hơn”.

Vào khoảng tháng 06.2001, lần đầu tiên áo dài Việt Nam được giới thiệu tại thành phố Tour, Pháp với sự tham dự của khoảng 300 người hâm mộ văn hóa Việt, chiếc áo dài được xem là di sản văn hóa phi vật thể của nước Việt. Một cô gái người Singapore gốc Trung Quốc từng phát biểu: “nhiều người đang có khuynh hướng làm đẹp theo kiểu phương Tây nhưng với tôi và không ít người khác lại muốn kế thừa những nét đẹp Á Đông. Áo dài đưa chúng tôi trở về với những giá trị châu Á”. Không chỉ tại châu Á, trong con mắt người phương Tây, từ lâu chiếc áo dài cũng đã được chú ý, chị Susan, một phụ nữ gốc Anh sống ở Úc từng qua công tác và làm việc ở Việt Nam, đã tìm may và sưu tầm cho mình ba bộ áo dài đẹp để mặc vào những dịp lễ hội khi chị còn ở Việt Nam, khi về nước chị đã kỹ càng gói lại và đem về mặc lại cho những người thân của mình xem khi có dịp. Và như là một hình thức để giới thiệu về đất nước và con người Việt, đài truyền hình KBS của Hàn Quốc cũng đã từng làm một bộ phim dài 30 phút về áo dài Việt Nam để trình chiếu tại nước này.
“Ở đâu có phụ nữ Việt - ở đấy có áo dài Việt”. Áo dài không chỉ đơn thuần là trang phục truyền thống, mà chính là một nét văn hóa nói lên nhân sinh quan và gói trọn tinh thần Việt. Đó chính là “quốc hồn” của phụ nữ Việt
 
Q

qu0cca1212

Đề : Thuyết minh về món ăn đặc sản ở địa phương em

Đến Đà Nẵng, nếu muốn thưởng thức các món ngon của Đà Nẵng thì bạn không thể bỏ qua món bánh xèo. Ai đã từng một lần thưởng thức, chắc hẳn sẽ nhớ mãi.
Bánh xèo Đà Nẵng không to như chiếc bánh xèo Sài Gòn, cỡ chiếc mâm, năm sáu người ăn mới hết; cũng không quá nhỏ để mang tên bánh khoái như ở Huế. Và cách chế biến bánh xèo của Đà Nẵng cũng khác lạ.

Nguyên liệu chính để làm bánh xèo ngoài bột gạo còn có tôm, thịt để làm nhân bánh xèo.

Bộn gạo xay trộn thêm đậu xanh, màu bột nghệ, nước cốt dừa pha với lượng nước vừa đủ để bánh khỏi bị nhão hoặc khô rồi khuấy cho đều. Bắc chảo lên bếp tráng bánh. Nhân bánh (tôm, thịt…) được ướp gia vị, xào sơ qua rồi mới đưa vào sau khi bột chín. Bỏ thêm ít giá sống để tạo mùi vị riêng biệt. Để đúc món bánh xèo, người đúc bánh phải ngồi bếp liên tục, do đó mùa mưa là thời điểm thích hợp để làm bánh xèo.

Nước lèo (nước tương) để chấm bánh xèo được chế biến bằng gan heo xay nhuyễn trộn với thịt bằm và đậu tương theo một công thức gia truyền. Tất cả các thành phần trên trộn lại được chế biến công phu theo một tiêu chuẩn phối hợp gia vị nhất định.

Để có thưởng thức món bánh xèo một cách trọn vẹn, cũng không thể thiếu rau sống. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm: rau diếp cá, rau cải xanh, rau húng, vả, khế chua…

Nhìn những chiếc bánh xèo vừa gắp ra đĩa vàng giòn, thơm phức là thực khách muốn thưởng thức ngay. Bánh xèo phải ăn nóng mới ngon, làm tới đâu ăn tới đó. Việc thưởng thức bánh xèo là sự kết hợp nghệ thuật giữa tay, miệng, mắt và mũi. Tay cuốn bánh phải đẹp, mắt phải nhìn bánh, mũi ngửi mùi thơm của bánh và miệng nhai bánh thật nhuần nhuyễn...
Tiêu chuẩn ăn Bánh xèo ngon là nhờ nước tương, bánh phải giòn vừa phải có mùi béo ngậy của dầu phụng, vị ngọt của tôm và thịt nạc, rau phải xanh và đủ loại, thiếu 1 trong các yếu tố trên thì chưa phải là 1 đĩa bánh xèo ngon. Bánh phải ăn nóng mới đúng điệu, tức làm đến đâu ăn đến đấy và khi ăn không dùng đũa mà chỉ dùng tay. Khi thưởng thức bánh xèo ngoài việc dùng khứu giác, vị giác ra, bắt buộc người ăn phải dùng đến xúc giác, thính giác mới thấy hết phần hấp dẫn.
 
Last edited by a moderator:
Q

qu0cca1212

Đề : GIới thiệu về danh lam thắng cảnh ở địa phương em

Trên con đường xuyên Việt qua dãi đất miền Trung đầy nắng gió, từ lâu đèo Hải Vân đã nổi tiếng là đường đèo đẹp nhất và cũng hiểm trở nhất Việt Nam ; trên hành trình vào Nam ra Bắc không có nơi nào đèo cao chênh vênh, cảnh vật ngoạn mục như ở đây. Đường đèo men theo triền núi, uốn lượn như dải lụa vắt ngang giữa trời mây đã trở thành nơi thưởng ngoạn lý tưởng của du khách.
Mỹ danh “Đệ nhất hùng quan” của con đường đèo này được “ấn định” cách đây hơn 500 năm do vua Lê Thánh Tông, một lần vi hành đã dừng lại trên đỉnh đèo Hải Vân ngắm cảnh làm thơ, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hùng vĩ cảm cảnh sinh tình nơi đây mà đặt . Ngay trên đỉnh dèo, dấu vết tiền nhân vẫn còn để lại: những cửa đèo và thành lũy đắp ngang. Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ: Hải Vân Quan, cửa trông xuống Quảng Nam đề Thiên hạ đệ nhất hùng quan . Theo chiều sâu lịch sử thì xưa kia, đèo Hải Vân thuộc hai châu Ô, Rí của Champa. Đây là món quà cầu hôn của vua xứ Champa với công chúa Huyền Trân đời Trần.
Thuở ấy, đèo Hải Vân bị chắn bởi thảm rừng dày đặc, nhiều lục lâm thảo khấu và cả những con thú trong rừng cùng với địa hình hiểm trở khiến cho việc đi lại ở đèo Hải Vân trở thành huyền thoại với câu ca dao: “Đi bộ thì sợ Hải Vân/ Đi thuyền thì khiếp sóng thần hang Dơi”
Từ Đà Nẵng theo quốc lộ 1A về phía Bắc sau khi qua vùng Nam Ô, du khách bắt đầu lên đèo Hải Vân. Con đường đèo quanh co, ẩn hiện giữa trời mây, cây rừng và đá núi. Hải Vân là bức tranh thiên nhiên hoành tráng do kỳ công của tạo hoá và bàn tay con người tạo ra đến mức hài hoà . Du khách không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh vật hùng vĩ, đèo dốc hiểm trở, địa hình núi cao, vực sâu, rừng cây ngút ngàn, suối khe róc rách, khí hậu trong lành.
Có những lúc mây nhiều che phủ cả khúc đèo, mây quấn qúit như níu lấy chân du khách. Ở độ cao gần 500 mét so với mặt biển, đỉnh đèo Hải Vân là điểm ngừng nghỉ tuyệt vời. Du khách cảm thấy ngất ngây trước trời mây non nước, tận hưởng hết vẻ đẹp vô cùng ngoạn mục của cảnh núi cao, biển rộng có một không hai này.
Lên đỉnh đèo Hải Vân, du khách có dịp thả tầm mắt nhìn bao quát cảnh đồi núi trập trùng với mây trắng bay là đà như những bức tranh thủy mặc với cảnh đồi núi chập chùng mây trắng ngàn năm bay mãi ; ngắm đầm Lập An, làng chài Lăng Cô đẹp như tranh vẽ phía chân trời. Rồi từ phía nam, sóng biển vỗ quanh theo triền núi, thấp thoáng những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân rẽ sóng chạy ra khơi… Tiếp đó, du khách có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn. Xa hơn một chút là đỉnh Sơn Trà quanh năm mây phủ với câu ca gợi cho người nghe nhớ về một mối tình trắc trở của một đôi trai gái ở hai bên đèo Ải: “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà. Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm” và“Chiều chiều mây phủ Ải Vân. Chim kêu ghềnh đá gẫm thân lại buồn”.
Ngoài ra du khách có thể chiêm nhưỡng những di tích lịch sử như Hải Vân Quan vào đời Vua Minh Mạng sau khi lên ngôi đã đến thăm cảnh đẹp của Hải Vân quan và cho dựng cổng đá tại đỉnh đèo có khắc chữ “Đệ nhất hùng quan”. Cổng đá nay vẫn còn sừng sững trên đỉnh đèo và được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia . Bước chân lên Hải Vân Quan còn thấy gần chục lô cốt rất vững chắc, dẫu không còn sử dụng nhưng sừng sững giữa trời như chứng tích. Những lô cốt này được người Pháp xây dựng lên từ hàng trăm năm trước, có nhiều hình dạng, quay về các hướng khác nhau để canh phòng, kiểm soát tuyến đường huyết mạch nối liền đất nước. Những lỗ châu mai – nguyên là đài quan sát, những họng súng… giờ đầy hoa cỏ, lau lách bình yên. Nó đã chứng kiến bao thăng trầm của đất nước, bao cuộc chiến đi qua, bao nhiêu đoàn du khách tứ phương về thưởng ngoạn khu danh thắng…
Đèo Hải Vân có một đặc điểm khác con đèo khác, đó là dưới chân là biển xanh sóng dạt dào, trên đầu là biển mây bồng bềnh, nắng cuộn với mây phản chiếu dưới mặt nước biển xanh. Sự hiểm trở của núi rừng tạo nên một Hải Vân hùng quan.
Cái vẻ nguyên sơ từ hàng ngàn năm trước, biết bao người đã đặt chân tới đây? Đã có ai trở về, đi được đến đích, hoặc chỉ đơn thuần là để thưởng ngoạn? Không rõ. Nhưng đã có khá nhiều tao nhân mặc khách đã phải thốt lên những lời khâm phục trước bậc thầy vĩ đại thiên nhiên
Mỗi mùa, đèo Hải Vân lại có một vẻ đẹp quyến rũ khác nhau. Mùa hè, trời trong xanh, biển nước xanh, và mây trắng. Mùa thu, từng hàng lau trắng phất phơ giữa vẻ bàng bạc của rừng núi, mang lại cảm xúc mênh mang cho kẻ lữ hành. Mùa đông, sương mù giăng khắp nẻo đường, ngăn cản bước chân hành khách, nhắc họ phải cẩn trọng khi di hành. Và, trên đường kinh lý, có ai người không dừng bước sơn khê? Dừng chân thả mắt ngắm những vạt hoa dại vàng rực rỡ, ngắm những con đường nhỏ uốn vòng quanh triền đèo.
Khách tới đèo Hải Vân, thường là chỉ đi ngang qua, dừng chân lại, chính vì vậy mà cảm xúc thường đến rất nhanh. Trời, mây, gió, non nước, hoa và cả khoảng không gian hùng vĩ này, hỏi ai không cảm thấy bâng khuâng trước cái nỗi buồn man mác nhưng rất đỗi mênh mông của tạo vật mà lại vương vấn đến bản thân, đến cuộc đời. Người khách qua đường, dừng chân uống bát trà tươi, thoáng nghe gió biển phảng phất đâu đây với vị mặn mà của biển Đông, nếu may mắn nữa, được nghe câu lý, câu hò “Lý hoài nam” chỉ mấy câu “Chiều chiều ơ chiều chiều, dắt bạn qua đèo. Chim nó kêu (nớ/bên nớ). Úy, óa, chi rứa. ức, ức… con vượn trèo. Kia bên kia, ơ hỡi con vượn trèo. Kia bên kia” thôi mà sao da diết lạ lùng!
 
Top Bottom