Mình search trên google như thế này.
Tình yêu là bản chất thiêng liêng và tự nhiên của con người cho nên dù ở thời đại nào, tình yêu bao giờ cũng là đề tài bất tận cho những áng văn chương.
Việt Nam chúng ta từ ngàn xưa là một quốc gia nông nghiệp. Với hình thể chữ S mềm mại uốn cong ven bờ Thái Bình Dương, với cảnh vật thiên nhiên kỳ tú như cỏ cây hoa lá, như núi cả sông sâu, như lũy tre xanh, như đồng ruộng óng ả lúa vàng,... hòa với tâm tình và lịch sử của dân tộc, quê hương Việt Nam đã có một nền văn chương bình dân hay bác học hết sức phong phú đầy nét vẽ chân thành pha lẫn những điểm tế nhị và sâu sắc.
Trong cái tình cảm đa dạng đó của dân tộc, tình yêu nam nữ đã vươn lên như cánh hoa nở trong vườn đời, tạo nên biết bao câu ca giao tình tứ , bao vần thơ truyền khẩu lãng mạn.
I. Giai đoạn tỏ tình.
Tình yêu đã nảy nở trong những buổi rạng đông khi sương mai còn ướt đẫm cỏ cây, khi chim muông còn đang ngại ngùng trong giấc ngủ, hay trong những buổi chiều tà khi mặt trời đã gác non đoài, với những đoàn trai gái trong làng vác cày rửa hái để trở về mái nhà tranh sau một ngày làm việc. Những làn khói cơm chiều lan tỏa vươn trong giải mây tím hòa lẫn với tiếng hát của trẻ mục đồng đang dắt trâu trở về, đã phác họa cho chúng ta hình ảnh một miền quê êm ả thanh bình.
Trên trời dưới nước, thấp thoáng sau lũy tre xanh, quanh co bên bờ đê ấp yêu ruộng đồng, rì rào bên sóng lúa chín vàng, mênh mang trong tiếng sáo diều vi vu... tất cả những hình ảnh đẹp đó đã gợi nên những vần thơ trao hỏi ý tình giữa trai gái trong làng.
Hãy nghe chàng trai mở đầu, hỏi người thôn nữ bằng một câu hỏi ỡm ờ, gợi ý xa xôi:
Hôm qua tát nước đầu đình
Để quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà.
Người con trai thật sự chưa chắc đã để quên cái áo, nhưng chàng cố ý gài người thôn nữ vào thế phải trả lời khi tỏ ý ngờ rằng nàng đã giữ cái áo của mình để làm tin. Cũng có khi chỉ là một câu hỏi bâng quơ nhưng diễn đạt bằng những câu thơ thật trữ tình của một đêm trăng sáng, chàng trai có nhiều hi vọng để được cô gái trả lời:
Hỡi cô tát nước đầu làng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
Nhiều khi chàng mạnh dạn hơn:
Cô kia cắt cỏ một mình
Cho tôi cắt với chung tình làm đôi
Cô còn cắt nữa hay thôi
Cho tôi cắt với làm đôi vợ chồng
Nhưng thường thì các chàng trai làng hỏi dọ ý một cách nhẹ nhàng hơn, không dùng hai chữ “vợ chồng” nghe có vẻ suồng sã, mà dùng hai chữ “kết duyên”, có vẻ thơ mộng hơn:
Hỏi xa anh lại hỏi gần
Hỏi em phỏng độ đương xuân thế nào
Thấy em là gái má đào
Lòng anh chỉ muốn ra vào kết duyên
Phía bên con gái, các thôn nữ không phải lúc nào cũng chỉ biết e lệ làm thinh, mà đôi khi cũng rất bạo dạn để ngỏ lời trước:
Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại em than vài lời.
Các cô bạo dạn, nhưng bạo dạn trong hồn nhiên:
Vào vườn hái quả cau xanh
Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu
Cử chỉ mời trầu đó không có tính cách lơi lả, mà chỉ chứng tỏ rằng người thôn nữ muốn sống thành thật với chính mình. Hai chữ “cau xanh” chỉ mối tình son trẻ, hai chữ “xơi trầu” có ý nghĩa trân trọng. Và bốn chữ ghép lại thành hai chữ “trầu cau” chỉ sự mong ước cho một mối duyên Tấn Tần. Người con trai chắc chắn không thể nào không nhận miếng trầu mời bởi người con gái trong cái cung cách lịch sự ấy.
Nhưng các cô thôn nữ nhiều khi sợ mình yêu mà chưa chắc đã được yêu, hay sợ tình yêu của mình đến chậm chăng, nên đôi lúc các cô cũng quanh co rào trước đón sau:
Anh đà có vợ con chưa
Mà anh ăn nói ngọt ngào có duyên
Mẹ già anh ở nơi nao
Để em tìm vào hầu hạ thay anh.
Những câu tỏ tình như đã kể trên thường chỉ là những câu mà trong lúc vắng vẻ, hai người đã hỏi ý cùng nhau. Tất cả đều là những câu mộc mạc chân tình, nhưng không kém vẻ lãng mạn trữ tình.
Trong những dịp hội hè có hát đối giữa hai nhóm trai gái của hai làng kế cận, những câu tỏ tình được gợi ra thật nhẹ nhàng bóng bẩy, như có chất thơ.
Bên con trai hỏi:
Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa
Bên con gái đáp:
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào
Hay lãng mạn hơn:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ trước gió biết vào tay ai
Thật là những câu đối đáp hết sức thi vị, mượn ngoại cảnh để nói lên nỗi lòng. Bảo rằng văn chương bình dân, nhưng nhiều khi còn trữ tình và thơ mộng hơn văn chương bác học. Chẳng hạn như nói tới lứa tuổi đôi mươi của người thôn nữ, phong cảnh đồng nội hữu tình đã được lồng trong ước mộng vàng son của lứa đôi:
Ngọc còn ẩn bóng cây tùng
Thuyền quyên còn đợi anh hùng sánh vai.
Người con gái cũng như bông hoa còn đang giấu nhụy để chờ ngày khoe sắc với chàng bướm lang quân.