Chuyện tình một thuở còn vương mãi / Cho đến bao đời nhớ Mỵ Châu… Nếu không có câu chuyện bi thảm đó, mối tình đó hẳn không được truyền lại đời đời về sau và mỗi thế hệ sau này, qua hàng ngàn năm khi nhắc đến mối tình đó đều không khỏi xúc động, cảm thông…”, đó là lời dẫn của nhà văn Thái Vũ khi ông đặt bút viết “Tình sử Mỵ Châu”.
Từ xa xưa, Thúy Kiều – Kim Trọng trong Truyện Kiều (Nguyễn Du), tình yêu thời Vua Hùng đến An Dương Vương Thục Phán (con của Âu Cơ và Lạc Long Quân với tích trăm trứng đẻ trăm con), truyền thuyết về Sơn Tinh - Thủy Tinh tranh giành công chúa Mỵ Nương, việc thần Tản Viên (Nguyễn Tuấn) lấy công chúa Ngọc Hoa, sự tích “Trầu cau”; rồi Mỵ Nương cùng chàng Trương Chi “người thì thậm xấu hát thì thậm hay” cho đến Tiên Dung - Chử Đồng Tử... hay ở phương Tây, mối tình Romeo và Juliet trong kịch Shakespeare, Roses và Jack (trong vụ chìm tàu Titanic năm 1911) trong phim Titanic… là những mối tình sâu nặng, đi kèm với những bi kịch, nhưng tấn thảm kịch Mỵ Châu - Trọng Thủy - là một mối tình có lẽ lạ nhất từ trong lịch sử kể cả phương Đông lẫn phương Tây. Thời Đông Chu Liệt Quốc, việc Phạm Lãi hy sinh người yêu là Tây Thi để báo quốc đã dùng kế “mỹ nhân” mê hoặc Ngô Phù Sai để Việt vương Câu Tiễn mười năm nằm gai nếm mật báo thù. Thời An Dương Vương thì Triệu Đà với dã tâm chiếm Âu Lạc đã dùng “nam nhân kế” gửi con trai là Trọng Thủy sang ở rể, làm con tin ba năm, nhằm tìm bí truyền về “nỏ thần” Âu Lạc. Trọng Thủy tuy vì hiếu nhưng một mực chung thủy cùng Mỵ Châu. Cái chết của Mỵ Châu là nỗi đau lớn nhất khi “Trọng Thủy đã từ bỏ một ngai vàng, từ bỏ cả chính đời mình, căm thù điều ác từ một người cha ruột thịt. Anh đã về với TÌNH YÊU”. Ở góc độ nào đó, Trọng Thủy đã vẹn tròn chữ hiếu với cha, tròn trách nhiệm với nước và cao quý hơn với nghĩa vụ làm chồng. Vì thế khi hay tin Mỵ Châu bị vua Chủ chém chết, chàng đã tự vẫn nơi giếng Ngọc, “chết bên giếng Ngọc, như cố ôm lấy giếng Ngọc giữ cho màu nước trong xanh và ngọt mát, giữ lấy gương mặt Mỵ Châu…”.
Nhà văn Thái Vũ đã dựa vào truyền thuyết thần Kim Quy, đó là “kế” của tướng Cao Lỗ xây thành Cổ Loa, móng rùa làm nỏ… lấy nhiều sử liệu thời Đông Chu Liệt Quốc cho đến Chiến Quốc, mười tám đời vua Hùng dựng nước… kể cả Kinh Thi của Khổng Tử làm cho câu chuyện thêm lung linh và một điều hết sức quý, đó là từ trong trang sách, độc giả hiểu thêm về truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ, An Dương Vương Thục Phán… Chứng tỏ nhà văn nghiên cứu sử liệu, tư liệu công phu, nghiêm túc tuy chỉ là câu chuyện dã sử. Thái Vũ đã lý giải về TÌNH YÊU - đề tài muôn thuở của nhân loại từ buổi khai thiên lập địa cho đến muôn sau và mãi mãi vẫn… đẹp.
Nhà văn Thái Vũ đã minh oan cho Mỵ Châu - Trọng Thủy rằng: “Tình tiết chung quanh việc con trai Triệu Đà - Trọng Thủy - sang ở rể để điều tra tình hình và đánh cắp bí mật quân sự, cùng với câu chuyện tình giữa Trọng Thủy và công chúa Mỵ Châu, thì đó có thể chỉ là truyền thuyết, do người sau tạo nên… Khôn và dại như nhau khi ngã vào… tình yêu! Mỵ Châu vì quá yêu Trọng Thủy nên đã lộ bí mật quốc gia - kỹ thuật nỏ thần - và rải lông ngỗng dẫn đường cho Trọng Thủy đuổi theo hướng mình đi nhưng chính lại là dẫn đường cho quân Triệu Đà đuổi theo dấu vết An Dương Vương. Cái chết bi thảm của Mỵ Châu là kết quả của mối tình chung thủy đó. Nhưng nếu chỉ có một mình Mỵ Châu chung thủy và cái chết của nàng là “hết chuyện” thì chuyện tình chỉ dừng đến đó và người đời không ai nhắc nhở làm gì. Đến đây, vai trò Trọng Thủy nối tiếp sau cái chết của Mỵ Châu mới làm nên chuyện… Cảm tình muôn đời đối với riêng Trọng Thủy chính là vì vậy, và dường như người ta… bỏ lơ, quên đi vai trò phản bội của anh ta trước đó”.
“Tình sử Mỵ Châu" (Nhà xuất bản Thanh Niên, 2004) có bốn phần và một chương kết. Điều hấp dẫn độc giả, đó là nhà văn Thái Vũ ở mỗi phần đều có tựa thơ dẫn đề do chính ông sáng tạo như: Ô hay! Hoa đào, hoa đào/ Đến với mùa xuân / Ai kia một lần… / Tương tư! Thành Loa! Thành Loa/ Đất xưa thành cũ/ Chuyện từ đây muôn thuở lưu truyền/ Có phải Mỵ Châu gây nên tội / Cho thành Loa cổ ngậm hờn oan?/ Chuyện tình ai dễ quên ai. Càng cảm động hơn, khi cái chết bi thảm của Mỵ Châu được nhà văn thông qua hình ảnh ẩn dụ để miêu tả:
“Già nhìn Mỵ Châu, nhìn chiếc áo lông ngỗng lót vải hồng, chợt hiểu. Già nói:
-Giặc nào ở đâu xa! Sau lưng nhà vua đó thôi!
An Dương Vương quay đầu lại: sau lưng chỉ mỗi một mình Mỵ Châu.
-Giặc ư? Con ta…
Tiếng nghẹn trong cổ họng khi vua Chủ nhìn tấm áo lông ngỗng.
-Trời!
Cơn giận ngập lút cổ.
Mỵ Châu cũng chợt hiểu. Cô tụt xuống ngựa, quỳ thưa:
-Con có lòng nào thì xin hóa thành rơm rác, còn không, cha ơi, con xin hóa làm đá…
Thép không hòa với máu, nhưng máu đã nhòe ánh thép. Mỵ Châu và cô gái bận màu hồng! Máu?”.
"Tình sử Mỵ Châu" của nhà văn Thái Vũ một phần nào đóng góp vào nền văn học sử, một mặt nhìn nhận lại một tình yêu vốn xưa nay được hiểu đơn thuần ở góc độ lịch sử. Âm mưu không giết nổi tình yêu, chính vì vậy, tình yêu luôn có bi kịch, bi kịch nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp và sức mạnh.