5 lưu ý với đề thi ĐH năm 2007 (26-5-2007)

M

Moderator

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Để vượt qua được những thách thức trong đề thi ĐH năm nay, có 5 lưu ý sau cho thí sinh:

1. Thí sinh chỉ được làm 1 lựa chọn, nếu không sẽ bị huỷ kết quả thi

Đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH năm nay sẽ bao gồm hai phần, một phần chung bắt buộc cho cả học sinh phân ban và không phân ban, một phần tự chọn dành cho hai đối tượng học sinh phân ban và không phân ban.

Tuy nhiên, hai đối tượng học sinh trên hoàn toàn có quyền được lựa chọn phần đề nào thích hợp nhất với mình chứ không bắt buộc học sinh phân ban phải theo đề của phân ban và ngược lại. Nhưng, nếu thí sinh làm cả hai lựa chọn (làm cả hai phần phân ban và không phân ban) thì bài làm coi như bị phạm quy và không được chấm.

2. Không nên chọn lệch ban đã học

Trong nhận thức của hầu hết học sinh THPT theo học chương trình phân ban, các em đều cho rằng chương trình phân ban khó hơn hẳn chương trình không phân ban, vì thế, nếu làm theo đề phân ban thì các em sẽ thiệt nhiều vì đề của phân ban chắc chắn sẽ khó hơn.

Năm nay, Bộ GD-ĐT không “ép” thí sinh học chương trình nào phải làm bài theo chương trình ấy, nhưng thực tế cho thấy, nếu đề không phân ban dễ hơn đề phân ban thì vẫn hoàn toàn bất lợi cho thí sinh theo học chương trình phân ban vì “dễ” nhưng không được học kỹ thì cũng khác gì đánh đố! Vì thế, tốt nhất học sinh theo học chương trình nào thì chọn phần đề ra dành cho chương trình đó.

Mặt khác, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cũng khẳng định không thể xảy ra tình trạng đề khó đề dễ như vậy. Đề thi sẽ được biên soạn phù hợp với đối tượng dự thi, bảo đảm mặt bằng chất lượng chung và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh theo học chương trình phân ban thí điểm.

3. Hãy tập cách thoát khỏi sự lệ thuộc của Atlat và Bảng tuần hoàn Mendelev

Hiện nay, trong xu hướng học của học sinh có nổi lên một điểm rất đáng lo ngại là học sinh khối C quá phụ thuộc vào Atlat và học sinh khối A, B thì là Bảng tuần hoàn Mendelev. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do cả hai “vị cứu tinh” này của thí sinh, trong khi được thoải mái mang vào phòng thi đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT thì lại bị coi là phạm quy trong kỳ thi tuyển sinh ĐH.

Chính vì hai quy định trái ngược này, nhiều thí sinh đã rơi vào tình trạng hụt hẫng khi giải bài thi ĐH. Thậm chí, nhiều thí sinh khối C đã không làm được gì môn Địa lý khi thiếu Atlat.

Vì vậy, mặc dù được cho phép nhưng ngay trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, đối với học sinh dự thi khối C không nên sử dụng Atlat và đối với học sinh dự thi khối A và B không nên sử dụng Bảng hệ thống tuần hoàn Mendelev. Đó là một cách chuẩn bị tinh thần rất tốt trước khi đối mặt với bài thi tuyển sinh ĐH.

4. Cảnh giác với “bẫy”

Một đặc điểm khác nhau cơ bản giữa đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi ĐH, đó là sự “cài bẫy” của người ra đề. Đối với đề thi ĐH, hầu như trong câu hỏi nào người ra đề cũng “ý tứ” cài vào trong đó những câu hỏi mang tính “đánh lừa”, thí sinh nếu không nắm thật vững kiến thức và có năng lực tư duy tốt thì cũng khó mà không bị “sập bẫy”.

Các câu hỏi “cài bẫy” thường không chiếm nhiều điểm và nó thường nằm ở vị trí rất kín đáo, tuy nhiên, đó lại chính là những câu hỏi mang tính phân loại cao để quyết định việc đỗ hay trượt ĐH của mỗi thí sinh.

Hiện, chưa tìm ra được một quy luật nào về vị trí mà người ra đề thường “đặt bẫy” trong các câu hỏi của đề thi ĐH. Vì thế, tốt nhất, trước khi bắt tay vào làm bài, thí sinh cần đọc rất kỹ đề. Đối với những câu hỏi nào chắc chắn được cách trả lời thì tiến hành làm trước, đối với những câu hỏi nào còn hoài nghi thì cần cân nhắc rất kỹ trước khi giải để tránh nhầm lẫn.

5. Đừng làm bài bằng kiến thức không có trong chương trình THPT

Nhiều thí sinh, để thể hiện mình đã vận dụng những cách giải bài vượt hẳn ra khỏi chương trình THPT với hy vọng sẽ được cộng thêm điểm thưởng. Tuy nhiên, quy định về cộng điểm thưởng cho thí sinh theo Quy chế tuyển sinh năm 2007 chỉ là đối với những bài giải có tính sáng tạo.

Thí sinh cần bám sát theo kiến thức của chương trình THPT. Việc sử dụng kiến thức cao hơn, ví dụ như của bậc ĐH, để làm bài là không được khuyến khích và tất nhiên không được cộng điểm thưởng về cách giải sáng tạo, thậm chí, thí sinh làm bài như vậy có thể bị thiệt thòi nếu người chấm thi không công nhận và đó là nguyên tắc chung trong chấm thi.

Vì thế, cách giải sáng tạo của thí sinh chỉ được phép nằm trong chương trình. Thí sinh có thể dùng bất cứ cách giải nào để ra đáp số, miễn là cách giải đó nằm trong kiến thức của chương trình THPT.

Nguồn: Dân trí
 
Top Bottom