Văn [VĂN 12] Tiếng đàn của Lorca

F

faustvn01

Trong chương trình Ngữ văn 12, có lẽ bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca sẽ là một trong những văn bản khó nhất (khó học và khó dạy, với cả thầy và trò).
Khó bởi lẽ bài thơ được sáng tác theo những khuynh hướng mới (tượng trưng, siêu thực). Tất nhiên, "mới" ở đây là nói đến sự mới mẻ trong tiếp nhận của đa phần giáo viên, học sinh, người đọc Việt Nam chứ không phải là những khuynh hướng mới trên thế giới (chủ nghĩa siêu thực ra đời trong những năm 20 của thế kỉ XX, còn chủ nghĩa tượng trưng còn ra đời sớm hơn nữa). Do đó, khi tiếp nhận và "giải mã" văn bản thơ, nhiều người gặp khó khăn khi không tìm được "bộ mã" phù hợp.

Quay trở lại với câu hỏi của hoacucxinh91: Hình tượng của Lor-ca qua bài thơ.

Trước tiên, phải khẳng định rằng, bài thơ được khởi hứng từ chính cuộc đời và số phận bi thảm của G. Lor-ca (tập trung vào cái chết đầy bi phẫn của nhà thơ vĩ đại), và toàn bộ bài thơ, hình tượng Lor-ca hiện hữu qua từng câu chữ, âm thanh, hình ảnh. Từ toàn bộ bài thơ, thấy hiện lên hình tượng bi tráng về một người nghệ sĩ chân chính, khao khát tự do, sáng tạo, cách tân chống lại nền nghệ thuật già nua, mất sức sống; một người công dân, người chiến sĩ chống lại chế độ độc tài phát xít, đứng về phía nhân dân đấu tranh cho tự do, dân chủ, cho quyền sống chính đáng của mình.

Có thể thấy hình tượng Lor-ca được khắc họa nổi bật ở một số nét chính:

1. Lor-ca - một nghệ sĩ tự do và cô đơn (khổ thơ thứ nhất): Tái hiện hình ảnh Lor-ca như một người kị sĩ khao khát tự do và đơn độc trong cuộc chiến với chế độ chính trị độc tài đương thời ở Tây Ban Nha, đồng thời cũng thể hiện hình ảnh một người nghệ sĩ cách tân chống lại nền nghệ thuật già nua, thiếu sinh khí.

2. Cái chết oan khuất, đau đớn, đầy bi phẫn của Lor-ca (Khổ 2 và 3). Tập trung thể hiện giây phút Lor-ca "bị điệu về bãi bắn" và cực tả nỗi đau đớn, xót xa trước cái chết của người nghệ sĩ. Thủ pháp đối lập, các biện pháp so sánh, nhân hóa, điệp ngữ được sử dụng triệt để nhằm khắc họa đậm nét ấn tượng về sự "kinh hoàng", nỗi đau đớn tột cùng của nhà thơ.

3. Cuộc đời, tâm hồn và những sáng tạo nghệ thuật của Lor-ca đi vào bất tử (phần còn lại của bài thơ): Khẳng định sức sống mãnh liệt của nghệ thuật Lor-ca, suy ngẫm về cuộc đời - cuộc hành trình, cũng như sự lựa chọn của Lor-ca (dấn thân hết mình cho sự nghiệp tranh đấu cho tự do và khát vọng cách tân, sáng tạo).

Đó chỉ là những cách hiểu của anh về bài thơ này. Bài thơ có một hệ thống hình ảnh giàu biểu tượng, có sự dồn nén và một "độ mở" rất lớn dành cho sự "đồng sáng tạo" của người đọc. Do vậy rất mong các bạn cùng tiếp tục đóng góp ý kiến.
 
H

hoacucxinh91

Cám ơn bạn nha. Mình dang rất cần đề này cho bài viết sắp tới. Bài của bạn cũng khá chi tiết
 
A

amaranth

[FONT=&quot]Ủa, bài này ở đâu sao mình không biết ta :"> Có ai đăng giùm nguyên bản lên không :(( Cảm ơn nhiều nhiều
[/FONT]
 
H

hoacucxinh91

Bài này nằm trong chương trình SGK12 cải cách năm nay. Bài thơ rất là khó hiểu của tác giả Thanh Thảo
 
A

amaranth

[FONT=&quot]Èo ơi, vừa mới Google, hóa ra Thơ tự do... thể văn xuôi ngắt dòng này không hợp với mình :"> xin lỗi nhé
Tuy nhiên thì cũng gửi bà con cái link:
http://www.ngoisaoblog.com/m.php?u=tranhanam&p=16562
Bài này do một ông thầy dạy Văn ở Bình Định viết, cũng ngắn thôi.
Đúng là bài thơ này khó ai dám viết dài, hễ viết thì nhất định là không đủ.
[/FONT]
 
Last edited by a moderator:
Q

quinhmei

LINK BỊ LỖI RỒI AMARATH ƠI!

NGUYÊN BẢN:


'Đàn ghi-ta của Lor-ca" - Thanh Thảo

Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi-ta
(F.G.Lorca)

những tiếng đàn bọt nước
Tây-ban-nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn

Tây-ban-nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du

tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi-ta ròng ròng
máu chảy

không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc

chàng ném lá bùa cô gái di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt

li-la li-la li-la...

(Rút từ tập Khối vuông Rubíc, NXB Tác phẩm mới, 1985)
 
Q

quinhmei

ĐÂY LÀ MỘT BÀI BÌNH BÀI THƠ TRÊN: (IT'S NOT MINE!)
NGUỒN:senadang's blog

Thanh Thảo đã từng viết : « Lorca là nhà thơ của những giấc mơ, của những linh cảm nhoi nhói, một nhà thơ có thể biến những giấc mơ thành nhịp điệu, có thể biến những linh cảm thành ngôn từ. Lorca siêu thực một cách tự nhiên, và hiện thực một cách tự nhiên » (Lorca trong tôi – Mãi mãi là bí mật, NXB Lao động, 2004). “ Đàn ghi-ta của Lorca” đã đi tìm kiếm hồn Lorca, cũng là tìm kiếm nhịp điệu quyến rũ của những giấc mơ và ngôn từ đầy tràn linh cảm, mộng mị của chàng thi sĩ của những bài ca sâu thẳm “ thật sâu, sâu hơn nhiều so với tất cả các giếng sâu và mọi vùng biển bao quanh thế giới, sâu hơn nhiều so với con tim hiện tại tạo ra nó và so với tiếng hát hát nó lên, là vì nó hầu như vô tận” (Lorca)[1]. Lorca đã viết về “Cây đàn ghi ta”
Cây đàn ghi-ta
Cây đàn ghi-ta
cất tiếng thở than.
Những cốc rượu ban mai
sóng sánh đổ tràn.
Cây đàn ghi-ta
bắt đầu lời ai oán.
Dỗ nó nín đi
phỏng có ích gì
Chẳng thể nào
làm cây đàn im tiếng.
Nó van vỉ
như dòng nước sâu thổn thức
như gió thở dài
trên đỉnh tuyết lạnh băng.
Nó khóc cho những chuyện xa xăm.
Khóc cho cát miền Nam khô khan nóng cháy
kêu đòi cành trà bạch đóa trinh nguyên.
Khóc cho mũi tên bay không tới đích,
khóc buổi chiều hôm dài mãi chẳng bình minh,
khóc cho con chim non vừa gục chết,
mới đậu trên cành giây phút đầu tiên.
Ơi ghi-ta!
Trái tim ngươi tử thương
dưới năm đầu kiếm sắc
( Cây đàn ghita- Hoàng Ngọc – Tuấn dịch. Nguồn tienve.org)
Lorca quyến rũ mộng mị, đầy tràn linh cảm. Nhưng làm thế nào để diễn giải nó? Chắc chắn, nó cũng chỉ có thể tìm đến thứ ngôn từ mộng mị đầy tràn linh cảm như thế, như bài thơ của Thanh Thảo.
(CÒN TIẾP)
 
Q

quinhmei

Đàn ghita, với Lorca, có lẽ không chỉ là một tượng trưng cho sự quyến rũ kì lạ của âm nhạc đối với thi sĩ. Đàn ghita còn là một định mệnh: “Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn ghita”. Nó là tâm hồn, là linh hồn của thi sĩ. Nó cũng là sự bất diệt. Làm sao có thể minh giải tiếng đàn?
những tiếng đàn bọt nước
Tây-ban-nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
Miêu tả âm thanh ở dạng đơn giản, là sự mô phỏng. Ở một mức cao hơn, là sự mô phỏng bằng hình dung về những tính chất: “trong như tiếng hạc bay qua; Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”…- những hình dung dù rất đẹp, vẫn là nhằm “minh họa, mô phỏng” cho cái “trong” “đục” của âm thanh. Nhưng cảm nhận này đã nghiêng về cảm nhận của giấc mơ, không cần một sự tương đương hiện thực, nhưng gợi đầy liên tưởng:
- những tiêng đàn bọt nước…
- tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi-ta ròng ròng
máu chảy
Những điệp khúc tạo hình âm nhạc bằng chính nhịp điệu, và bằng hình ảnh (bọt nước, tròn bọt nước vỡ tan, ròng ròng, máu chảy) bằng màu sắc (nâu, xanh biết mấy), bằng liên tưởng (Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt, bầu trời cô gái ấy….). Sự kết hợp ngẫu hứng từ ngữ cũng là sự kết hợp mang tính chất âm nhạc. Đặc biệt, khi tiếng ghita ròng ròng máu chảy, âm nhạc đã thành thân phận: nó là tiếng van vỉ than khóc của trái tim tử thương trong thơ Lorca, nó là chính Định Mệnh nghiệt ngã với Lorca: người chiến sĩ kiên cường chết dưới tay Phát xít. Thanh Thảo đã tượng trưng hóa âm thanh:
Không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn đã trở thành linh hồn, hơn thế, thành cả thân thể, thành một sinh thể, một thân phận…
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
Hình ảnh “giọt nước mắt vầng trăng” là một ẩn dụ tượng trưng gợi cảm và huyền thoại: giọt nước mắt đã thành vầng trăng, giọt nước mắt là thiên nhiên vĩnh cửu tuyệt đẹp, là tình yêu…Giọt nước mắt vầng trăng, với huyền thuyết Việt Nam, còn là mối tình Mị Châu – Trọng Thủy …Và Thanh Thảo tạo dựng một huyền thoại khác: Lorca bơi sang ngang
Với chiếc ghita màu bạc…

chàng ném lá bùa cô gái di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt

li-la li-la li-la...
Thi sĩ, kẻ chỉ hiện diện duy nhất bằng trái tim, cũng là lá bùa, cũng là định mệnh, đã trở thành chàng Đankô, để âm thanh vang mãi đầy hương thơm với điệp khúc li – la li – la…. (bởi Li la còn là tên một loài hoa xứ Tây Ban Nha). Giấc mơ tiếng đàn bọt nước, giấc mơ âm thanh li –la li –la li –la vừa ngân vang nhạc vừa đọng hương siêu thực.
(còn tiếp)
 
Last edited by a moderator:
Q

quinhmei


Bài thơ còn là một hành trình của người thi sĩ: đi lang thang về miền đơn độc với vầng trăng chếnh choáng, trên yên ngựa mỏi mòn; người thi sĩ – chiến sĩ hát nghêu ngao “bị điệu về bãi bắn” “đi như người mộng du”; nhưng linh hồn chàng – tiếng ghi ta ấy, thì hóa màu sắc, thanh âm, máu chảy…Theo bước chân lãng tử, theo câu thơ lãng tử, người đọc chứng kiến một sự sống Lorca, cái chết Lorca và sự bất diệt của Lorca…, huyền thoại về về một con người, một nghệ sĩ, một chiến sĩ, về một xứ sở và về chính nghệ thuât, âm nhạc, thi ca…
Bài thơ đem đến một âm hưởng lạ bởi cấu trúc trùng điệp gợi cảm và một không gian lạ. Không gian lạ tạo dựng không phải chỉ là Lorca với Tây Ban Nha xứ sở màu áo choàng đỏ gắt của các võ sĩ đấu bò tót. Không gian lạ này của những liên tưởng thơ mang tính siêu thực: - những tiếng đàn bọt nước; Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt…; - vầng trăng chuếnh choáng - tiếng ghi ta nâu; tiếng ghita xanh biết mấy….- tiếng ghita ròng ròng; máu chảy

Thanh Thảo chưa đi đến sự phi lí huyền hoặc, vẫn còn những câu thơ rất lí tính: “ tiếng đàn như cỏ mọc hoang”. Câu thơ này làm nhớ một câu của Chế Lan Viên: “ Cỏ bên trời xanh một sắc Đạm Tiên”. Cũng chạm đến cái hoang đường. Nhưng cái hoang đường, mộng mị ở Thanh Thảo còn bị níu giữ bởi ngôn từ tuyến tính khi thêm một từ “như” chặn ngang sự tự do và làm giới hạn liên tưởng thơ.
Dù vậy, ngôn ngữ đã nhập vào những giấc mơ, những cơn mộng, nhập vào âm nhạc…Giữa nhiều bài thơ “tỉnh rụi, tỉnh khô, tỉnh như sáo ...», của tập “Khối vuông ru bic”, “Đàn ghi –ta của Lorca” là một khúc nhạc đẫm trữ tình và chuếnh choáng ánh sáng hương thơm. Cảm giác Tan chảy, trong sự sống tưởng tượng, đó là cám giác đẹp nhất của tôi khi đọc bài thơ của Thanh Thảo về Lorca, nó cũng là cảm giác khi đọc nhiều bài thơ của Lorca, dù chỉ là qua bản dịch:
Đó là một im lặng uốn lượn,
một im lặng
nơi lướt qua những thung lũng và những vọng âm
một im lặng uốn cong những vầng trán
xuống mãi tận mặt đất.
(Im lặng – Thơ Lorca, bản dịch của Diễm Châu- Nguồn tienve.org)

Nhã Thuyên
Chú thích:
[1] Theo lời giới thiệu của Diễm Châu, tienve.org.
( Thơ Trầm ca- bản dịch của Diễm Châu)
 
L

luckystar29

Bài nì khó xơi thiệt , tui cũng đang cần tài liệu về phần này nên cũng cám ơn mấy bạn nhìu nha ^^!
 
P

peden_a1

Nữa nè !!!

Đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp với những trận đấu bò rực lửa, với tiếng ghi ta say lòng đã đi vào trong thơ của Garcia Lorca, nhà thơ nhân dân, người chiến sĩ chống phát xít. Sự hy sinh anh dũng của ông trước họng súng của bọn phát xít Franco đã để lại nhiều tiếc thương cho nhân dân Tây Ban Nha. Sức ám ảnh của những bài thơ đầy chất lãng tử của người nghệ sĩ Tây Ban Nha ấy đã gặp gỡ với hồn thơ Thanh Thảo làm nên bài thơ độc đáo Đàn ghi ta của Lorca trong tập thơ Khối vuông rubic.

Trước hết cần phải thấy không phải ngẫu nhiên mà Thanh Thảo lại chọn hình tượng đàn ghi ta gắn với giây phút cuối cùng của F.G.Lorca. Bởi lẽ người chiến sĩ này đã dùng tiếng ghi ta cất lên lời ca tranh đấu chống lại chủ nghĩa phát xít. Đàn ghi ta là tâm hồn Lorca, là khí phách kiên cường của những người chiến sĩ yêu tự do hòa nhịp trái tim mình với quần chúng nhân dân. Bởi vậy, nỗi xúc động của Thanh Thảo làm nên cảm hứng của bài thơ cũng bắt đầu từ câu thơ của Lorca: “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta”.

Viết về một nhà thơ hiện đại, một người con của đất nước Tây Ban Nha, Thanh Thảo đã dựng nên một chân dung bằng thơ sống động. Không gian mở đầu bài thơ là những biểu tượng đặc trưng của văn hóa xứ sở những trận đấu bò, hiện hữu tất cả chất say phóng cuồng nghệ sĩ:

những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn...
Cái độc đáo của bài thơ này chính là ở những thủ pháp hiện đại mà hình ảnh không hề cầu kỳ xa lạ vẫn giúp người đọc hình dung chất Tây Ban Nha không trộn lẫn. Thanh Thảo có lối diễn đạt câu thơ không viết hoa đầu dòng, tạo mạch thơ liên tục, xâu chuỗi với nhau để nối kết các biểu tượng đầy sức ám ảnh : đất nước của những làn điệu ghi ta – Tây Ban cầm, của áo choàng matador - đấu sĩ, của những giấc mơ hiệp sĩ của chàng Đôn Kihôtê đã cuốn hút người đọc bằng chất men say chếnh choáng cả vầng trăng. Không chỉ có thế, ghi ta của chàng nghệ sĩ còn vang những âm điệu rất lạ « li-la li-la li-la » gọi về sắc tím của hoa tử đinh hương, âm thanh và màu sắc hoà quyện, dìu dịu vẻ đẹp của một nỗi buồn trữ tình. Bài thơ cuốn người đọc vào cái âm hưởng li-la ngân mãi không dứt ấy. Đó cũng là những gì đã xuất hiện trong thơ Lorca, ca ngợi một đất nước Tây Ban Nha tươi đẹp và hào hiệp với khát vọng công lý, tự do.

Tây Ban Nha của thời Lorca còn là đất nước sôi sục những cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít , ghi ta của Lorca cất lên lời ca tranh đấu : «Ghi ta bần bật khóc – Không thể nào - dập tắt » (thơ Lorca). Bởi vậy diễn tả khoảnh khắc người chiến sĩ ấy bị bọn phát xít sát hại, Thanh Thảo cũng đã dựng nên bầu không gian kinh hoàng những ấn tượng chết chóc : Tây Ban Nha hát nghêu ngao - bỗng kinh hoàng –áo choàng bê bết đỏ-Lorca bị điệu về bãi bắn – chàng đi như người mộng du…Những câu thơ tiếp nối diễn tả tột cùng cho cảm giác đau đớn uất nghẹn trước sự tàn bạo của bọn độc tài phát xít :

tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy…​

Điệp khúc dồn dập qua nhịp thơ Thanh Thảo như đã lột tả được cái bàng hoàng căm phẫn trong bản ghi ta bi tráng! Màu nâu của đất, của làn da rám nắng, màu xanh của lá của bầu trời như tương phản gay gắt và dữ dội với màu đỏ ròng ròng máu chảy. Cảm giác vỡ oà đau đớn uất nghẹn trong tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan. Nỗi kinh hoàng trong cảm giác mất mát cũng nhân lên gấp bội, nỗi đau như xé lòng khi hình dung ra cảnh kẻ thù sát hại người nghệ sĩ tranh đấu cho tự do.

Những câu thơ tiếp theo như đặc tả cho một sự sống khác, mãnh liệt, âm thầm mà bất tử :

không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng​

Đoạn thơ tái hiện khoảnh khắc kẻ thù của Lorca hèn hạ thủ tiêu chàng, ném xác xuống giếng, nhưng qua hình tượng âm thanh tiếng đàn ta nhận ra một sức sống mãnh liệt vẫn tiếp tục. Cảm giác bi tráng hiện hữu qua những liên tưởng về cỏ mọc hoang, giọt nước mắt vầng trăng, đáy giếng tạo cảm giác trống vắng sau sự hy sinh anh dũng của Lorca. Thanh Thảo rất có ý thức khi so sánh tiếng đàn với cỏ mọc hoang để cảm nhận về sức lan toả của sự sống mãnh liệt không gì có thể hủy hoại được. Có khoảng lặng sau ánh sáng vầng trăng nhưng đủ diễn tả nỗi tiếc thương long lanh trong đáy giếng, nơi kẻ thù tưởng có thể vùi chôn tinh thần tự do bất tử của Lorca.

Vì lẽ đó, những câu thơ Thanh Thảo đã tái hiện sự sống của Lorca thật kỳ diệu và xúc động, con người đã hoá thân vào âm thanh của đàn ghi ta, tan chảy hoà cùng dòng sông bất tận:

Lorca bơi sang ngang
Trên chiếc ghi ta màu bạc
Chàng ném lá bùa cô gái di gan
Vào xoáy nước
Chàng ném trái tim mình
Vào lặng yên bất chợt

li-la li-la li-la...​

Những câu thơ diễn tả một hành trình đối mặt với định mệnh của người nghệ sĩ tài hoa người Tây Ban Nha, như một thái độ bình thản trước số phận. Lá bùa - định mệnh, trái tim lặng yên để làm nên một sự sống trường tồn vượt qua và vút lên vang động khắp không gian. Khúc đàn tự do ấy lại vang lên : li-la li-la li-la... Tiếng đàn mang tên loài hoa theo tiếng Tây Ban Nha như một sự sống lặng lẽ toả hương, hiện hữu giữa cuộc đời. Hai lần Thanh Thảo dùng động từ ném để diễn tả nhằm làm nổi bật lên vẻ đẹp của con người từ lâu dám coi khinh cái chết, bởi cái chết do kẻ thù gây ra cũng không thể ngăn cản tư tưởng, tâm hồn Lorca hoà vào với sự sống bất tử của nhân dân.

Đàn ghi ta của Lorca là một bài thơ hay của Thanh Thảo, không chỉ đã tạo dựng chân dung người nghệ sĩ - chiến sĩ Garcia Lorca một cách trung thực, mà còn khiến người đọc cảm nhận rõ vẻ đẹp tâm hồn, tính cách đậm chất Tây Ban Nha của Lorca. Bài thơ giàu nhạc điệu, ngỡ như chính tác giả đã để lòng mình đồng điệu với sự sống Lorca trong giờ phút đối mặt với họng súng quân thù.

Tiếng đàn ấy, sức sống ấy vẫn ngân vang những tiếng li-la li-la li-la để hiện hữu sống động hình ảnh một Lorca với chiếc ghi ta màu bạc, vẫn rong ruổi trên hành trình dân tộc Tây Ban Nha, hát lên bài ca tranh đấu, bài ca tình yêu sự sống. Phút gặp gỡ của nhà thơ Việt Nam Thanh Thảo với Lorca đã làm nên một bài thơ còn nóng hổi hơi thở cuộc sống hiện đại, ca ngợi người chiến sĩ trong đội ngũ đấu tranh vì tự do công lý, quyết không cúi đầu trước các thế lực bạo tàn./.

Nên phân tích thêm câu đề từ nữa, câu đó thể hiện tư tưởng của Lorca, cái sáng tạo cái mới nên dc có lối thoát, cái cũ nên lùi xa để nhường chỗ cho cái mới phát triển .Tiếng đàn của Lorca, nghê thuật của Lorca tuy tuyệt vời nhưng nếu nó tồn tại mãi sẽ đè nén ko cho những cái sáng tạo mới hơn, hay hơn phát triển ...vv...tự nghĩ ra đi :d

sưu tầm từ internet
 
J

jun11791

uồy ko ngờ mí bài bình jảng thơ mới đc đưa vào sgk như thế này mà ở trên mạng n` wá ta
có thể cho mình biết ở trang nào ko?
 
4

444vutai444

Cảm giác Tan chảy, trong sự sống tưởng tượng, đó là cám giác đẹp nhất của tôi khi đọc bài thơ của Thanh Thảo về Lorca, nó cũng là cảm giác khi đọc nhiều bài thơ của Lorca, dù chỉ là qua bản dịch:

cái gì thế?, đọc lại sách giáo khoa trang 164.
Sai cơ bản, là em đc 4 điểm / 10
 
4

444vutai444

Cảm giác Tan chảy, trong sự sống tưởng tượng, đó là cám giác đẹp nhất của tôi khi đọc bài thơ của Thanh Thảo về Lorca, nó cũng là cảm giác khi đọc nhiều bài thơ của Lorca, dù chỉ là qua bản dịch:

cái gì thế?, đọc lại sách giáo khoa trang 164.
Sai cơ bản, là em đc 4 điểm / 10

oài, nhầm sr .

mod xóa hộ 1 bài :D
Lỡ tay
 
Top Bottom