[19/5] Hướng đến kỉ niệm 119 năm ngày sinh Bác

Status
Không mở trả lời sau này.
L

ladyfirst

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Một người không thể chết nếu họ còn sống trong lòng mọi người
Bác cũng vậy , Người vẫn sống và tỏa sáng .
Và để hiểu thêm về Người , chủ đề của topic này là
" Những câu chuyện về Bác "






P.s : Tô đen >>> bí quá , đi học quân sự nên k tổ chức đc cái j` :D
Xin chú ý chủ đề nhé , ko post bài ngoài chủ đề
 
Last edited by a moderator:
L

ladyfirst


“Nhà cháu mà không đến thì đến nhà ai” (Thiếu tướng Phan Văn Xoàn - nguyên là cận vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể)

Mùa xuân của 45 năm về trước, trời lạnh đến tê tái. Một tháng trước tết, Bác Hồ gọi Cục phó Cục Cảnh vệ Phan Văn Xoàn lên giao cho một nhiệm vụ đặc biệt mà chỉ có hai bác cháu biết:”Chú tìm cho Bác một gia đình nghèo nhất ở Hà Nội, Bác sẽ đi thăm họ lúc giao thừa!”.

Tôi có một tháng để đi khắp Hà Nội tìm cho ra một người nghèo nhất.

Hà Nội ngày ấy khôgn giàu, nhưng để tìm ra người “nghèo nhất” vẫn là một thách đố đặc biệt. Tôi liên hệ nhiều nơi, gặp nhiều người vẫn chưa xác định được ai “nghèo nhất”. Cho đến một ngày, một anh công an gọi bảo tôi thử đến thăm một phụ nữ gánh nước thuê ở khu vực anh. Chúng tôi ghé vào một khu ngõ sâu phố Hàng Chĩnh, đó là một ngôi nhà tăm tối, phên liếp tạm bợ, bên trong chỉ có một chiếc giường tre và vài ghế gỗ lăn lóc. Bàn thờ lạnh tanh hương khói, mạng nhện bao phủ - dù đang là những ngày giáp Tết.. Có bốn đứa trẻ đang nằm, ngồi vật vạ chờ mẹ mang gạo về. Chúng đói. Chủ ngôi nhà ấy là một người phụ nữ ngoài 40 tuổi, tên Nguyễn Thị Tín, góa chồng. Chị vốn là công nhân thất nghiệp và từ lâu nay sống bằng nghề gánh nước thuê. Với chị, tương lai và sự nghiệp của gia đình chỉ là con số 0.

Tôi báo cáo rằng nhiệm vụ Bác giao tôi đã làm xong. Bác gật đầu.

Tối giao thừa ấy, như thường lệ, Bác Hồ đi với đại diện Thành ủy Hà Nội thăm vài gia đình trong kế hoạch. Khoảng 11 giờ tối, Bác nháy mắt với tôi ngụ ý: giờ đến chương trình của hai Bác cháu mình.

Chúng tôi tách đoàn, gồm 5 người: Bác, người thư ký, một cán bộ địa phương, tôi và một vệ sĩ khác – cùng hướng về phố Hàng Chĩnh. Bác mặc áo bông, quần vải gụ, đi dép cao su, đội mũ len đen và quấn khăn choàng cổ. Không hóa trang nhưng phải nhìn kỹ một chút mới nhận ra Bác được.

Xe dừng ngoài ngõ cách 200m, cả đoàn phải đi bộ vào. Tôi đi trước, gần giờ giao thừa, hương đèn thắp sáng trên mọi bàn thờ. Con hẻm thật vắng và từ đằng xa, tôi thấy bóng chị Tín đang quảy đôi quang gánh đi ngược ra ngoài phố. Ngang mặt, tôi đứng lại và hỏi nhờ:” Chị Tín phải không?”. “Vâng ạ!”. “Sắp giao thừa rồi chị còn đi đâu?”. “Tôi tranh thủ gánh thêm vài gánh lấy ít tiền mua quà, bánh tết cho các cháu, anh ạ.!” “Chị về đi, có khách ghé thăm!”. Người phụ nữ nghèo khổ xoay người lại nhìn những vị khách, rồi chị bàng hoàng, buông rơi đôi quang gánh chạy bổ tới quì xuống ôm choàng lấy chân vị lãnh tụ rồi khóc nấc lên:"Trời, sao Bác lại đến thăm nhà cháu?". Bác Hồ rưng rưng nước mắt:"Nhà cháu mà không đến thì đến nhà ai!". Mọi người im lặng. Tôi, thêm một lần nữa, ngước nhìn vị lãnh tụ của đất nước mỉnh, thấy người cao hơn tất cả.
Vào nhà, chúng tôi chia nhau thắp nhang đèn, bày quà bánh Bác dặn mang theo, chia một ít cho 4 đứa trẻ đang ngồi chờ mẹ trên chõng tre giữa nhà. Căn nhà sáng, Bác quay sang hỏi về những đứa trẻ: Các cháu có đi học không? Chị Tín ngập ngừng:"Thưa, có ạ, nhưng thất thường lắm., ngày có ngày không. Chồng mất, cháu thất nghiệp, gánh nước thuê..."Hỏi:Gánh nước thuê có đủ sống không? Đến đây thì chị oà khóc:"Lo cái ăn từng ngày thôi, thưa Bác!"."Giờ cháu có muốn làm việc không?"."Thưa Bác, hoàn cảnh cháu thì không biết nói sao nữa, cháu muốn có chỗ làm để nuôi con, nhưng tứ cố vô thâ, ai nhận cháu?". Bác gật đầu không nói gì. Gần 12 giờ, mọi người chúc Tết chị Tín và ra về. Lúc này ngoài đầu ngõ, tin Bác Hồ đến thăm nhà mẹ goá con côi của chị Tín đã bất ngờ lan truyền. Hàng xóm rủ nhau khoảng mấy chục người dân đứng chật trong ngõ chờ Bác ra. Tôi hơi bối rối. Bất thình ***h Bác bước lại phía mọi người, tiếng vỗ tay vang lên. Chờ mọi người im lặng, Bác nói:"Bữa nay Bác vui vì tình cờ gặp các cụ, các cô, chú, nhưng Bác cũng rất buồn vì từ nhà cô Tín ra. Giờ này sắp giao thừa, các cô chú có biết cô Tín còn đi gánh nước thuê không?. tại sao cả một khu phố vầy mà không thấy ai quan tâm đén một gia didnhf như cô Tín?". Im lặng, một đại diện khu phố nhận lỗi, hứa sẽ quan tâm nhà chị Tín. Bác tiếp tục:"Bác muốn nói về tinh thần "lá lành đùm lá rách" trong khu phố, nhưng cái lớn nhất vẫn là trách nhiệm của Chính phủ..."
Bước lên xe, đó là năm đầu tiên tôi thấy đi chúc Tết người dân về mà Bác buồn. Người quay sang nói:"Các chú thấy chưa?Hôm nay mình đã đi đúng người thật việc thật rồi, nếu mà mình báo trước với thành phố, hỏi nhà nào nghèo nhất thì chắc chắn không phải là nhà cô Tín rồi...".
Về nơi Bác ở, Bộ Chính trị đã tập họp để chúc Tết Bác và cùng đón giao thừa. Bác ngồi vào ghế, mọi người ngồi xung quanh. Bác im lặng tí rồi nói từ từ:"Bữa nay tôi có một chuyến thăm người nghèo nhất thủ đô Hà Nội. Cô Tín, chủ nhà, giờ này còn phải đi gánh nước thuê để có tiền mai mua gạo cho con. Chúng ta đã quá quan liêu để không biết những câu chuyện như vậy ở ngay tại thủ đô nước mình. Tôi biết không chỉ có một nhà như chị Tín đâu, người nghèo còn nhiều. Một đảng cầm quyền mà để người dân mình nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân..."

 
S

sonmoc

Em đóng góp với nhé

CÂY XANH BỐN MÙA

Bác Hồ rất thông cảm với sự vất vả của nhân dân. Tìm hiểu cụ thể đời sống của nhân dân, của những người lao động là một nếp làm việc quen thuộc của Bác. Một hôm, Bác gọi đồng chí phục vụ đến và nói:
- Có những đêm nằm nghỉ nghe thấy tiếng chổi tre quét đường phố rất khuya, Bác nghĩ rằng mùa đông, các cô chú công nhân quét đường vất vả lắm. Chú thử tìm cách điều tra cụ thể rối nói lại cho Bác biết.
Vâng lời Bác, một đêm nọ, đồng chí phục vụ lững thững dạo theo hè phố từ lúc người công nhân bắt đầu làm việc cho đến lúc dừng tay. Một tối làm việc như vậy họ phải đi đoạn đường khá dài, làm việc thầm lặng và rất vất vả.
Câu chuyện công việc của người công nhân quét đường trong đêm đông được báo cáo lại với Bác rất tỉ mỉ.
Nghe đồng chí phục vụ nói, Bác suy nghĩ hồi lâu rồi bảo:
- Chú nhớ nhắc những cơ quan có trách nhiệm phải có chế độ cấp phát quần áo lao động để bảo vệ sức khỏe cho các cô các chú ấy, nhắc nhở cán bộ phụ trách các cấp phải quan tâm đúng mức đến anh chị em làm nghề vất vả này.
Thời gian trôi qua...
Lần ấy, Bác có việc đi sang nước bạn. Nước bạn đang mùa đông lạnh giá, hầu hết cây cối đều trụi lá. Người bỗng phát hiện ra một loài cây vẫn xanh. Bác hỏi cán bộ địa phương, được biết đúng là loài cây có sức sống tốt, bốn mùa đều xanh tươi.
Người quyết định xin giống cây ấy mang về Việt Nam. Về nước, Bác trao giống cây đó cho người làm vườn và nói:
- Đây là loại cây mà mùa đông ít rụng lá. Chú trồng thử xem. Nếu chịu được khí hậu nước ta và xanh tốt thì sau này đem trồng dọc các đường phố, mùa đông vừa có cây xanh, vừa đỡ vất vả, đỡ tốn công cho anh chị em công nhân quét đường.
Trong Phủ Chủ tịch, gần nhà sàn của Bác, hiện vẫn còn loại cây trên, không rõ tên khoa học của loài cây ấy là gì, anh chị em vẫn thường gọi là “Cây xanh bốn mùa”.
Nhìn cây xanh bốn mùa ghi nhớ tấm lòng thương yêu nhân dân của Bác. Là Chủ tịch nước Người bận trăm công, nghìn việc lớn. Thế nhưng những việc thường ngày xảy ra chung quanh Bác cũng không bỏ qua. Người quan tâm một cách cụ thể và thiết thực đến điều kiện làm việc của những người công nhân. Việc làm của Bác luôn nhắc nhở chúng ta hãy biết quan tâm chia sẻ với những khó khăn vất vả của người khác, những người cán bộ lãnh đạo càng phải ghi nhớ điều này.
 
S

sonmoc

NHỮNG ĐÊM GIAO THỪA BÁC ĐẾN VỚI NGƯỜI NGHÈO


Xuân Tân Tỵ, năm 1941, Bác mới được đặt chân trở về giữa lòng Tổ quốc thân yêu sau đúng 30 năm trời ra đi tìm đường cứu nước (1911-1941). Hành trang theo Bác trở về vẻn vẹn chỉ có một chiếc va ly xách tay bằng mây, trong đựng hai bộ quần áo đã cũ và tập tài liệu Con đường giải phóng tập hợp những bài giảng trong lớp huấn luyện ở Nậm Quang (Quảng Tây, Trung Quốc) do Bác phụ trách vừa mới kết thúc trước Tết mấy hôm.
Mùa Xuân năm ấy, từ hang Pác Bó đã ra đời một bài thơ xuân tuyệt đẹp của Bác Hồ:
"Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lênin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà"(1)
Chỉ hơn bốn năm sau, ngày 2-9-1945, sơn hà của Tổ quốc đã được thu về một mối, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Hồ Chí Minh trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Và mùa Xuân độc lập đầu tiên, Xuân Bính Tuất năm 1946 đã trở về trên toàn cõi đất nước với một sắc màu khác lạ làm gợi nhớ đến một thời Nghiêu Thuấn xa xưa. Vào thời khắc mọi gia đình quây quần bên nhau chuẩn bị đón giao thừa thì vị Chủ tịch nước xắn quần, bước thấp bước cao đến các ngõ hẻm ở phố Sinh Từ, phố Hàng Lọng... để được chính mắt nhìn thấy cảnh Tết vừa, Tết nghèo của bà con lao động Hà Nội mới vừa thoát khỏi ách thực dân phong kiến.
Chính trong cuộc "vi hành" đêm Ba mươi Tết của mùa Xuân độc lập đầu tiên đó, Bác Hồ đã chứng kiến cảnh gia đình một người đạp xích lô "Tết mà không có Tết" ngoài một nén hương đang cháy dở trên bàn, còn chủ nhà thì đang đắp chiếu nằm mê mệt vì ốm. Bác đã xúc động lấy khăn lau nước mắt, lặng lẽ bước ra khỏi nhà, bảo đồng chí thư ký ghi lại địa chỉ để hôm sau báo cáo cho đồng chí Chủ tịch Hà Nội biết.
Cũng đêm Ba mươi Tết Bính Tuất đó, đúng giờ giao thừa, khi Đài Tiếng nói Việt Nam truyền khi khắp đất nước lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì chính Người lại đang vui Xuân cùng nhân dân ở đền Ngọc Sơn, trong vai một cụ già cùng cháu đi hái lộc.
Lần đầu tiên nhân dân Hà Nội, nhân dân cả nước, được hưởng một mùa Xuân mới mẻ, giao thừa nghe đọc thư chúc Tết của Bác Hồ:
"Hỡi đồng bào cả nước!
Hôm nay là mùng một Tết năm Bính Tuất, ngày Tết đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tôi thay mặt Chính phủ chúc đồng bào năm mới muôn sự tốt lành" (2).
Cuối thư là một bài thơ ngắn:
"Trong năm Bính Tuất mới
Muôn việc đều tiến tới
Kiến quốc chóng thành công
Kháng chiến mau thắng lợi" (3)
Kể từ mùa Xuân đầu tiên đó, suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, mỗi lần Tết đến, Xuân về, Bác lại nghĩ đến dân, lo sao cho dân có một mùa xuân ấm no, hạnh phúc. Thường thì trước Tết ba tháng, Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành chuẩn bị Tết cho dân. Riêng Bác cũng tự mình chuẩn bị sớm ba việc. Tìm ý thơ cho bài thơ mừng năm mới, nhắc văn phòng chuẩn bị thiếp "Chúc Mừng Năm Mới" để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo xa xôi và cán bộ công tác ở nước ngoài.
Và cuối cùng là một chương trình đi thăm dân không thể thiếu đối với Bác, một chương trình riêng mà chỉ Bác và các đồng chí cảnh vệ biết.
Tối Ba mươi Tết năm 1960, Bác đến thăm gia đình mẹ con chị Tín, một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội. Chiều mùng hai Tết năm 1961, Bác đến Văn Miếu dự buổi bình thơ Xuân của các cụ. Mùng hai Tết năm 1962, Bác đến thăm các cháu học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Chiều 29 Tết năm 1963, Bác cải trang thành một cụ già theo cháu đi chợ hoa và chợ Đồng Xuân... Tất cả đều bí mật bất ngờ và do đó bao giờ cũng tạo hiệu quả lớn.
Như Tết năm 1960, nếu Bác chỉ đến thăm các gia đình theo chương trình của các cơ quan đã bố trí thì làm sao Chủ tịch nước biết được gần đến giao thừa rồi mà chị Tín vẫn còn phải đi gánh nước thuê đổi gạo để sáng mai mùng một Tết có cơm ăn cho bốn đưa con của mình. Gặp Bác, chị Tín xúc động để rơi cả đôi thùng gánh nước xuống đất, run run cầm lấy bàn tay của Bác:
- Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm...
Chỉ nói được vậy, chị đã oà lên khóc nức nở.
Vị Chủ tịch nước đã an ủi chị:
- Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai...
Và Bác đã vào nhà thăm hỏi khá lâu năm mẹ con chị Tín. Gọi là nhà nhưng đâu có phải là nhà mà là một cái chái như một túp lều. Chồng chị Tín là công nhân khuân vác ở bến Phà Đen đã mất cách đó bốn năm, còn chị thì cho đến lúc này vẫn chưa có việc làm ổn định. Cảnh nghèo của gia đình đã phũ phàng hiện ra trước mắt Bác. Trên chiếc bàn gỗ mục chỉ có một nải chuối xanh và một gói kẹo. Đúng là "Ba mươi Tết mà không có Tết". Cách đây 15 năm, Tết độc lập đầu tiên, Bác đã đau lòng chứng kiến cảnh một gia đình "Tết mà không có Tết" ở ngõ hẻm Sinh Từ. Đó là khi đất nước mới thoát khỏi vòng nô lệ. Còn bây giờ, kháng chiến đã thắng lợi, hoà bình đã sáu năm, mà lại còn cái cảnh này sao? Không phải ở đâu xa mà ở ngay Thủ đô Hà Nội... Vậy còn bao nhiêu gia đình như thế này ở khắp mọi miền đất nước? Cứ ngồi nghe báo cáo thì đâu cũng là no ấm, tươi vui...
Đêm ấy, trên đường về, ngồi trên xe, Bác Hồ trầm ngâm suy nghĩ. Vẻ đăm chiêu thoáng hiện trên gương mặt của Người. Bác đã từng tâm sự với các đồng chí phục vụ: "Một ngày dân chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, các cháu chưa được học hành, mọi người còn khổ thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên".
Về đến nhà, các đồng chí Bộ Chính trị đang chờ Bác để chúc mừng năm mới. Mọi người băn khoăn khi thấy Bác không vui. Bác kể lại hoàn cảnh gia đình chị Tín cho mọi người nghe. Cuối câu chuyện Bác nói "Ta có chính quyền trong tay, nhưng chính quyền đó chưa thực sự là do dân, vì dân. Một số lãnh đạo các địa phương còn quan liêu và nặng về hình thức. Họ không chịu đi sâu, đi sát quần chúng, nên phục vụ quần chúng chưa tốt. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn. Đảng quan liêu, chính quyền quan liêu, thực sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta.
Trích từ sách: Vũ Kỳ - Thư ký Bác Hồ kể chuyện
 
S

sonmoc

Những ngày cuối cùng của Bác Hồ

9 giờ ngày 2/9/1969, Bác bị một cơn đau tim nặng. Theo dõi trên máy điện tim thì đến 9 giờ 15 tim Bác ngừng đập hẳn. Các bác sĩ, anh em bảo vệ chúng tôi thay nhau dùng sức ấn lên ngực Bác, mong sao tim Người đập trở lại. Cho đến 9 giờ 47 phút, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trào nước mắt: "Thôi các đồng chí ạ, Bác của chúng ta không qua khỏi nữa rồi"

Bác nằm chữa bệnh tại ngôi nhà nhỏ phía sau nhà sàn, ngôi nhà mà Bộ Chính trị quyết định làm tháng 5/1967 - trong lúc Bác sang Trung Quốc chữa bệnh, với mục đích đảm bảo an toàn cho Người trong những năm máy bay giặc Mỹ bắn phá Hà Nội.


20081208-HCM1.JPG

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm Bác những ngày Bác ốm năm 1969. Ảnh do tác giả cung cấp​


Khi nhà làm xong, Bác Hồ không nhận sử dụng riêng cho mình. Người nói: "Khi nào có nhiều đồng chí phụ trách đến làm việc với Bác thì họp ở nhà ấy cho chắc chắn. Còn lúc ở một mình, Bác cứ ở nhà sàn gỗ thôi. Các chú lo cho Bác, cũng phải lo cho dân ấy. Dân chịu được thế nào, Bác chịu được như vậy".

Kể từ ngày 20/7/1967 (ngày Bác đi Trung Quốc về), nơi đây trở thành địa điểm Bộ Chính trị họp mỗi tuần một lần, ra những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước. Bây giờ, trong hồ sơ di sản, ngôi nhà này được gọi là nhà 67.

Bài viết cuối cùng

Kỷ niệm Đảng ta 39 tuổi (3/2/1969), tại ngôi nhà này, Bác Hồ đã viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, biểu dương tinh thần hy sinh gương mẫu, đạo đức trong sáng của cán bộ, đảng viên, đồng thời kịch liệt lên án những hành vi, tư tưởng cá nhân hẹp hòi.

Người chỉ ra rằng chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân, là bạn đồng hành của căn bệnh tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh, trục lợi… làm hại đến quyền lợi của cách mạng, của nhân dân, làm giảm thanh danh, uy tín của Đảng cầm quyền.

Trong bài viết cuối cùng về đạo đức trước khi từ biệt thế giới này, Bác Hồ không quên dặn lại mọi người cách làm người, nâng cao phẩm giá - cái gốc quý báu để đảm bảo cho cuộc hành trình trong cuộc đời mỗi người tới đích vẻ vang. Ngẫm suy thời cuộc hiện nay, khi mà chủ nghĩa cá nhân đẻ ra tham nhũng đã trở thành nguy cơ nội xâm, quốc nạn, càng thấy giá trị lớn lao lời dạy của Bác.



Và tại ngôi nhà này, Bác đã để lại tấm gương đạo đức trong sáng để bây giờ cho ta học và làm theo.

Một lần, đồng chí phục vụ đọc cho Bác nghe báo Hà Nội Mới đưa tin Hợp tác xã Ngũ Xã có ý định đúc bức tượng Bác bán thân bằng đồng. Bác nói với đồng chí phục vụ: "Chú sang nói với Trung ương trong lúc đồng khan hiếm không được làm như vậy, đem số tiền định đúc tượng Bác xây thêm cho các cháu một phòng học. Biết bao anh hùng liệt sĩ, sao không đúc tượng, lại đúc tượng Bác?"

Vào thời gian sau ngày 12/8/1969, Bộ Chính trị tổ chức họp bàn chuẩn bị tổ chức 4 ngày lễ lớn trong năm 1970. Cuộc họp vắng Bác, vì Người đang mệt nặng. Một hôm, có đồng chí ủy viên Bộ Chính trị vào thăm Bác và báo cáo lại với Bác quyết định của Bộ Chính trị.

Nằm trên giường bệnh, nghe nói về những kỷ niệm sắp tới, Bác rất vui. Nhưng khi nghe nói việc tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Người, Bác liền bảo: "Bác chỉ đồng ý 3/4 Nghị quyết. Nghị quyết kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng, 100 năm ngày sinh Lênin, 25 năm ngày thành lập nước, các chú nên có sớm để tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Các cháu học sinh sắp bước vào năm học mới, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh của Bác, các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí".

"Chúng tôi xin hiến tim mình để thay tim cho Bác"

16 giờ ngày 12/8/1969, Bác gặp đồng chí Lê Đức Thọ tại nhà nghỉ Hồ Tây nghe báo cáo tình hình Hội nghị Paris. Đêm hôm đó, Bác lên cơn sốt và ho, những ngày sau đó Bác ho nhiều hơn, sốt nặng hơn. Nhưng Bác vẫn lên, xuống nhà sàn làm việc. Theo đề nghị của bác sĩ, ngày 18/8 Bác Hồ không làm việc ở nhà sàn gỗ nữa. Người xuống ở và làm việc tại ngôi nhà 67. Kể từ hôm đó, những ngày quy luật của cuộc đời đến với Bác Hồ ở nơi đây.

Ngày 29/8/1969, Bác nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Ngày lễ Quốc khánh Bác sẽ ra dự mươi, mười lăm phút".

Ngẫm lại thì thấy thật kỳ lạ: 9 giờ ngày 2/9/1969, Bác bị một cơn đau tim nặng. Theo dõi trên máy điện tim thì đến 9 giờ 15 tim Bác ngừng đập hẳn. Các bác sĩ, anh em bảo vệ chúng tôi thay nhau dùng sức ấn lên ngực Bác, mong sao tim Người đập trở lại. Cho đến 9 giờ 47 phút, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trào nước mắt: "Thôi các đồng chí ạ, Bác của chúng ta không qua khỏi nữa rồi".

Thế là, 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969, từ nơi đây truyền đến cho nhân loại nỗi đau Bác Hồ ra đi mãi mãi để cho “đời tuôn nước mắt”. Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đã cứu dân tộc khỏi kiếp khổ nạn, mang lại hạnh phúc độc lập cho mọi người dân, nhưng ngày đó Bác có được hưởng đâu.

Và con số 9 mới linh thiêng làm sao: Bác ra đi lúc 9 giờ 47 phút, ngày 2/9/1969, thọ 79 tuổi. Ngày 9/9/1969, cả dân tộc làm lễ truy điệu tiễn đưa Người về với thế giới người hiền.

Suốt 15 năm Bác sống và làm việc ở khu Phủ Chủ tịch, không có một lần nào dân kéo về nhà Bác để làm bận lòng Bác. Trong những ngày Bác yếu, tuy giữ bí mật rất cao về tình trạng sức khỏe của Bác, nhưng xe cộ hàng ngày ra vào nhiều, đưa các đồng chí Trung ương vào thăm Bác, đưa bác sĩ vào chữa bệnh cho Bác, đưa các phương tiện vào để chạy chữa bệnh cho Bác…, nên dân dự đoán rằng có thể Bác ốm.

Vì thế, có nhiều người dân đến Cổng đỏ (cổng ra vào Phủ Chủ tịch, hàng ngày Bác Hồ vẫn thường đi lại cổng này), nói lên một tâm nguyện: Nếu đúng Bác ốm, chúng tôi xin hiến trái tim của mình để thay tim cho Bác.

Từ ngày 3 đến ngày 6/9/1969, dòng người không lúc nào vắng, buồn rầu đội mưa thầm lặng, trật tự đi đến Lễ đài Ba Đình để viếng ảnh Bác. Và những ngày thi hài Bác quàn trong linh cữu đặt tại Hội trường Ba Đình, vì đông người vào viếng nên có những cháu nhỏ không vào viếng Bác được, cứ giằng co với công an bảo vệ ngoài Hội trường, khóc lóc thảm thiết: Các chú trả Bác cho chúng cháu đây…



Sau ngày Bác mất, một số chiến sĩ công an, trong đó có tôi gác tay súng, chuyển sang tay chổi, tay bút chăm lo công việc bảo vệ di sản cho Bác, hàng ngày quét dọn lau chùi ngôi nhà 67 như khi phục vụ Bác lúc sinh thời. Bác đi rồi, ngôi nhà sao mà lạnh lẽo. Vì vậy chúng tôi đã đặt một lư đồng nhỏ ở cửa sổ cạnh giường Bác nằm, hàng ngày đốt nén hương trầm để nhà thêm ấm cúng.

9 giờ 47 phút ngày 2/9/1989, tôi đã mời và đón Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và cố vấn Ban Chấp hành TƯ Đảng Phạm Văn Đồng vào thăm lại nơi Bác mất và thắp nén hương tưởng nhớ Bác. Hai đồng chí cho ý kiến: "Nên có một nơi trang trọng để thờ cúng Bác, vì hương hồn Bác vẫn mãi mãi ở lại nơi đây với chúng ta".

Để từng bước thực hiện lời căn dặn này, khu Di tích Phủ Chủ tịch đã chỉnh trang để có được nơi thắp hương như hiện nay ở nơi Bác mất. Sau đó, dần dần để khách đến thăm nhà Bác được thắp nén hương nhớ Bác.

Và bắt đầu từ ngày 2/9/1994, chúng tôi mời các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước tới thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ tại nơi đây vào những dịp lễ hàng năm 19/5, 2/9 và ngày Tết âm lịch. Theo phong tục cúng giỗ tổ tiên của Việt Nam, từ năm 1994, cứ đến ngày 21/7 âm lịch, chúng tôi lại sắp mâm cơm giỗ Bác.

Năm 2002, với tấm lòng thành kính của đứa con trông nhà cho Bác, tôi cầu khấn xin Bác cho lập nơi thờ cúng trang nghiêm, rộng rãi để cháu con hôm nay và mai sau về thắp hương tưởng nhớ người Ông, người Bác, người Cha, với bức tượng đồng Bác ngồi ghế, tay Bác cầm kính đặt lên tờ báo để trên đùi, mắt nhìn thẳng như dừng đọc báo để chào đón mọi người vào thăm.

Kể từ ngày lập bàn thờ Bác ở đây, các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng cùng nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã về thắp hương tưởng nhớ Bác, cầu nguyện Bác phù hộ cho Quốc thái, Dân an.

• TS. Trần Viết Hoàn (nguyên Giám đốc Khu Di tích Phủ Chủ tịch)

• Nguồn: Vietnamnet
 
S

sonmoc

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Ái Quốc​


Cách đây 81 năm, tại Thủ đô Pari (nước Pháp), tờ báo in tiếng Pháp (La vie ouvriere) "Đời sống công nhân", cơ quan Trung ương của Tổng Liên đoàn Lao động Pháp đã cho đăng và đóng khung ở trang nhất nội dung thông tin quảng cáo rất ngắn, chỉ với 34 chữ như sau "Giới thiệu với độc giả và các bạn: ảnh chân dung nghệ thuật đủ kiểu. Giá từ 25 Frăng. Cả khung giá từ 45 Frăng. Nguyễn Ái Quốc, 3 phố chợ Depacteriácsơ Pari".

Công chúng Pari từng quen tên Nguyễn ái Quốc ký dưới nhiều bài báo đăng trên các tờ báo (Nhân đạo), (Điện tín quốc tê), (Công chúng), giờ biết thêm một sở trường mới của người thanh niên yêu nước Việt Nam kiếm sống bằng nghệ thuật nhiếp ảnh. Vào thập kỷ đầu của thế kỷ 20, kỹ thuật chụp ảnh đen trắng trên phim kẽm chỉ mới xuất hiện ở một số nước phương Tây. Khách chụp ảnh phần đông là giới thượng lưu, giàu có, chơi sang, họ rất khó tính, khắt khe, đòi hỏi tay nghề của người chụp ảnh rất cao. ảnh không đáp ứng nguyện vọng khách trả lại ngay và chi phí phim, giấy hóa chất, công sá của người thợ bỏ ra xem như mất trắng.

Chúng ta đều biết vào thời điểm này, Nguyễn ái Quốc chỉ sống nhờ vào sức lao động của mình để hoạt động, nghiên cứu, học tập, không có nguồn tài trợ nào bảo đảm bảo ổn định. Nếu ảnh bị khách trả lại sẽ đồng nghĩa với nguy cơ thất nghiệp, không có khả năng cân đối chi phí nguyên liệu, chưa kể tiền thuê phương tiện, phòng ở và tiền ăn hàng ngày. Hẳn là lường trước mọi thử thách mà suốt từ tháng hai năm 1920 đến đầu năm 1923, người thợ ảnh Nguyễn Ái Quốc vẫn duy trì được hiệu chụp ảnh, bảo đảm uy tín rửa ảnh, phóng ảnh cho nhiều "quý ông, quý bà" vốn rất kênh kiệu ở Thủ đô Pari.

Vào thời điểm Nguyễn Ái Quốc mở hiệu ảnh, nhận thấy xu hướng hoạt động chính trị của người thanh niên Việt Nam ngày càng bất lợi cho chế độ thực dân, Bộ trưởng Thuộc địa Anbe Xơrô chỉ đạo mạng lưới mật thám Pari theo dõi sát từng bước đi, tìm cách ngăn cản ảnh hưởng Nguyễn Ái Quốc đối với Đông dương và tầng lớp trí thức, lao động tiến bộ trong cộng đồng Việt kiều tại Pháp. Hiệu ảnh ở số 3 phố chợ Depacteriácsơ bị mật thám theo dõi, gây cản trở đối với khách chụp ảnh. Nguyễn ái quốc được các đồng chí trong Đảng Cộng sản Pháp giúp đỡ tìm địa điểm mới. Ngày 14-7 năm 1921, hiệu ảnh Nguyễn Ái Quốc chuyển đến nhà số 9, ngõ Công Poanh thuộc quận 17 Pari. Chiếc biển hiệu mới được treo lên mang dòng chữ Pháp: “Potrait - Agrandissements photographiques". Lịch sử đã ghi đậm dấu ấn căn nhà và ngõ phố nghèo nàn, lam lũ nhất Thủ đô Pari vào ký ức nhân loại về nghị lực, ý chí của người cộng sản Việt Nam đầu tiến trên đất Pháp. Với số tiền kiếm được ít ỏi từ nghề ảnh, Nguyễn Ái Quốc chỉ đủ thuê một căn buồng nhỏ, đặt vừa khít chiếc thường và cái bàn con. Cái thau rửa mặt phải để trên mặt bàn. Khi cần dùng bàn viết hoặc chấm ảnh, rửa ảnh, cái thau nước được đẩy vào gầm giường. Hai bữa ăn trong ngày của chủ căn buồng được nấu gộp làm một để tiết kiệm nhiên liệu và thời gian.

Chính trong căn buồng gác hai tồi tàn, giá lạnh, không bếp sưởi mùa đông, thiếu thốn đủ thứ này, Nguyễn Ái Quốc vừa cắm cúi làm đẹp những bức ảnh chân dung nghệ thuật vừa viết báo, viết kịch, viết văn tố cáo chính sách, chế độ thực dân tàn bạo ở Đông Dương, Bắc Phi, ấn Độ và châm biếm, đả kích cay độc tên vua bù nhìn Khải Định.

Cùng từ căn phòng chật chội này, những dự kiến về .tổ chức thành lập "Hội những người Việt Nam- yêu nước", thôi Liên hiệp thuộc định và xuất bản báo "Le Pa ria” được hình thành.Trong số những người giúp đỡ Nguyễn ái Quốc điều kiện sinh sống và hoạt động tại Pari từ năm 1919, ông Khánh Ký tỏ ra tích cực, chu tất nhất. Ông Khánh Ký tên thật là Nguyễn Văn Xuân quê gốc Ở ngoại thành Hà Nội, sang Pháp kinh doanh nghề chụp ảnh, buôn bán máy ảnh, dụng cụ, phương tiện, hóa chất in, tráng, phóng ảnh tại Pari. Ông Khánh Ký trực tiếp truyền nghề chụp anh, in tráng ảnh cho Nguyễn Ái Quốc và giới thiệu anh Nguyễn vào làm thuê kiêm học việc tại một- xưởng ảnh lớn, có uy tín ở Thủ đô Pari. Ông Khánh Ký còn giúp phương tiện, dụng cụ chấm ảnh cho Nguyễn Ái Quốc sau khi anh Nguyễn học nghề thành thạo ra mở cửa hiệu riêng.

Ba mươi năm sau, tại căn cứ địa kháng chiến ở Việt Bắc, Nguyễn Ái Quốc lúc này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần ân cần hướng dẫn nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định kỹ thuật chấm một bức ảnh sao cho đẹp. Vốn là “thợ ảnh" nghệ thuật, tự khẳng định trình độ tay nghề của mình tại Thủ đô Pari vào những năm 1920, Bác Hồ thường chỉ vẽ cách bố cục một bức ảnh sao cho tự nhiên, có hồn để anh em phóng viên thể hiện sinh động đề tài "Kháng chiến kiến quốc" trong tác phẩm ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật.

Những dịp đi chiến dịch, thông cảm với nguyện vọng của phóng viên muốn có một bức ảnh đẹp về vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc, Bác Hồ như cùng hòa đồng vào tâm tư, tình cảm của phóng viên, chủ động và tinh tế tạo dựng khung cảnh hài hòa cho nhà nhiếp ảnh chọn khoảnh khắc sáng tạo tác phẩm. Nhà nhiếp ảnh cộng sản Việt Nam đầu tiên Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khi về nước lãnh đạo cách mạng vẫn thường xuyên quan tâm tới nội dung chất lượng thông tin, hình thức thể hiện của thể loại ảnh báo chí. Từ sau ngày báo Nhân dân ra hàng ngày, bắt đầu in ảnh đen trắng, Bác Hồ nhắc nhở Tổng biên tập Hoàng Tùng, Trần Quang Huy, Vũ Tuân chú ý tính chân thật thể loại ảnh báo chí, tránh "kiểu bố trí chụp ảnh" nặng về hình thức trang trí hơn là phản ánh vẻ đẹp vón có của đời sống. Có khi xem xong, Bác Hồ sửa lại nội dung lời chú thích ảnh đăng trên báo rồi giao cho thư ký chuyển Ban Biên tập rút kinh nghiệm . Bác nhắc các báo quan tâm sử dụng ảnh "chân dung người tốt việc tốt" thật nhiều, thật thường xuyên. Những bức ảnh chân dung đăng báo đẹp, lột tả được tình cảm của nhân vật Bác dùng bút chì đỏ viết một chữ tốt bên cạnh rồi gửi tờ báo cho Ban Biên tập.

Vốn là nhà nhiếp ảnh, Bác Hồ rất đồng cảm với niềm vui thành công và nỗi day dứt khi thất bại trong nghề nghiệp của phóng viên. Vào một dịp đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội tại quận Ba Đình, nhận ra vẻ hất hoảng, lúng túng đến khổ sở của phóng viên khi bỏ lỡ thời khắc chụp hình ảnh của Bác thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, Bác Hồ đã mỉm cười, bàn tay Bác vỗ nhẹ mấy lượt trên mặt hòm phiếu. Hiểu ý Bác cho chụp lại, phóng viên Việt Nam thông tấn xã đã bình tĩnh chỉnh đèn chụp lần thứ hai. Anh phóng viên đã có được bức ảnh lịch sử, khắc họa hình ảnh lần cuối cùng Bác Hồ bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội trước khi thanh thản sang “thế giới người hiền". Cũng vào dịp về thăm quê hương lần thứ 2 (tháng 12 năm 1961), khi Bác vào tới sân căn nhà ở quê nội Kim Liên, chẳng hiểu sao một nữ phóng viên leo lên đống rơm để chọn độ cao chụp ảnh đã bị ngã. Bác quay lại ân cần hỏi cô phóng viên có bị đau lắm không. Cô phóng viên xúc động đáp lời Bác và khẩn khoản xin được chụp ảnh Bác. Cô nói thêm nguyên nhân phải leo lên cao để chụp ảnh Bác vì cô thấp người không thể chen lấn vào gần Bác như cánh nam nhà báo được. Nghe cô phân trần, Bác cười bao dung và bảo mấy cháu "nhà báo trai" tả ra nhường vị trí thuận lợi cho cháu "nhà báo gái” chụp ảnh Bác.

Từ năm 1917 đến giữa năm 1923, Bác Hồ sống và hoạt động cách mạng tại Pháp với tên gọi là Nguyễn Ái Quốc. Ngoài nghề ảnh, Nguyễn ái Quốc còn nhận vẽ trang trí đồ gốm sứ mỹ nghệ để kiếm sống. Năm 1979, báo "Đời sống công nhân” của Tổng Liên đoàn Lao động Pháp tổ chức trang trọng lễ kỷ niệm 70 năm thành lập báo (1909 - 1979), tờ báo dành vị trí quan trọng đăng bài nói về thời hoạt động đầy ý nghĩa lịch sử và thời đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, có ảnh hưởng lớn lao tới phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Pháp từ những năm 20, thế kỷ 20. Bài báo có đoạn viết: " Tại đây (Pari) trong những năm 1920, một hanh niên di cư người Đông Dương kiếm sống bằng nghề in, phóng ảnh ở phố chợ Depacteriács đã làm cho nhiều người phải chú ý về những lời tố cáo đanh thép chống chủ nghĩa thực dân...".

Từ nhận định của tờ báo công đoàn Pháp vào thập kỷ 70 về Bác Hồ đã từng lao động bằng loại hình nghệ thuật đòi hỏi trình độ cao, mặ dù nguồn tư liệ chưa tổng hợp được nhiều nhưng cũng đủ cơ sở để chúng ta khẳng định mối quan hệ trực tiếp, có ảnh hưởng sâu sắc giữa nghề nghiệp Bác Hồ lựa chọn kiếm sống với tài năng tổ chức xuất bản báo sau này, đặc biệt là năng lực thẩm định nội dung, hình thức ảnh báo chí - một thể loại gây cảm xúc mạnh và tăng sức hấp dẫn của báo chí.

Văn Hiền
Nguồn: Những mẩu chuyện làm báo của Bác Hồ
NXB Thanh Niên
 
Q

quansuquatmo

Bác Hồ với thanh niên: Người thanh niên nuôi chí lớn

image_mini

Vào khoảng năm 1911 ông Mai, quê ở Hải Phòng, nhân viên cũ trên một chiếc tàu Pháp của hãng "Vận tải hợp nhất" kể lại - tôi làm việc ở phòng ăn của các sĩ quan trên tàu. Tàu chúng tôi cập bến Sài Gòn để lấy hàng và đón khách.
Một buổi trưa, một người trai trẻ lên tàu. Sau một phút ngập ngừng, anh ta hỏi xin việc. Chúng tôi trả lời là không có việc và có chăng nữa, chúng tôi cũng không có quyền nhận anh ta.

Chúng tôi cười vì chàng trai có vẻ một anh học trò, không phải là người lao động như chúng tôi. Chúng tôi nói nhỏ với nhau: "Một người như thế có thể làm được công việc gì trên tàu?"

Tôi không hiểu tại sao tôi thấy thương anh ta và tôi nói:"Đi theo tôi, tôi sẽ dẫn anh đến gặp chủ tàu. Có lẽ ông ta sẽ có việc cho anh làm".
Chủ tàu hỏi: "Anh có thể làm việc gì?".

- Tôi có thể làm bất cứ việc gì! Chàng trai trả lời.

- Được, ta sẽ lấy anh làm phụ bếp. Sáng mai anh đến đây nhận việc.

Chàng trai ấy xưng tên là Ba. Vì tôi đã giúp anh ta việc nhỏ ấy, cho nên anh ta rất thân với tôi, và tôi cũng rất thân với anh ấy. Việc gì tôi làm được là tôi cố làm để giúp anh ta. Vả lại, anh ấy có can đảm và nhẫn nại. Phụ bếp trên tàu, mỗi ngày anh ta phải làm: từ bốn giờ sáng, quét dọn sạch sẽ nhà bếp lớn trên tàu, rồi đốt lửa trong các lò. Sau đó đi khuân than, rồi xuống hầm lấy rau, thịt, cá, nước đá,…v.v… Công việc khá nặng nhọc vì dưới bếp rất nóng và trong hầm rất rét. Nhất là khi vừa phải vác một bao nặng vừa leo lên những bậc thang trong khi tàu tròng trành.

Xong công việc ấy, phải dọn cho bọn chủ bếp Pháp ăn. Sau đấy, nhặt rau, rửa chảo nồi và đun lò lại. Công việc kéo dài suốt ngày. Nhà bếp lo ăn cho bảy, tám trăm người cả nhân viên và hành khách. Có nhiều cái chảo bằng đồng lớn và nặng quá, đến nỗi anh Ba phải kéo lê trên sàn. Và những cái nồi cao quá, anh phải leo lên ghế để chùi nồi. Luôn luôn lắng nghe:
- Ba, đem nước đây!
- Ba, dọn chảo đi!
- Ba, thêm than chỗ này, thêm than chỗ kia!

Suốt ngày, anh Ba đẫm nước, hơi và mồ hôi, mình đầy bụi than. Người ta thấy anh Ba phải dùng hết tinh thần và sức lực để làm cho xong công việc. Mỗi ngày, chín giờ tối, công việc mới xong. Anh Ba mệt lử. Nhưng trong khi chúng tôi nghỉ hoặc đánh bài, anh Ba đọc hay viết đến mười một giờ hoặc nửa đêm. Về thứ bậc, anh Ba là người dưới chúng tôi, chúng tôi là những người có chức vị, còn anh Ba chỉ là người phụ bếp. Nhưng vì anh Ba hiểu biết - anh giúp những người bạn mù chữ của tôi viết thư về cho gia đình họ và anh không bao giờ nói tục - vì vậy anh Ba được tất cả chúng tôi yêu mến.

Vài ngày sau tàu rời bến, có hai hành khách - hai người lính trẻ tuổi giải ngũ trở về Pháp. Tôi không hiểu tại sao hai anh này đã trở nên bạn thân của anh Ba. Họ giúp anh nhặt rau và buổi tối họ cho anh mượn những quyển sách nhỏ, dạy cho anh đọc và viết. Và anh Ba lại dạy họ học quốc ngữ và thỉnh thoảng dấm dúi cho họ một cốc cà phê. Anh nói với tôi với một vẻ ngạc nhiên: "Anh Mai, cũng có những người Pháp tốt, anh ạ".
Đến Mácxây, chúng tôi lĩnh lương; mỗi nhân viên Việt Nam được từ một trăm đến hai trăm quan, thêm vào đấy tiền thưởng của hành khách. Anh Ba là phụ bếp, chỉ được mười quan.
Anh ta được ít lương, nhưng anh học được nhiều chuyện mới lạ. Coi tôi là bạn thân thiết nhất, anh ta nói với tôi tất cả những điều anh trông thấy và suy nghĩ.
- "Ơ! Ở Pháp cũng có người nghèo như bên ta!"
Trông thấy những gái điếm đến làm tiền trên tàu, Ba nói với tôi:
- "Tại sao người Pháp không "khai hóa" đồng bào của họ trước khi đi "khai hóa" chúng ta, sao thế anh Mai?"
Sau những ngày đầu tiên ở Mácxây, anh Ba tóm tắt cảm tưởng của mình bằng mấy chữ: "Người Pháp ở Pháp tốt, lễ phép hơn người Pháp ở Đông Dương".

Chúng tôi đi theo tàu lên Havơrơ (Havre) để sửa chữa. Chúng tôi được đưa sang làm việc ở một chiếc tàu khác, trở về Đông Dương. Anh Ba không muốn trở về. Ông chủ tàu đem anh về nhà. Từ đấy, tôi không được tin tức gì của anh Ba nữa…Không bao giờ tôi đoán rằng người bạn nhỏ của tôi, người phụ bếp, anh Ba siêng năng và ngoan ngoãn ấy, lại trở thành Chủ tịch Chính phủ ta, người xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chúng ta.

(Theo Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch)

(Sưu tầm)
 
S

sonmoc

Những tờ báo do Bác Hồ sáng lập​


Trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sóng gió, gian nan vào giai đoạn đầu thập kỷ 20, Bác Hồ thường xuyên quan tâm tới công cụ báo chí. Bác sử dụng nhuần nhuyễn công cụ báo chí với mục đích tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê nin vào đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, đưa đất nước thoát vòng nô lệ, đi lên xã hội chủ nghĩa. Người coi báo chí là phương tiện vận động, tập hợp lực lượng cách mạng, tổ chức thực hiện mục tiêu cách mạng một cách hiệu quả nhất. Dù hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm tới đâu và vào thời điểm, tình thế cách mạng nào, Bác Hồ vẫn nhất quyết ra được tờ báo. Từ năm 1922 đến khi về Tổ quốc (tháng 1 năm 1941), Bác Hồ đã sáng lập, trực tiếp tổ chức nội dung, trình bày báo và phát hành 8 tờ báo cách mạng.

Những tờ báo xuất bản công khai và bí mật từ năm 1922 (tại nước Pháp), năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), năm 1928 (tại Thái Lan), năm 1929 (tại Hương Cảng) do Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại nước ngoài đều chứa đựng chủ đề lớn là: Truyền bá tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị cơ sở lý luận, thực tiễn thành lập một Đảng Cộng sản kiểu mới đủ bản lĩnh chính trị lãnh đạo nhân dân vùng lên phá tan ách nô lệ thực dân Pháp, giành quyền độc lập, tự do, hoà bình, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam.

Trong thời kỳ này, những bài báo viết cho tờ báo của tổ chức chính trị Việt Nam hay các tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp, công đoàn Pháp như L'humanité (Nhân đạo), La vie d'ouvriers (Đời sống thợ thuyền), Điện tín quốc tế của Quốc tế Cộng sản III, Pravơđa (Sự thật) của Đảng Cộng sản Liên Xô, La femme (Phụ nữ) của Hội Liên hiệp Phụ nữ Liên Xô, Bác Hồ đều lấy bút danh là Nguyễn Ái Quốc.

Từ tháng 12 năm 1938 đến tháng 7 năm 1939, sau khi Đảng ta ra đời, hoạt động bí mật, lần lượt xuất bản Tạp chí "Đỏ" số đầu ra ngày 5 - 8 - 1930, báo Notre voix (Tiếng nói của chúng ta) "Búa liềm", "Tranh đấu"... khi viết bài cho những tờ báo này Bác Hồ lấy nhiều bút danh khác nhau. Trên tờ báo "Tiếng nói của chúng ta", tờ báo in tiếng Pháp của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam xuất bản trong nước, những bài báo của Bác Hồ gửi từ Trung Quốc về đều ký bút danh Linơ. Từ tháng 11 đến tháng 12 năm 1940, phát xít Nhật xâm lược Trung Quốc, phát xít Đức mở rộng chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi viết bài cho báo "Cứu vong nhật báo" của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bác Hồ lấy bút danh là Bình Sơn.

Điểm qua những tờ báo do Bác Hồ sáng lập ở nước ngoài và khi mới về nước để lãnh đạo cách mạng Việt Nam, chúng ta nhận rõ tính hệ thống trong tư tưởng sử dụng vũ khí báo chí vào mục đích đấu tranh cách mạng của Bác Hồ qua các thời kỳ cách mạng khác nhau. Cũng qua những tên báo do Bác Hồ đặt, chúng ta có dịp tìm hiểu tôn chỉ, mục đích, đối tượng bạn đọc của mỗi tờ báo đặt ra một cách linh hoạt cho nhiều tình thế cách mạng khác nhau.

Từ đặc trưng, tính chất cơ bản của báo chí vô sản được tổng kết sau này, soi vào nội dung, hình thức những tờ báo do Bác Hồ sáng lập cách đây gần 80 năm (nếu tính từ năm ra đời tờ báo "Người cùng khổ" l - 4 - 1922), đội ngũ làm báo hôm nay nhận ra ở thời điểm ấy, Bác Hồ đã quán xuyến đầy đủ tính Đảng, tính giai cấp, tính chiến đấu, tính quần chúng trong mỗi tờ báo do Người sáng lập. Đương nhiên do mục tiêu cách mạng thời kỳ đầu đặt ra là xây dựng tổ chức Đảng, vận động, tập hợp quần chúng nhiều hơn nên vai trò tuyên truyền, cổ động tập thể của những tờ báo do Bác Hồ sáng lập được coi trọng hơn.


Văn Hiền
Nguồn: Những mẩu chuyện làm báo của Bác Hồ
NXB Thanh Niên
 
S

sonmoc

Việc chi tiêu của Bác Hồ



Các đồng chí ở gần Bác đều cho biết Bác rất tiết kiệm. Có đôi tất rách đã vá đi, vá lại mấy lần Bác cũng không dùng tất mới. Bác nói:

- Cái gì còn dùng được nên dùng. Bỏ đi không nên...

Khi tất rách chưa kịp vá, anh em đưa đôi mới để Bác dùng, Bác xoay chỗ rách vào bên trong rồi cười xí xóa:

- Đấy, có trông thấy rách nữa đâu...

Có quả chuối hơi nẫu, anh cán bộ chê không ăn, Bác lấy dao gọt phần nẫu đi, bóc ăn ngon lành, rồi nói:

- Ở chiến khu có được quả chuối này cũng đã quý...

Câu nói và việc làm của Bác làm đồng chí cán bộ hối hận mãi.

Dù cho đã làm đến Chủ tịch nước, suốt trong những năm ở Việt Bắc, ở Hà Nội, Bác chưa bao giờ “có tiền” (như anh em cán bộ, chiến sĩ, công tác quanh Bác thường nhận xét).

Thực tế lịch sử cho thấy rằng: suốt thời gian hoạt động của Bác ở nước ngoài, Bác gặp rất nhiều khó khăn về tài chính do những nguyên nhân khác nhau. Được đồng nào, chủ yếu do lao động tự thân mà có, Bác dành cho công tác cách mạng. Bác chi tiêu rất dè sẻn, cân nhắc từng xu. Liên hoan mừng thành lập Đảng cũng chỉ có bát cơm, món xào, tô canh, đĩa cá. Chiêu đãi đồng chí Lý Bội Quần, người Trung Quốc, người đã mua chiếc máy chữ từ Hải Phòng về tặng Người (năm 1939), Bác cũng chỉ “khao một món canh và 2 đĩa thức ăn, thêm hai lạng rượu, tổng cộng chưa hết một đồng bạc”.

Tự thết đãi mình “khi nghe tin Hồng quân bắt sống 33 vạn quân Hít le ở Xtalingrát năm 1943”, tại nhà tù, trong túi chỉ còn vẻn vẹn một đồng bạc, Bác đã “nhờ người lính gác mua giùm cho ít kẹo và dầu chả quẩy”. Sau khi phấn khởi hô mấy khẩu hiệu hoan nghênh thắng lợi của Liên Xô, Bác “ngồi một mình, chén tạc, chén thù rất đàng hoàng vui vẻ”...

Năm 1957, Bác về thăm Nghệ Tĩnh, khi ăn cơm chung với đồng chí Nguyễn Sĩ Quế, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Diệm, Bác đã để bớt ra ngoài mâm mấy món ăn, rồi nói: “Ăn hết lấy thêm, không ăn hết để người khác ăn, đừng để người ta ăn thừa của mình”.

Có thể dẫn ra nhiều nữa những ví dụ về cách chi tiêu sử dụng tiền bạc, cơ sở vật chất của Bác, rất “mâu thuẫn thống nhất”: chắt chiu, tằn tiện nhưng vẫn rộng rãi, không hoang phí mà cũng không keo kiệt, “ki bo”.

Thế giới, loài người tự hào về Bác. Là người Việt Nam, đồng hương của Bác, chúng ta càng tự hào biết bao! Cách ứng xử của Bác với tiền tài, với cái ăn, cái mặc, với cơ sở vật chất nói chung đâu có phải là cao quá mà chúng ta không học tập được, đâu có phải là một tòa thánh cấm uy nghiêm mà chúng ta không đặt chân lên được thềm bậc, dù là bậc thềm thứ nhất?

Nguồn: Báo Điện tử Cần Thơ
 
Q

quansuquatmo

Chuyện chiếc xe và máy lạnh trong phòng Bác


PHẠM LÊ NINH
(Trưởng phòng, Cục Cảnh vệ, Bộ Công an bảo vệ Bác Hồ từ năm 1954-1962)

TT - Được ở gần Bác chúng tôi chứng kiến một điều đặc biệt: dù trời đông giá rét hay ngày hè nóng nực, không bao giờ thấy Bác kêu nóng hay rét quá.

Dịp may hiếm có, trong lúc chúng tôi đang nghĩ cách chống nóng cho Bác thì các đồng chí bên Bộ Ngoại giao công tác ở nước ngoài gửi biếu Bác chiếc máy điều hòa nhiệt độ. Khi nhận máy về, từ các anh ở văn phòng Bác đến anh em phục vụ, bảo vệ đều vui mừng thấy như các đồng chí bên ngoại giao đã giúp mình tìm ra đáp số một bài toán khó.

Lúc đó Bác đi công tác vắng. Các anh quyết định cho lắp máy điều hòa vào phòng của Bác, định khi Bác về xin phép sau. Các đồng chí thợ điện tích cực làm việc, chỉ một buổi sáng chiếc máy đã được đặt gọn vào tường trong phòng làm việc của Bác.

Cầu dao điện vừa đóng, tiếng máy chạy ro ro, giống như có bầy ong về tổ. Lúc đó ở Hà Nội máy điều hòa còn hiếm, anh em chúng tôi nhiều người mới biết lần đầu, cứ tấm tắc khen.

Tuy vậy chúng tôi vẫn hồi hộp chờ ý kiến của Bác, bởi lẽ chúng tôi đều biết Bác sống rất giản dị. Những tiện nghi trung ương dành cho Bác, thứ nào thật cần thiết Bác mới dùng.

...Như chiếc xe Pôbêđa của Bác đã cũ, Văn phòng trung ương xin phép được đổi cho Bác xe khác mới và tốt hơn. Bác hỏi đồng chí lái xe:

- Xe của Bác đã hỏng chưa?

Đồng chí lái xe thành thật:

- Thưa Bác, xe chưa hỏng nhưng chúng cháu muốn đổi xe mới để Bác đi nhanh và êm hơn.

Bác cười bảo:

- Thế thì chưa đổi... Ai thích đi nhanh thì đổi xe mới, còn Bác vẫn dùng xe này vì nó chưa hỏng.

Một hôm sắp đến giờ Bác đi làm việc mà xe chưa nổ máy được. Thấy Bác đứng đợi, đồng chí lái xe rất lo lắng. Đoán xe có sự cố, Bác bước lại gần ân cần bảo đồng chí lái xe: “Máy móc thì có lúc nó trục trặc, chú cứ bình tĩnh sửa”. Vài phút sau xe sửa xong, đồng chí lái xe xin lỗi Bác, Bác cười độ lượng: “Thế là xe Bác vẫn còn tốt. Lần sau chú nhớ kiểm tra trước kẻo nhỡ việc của Bác”.

Chiếc xe ấy Bác dùng cho đến ngày Người đi xa...

Còn chiếc máy điều hòa đang làm mát cả phòng của Bác sẽ ra sao? Chúng tôi hồi hộp chờ đợi. Lần ấy Bác đi công tác độ một tuần mà chúng tôi cảm thấy như đã dài hàng tháng.

Nghe tin Bác về, chúng tôi chạy ra đón.

Sau khi thăm hỏi anh em, Bác đi về phòng ở. Vừa bước vào phòng, chợt Bác dừng lại, hỏi:

- Các chú này, hôm nay nhà mình có mùi gì lạ quá?

Chúng tôi nhìn nhau, chưa ai trả lời câu hỏi của Bác. Chính tôi cũng chưa phát hiện được điều gì. Sau này hỏi các đồng chí thợ điện mới biết chiếc máy điều hòa do một nước phương Tây sản xuất, chất lượng máy tốt, hình dáng đẹp nhưng muốn làm vui lòng khách, trong máy họ gắn thêm một bình bơm tự động có chứa nước hoa. Khi máy vận hành, van mở, nước hoa theo gió tỏa ra nên trong phòng lúc nào cũng phảng phất mùi thơm. Nếu ai không chú ý thì chỉ cảm thấy như quanh đây có mùi hoa lan, hoa huệ vậy. Biết không giấu được Bác, anh Vũ Kỳ (thư ký của Bác) và các đồng chí phục vụ xin lỗi Bác, rồi trình bày rõ lý do về chiếc máy điều hòa nhiệt độ. Không thấy Bác tỏ thái độ gì, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng chỉ đến đầu giờ làm việc chiều hôm ấy, Bác cho gọi anh Vũ Kỳ đến và ân cần bảo:

- Chiếc máy điều hòa nhiệt độ tốt đấy, các chú có thể đem đến cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là được rồi.

Tôi nghe Bác nói với anh Vũ Kỳ mà cảm giác như bước đi của mình bị hẫng.

Tôi rất muốn được thưa với Bác nhưng chưa được phép vì Bác đang làm việc với anh Vũ Kỳ. Khoảnh khắc ấy tôi bỗng nhớ lần Bác đến thăm trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội. Hôm ấy Bác đến thăm bất ngờ, Bác đi thẳng vào một dãy nhà anh em đang nghỉ và điều trị. Tin Bác đến thăm nhanh chóng lan ra cả trại. Từ các dãy nhà bên anh em kéo đến mỗi lúc một đông, ai cũng muốn được gần Bác. Thật cảm động, có những đồng chí cố len vào mong được gần Bác, quên cả mình đang phải dùng nạng thay chân.

Đang lúc Bác thăm hỏi sức khỏe anh em thì có một đồng chí thương binh hỏng mắt nhờ đồng chí y tá xin được vào gần Bác. Tôi bước lại đỡ đồng chí, vừa quay lại thì Bác cũng đi tới. Bác đưa tay đón đồng chí thương binh. Hình như có linh cảm đặc biệt, đồng chí thương binh hỏng mắt bước tới ôm chầm lấy Bác, nghẹn ngào hai tiếng: “Bác ơi”. Hai dòng nước mắt lăn xuống gò má còn chưa lành hẳn vết thương khiến chúng tôi không nén được xúc động. Bác cũng lặng đi giây lát rồi Người thăm hỏi đồng chí thương binh hỏng mắt và các đồng chí đang có mặt. Không khí trở lại vui vẻ như lúc ban đầu.

Sau đó Bác đi đến các dãy nhà thăm các anh, chị em mà vết thương nặng còn phải nằm bất động. Buổi chiều hôm ấy trời nóng, Bác vừa hỏi chuyện vừa cầm chiếc quạt giấy của Bác quạt cho anh em. Nhiều đồng chí xúc động cứ nhìn Bác mãi không nói được. Hôm ấy trên xe trở về nhà, tôi thấy Bác vẫn còn xúc động. Giờ đây trong căn phòng mát mẻ, chắc Bác chạnh lòng nghĩ đến các đồng chí thương binh.

Anh Vũ Kỳ và các đồng chí phục vụ đã hết lời đề nghị nhưng Bác vẫn không thay đổi ý kiến. Thế là ngay buổi chiều hôm ấy chiếc máy điều hòa được đưa ra khỏi căn phòng của Bác.
(Sưu tầm)
* Trích từ quyển Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ - Bảo tàng Hồ Chí Minh thực hiện.
 
Q

quansuquatmo

Bác Hồ và người gánh nước đêm giao thừa

"Một Đảng cầm quyền mà để người dân mình nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân..." - điều Bác Hồ nói vào mùa Xuân cách đây 45 năm đến nay còn thấm thía.

Chuyện suy tư đêm 30
Trước thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ của 45 năm về trước, khi nhà nhà sum họp, quây tụ, Bác "vi hành".
20081208-HCM2.JPG

45 năm trước, Bác Hồ đã nói về những hiện thực của... ngày hôm nay!

Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nguyên là cận vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại: Đúng 11 giờ đêm giao thừa, bác mặc áo bông, quần vải gụ, đi dép cao su, đội mũ len đen và quấn khăn chòng cổ, tìm đến nhà "một gia đình nghèo nhất Hà Nội" như người cận vệ của bác báo về. Đó là nhà chị Nguyễn Thị Tín, góa chồng, ngoài 40 tuổi, đêm trừ tịch vẫn phải đi gánh nước thuê nuôi các con.

Đến nay, sau gần nửa thế kỷ, liệu đất nước chúng ta đã hết những cảnh nghèo khổ, cơ cực như chị Tín?

Tết năm ấy Bác Hồ buồn. Trước những người hàng phố quanh nhà cô Tín ở, Bác đã hỏi: "Tại sao cả một khu phố như vậy mà không thấy ai quan tâm đến một gia đình như cô Tín? Chúng ta đã quá quan liêu để không biết những câu chuyện như vậy ở ngay thủ đô nước mình".

Nếu bây giờ Bác Hồ hoặc bất kỳ ai hay tin về những vụ bạo hành trong các khu dân cư âm ỉ hàng chục năm - biểu hiện của sự thờ ơ, vô cảm - chắc chắn là Bác sẽ buồn biết bao nhiêu? Mong rằng, mỗi lần nhớ đến Bác với những câu chuyện như thế này, bệnh quan liêu sẽ được thuyên giảm. Nên chăng, cuối năm, chúng ta nên lắng lại để nhìn lại mình và nhớ tới những người sống quanh mình, để trái tim cởi mở hơn, ấm áp hơn.

Lúc ấy, Người đã nói về tinh thần "lá lành đùm lá rách" mà chúng ta vẫn luôn cho rằng đó là truyền thống quý báu của mình. Trước hết là trách nhiệm của khu phố, và như Bác nói "điều lớn nhất vẫn là trách nhiệm của Chính phủ".

20081208-HCM3.JPG

Xuân sang, nhớ Bác - nhớ về những gì bác đã làm để nghĩ về hôm nay...



Ngày ấy Bác Hồ đã đích thân nhờ cảnh vệ đi tìm một gia đình nghèo thực sự để chúc Tết, vì thế, sau nhiều ngày, người thân cận bên Bác mới có thể tìm đến đúng nhà cô Tín. Và như Bác nói là "đu đúng người thật, việc thật".

Bác còn nói một chữ "nếu": "Nếu mà mình báo trước với thành phố, hỏi nhà nào nghèo nhất thì chắc chắn không phải nhà cô Tín rồi...".

Điều ấy khiến ta giật mình vì đến nay những chuyện viếng thăm đầy tính hình thức, thiếu tính thực tâm đâu đã mất đi?

Gương soi mỗi độ Xuân về

Giở những trang báo Xuân, năm nào cũng vậy, luôn gặp những câu chuyện về Bác. Đó là điều rất đỗi tự nhiên và dễ hiểu, không cần phải đợi đến những đợt vận động hay thi đua nào để thấm thía những lời nói và hành động vì nước, vì dân của Người. Bản thân những câu chuyện thật, việc thật - dù chỉ bình dị thôi - nhưng luôn có sức lan truyền.

Câu chuyện này gieo cho chúng ta một mong ước trước thềm Xuân rằng: Mỗi "người trong một nước" rung động với nhau nhiều hơn, Chính phủ và các cấp chính quyền đến gần dân hơn - để không còn những cảnh nghèo như gia đình chị Nguyễn Thị Tín - thì nước mới mạnh.

Nguồn: Vietnamnet
 
Last edited by a moderator:
Q

quansuquatmo

Câu chuyện về 3 chiếc ba lô

Trong những ngày sống ở Việt Bắc, mỗi lần Bác đi công tác, có hai đồng chí đi cùng. Vì sợ Bác mệt, nên hai đồng chí định mang hộ ba lô cho Bác, nhưng Bác nói:

- Đi đường rừng, leo núi ai mà chẳng mệt, tập trung đồ vật cho một người mang đi thì người đó càng chóng mệt. Cứ phân ra mỗi người mang một ít.

Khi mọi thứ đã được phân ra cho vào 3 ba lô rồi, Bác còn hỏi thêm:

- Các chú đã chia đều rồi chứ?

Hai đồng chí trả lời:

- Thưa Bác, rồi ạ.

Ba người lên đường, qua một chặng, mọi người dừng chân, Bác đến chỗ đồng chí bên cạnh, xách chiếc ba lô lên.

- Tại sao ba lô của chú nặng mà Bác lại nhẹ?

Sau đó, Bác mở cả 3 chiếc ba lô ra xem thì thấy ba lô của Bác nhẹ nhất, chỉ có chăn, màn. Bác không đồng ý và nói:

- Chỉ có lao động thật sự mới đem lại hạnh phúc cho con người.

Hai đồng chí kia lại phải san đều các thứ vào 3 chiếc ba lô.

Nguồn: Báo Điện tử Cần Thơ
 
Q

quansuquatmo

Bát chè sẻ đôi

Đồng chí liên lạc đi công văn 10 giờ đêm mới đến. Bác gọi mang ra một bát, một thìa con. Rồi Bác đem bát chè đậu đen, đường phèn, mà anh em phục vụ vừa mang lên, sẻ một nửa cho đồng chí liên lạc.

- Cháu ăn đi.

Thấy đồng chí liên lạc ngần ngại, lại có tiếng đằng hắng bên ngoài, Bác giục:

- Ăn đi, Bác cùng ăn...

Cám ơn Bác, đồng chí liên lạc ra về. Ra khỏi nhà sàn, xuống sân, đồng chí cấp dưỡng bấm vào vai anh lính thông tin:

- Cậu chán quá. Cả ngày Bác có bát chè để bồi dưỡng làm đêm mà cậu lại ăn mất một nửa.

- Khổ quá, anh ơi! Em có sung sướng gì đâu. Thương Bác, em vừa ăn vừa rớt nước mắt, nhưng không ăn lại sợ Bác không vui, mà ăn thì biết cái chắc là các anh mắng mỏ rồi...

Nguồn: Báo Điện tử Cần Thơ
 
Q

quansuquatmo

Bác có phải là vua đâu?

Có một số người có ngôi cao, chức cả, sống trong sự trọng vọng, chiều chuộng của mọi người, thường xuyên được hưởng sự ưu đãi đặc biệt, lâu dần cũng quen đi mà không hề biết rằng mình đã nhiễm phải thói đặc quyền, đặc lợi.

Suốt đời tâm niệm là người công bộc của nhân dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, Bác Hồ của chúng ta luôn luôn hòa mình vào cuộc sống chung của đồng bào, đồng chí, không nhận bất cứ một sự ưu tiên nào người khác dành cho mình.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhiều nhân sĩ, trí thức cao tuổi theo Bác lên Việt Bắc, đi kháng chiến, đèo cao suối sâu, đường bùn lầy, nhiều vị phải nằm cáng. Anh em phục vụ lo Bác mệt cũng đề nghị Bác lên cáng, Bác gạt đi: Bác còn khỏe, còn đi được, các chú có nhiệm vụ đưa Bác đi như thế này là tốt rồi.

Cuối năm 1961, Bác về thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một xã có phong trào trồng cây tốt. Tại một ngọn đồi thấp, Bác đứng nói chuyện với nhân dân trong xã. Trời đã gần trưa, tuy đã sang đông mà nắng còn gay gắt. Nhìn Bác đứng giữa nắng trưa, ai cũng băn khoăn. Đồng chí Chủ tịch huyện cho tìm mượn được chiếc ô, định giương lên che nắng cho Bác, thì Bác quay lại hỏi:

- Thế chú có đủ ô che cho tất cả đồng bào không? Thôi, cất đi, Bác có phải là vua đâu?

Một lần, trong bữa ăn, đồng chí phục vụ dọn lên cho Bác một đĩa cá anh vũ, một loại cá sông quý hiếm thường chỉ có ở khúc sông Hồng đoạn Bạch Hạc - Việt Trì. Nhìn đĩa cá biết ngay là của hiếm, Bác khen và bảo:

- Cá ngon quá, thế mà chú Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng) lại đi vắng. Thôi, các chú để đến chiều đồng chí Tô về cùng thưởng thức.

Miếng ngon không bao giờ Bác chịu ăn một mình. Chia sẻ ngọt bùi là thế, tưởng chuyện cũng sẽ qua đi. Nhưng đến bữa sau, trong mâm cơm lại có món cá hôm trước. Nhìn đĩa cá, Bác hiểu ngay và tỏ ra không bằng lòng.

- Bác có phải là vua đâu mà phải cung với tiến!

Rồi Người kiên quyết bắt mang đi không ăn nữa. Như Bác đã từng nói, ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì Bác đâu có chấp nhận.

Những anh em công tác trong Phủ Chủ tịch hàng ngày vẫn thường đi lại bằng xe đạp, thỉnh thoảng có gặp Bác đi bộ. Nhìn thấy Bác, mọi người đều xuống dắt xe chờ Bác đi qua rồi mới lên xe đi tiếp. Thấy vậy, Bác thường khoát tay ra hiệu bảo anh em cứ đi tiếp, không cần xuống xe. Nhưng ai có thể cho phép mình ngồi trên xe khi Bác đi bộ. Một lần, Bác gọi đồng chí vừa xuống dắt xe lại gần và bảo:
- Các chú có công việc của mình nên cứ tiếp tục đạp xe mà đi. Bác đâu có phải là cái đền có biển “hạ mã” ở trước để ai đi qua cũng phải xuống xe, xuống ngựa?

Lão Tử có nói: “Trời đất sở dĩ có thể dài và lâu vì không sống cho mình nên mới được trường sinh. Thánh nhân đặt thân mình ở sau mà lại lên trước, đặt thân mình ở ngoài mà lại còn”. Bác Hồ sống quên mình, không nghĩ đến mình mà lại trở thành sống mãi. Lời Lão Tử thật sâu sắc lắm thay!

Nguồn: Báo Điện tử Cần Thơ
 
Q

quansuquatmo

Thời gian quý báu lắm

Sinh thời, Bác Hồ của chúng ta yêu cái gì nhất, ghét cái gì nhất? Kể cũng hơi khó trả lời cho thật chính xác, bởi ở ta không có thói quen “tự bạch” và kín đáo, ý nhị vốn là một đặc điểm của lối ứng xử phương Đông.

Tuy nhiên, theo dõi qua tác phẩm, hoạt động và sinh hoạt đời thường, điều ta có thể thấy rõ cái mà Người ghét nhất, “ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm” là các thói quan liêu, tham nhũng, xa hoa, lãng phí tiền bạc và thời gian của nhân dân.

Ở một mức độ khác, thấp hơn, những người có điều kiện tiếp xúc và làm việc với Bác Hồ, điều thấy rõ nhất là Bác rất khó chịu khi thấy cán bộ làm việc không đúng giờ.

Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”.

Trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí cấp tướng đến làm việc với Bác sai hẹn mất 15 phút, tất nhiên là có lý do: mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. Bác bảo:

- Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động.

Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi:

- Chú đến chậm mấy phút?

- Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!

- Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.

Bác quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu, vì vậy thường không bao giờ để bất cứ ai phải đợi mình.

Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh chị em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Tin vui đến làm náo nức cả lớp học, mọi người hồi hộp chờ đợi.

Bỗng chuyển trời đột ngột, mây đen ùn ùn kéo tới, rồi một cơn mưa dồn dập, xối xả, tối đất, tối trời, hai ba tiếng đồng hồ không dứt. Ai cũng xuýt xoa, tiếc rẻ: mưa thế này, Bác đến sao được nữa, trời hại quá.
Giữa lúc trời đang trút nước, lòng người đang thất vọng, thì từ ngoài hiên lớp học có tiếng rì rào, rồi bật lên thành tiếng reo át cả tiếng mưa ngàn, suối lũ:

- Bác đến rồi, anh em ơi! Bác đến rồi!

Trong chiếc áo mưa ướt sũng nước, quần xắn đến quá đầu gối, đầu đội nón, Bác hiện ra giữa niềm ngạc nhiên, hân hoan và sung sướng của tất cả mọi người.

Về sau, anh em được biết: giữa lúc Bác chuẩn bị đến thăm lớp thì trời đổ mưa to. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị Bác cho báo hoãn đến một buổi khác. Có đồng chí đề nghị tập trung lớp học ở một địa điểm gần nơi ở của Bác...

Nhưng Bác không đồng ý: “Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì biết đến khi nào? Thà chỉ một mình Bác và một vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cho cả lớp học phải chờ uổng công!”.

Ba năm sau, giữa Thủ đô Hà Nội đang vào xuân, câu chuyện có thêm một đoạn mới. Vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, hàng trăm đại biểu các tầng lớp nhân dân thủ đô tập trung tại Ủy ban Hành chính thành phố để lên chúc tết Bác Hồ. Sắp đến giờ lên đường trời bỗng đổ mưa như trút. Giữa lúc mọi người còn đang lúng túng thu xếp phương tiện cho đoàn đi để Bác khỏi phải chờ lâu thì bỗng xịch, một chiếc xe đậu trước cửa. Bác Hồ từ trên xe bước xuống, cầm ô đi vào, lần lượt bắt tay, chúc tết mỗi người, trong nỗi bất ngờ rưng rưng cảm động của các đại biểu.

Thì ra, thấy trời mưa to, thông cảm với khó khăn của ban tổ chức và không muốn các đại biểu vì mình mà vất vả, Bác chủ động, tự thân đến tại chỗ chúc tết các đại biểu trước. Thật đúng là mối hằng tâm của một lãnh tụ suốt đời quên mình, chỉ nghĩ đến nhân dân, cho đến tận phút lâm chung, vẫn không quên dặn lại: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Nguồn: Báo Điện tử Cần Thơ
 
S

sonmoc

Bác Hồ và những chuyện chưa được kể phía sau khuôn hình


(VietNamNet) - Đây là những câu chuyện cảm động về Bác Hồ với những người làm báo hình của đạo diễn, quay phim, NSƯT Phạm Việt Tùng - người đã từng theo Bác những ngày đầu bước vào nghề báo hình và làm nhiều phim tài liệu về Bác Hồ. Chúng tôi xin đăng lại nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Những câu chuyện ông kể, có chuyện do ông trực tiếp chứng kiến và có những chuyện các đồng nghiệp của ông, nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn, Hoàng Thái, Phan Nghiêm, Phạm Văn Khoa, Mai Lộc, Phan Trọng Quỳ, An Sơn, Tô Cương, Ngọc Quỳnh, Khánh Dư, Nguyễn Đăng Bẩy... kể lại trong chặng đường tái dựng chân dung Bác Hồ của ông.






Bác Hồ luôn quan tâm đến phóng viên báo chí từ những việc rất nhỏ, rất cụ thể.




Đó là những câu chuyện không thể nào quên đối với những người có may mắn gánh trên mình trọng trách “đưa hình ảnh Bác đến với đồng bào khắp trong Nam, ngoài Bắc, trong đó có những người “giúp nhân dân Miền Nam biết gương mặt đó để tin và đi theo chủ nghĩa đó” như lời kể của nghệ sĩ Việt Tùng.

Ở độ tuổi 20, còn rất trẻ, Phạm Việt Tùng đã "có may mắn được đi theo Bác Hồ" từ những năm 1960. Ông tâm sự: "Được tiếp xúc và gần gũi Bác, chúng tôi bị ảnh hưởng của Bác trong công việc báo hình. Thế hệ những người "cũ kỹ, có may mắn gần Bác như chúng tôi luôn suy nghĩ làm sao cho đúng, soi lại tư tưởng của Bác trước mỗi hành động".

Kể từ năm 1919 với bản yêu sách nổi tiếng gửi đến Hội nghị Véc-xây, cho đến khi từ giã cõi đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trên 2.000 bài báo, với 150 bút danh khác nhau.

Bác cũng là người sáng lập nên nền báo chí cách mạng VN.

Những năm đầu trong nghề làm báo hình của ông gắn với nhiều kỷ niệm về Bác. Sau này, ông đã làm rất nhiều những bộ phim tư liệu về Bác Hồ. Những kỷ niệm khi quay phim về Bác tái hiện sống động trong ký ức NSƯT Việt Tùng.

Bác luôn xuất hiện ở nơi không ngờ nhất

Được báo tin Bác chuẩn bị đến thăm một địa điểm nào đó, đơn vị được Bác tới thăm bao giờ cũng muốn chuẩn bị thật chu đáo để đón Bác. Cánh quay phim thường đến sớm, chuẩn bị máy tại nơi dự kiến sẽ đón Bác.

“Nhưng Bác luôn xuất hiện ở những nơi không ngờ nhất. Nhiều khi mình chuẩn bị đón tiếp tại một hướng nhưng ông Cụ lại đến từ một hướng khác”. “Không ai đoán được ông Cụ muốn kiểm tra mình cái gì”.

Năm đó, Bác Hồ trở lại thăm Pắc Bó, nơi Bác vẫn xem là quê hương thứ hai của mình. Nhân dân Pắc Bó đã làm một con đường lớn để đón Bác vào thăm mộ Kim Đồng. Nhưng khi đến thăm, Bác không đi con đường mới được xây dựng ấy. Bác lần theo đường mòn cũ, đi lại những lối đi đã từng rất quen thuộc với Bác trong thời kỳ kháng chiến, như muốn ôn lại cả chặng đường đã qua.

Mỗi khi đón Bác, các cơ quan, đơn vị đều chuẩn bị kỹ phòng họp để Bác vào thăm. Nhưng bao giờ cũng vậy, Bác thường qua thăm chỗ nhà ăn, nhà vệ sinh trước rồi mới tới gặp nhân dân. Bác quan tâm sâu sắc, cụ thể đến đời sống của họ, từng cái ăn, cái ở. “Mỗi chuyến thăm của Bác không phải Bác đến chỉ để phát biểu vài ba câu…”. Có lần, đến thăm nhà máy cơ khí số 1, trong khi mọi người đang loay hoay chuẩn bị phòng đón Bác, Bác đi vòng qua sân, nhìn thấy một cái bục nhỏ. Bác đứng lên bục và nói chuyện với công nhân ngay tại đó.

"Các chú chuẩn bị máy, Bác bảo cho mà làm"

Là vị Chủ tịch nước, nhưng Bác quan tâm đến những việc rất nhỏ của cánh quay phim, quan tâm sát sao và rất cụ thể. Ông Việt Tùng tâm sự: "Cụ luôn biết mình đang thuận lợi, khó khăn gì để giúp đỡ mình, thân tình và nhân ái”.

Ông vẫn nhớ câu chuyện của người đồng nghiệp trong chuyến quay phim dịp Đại hội Đảng lần thứ II. Bác đã chủ động hỏi các nhà quay phim: "Các chú có mang nhiều phim không?" Chú quay phim thành thật thưa với Bác: "Thưa Bác, chúng cháu chỉ có 1 cuộn phim thôi ạ". Bác liền bảo: "Thế các chú chuẩn bị máy, Bác bảo cho mà làm… Chú quay một cái toàn cảnh rồi lia sang lá cờ. Sau đó mới tới các hoạt động của hội nghị". Ông Cụ am hiểu về nghề làm phim như vậy đấy, nhà quay phim Việt Tùng nói.

Bấy giờ, điện ảnh Việt Nam còn kém. Chúng ta quay phim gửi sang Trung Quốc, để Trung Quốc “làm giúp”. Đó là bộ phim "Việt Nam kháng chiến". Ta muốn quay cảnh Bác họp hội đồng Chính phủ nhưng vì hồi ấy, chưa được trang bị các thiết bị hiện đại như bây giờ, ánh sáng trong ngôi nhà mái lá không đảm bảo cho cảnh quay. Trong lúc cánh quay phim đang "bí", loay hoay chưa biết làm thế nào cho đủ sáng, Bác chỉ lên mái nhà, bảo với quay phim Khánh Dư lúc đó đang là phụ quay: "Chú trèo lên dỡ mấy tàu lá cọ xuống cho ánh sáng lọt vào là quay được".

Nhà quay phim Tô Cương: "Ông cụ đã cứu mình"

Ông bồi hổi kể, Bác Hồ có thói quen đi rất nhanh. Bác bước từng sải dài, chỉ nhắm nhanh đến đích, để thực hiện công việc của mình. Anh em quay phim nhiều khi không bắt kịp hình ảnh của Bác, nhưng ngại, không biết làm như thế nào. Một hôm, trong lúc nói chuyện, Bác quay sang hỏi nhà quay phim An Sơn: “Hôm nay các chú có làm được việc không?”. Lúc này, ông mới mạnh dạn bộc bạch với Bác: “Thưa Bác, Bác đi nhanh quá ạ. Phim nhựa mang theo người nặng lắm, mà Bác đi nhanh như thế, cháu không quay được ạ”. Từ đó, khi máy quay hướng vào Bác, Bác chủ động đi chậm lại, tạo thuận lợi để thu được những thước phim về Bác.

Bác Hồ luôn quan tâm đến những việc rất bé như vậy. Câu chuyện của nhà quay phim Tô Cương được nghệ sĩ Việt Tùng kể lại trong niềm xúc động. Đầu năm 1960, gia đình Luật sư Lô-Giơ-Bai, ân nhân của Bác trong vụ án Hồng Kông sang thăm Việt Nam. Bác Hồ đưa các vị khách quý đến thăm Nhà máy Công cụ số 1.

Trong lúc đang quay phim, đột nhiên máy quay bị hỏng. Bác nghe xoạch một tiếng, biết là máy quay không chạy được. Bác chủ động dừng lại, quay ra nói chuyện với các vị khách, tạo thời gian cho anh em sửa máy. “Cụ lo cho mình như thế đấy. Nếu Cụ đi thẳng, mình không chữa được máy, không quay được hình ảnh Cụ, không hoàn thành được nhiệm vụ, chắc chắn sẽ bị kỷ luật…”. Ông Việt Tùng lúc bấy giờ làm ánh sáng phụ cho ông Tô Cương quay phim về Bác kể lại. Sau lần đó, nhà quay phim Tô Cương cứ xuýt xoa: “May quá, Ông Cụ đã cứu mình”.

Đằng sau khuôn hình, tại hậu trường những cảnh quanh chân thực về Bác, còn biết bao những câu chuyện giản dị và cảm động. Những câu chuyện đó đã theo họ trên suốt chặng đường làm báo, với tâm nguyện “làm gì cho xứng đáng”, bởi như Bác nhiều lần nhắc nhở: làm báo chính là làm cách mạng… là để phục vụ quảng đại quần chúng, không chỉ phục vụ một số ít cá nhân...

Phương Loan
 
Q

quansuquatmo

Chú còn trẻ, vào hầm trú trước đi

Một ngày tháng 7-1967 ở Hà Nội, đồng chí Mai Văn Bộ được Bác Hồ gọi đến mời cơm tiễn chân trước khi đồng chí lên đường đi Paris nhận nhiệm vụ Tổng đại diện Chính phủ ta bên cạnh Chính phủ Pháp.
Trong bữa cơm, Bác kể chuyện về khu Luýcxămbua, Môngpacnát, nơi Bác có nhiều kỷ niệm. Bác nói Bác rất yêu Paris, Paris đã dạy cho Người nhiều điều...


Bỗng tiếng còi báo động rú lên. Một chiến sĩ bảo vệ yêu cầu Bác và các đồng chí khác xuống hầm. Ít phút sau đã nghe tiếng đạn nổ.

- Thưa Bác, tác chiến báo cáo chúng nó đánh cầu Long Biên. Mời Bác vào hầm trú ngay cho.

Bác quay lại đồng chí Bộ, nói:

- Bác già rồi, chẳng bom đế quốc nào ném đâu. Chú còn trẻ, chú cần vào hầm trú ẩn trước.

Rồi Bác đẩy đồng chí Bộ đi trước, sau đó đến đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí cảnh vệ. Bác là người vào hầm trú ẩn sau cùng.

Nguồn: Website Báo điện tử Cần Thơ
 
Q

quansuquatmo

Ai ăn thì người ấy trả tiền

Năm 1954, hòa bình lập lại trên nửa nước. Đồng bào các địa phương có sản vật gì quý đều gửi một ít lên biếu Bác để giới thiệu thành tích tăng gia với Người.
Trong một bữa cơm, Bác thấy có món cà Nghệ, quả nhỏ, cùi ròn, ngâm mắm. Bữa ấy Bác ăn rất ngon. Hôm sau lại có món cà quê hương. Bác ăn hết vài ba quả. Thấy thế đồng chí anh nuôi lại dọn cà.
Bác hỏi:
- Cà muối mua hay ai cho thế?
- Thưa Bác, đồng bào Nghệ An đưa ra tặng Bác.
- Có nhiều không?
Dạ, một ô tô ạ.
Bác chậm rãi nói:
- Thế này nhé. Cà Nghệ ăn rất ngon. Bác ăn mấy bữa liền là đủ rồi. Bây giờ ai muốn ăn nữa thì trả tiền cho đồng bào Nghệ An.
Đồng chí chiến sĩ anh nuôi lùi ra nói:
- Chết chưa! Đã bảo mà.

Theo: Bích Hạnh
 
S

sonmoc

Chiếc thắt lưng của Bác


Thời kỳ đó là tháng 6-1954. Sau chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tới Genève để đàm phán. Hội nghị kéo dài được gần một tháng thì các bên tạm nghỉ để về nước báo cáo lập trường các bên cho chính phủ mình. Trên đường về Việt Nam các bạn Trung Quốc đã mời phái đoàn Việt Nam nghỉ lại Trung Quốc. Phái đoàn Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu.
Hôm đó, Bác nghỉ tạm tại nhà nghỉ Đảng bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Quảng Tây. Sáng, Bác Hồ đi họp, ở nhà, một cán bộ của bạn đi kiểm tra phòng Bác xem các nhân viên phục vụ phòng có chu đáo không. Sau khi xem xét một lượt, anh ta thấy trên sàn nhà một mảnh vải đã cũ, dài khoảng 80cm, rộng khoảng 10cm, màu vàng đã bạc. Đoán rằng đây là dây gói tài liệu rớt ra sau khi cầm tài liệu đi, anh ta bỏ mảnh vải vào thùng đựng giấy rác.
Bác đi họp về, hỏi: “Thắt lưng của tôi đâu? Tôi thường để sau ghế tựa nên bị rơi xuống đất”. Lúc này mọi người mới vỡ lẽ vội đi tìm và đưa lại cho Bác.
Một chiếc thắt lưng bằng da, bằng dây dù... cũng không đắt hơn một miếng vải là bao. Nhưng vấn đề ở đây: Cái quí báu trong nhân cách của Bác là tính cách luôn hy sinh, cái riêng bao giờ cũng là tối thiểu, cái dành cho sự nghiệp chung bao giờ cũng được ưu tiên tối đa. Phẩm chất trong sáng thể hiện thường trực trong những cử chỉ của Bác, dù nhỏ nhất. Thời điểm đó, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, thắt lưng chiến lợi phẩm thu được rất nhiều, nhưng Bác vẫn chỉ tiếp tục dùng chiếc thắt lưng quen thuộc cũ kỹ của mình.
 
S

sonmoc

Câu chuyện về chiếc áo Bác Hồ mặc ngày 2/9/1945


Tại Viện Bảo tàng Cách mạng có trưng bày những hiện vật liên quan đến thời điểm lịch sử ngày 2/9/1945 gồm: chiếc micro Hồ Chủ Tịch sử dụng trong Lễ tuyên ngôn Độc Lập, một số kèn đồng mà đội quân nhạc cử Quốc ca tại quảng trường Ba Đình… Và đặc biệt có bộ quần áo Bác Hồ đã mặc trong ngày lễ khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.



Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945


… Ngày 23/8/1945, Hồ Chủ Tịch về đến thôn Gạ (Phú Thượng – Hà Nội ), nghỉ ở đây một ngày. Hôm sau Người được Trung ương và Thành uỷ bố trí đến ở tại gác 2 số nhà 48 Hàng Ngang (nhà của ông Trịnh Văn Bô - một thương gia yêu nước, cơ sở tin cậy của Cách mạng).

Về đến Hà Nội, Bác rất gầy yếu, sau những trận ốm và phải đi xa. Bà Trịnh Văn Bô, nữ chủ nhân của ngôi nhà 48 Hàng Ngang lịch sử kể lại: Bác từ chiến khu về chỉ có một đôi dép cao su nhãn hiệu con hổ trắng, chiếc quần soóc nâu, chiếc áo sơ mi ngắn tay, một chiếc can và chiếc mũ phớt bạc màu. Đêm đêm, Bác thức rất khuya đánh máy chữ. Chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, đèn bàn của Ông Cụ mới tắt; nhưng 5 giờ sáng đã thấy Ông Cụ tập thể dục ngoài ban công.

Hàng ngày lúc 7 giờ sáng, ông Vũ Đình Huỳnh đón Bác ra Bắc Bộ phủ làm việc đến chiều mới về 48 Hàng Ngang. Buổi tối Bác thường xuyên bận vì phải hội kiến, làm việc với các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt…

Sau này bà Trịnh Văn Bô mới biết rằng tiếng đánh máy chữ vang lên trong đêm khuya ấy chính là Bác Hồ đang thảo bản hùng văn vô giá - Tuyên ngôn lịch sử khai sinh cho Tổ Quốc. Thời gian này Hà Nội đang chuẩn bị cờ hoa và cả vũ khí cho ngày trọng đại sắp tới. Nay tuy đã 91 tuổi nhưng bà Trịnh Văn Bô vẫn còn nhớ rõ những ngày tháng hào hùng ấy…

Vào khoảng những ngày 26, 27/8, tức là khi đã ấn định Lễ tuyên ngôn vào 2/9/1945, anh em cán bộ mới sực nhớ ra cần phải trang bị mỗi người một bộ quần áo thật tươm lúc ra mắt trên lễ đài, đặc biệt là Hồ Chủ tịch. Đa số anh em từ chiến khu trở về và kể cả Bác cũng đều mặc những đồ đã cũ sờn, có nhiều miếng vá.

Bà Trịnh Văn Bô bồi hồi nhớ lại: “Lúc bấy giờ trong tủ của nhà chúng tôi có rất nhiều vải (vì là nhà buôn vải vóc), tôi lấy ra mấy súc ka ki để may cho anh em. Ngoài ra trong tủ cũng có hàng chục bộ quần áo khá sang trọng may sẵn mà ông Bô chưa dùng, nên tôi lấy ra cho các anh mặc tạm trước. Ai mặc vừa bộ nào thì dùng bộ nấy… nhưng tầm người như Ông Cụ không hợp bộ nào cả…”.

Gần sát ngày đại lễ, ông bà Trịnh Văn Bô đã chọn riêng loại vải kaki của Anh và ông Vũ Đình Huỳnh - nguyên là thư ký lễ tân mang đến xin ý kiến Bác. Bác nói:

- Tôi mặc xuềnh xoàng thôi. Không len, dạ đắt tiền làm gì, cốt tươm tất giản dị, không phải cà vạt cổ cồn là tốt…

Ông Vũ Đình Huỳnh chợt nhớ tới một bức ảnh của Stalin nên ướm thử với Bác may theo kiểu áo đó, cũng không có cà vạt mà oai vệ. Bác mỉm cười nói: “Nhưng mình có phải là Stalin đâu”. Cuối cùng ông Vũ Đình Huỳnh mời ông Phú Thịnh- chủ hiệu may có tiếng ở Phố Hàng Quạt tới và trình bày:

- Tôi có người nhà là cụ lý ở quê ra thăm Thủ đô, tôi muốn cắt vài bộ đồ cho cụ, nhờ anh cắt may kiểu áo bốn túi, mặc kín cổ khi có việc quan trọng, lúc thường nhật thì mở khuy áo thoải mái, đi giày đi dép đều hợp với cụ lý nhà tôi.

Ông Phú Thịnh ngẫm nghĩ một lúc dè dặt nói: “Tôi đã mường tượng ra kiểu áo ấy rồi. Chỉ cần tính toán cái ve áo nhọn hay tù?”. Ông Phú Thịnh ngắm nghía tấm ảnh Stalin rồi nói: “Kiểu tướng soái này oách lắm nhưng không hợp với các cụ người nhà mình. Thôi được tôi sẽ lo liệu để có bộ áo hợp ý với Cụ”.

Hai hôm sau, ông Phú Thịnh đem hai bộ quần áo đến, cười ý nhị nói: “Tôi trộm nghĩ cụ lý này không phải là lý trưởng mà có lẽ là một cụ lý… khác thường”- Ông Vũ Đình Huỳnh cười đáp lại tình cảm tinh tế của ông thợ may.

Hôm sau, lựa lúc Bác tập thể dục, tắm buổi sáng xong, ông Vũ Đình Huỳnh đem bộ quần áo mới vào. Bác ướm thử, ngắm kỹ cổ áo và mỉm cười: “Được, thế này là hợp với mình”. Ông Vũ Đình Huỳnh lúc đó đã rất vui và thầm mỉm cười nghĩ, chỉ trong vài ngày nữa, ông Phú Thịnh sẽ vô cùng sung sướng và ngạc nhiên vinh dự khi “cụ lý” mà mình may quần áo cho lại chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đọc Tuyên ngôn Độc Lập tại Vườn hoa Ba Đình để khai sinh ra một quốc gia mới – Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Theo Nguyễn Thiên Việt
(Ghi theo lời kể của Bà Trịnh Văn Bô và nhà văn Sơn Tùng)
Quân Đội Nhân Dân
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Top Bottom