thuyết minh về môt món ăn

D

deltafoce11

Tên gọi bánh cóng đơn giản là vì bánh được đổ trong chiếc cóng, gồm có bột gạo pha loãng, đậu xanh, tôm thịt, củ sắn, ăn kèm với cải xanh, xà lách và các loại rau thơm khác.
Dân dã mà tinh tế

Bánh cóng là món ngon nổi tiếng của Sóc Trăng rất được người Sài Thành ưa chuộng. Khó có thể nói chính xác bánh cóng có mặt ở Sài Gòn từ khi nào, chỉ biết là rất lâu rồi. Thường người ta hay ăn chung với bánh cuốn nhưng đó chỉ là kiểu ăn kèm để cho món thêm đậm đà vì khi ấy miếng bánh cóng đã nguội, xếp gọn ghẽ trong tủ kính hoặc trong khay, mất hẳn độ nóng giòn thơm phức. Nên người sành ăn vẫn thích những hàng quán chỉ chuyên về bánh cóng, nơi mà chỉ cần đi ngang qua đã nghe mùi thơm lan tỏa cuốn hút từ chảo dầu sôi sùng sục, trong đó là những chiếc bánh cóng vàng ruộm hấp dẫn.


Cũng như bánh xèo, bánh cóng nhìn có vẻ nhiều dầu mỡ và tôm thịt nhưng lại là món ăn cân đối dinh dưỡng vì ăn kèm với rất nhiều loại rau, trong đó không thể thiếu được cải xanh. Thứ cải hăng nồng này lại hợp lạ lùng với bánh cóng, đi chung với nhau vừa kích thích khẩu vị vừa gia giảm độ cay nồng và béo bùi tạo nên một hương vị thật đặc biệt.

Không quy mô như những quán bánh xèo, những hàng bán bánh cóng thường khiêm tốn hơn, có khi chỉ là một góc nơi chợ hay quán nhỏ ven đường, đủ kê vài bộ bàn ghế lúp xúp. Nhưng nhỏ thì nhỏ mà khách đông vẫn cứ đông, sang có mà xuề xòa cũng có, ghé quán không cần chỗ ngồi rộng rãi thoáng mát mà cốt yếu là muốn thưởng thức bánh đổ tại chỗ, dọn ra bàn còn nóng hổi. Chủ quán ngồi ngay cạnh khách, luôn tay múc bột - chiên bánh - vớt ra, cứ thế làm không ngơi nghỉ. Trên cái chảo dầu sôi luôn có thêm một vỉ sắt để khi vớt bánh ra sẽ gác lên cho ráo dầu. Nếu khách thắc mắc vì sao gọi là bánh cóng thì sẽ nhận được câu trả lời đơn giản là bánh đổ trong chiếc cóng, có hình dạng như những ca nhôm nhỏ thường dùng để đá tủ lạnh nhưng có tay cầm và móc. Người bán sẽ tráng một lớp bột gạo pha loãng dưới đáy, phủ thêm một lớp đậu xanh, một lớp thịt, tôm và củ sắn, sau cùng lại đổ một lớp bột gạo lên. Nhúng bánh vào chảo ngập dầu thật sôi, trong thời gian chờ bánh kết lại thì treo tạm lên vỉ sắt và quay sang làm cái khác; sau đó lại canh thời gian để khảy nhẹ bánh ra khỏi cóng và chiên đến khi vàng đều.

Tuy chỉ là một món quà vặt nhưng toàn bộ quy trình làm bánh đều đòi hỏi phải tinh tế và khéo léo, từ khâu chọn gạo xay bột, hòa với đậu xanh và nước thế nào cho vừa đủ, pha nước chấm sao cho vừa ý khách. Bánh chiên phải có độ giòn xốp chứ không cứng, ăn vào phải đủ vị béo bùi của bột gạo, đậu xanh, tôm thịt nhưng không quá ngấy… Từng thứ nhỏ nhặt thôi nhưng nếu không chú ý thì sẽ dễ mất khách, vì khách đến với hàng bánh cóng vừa xuề xòa vừa khó tính. Dễ ở chỗ không kén nơi ngồi nhưng lại đòi hỏi cầu kỳ trong cách thưởng thức, bánh phải đủ ngon thì mới giữ chân khách dài lâu.

Bánh cóng ở Sài Gòn

Sài Gòn có khá nhiều nơi chuyên bán bánh cóng, ngay trung tâm thành phố thì có đường Nguyễn Du, đoạn gần Nguyễn Trung Trực. Bánh cóng nơi này chỉ dọn ra vào buổi chiều và phục vụ chủ yếu cho dân văn phòng làm việc xung quanh - những người ngồi nhiều ít vận động, cần một món ngon đủ dưỡng chất và nhất là không ảnh hưởng đến lượng calori trong cơ thể. Chạy xuống chút nữa là đến Võ Văn Tần quận 3, hẻm nhỏ trong khu chợ có một hàng bánh xèo, bánh cóng rất đông khách dù tìm một nơi để xe và ngồi xuống ăn khá vất vả. Những quán dưới chân cầu Calmette quận 1 hoặc ở đường Nguyễn Tri Phương quận 5, đoạn gần ngã sáu cũng chỉ toàn khách quen. Nhưng đông đảo nhất phải kể đến các hàng bánh cóng ở hẻm nhỏ và quầy trong chợ, từ sáng đến chiều luôn đỏ lửa phục vụ khách. Miếng bánh nhỏ gọn trong lòng bàn tay thường “đánh lừa” thị giác của thực khách khi tưởng mình có thể cùng lúc ăn được… chục cái. Nhưng thường khách ăn đến cái thứ 3 là đã thấy no, cố gắng lắm cũng chỉ thêm được 1, 2 cái nữa. Món này thú vị nhất là ở cách ăn, phải tự tay gắp, cuốn, chấm thì mới thấy món sao mà ngon lạ lùng! Trải lá cải xanh ra, gắp một miếng bánh cóng, tùy thích thêm vài cọng rau thơm hay xà lách và cuốn lại, chấm với nước mắm chua ngọt pha sẵn, cảm giác như có thể ăn hoài không ngán.

Bánh cóng Sài Gòn xa quê nên đã phai nhạt ít nhiều. Bánh thì đổ từ bột gạo pha sẵn, rau ăn kèm thì chỉ đơn điệu cải xanh và xà lách, rau thơm; nhưng nét mộc mạc dân dã thì dường như vẫn còn nguyên vẹn. Người bán vẫn phải miệt mài chiên bánh từ lúc dọn ra cho đến dẹp hàng để từng chiếc bánh đến tay khách luôn nóng ấm. Người ăn vẫn phải tự mình phục vụ cho mình bằng cách tự tay cuốn, chấm. Khách có lòng sẽ không mang bánh cóng ra so sánh giữa hai nơi vì biết so sao cho vừa! Chỉ cần biết rằng người Sài Gòn có thương có quý thức quà quê này thì bánh cóng mới tồn tại được giữa thành thị, nơi không thiếu món ngon vật lạ. Và ngày qua ngày, những hàng bánh cóng ở Sài Gòn vẫn đỏ lửa để phục vụ khách quen…
 
D

deltafoce11

Là người sành ăn, nếm đủ dư vị phở gần, phở xa, nhiều thực khách cũng không khỏi ngỡ ngàng khi được thưởng thức bát phở chua của người dân tộc vùng cao Bắc Hà - Lào Cai, thứ phở dân dã, nghe tên thấy lạ, ăn một lần còn lạ, ăn hai lần không thể nào quên.


Chúng tôi dừng chân ở Bắc Hà vào trưa một ngày chủ nhật. Chợ phiên Bắc Hà đông nghịt người vào rực rỡ trong những sắc thổ cẩm khoe màu. Bắc Hà vào mùa lễ hội bao giờ cũng đông khách du lịch nước ngoài (mà chủ yếu là khách đến từ châu Âu). Sương từ trong các thung lũng núi kéo ra ôm lấy thị trấn vùng cao bé nhỏ trong tấm khăn bông trắng mỏng tang. Mấy người bạn được tôi dẫn đi thưởng thức phở chua tỏ ra háo hức lạ thường.

Quán phở chua của chị Ba Tề gần dinh thự cổ Hoàng A Tưởng bàn nào cũng chật khách. Chúng tôi chọn được một bàn ăn phù hợp phía trong, gọi phở và chờ đợi. Điều làm mọi người bất ngờ nhất là bát phở chua bưng ra trông lạnh tanh, không một làn khói nghi ngút bốc lên như trong tưởng tượng của chúng ta, cũng chẳng thấy mùi thơm của hành, của thịt, của nước phở lan toả trong không gian chinh phục khứu giác người thưởng thức.


Thấy mọi người còn e dè trước bát phở “lạ”, tôi phải giới thiệu: phở chua không giống như phở chúng ta vẫn ăn. Để làm phở thường, chỉ cần có sợi phở, hành, thịt, nước dùng, và đầy đủ gia vị. Còn để chế biến phở chua, nguyên liệu không thể thiếu được là dưa chua; rau xanh (rau xà lách, rau húng) thái nhỏ; lạc vừng rang giòn, giã vừa nhỏ; một ít đậu xị cho thêm hương vị đặc trưng; lẽ dĩ nhiên là phải có sợi phở và nước dùng.

Điều làm nên nét đặc trưng của phở chua Bắc Hà chính là ở nước dùng. Nước dùng phở chua không phải là nước xương hầm nóng làm ngay được từ tối hôm trước, mà người làm phải chuẩn bị từ trước đó khá lâu. Công đoạn làm nước dùng cho phở tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được, người làm được ngon cũng ít. Chia sẻ với chúng tôi, chị chủ quán cho biết: nước sạch đun sôi, cho vào chum sành (nếu là chum nhựa thì sau công đoạn lên men nước sẽ có mùi không dùng được). Ngay khi nước còn nóng, để tạo màu cho nước dùng, nên cho vào chum một ít đường (đường phải là thứ đường bánh đỏ chứ không phải đường kính trắng). Khi nước đã nguội, người làm thả vào trong chum mấy quả chuối tiêu chín trứng quốc đã bóc sạch vỏ. Cuối cùng, dùng túi linon bọc kín miệng chum lại cho các nguyên liệu lên men. Khoảng mười ngày sau, khi nguyên liệu lên men đủ độ là có thể đem ra dùng. Lúc này, nước trong chum đã có đủ hương vị: màu vàng của đường bánh, vị chua của chuối chín lên men, vị ngọt từ đường,… đó là thứ nước dùng chính hạng cho phở chua.

Nước dùng đã ngon, nhưng nếu sợi phở không ngon thì dù thứ phở nổi tiếng đến mấy cũng không để lại ấn tượng trong lòng thực khách. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều khách đến ăn phở chua Bắc Hà, lúc về còn nài chủ quán để lại cho mấy cân sợi phở đem về quê làm quà. Sợi phở Bắc Hà vừa thơm ngon, vừa dai vì do người ở đây tự tráng lấy bằng thứ gạo nương thơm, dẻo. Từ khâu tráng đến khâu làm thành sợi phở hoàn toàn là thủ công, do bàn tay khéo léo của con người làm ra. Sợi phở không được tráng bóng như thứ phở làm có dùng chất tẩy hoá học, nhưng khi ăn, chỉ có thể khen chứ chưa thấy ai chê bao giờ.

Cách thưởng thức phở chua cũng có những nét riêng. Dùng phở chua, người ăn tự cho gia vị vừa theo khẩu vị của mình (mắm, muối, tiêu, ớt…). Gia cố đủ gia vị, dùng đũa đảo đều cho ngấm. Bát phở chua sở dĩ chua bởi có nước dùng lên men, dưa chua, dấm ớt. Phở chua thích hợp cho những ngày khí hậu nóng. Khi đó, bưng bát phở chua mát lạnh, ăn xong tưởng như cái nóng bức tan biến đi đâu hết, lại thấy cảm giác thú vị như đang ngồi dưới một thác nước, thoải mái vô cùng. Phở chua cũng ăn được vào những ngày rét, cái thanh của nước dưa chua, của rau xanh, cái ngậy của lạc vừng rang, cái bùi thơm của đậu xị cộng với vị cay nóng của thứ ớt vùng cao mang đến cho thực khách cảm giác ngon miệng không gặp ở bất cứ món ăn nào khác. Cũng có người khi ăn phở chua cho thêm ít thịt lợn, và phải là thịt lợn rán mới hợp với vị của phở chua (vì vị chua của dưa, nước dùng lẫn vào vị béo của thịt rán tạo độ ngậy, thơm cần thiết). Tuy nhiên, người quen ăn phở chua theo lối cũ thường không dùng phở với thịt bao giờ.

Đến với Bắc Hà - Lào Cai, thưởng thức một bát phở chua cho biết dư vị vùng cao cũng là một cái thú trong muôn vàn thú ẩm thực trên khắp mọi miền đất nước. Phở chua, ăn một lần còn lạ miệng, đến hai lần, ba lần, nhiều người "nghiện" cũng vì hương vị độc đáo của nó. Giá thành phở chua hợp với túi tiền, chỉ với 4 - 5 ngàn đồng là bạn có thể ngồi tuỳ ý thưởng thức một bát phở chua, cao hứng làm thêm chén rượu ngô Bản Phố cho ấm bụng thì không gì thú vị bằng.
 
D

deltafoce11

Như một nét đặc trưng, khi ra xứ Hà thành ai ai cũng muốn mang về một ít ô mai phố Hàng Đường để làm quà cho người thân như mang một chút nắng xuân, một tí làn gió mát lạnh về nhà để nhớ về Hà Nội thân thương.
Đến Hà Nội, nhất là vào dịp tiết trời sang xuân, người ta thường tranh thủ tìm kiếm một nhành đào Nhật Tân để kịp về trang trí nhà trong ngày tết. Trong sự bận rộn ấy, người ta cũng tìm đến thú vui dạo chợ tết, nhất là các dãy phố như Hàng Đường, Hàng Buồm, Ngõ Gạch, phố Huế... để chọn các loại ô mai đón khách đến chơi nhà. Nổi tiếng vào bật nhất về đặc sản ô mai Hà thành có thể kể đến cơ sở Hồng Lam (số 11 Hàng Đường) hay Gia Lợi (số 8 Hàng Đường). Đây là những địa chỉ có đầy đủ các loại ô mai như mơ gừng, mơ cay, mơ cam thảo, mơ chua cay mặn ngọt, mơ mặn ngọt.

Ô mai là một loại mứt, còn được gọi với cái tên quen thuộc là xí muội. Nguyên liệu chính để chế biến ô mai là các loại trái cây đặc trưng của vùng như mơ, mận, me, cóc, đào, sấu, trám, quất, khế, xoài, mít... Nhưng, để có màu sắc và hương vị đặc trưng mang phong cách riêng, mỗi cơ sở chế biến đều có những bí quyết "độc chiêu" mang tính gia truyền. Để có sản phẩm ô mai ngon và bắt mắt, người làm cũng phải thực hiện khá nhiều công đoạn cần đến sự cẩn thận và tinh tế. Trước hết, người ta phải chọn loại quả ngon, tươi tốt không bị sâu, giập... sau đó các loại trái sẽ được rửa sạch, ướp muối, phơi khô và hấp sấy...

Công đoạn kế tiếp là quá trình sao tẩm và chế biến thành phẩm sau cùng. Cũng từ các loại quả ấy, nhưng mỗi loại có thể chế biến nhiều món có hương vị hấp dẫn khác nhau, có loại chua, có loại ngọt, có vị vừa cay - chua - mặn - ngọt hòa lẫn vào nhau để khi thưởng thức, người ăn sẽ mãi không quên. Đôi khi chính những điều giản dị ấy đã trở thành những kỷ niệm đẹp, để rồi người ta vẫn thường ví tuổi ngây thơ là độ tuổi ô mai, là vậy.

Không chỉ xuất hiện trong dịp Tết, du khách có thể tìm thấy món đặc sản này ở những con phố chuyên bán trong dịp tham quan vùng đất Kinh Bắc. Bên cạnh những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hồ Gươm, Văn Miếu quốc tự giám, đền Quán Thánh... khi đến với Hà Nội du khách sẽ có dịp tìm hiểu về cuộc sống thường nhật, những thói quen, thú vui tao nhã của người dân xứ Hà thành. Để khi quay về nhà, trong hành lý, du khách không quên mang theo một tí chua - cay - mặn - ngọt của vị ô mai để thêm nhớ thương về miền đất thủ đô.
 
D

deltafoce11

Mùa thu hoạch ngồng cải làn từ tháng 4 cho tới tháng 8. Qua tháng 9, tháng 10 thì rất hiếm và đắt gấp 4, 5 lần chính vụ.
Lần nào đi chơi Lạng Sơn cùng với công ty, chúng tôi cũng mua cải làn mang về cho gia đình. Nhìn cây cải xanh mướt, tươi rói và đầy ắp trên các gánh hàng của gánh hàng rau là không thể không mua vài cân mang về. Cải làn trước được trồng nhiều vào dịp xuân về, khí hậu mát mẻ và hơi đất ẩm giúp cây cải mọc tốt tươi hơn và ngon ngọt. Nhưng giờ thì các vụ cải được gieo trồng quanh năm và những bó cải xanh mướt lúc nào cũng có mặt trong các phiên chợ của thành phố Lạng Sơn.
Lên chơi xứ Lạng, trong bữa cơm của người khách đến chơi, không thể thiếu món cải làn, đặc sản của vùng rừng núi này. Đủ các món xào, nấu hay luộc được làm từ cải. Cải để luộc ăn thì bấm dài hơn 1 chút, tước bớt vỏ cứng và luộc chín tới. Cải xào thì thái vát, xào chung với thịt bò còn canh cải thì càng đơn giản hơn, chỉ cần thêm chút gia vị cho nồi canh thêm đậm đà là được. Khi làm món ăn từ cải làn, bạn lưu ý đừng làm món ăn quá chín để rau cải giữ được vị ngọt tự nhiên.
Một đĩa thịt vịt quay 90.000 đồng, một đĩa ngồng cải luộc chấm xì dầu với quả trứng 25.000 đồng, bát tô khâu nhục giá 70.000 đồng, rau cải làn xào thịt bò 30.000 đồng, bát măng ớt cay xé lưỡi...vậy là đủ cho cả nhóm một bữa thịnh soạn vừa ngon vừa có đủ tất cả các các món ăn nổi tiếng của xứ Lạng.

Với khoảng 15.000 đồng cho một cân cải làn hoặc cải ngồng, rất nhiều người chịu khó mua mang về. Tâm lý của người đi mua hàng được gánh rau tươi, ngon là nghĩ đến gia đình. Chẳng thế mà dù đã mua được rất nhiều đồ đạc rồi, vẫn cố thêm vài ba cân rau mang về. Mỗi túi nặng 2 cân, để lên xe ô tô chẳng chiếm mấy chỗ ngồi. Ngoài rau cải, có thể mua thêm quýt ngọt hay hạt dẻ, đều là những sản vật đặc trưng của đất Lạng Sơn.


Rau cải mang về, những bữa cơm ngon với món cải ngọt, lại luốn lên Lạng Sơn mua rau về cải thiện chút chút.
 
D

deltafoce11

Canh bún thời nay đa phần là những quán cố định, có khi ở một đầu hẻm, một góc phố, chỉ phục vụ khách địa phương. Có lúc lại là những ngôi quán khang trang quy mô, tiếng tăm nổi như cồn khiến khách thập phương đều tìm đến.
Ngoài món bún riêu đã quá quen thuộc, nhiều người còn thích món canh bún mặc cho những người chưa biết món ăn này cứ nhầm với món… bánh canh. Canh bún giống bún riêu lắm, chỉ khác ở chỗ dùng bún cọng to như bún bò, và rau ăn kèm là rau muống luộc. Thế thôi cũng đủ khiến nhiều người nhớ nhung…

Từ những gánh hàng rong

Thuở tôi còn nhỏ, những hàng canh bún bán rong còn khá phổ biến. Thường thì với đôi quang gánh kẽo kẹt, các bác bán canh bún cứ đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Một đầu gánh là chiếc sọt hoặc thúng đựng bún đựng rau cùng tô chén, hũ mắm tôm, ớt xào, chanh hoặc me giằm. Đầu kia được thiết kế thành một chiếc lò than lúc nào cũng bừng bừng lửa, bên trên là nồi nước lèo nghi ngút khói. Cứ mỗi hẻm, người bán lại có một chỗ dừng quen thuộc, ai ăn tại chỗ thì ngồi xổm hoặc ngồi trên những chiếc ghế đòn giông thấp lè tè. Ai không muốn ngồi đường ngồi sá thì mang tô nhà ra mua về dùng. Cái thời trước mở cửa, mọi thứ đều khó khăn, người ta còn hay thêm cơm vào tô canh bún, có khi thêm nhiều cơm quá hóa đặc lại xin thêm chút nước, lỏng quá lại thêm cơm vào, đến nỗi cuối cùng thành một tô đầy tú ụ. Người bán cũng chẳng phàn nàn vì toàn là khách quen đến nhẵn mặt, đa phần cái trò xin thêm lại là của trẻ con.

Sau này canh bún được “nâng cấp” trên những chiếc xe đẩy, người bán đỡ cực hơn trước. Được thiết kế như những xe hủ tiếu bây giờ, bếp giấu dưới thùng xe, nồi nước lèo phía trên, xung quanh lủng lẳng những bao nilon đựng rau, bún. Mặt xe là nơi đựng tô, mắm tôm, me ớt… Người bán cũng thường chỉ dừng lại ở một ngõ hẻm nào đó chừng vài chục phút rồi lại mang tiếng rao lanh lảnh của mình qua xóm khác: “Canh bún đâyyyyyy!”

Đến hàng quán khang trang

Thời nay, canh bún đẩy rong thấy ít đi nhiều. Đa phần là những quán cố định, có khi ở một đầu hẻm, một góc phố, chỉ phục vụ khách địa phương. Có lúc lại là những ngôi quán khang trang quy mô, tiếng tăm nổi như cồn khiến khách thập phương đều tìm đến. Tùy theo khẩu vị mà thực khách chọn ăn ở quán nào, vì tuy món canh bún cách nấu rất đơn giản, nhưng lại chia thành 2 “trường phái” rất rõ rệt, mà mỗi vị đều có những “tín đồ” riêng.

Cũng tương tự như bún riêu nhưng canh bún dùng sợi bún to hơn và dùng rau muống luộc, thay vì đủ loại rau sống ăn kèm như bún riêu. Vì thế mà tuy nước lèo có thể dùng chung nhưng canh bún có vị khác hẳn món bún riêu quen thuộc. Không hiểu món ăn vừa quen vừa lạ này là món Bắc hay món Nam. Nhiều người cho rằng canh bún xuất xứ từ miền Bắc với sợi bún chỉ trụng qua rồi dùng, ăn kèm rau muống luộc, thêm vài cọng hẹ và đặc biệt là phải có rau nhút. Còn canh bún miền Nam phong phú hơn nhiều. Ngoài riêu cua thông thường, canh bún miền Nam còn có thêm đậu phụ, huyết heo và rau ăn kèm chỉ có rau muống luộc. Đặc biệt, nước lèo phải có chút màu đỏ cam và bún được cho vào nấu chung trước khi dọn ra tô nên cọng nở to và thấm màu cam của nước lèo. Nhưng cũng có người cho rằng, món canh bún nguyên thủy vốn là canh bún miền Bắc. Sau này muốn thêm ngon thêm chất, ngoài tảng riêu chắc nụi người ta còn cho thêm lát chả ngọt giòn. Còn canh bún đã thêm đậu phụ chiên và huyết heo, thậm chí thêm cả xương heo, da heo… chỉ là biến tấu của món canh bún truyền thống.

Dù thế nào thì khi nói đến canh bún, những địa chỉ thường hay được nhắc đến là con hẻm ăn thông từ Võ Văn Tần sang Nguyễn Đình Chiểu và quán canh bún sát đường rầy gần Lê Văn Sỹ. Tô canh bún ở Võ Văn Tần trông thật hấp dẫn với những cọng bún thấm màu gạch tôm, thêm riêu cua và đậu phụ chiên vàng ruộm, vài xắt huyết heo màu nâu đỏ, dăm lát chả béo mềm. Chẳng thế mà đã bao năm qua, con hẻm này luôn nườm nượp khách với cả những loại xe đắt tiền để đến ăn một món rất bình dân, và hàng bún chỉ thay người ngồi múc chứ không thấy đổi chủ bao giờ.

Còn quán bún ở sát bên đường rầy, gần cổng xe lửa số 6 cũng được nhiều người truyền tụng. Những ai không thích phẩm màu lại ưa chuộng tô canh bún ở đây hơn vì bát canh bún chỉ dùng màu hạt điều tự nhiên, cọng bún còn chắc nguyên không nở, không pha màu. Riêu cua được ép hết nước trong những khay tròn bự sâu lòng, khi bán người múc mới xắn một miếng cua chắc nịch đặt vào tô, thêm một miếng chả cây giòn ngọt cắt xéo, rắc lên vài cọng hẹ cắt khúc, một ít rau nhút luộc chín tái và chan nước lèo lấm tấm những hạt dầu điều lên trên. Đặc biệt rau muống ở đây luộc luôn chín vừa, không dai cũng không quá mềm và luôn giữ màu xanh mướt. Thực khách cầu kỳ còn xin thêm một chiếc chén nhỏ, hòa nước me giằm, mắm tôm và ớt sa tế để chấm rau, chấm riêu hay chấm chả. Nhiều người thích ăn rau nhút còn kêu riêng một chén nhút để ăn kèm.

Không như những quán trên đường Võ Văn Tần bán hầu như suốt ngày, quán canh bún Lê Văn Sỹ chỉ bán vài tiếng đồng hồ từ 2 giờ chiều. Ngày nắng, khách đi dồn đông, canh bún hết sớm. Ngày mưa, khách có thưa hơn nhưng cũng chỉ kéo dài thời gian phục vụ thêm chừng 1 tiếng. Nên muốn ăn ở đây bạn phải canh theo thời tiết. Những ngày trời nắng mà đến lúc 6 giờ chiều, rất có thể bạn phải quay xe về không trong tiếc nuối…
 
D

deltafoce11

Nhắc đến Bắc Giang là nhiều người nghĩ ngay đến món đặc sản bánh đa Kế, xã Dĩnh Kế - nơi đây có làng nghề làm bánh đa ngon nổi tiếng đất Bắc. Có nhiều nơi trên đất nước Việt Nam cũng làm bánh đa, bánh tráng, nhưng bánh đa Kế vẫn luôn luôn tạo ra được một nét riêng, không thể lẫn vào đâu . Nó trở thành một thứ đặc sản đậm chất đồng quê Bắc Bộ.


Xã Dĩnh Kế, xưa kia vốn có tên Phượng Nhỡn thuộc Phủ Lạng Thương- Trấn Kinh Bắc. Một mảnh đất giầu truyền thống văn hoá, cách mạng, quê hương của vị trạng nguyên tài, đức Giáp Hải(1515-1585) thời nhà Mạc. Đặc biệt vùng đất này đã khai sinh ra nghề làm bánh đa rất độc đáo. Có nhiều nơi trên đất nước Việt Nam như Lạng Sơn , Nam Định, Bình Thuận...cũng làm bánh đa, bánh tráng. Nhưng bánh đa Kế vẫn luôn luôn tạo ra được một nét riêng, không thể lẫn vào đâu . Nó trở thành một thứ đặc sản đậm chất đồng quê Bắc Bộ.


Làng nghề bánh đa Kế nằm sát trục quốc lộ 1A Hà Nội-Lạng Sơn, bạn rất dễ dàng tìm đến vì chỉ cần đi đến đoạn đường thuộc địa phận thành phố Bắc Giang là đã có thể đến được làng làm bánh. Sản phẩm của làng vì thế mà cũng được phân phối đi nhiều nơi nhờ có đường giao thông thuận lợi.

Từ lâu nay bánh đa Kế đã trở thành món ăn dân dã yêu thích của nhiều người. Mỗi khi có dịp về Bắc Giang, chắc chắn bạn sẽ được quê hương Kinh Bắc này tiếp đãi món đặc sản này. Ngồi nhâm nhi trà xanh hoặc chè đắng vỉa hè và nhâm nhi bánh đa nướng Kế, rất bùi. Và khi ra về, bạn cũng khó có thể vô tình lướt qua những dãy dài bánh đa nướng tại chỗ, rất hấp dẫn. Đặc biệt là trong mùa lạnh miền Bắc, ngồi cạnh những chậu than nóng ấm và ăn bánh đa nướng nóng, cảm giác ấm cúng, thú vị.


Để cho ra lò một chiếc bánh đa Kế hoàn hảo phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp.Trước tiên phải biết đến cách xay gạo thành bột. Bột phải nhuyễn, mịn và được sàng lọc hết những hạt bụi, bẩn. Sau đó người làm bánh phải căn lượng bột gạo cho chuẩn để trộn bột nở vào. Sau những công đoạn này thì bột được đem tráng để thành hình hài chiếc bánh. Rồi sau đó bánh lại được đem phơi ngoài ánh nắng mặt trời trên những chiếc giàn phơi chuyên dụng...

Khi bánh đã đạt đến một độ khô nhất định thì người làm nghề bắt đầu mang đi quạt chín.Thường những người làm nghề ở làng Kế chỉ quạt bánh khi có khách. Làm như vậy sẽ giúp cho chiếc bánh có độ giòn, đều, khách cũng sẽ cảm thấy hài lòng hơn khi mua được sản phẩm vừa mới ra lò. Nếu quạt xong mà để lâu không có khách mua thì bánh dễ bị ỉu, mốc...


Trong các công đoạn làm bánh đa Kế thì khâu trộn bột nở vào bột gạo và khâu quạt bánh được xem như kỹ thuật quan trọng nhất. Nó sẽ quyết định rất lớn đến chất lượng và nét thẩm mỹ của chiếc bánh. Đây cũng chính là một điểm mà người làm nghề bánh đa ở Kế sẽ tạo ra sự khác biệt so với những nơi khác.

Bánh đa Kế từ trăm năm qua được xem như một sản phẩm mang lại nguồn lợi kinh tế. Không những thế, nó đã trở thành một nét đẹp văn hoá, một thú vui ẩm thực, một món quà đồng quê có ý nghĩa của tỉnh Bắc Giang.
 
D

deltafoce11

Dân xứ Huế và Quảng Nam, Đà Nẵng có một món ăn rất riêng, được coi là món ăn nhà nghèo nhưng rất được mọi người ưa thích, đó là tré. Ở Đà Nẵng, tré là một thứ dùng để "lai rai", là món đưa cay đặc sắc mà nếu ai đó đã từng được thưởng thức cùng những người bạn trên xứ Quảng, hẳn sẽ khó lòng quên.

Được làm từ thứ thịt rẻ tiền của con heo như: tai, mũi, da (bì), thịt ba chỉ nên người ta gọi tré là món ăn của dân nghèo. Tuy vậy, tré vẫn là một món ngon, đặc sắc của biết bao thế hệ người dân xứ này. Mà không chỉ có thế, tré đã theo chân những người lại qua mảnh đất miền Trung này để trở thành món ăn nổi tiếng khắp nơi trên cả nước.

Tré Đà Nẵng, nếu nhìn qua bạn sẽ thấy giống món nem chạo ở một số nơi. Thành phần chính của tré là thịt tai, mũi và thêm chút da (bì). Những năm gần đây, người làm tré có làm thêm với thịt ba chỉ. Tất cả thính trong riềng và tỏi, ủ khoảng 2 đến 3 ngày cho lên men. Tré ủ chín có mùi thơm hấp dẫn của thịt, riềng tỏi lên men. Món tré ngon phải được gói bằng lá chuối có lót lá ổi, những loại lá này làm tăng độ thơm ngon và dậy mùi của món ăn, đồng thời lại rất hợp vị.

Thức chấm hợp với tré là tương ớt Đà Nẵng - một sản phẩm của người Hoa ở Hội An từ thế kỷ thứ 17. Người ta làm tương ớt bằng cách xốt ớt luộc băm nhỏ với nhiều thứ gia vị khác nhau, tạo thành một hỗn hợp cay cay, ngọt ngọt, thơm cay ngây ngất.

Có dịp về Đà Nẵng hay Quảng Nam, mời bạn thưởng thức món tré nổi tiếng này để cảm nhận thêm một hương vị mới trong nền ẩm thực phong phú của Việt Nam. Địa chỉ cho bạn là: Nem tré bà Bình, Nem tré bà Đệ, Nem tré bà Cúc trên đường Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng.
 
D

deltafoce11

Ở Cần Thơ (và bây giờ đã có mặt ở nhiều nơi khác, kể cả Hà Nội) có món chè bưởi ngon tuyệt. Giá mà bữa cỗ Trung thu, cạnh hồng, cốm và chè bà cốt, chè sen, lại có thêm một chén chè bưởi thơm ngon ấy.
Đầu tiên người ta đưa vỏ bưởi tươi ra gọt kỳ hết lớp vỏ ngoài cùng. Lại bóc sạch lớp vỏ tơi bên trong, chỉ giữ lại phần vỏ trắng và dai ở giữa.

Vỏ bưởi được nhồi nhiều lần trong nước muối để làm hết vị the và đắng.

Sau đó, chúng được nhồi trong nước lã, xả đến khi nào nhai thử thấy không còn hơi hướm của vỏ bưởi mới thôi.

Sau khi ráo nước, vỏ bưởi được xắt thành hình sợi, vuông cạnh, vừa tầm như sợi bột khoai.

Đưa vào nấu với nước đường tinh, chốc sau đã thành nguyên liệu cho món chè không hiểu sao trước đây chỉ Cần Thơ mới có.

Chè bưởi có mặt đã lâu, cùng thời với món nem chay cũng làm bằng vỏ bưởi.

Sau ngày giải phóng, nó biến mất một thời gian rồi lại trở về với thời mở cửa, lại giữ ngôi vị trong những món tráng miệng sở trường của một vùng bên kia sông Hậu.

Trong tay khách đang là một chén chè nhỏ, nhỏ đến nỗi như lọt thỏm trong tay mình.

Đảo nó lên, nếu không giới thiệu trong đó là vỏ bưởi, hẳn khách sẽ ngỡ là những sợi bột khoai không mầu, ấy mới tuyệt.


Khi đã biết, khách sẽ không khỏi thán phục và thú vị rồi chăm chú nhấm nháp, như lắng nghe, với tất cả lòng mình.

Chao, sao mà giòn, sao mà thanh, sao mà tinh khiết như lọc từ thứ bột nào, với kỹ thuật bí truyền nào. Khách phải gọi thêm chén nữa.

Giờ thì phải ngắm trước đã. Trên cùng, chè được phủ bằng một lớp nước cốt dừa sệt thơm mùi vani.


Gạt lớp đó sang bên, lẫn trong nước đường pha bột mỳ tinh đặc và trong suốt là đậu xanh đãi vỏ thật khéo, khéo đến mức đậu nhừ mà vẫn nguyên vẹn hình hài, vàng sáng.

Ăn chè bưởi, thực khách sẽ thầm biết ơn mẹ và chị, những người tạo nên giây phút thăng hoa khi hương vị một vùng đất thấm qua lưỡi đến tận hồn người.

Chè bưởi Cần Thơ, hình ảnh của bàn tay vén khéo và mẫn cảm của những người phụ nữ miệt vườn, hương vị của nền văn hóa miệt vườn Nam Bộ.
 
D

deltafoce11

Ở Cần Thơ (và bây giờ đã có mặt ở nhiều nơi khác, kể cả Hà Nội) có món chè bưởi ngon tuyệt. Giá mà bữa cỗ Trung thu, cạnh hồng, cốm và chè bà cốt, chè sen, lại có thêm một chén chè bưởi thơm ngon ấy.
Đầu tiên người ta đưa vỏ bưởi tươi ra gọt kỳ hết lớp vỏ ngoài cùng. Lại bóc sạch lớp vỏ tơi bên trong, chỉ giữ lại phần vỏ trắng và dai ở giữa.

Vỏ bưởi được nhồi nhiều lần trong nước muối để làm hết vị the và đắng.

Sau đó, chúng được nhồi trong nước lã, xả đến khi nào nhai thử thấy không còn hơi hướm của vỏ bưởi mới thôi.

Sau khi ráo nước, vỏ bưởi được xắt thành hình sợi, vuông cạnh, vừa tầm như sợi bột khoai.

Đưa vào nấu với nước đường tinh, chốc sau đã thành nguyên liệu cho món chè không hiểu sao trước đây chỉ Cần Thơ mới có.

Chè bưởi có mặt đã lâu, cùng thời với món nem chay cũng làm bằng vỏ bưởi.

Sau ngày giải phóng, nó biến mất một thời gian rồi lại trở về với thời mở cửa, lại giữ ngôi vị trong những món tráng miệng sở trường của một vùng bên kia sông Hậu.

Trong tay khách đang là một chén chè nhỏ, nhỏ đến nỗi như lọt thỏm trong tay mình.

Đảo nó lên, nếu không giới thiệu trong đó là vỏ bưởi, hẳn khách sẽ ngỡ là những sợi bột khoai không mầu, ấy mới tuyệt.


Khi đã biết, khách sẽ không khỏi thán phục và thú vị rồi chăm chú nhấm nháp, như lắng nghe, với tất cả lòng mình.

Chao, sao mà giòn, sao mà thanh, sao mà tinh khiết như lọc từ thứ bột nào, với kỹ thuật bí truyền nào. Khách phải gọi thêm chén nữa.

Giờ thì phải ngắm trước đã. Trên cùng, chè được phủ bằng một lớp nước cốt dừa sệt thơm mùi vani.


Gạt lớp đó sang bên, lẫn trong nước đường pha bột mỳ tinh đặc và trong suốt là đậu xanh đãi vỏ thật khéo, khéo đến mức đậu nhừ mà vẫn nguyên vẹn hình hài, vàng sáng.

Ăn chè bưởi, thực khách sẽ thầm biết ơn mẹ và chị, những người tạo nên giây phút thăng hoa khi hương vị một vùng đất thấm qua lưỡi đến tận hồn người.

Chè bưởi Cần Thơ, hình ảnh của bàn tay vén khéo và mẫn cảm của những người phụ nữ miệt vườn, hương vị của nền văn hóa miệt vườn Nam Bộ.
 
D

deltafoce11

Bún chả là một trong những món ngon của Hà Nội. Những hàng bún chả có tiếng ở Hà Nội như bún chả hàng Mành, bún chả Đường Thành, Cửa Bắc đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người sành ẩm thực. Một trong những quán không thể không nhắc đến là bún chả Bà Bảy Đang.
Quán nằm trong một cái ngõ khá rộng ( ngõ 81) trên đường Lạc Long Quân, sau một cái cổng đình cổ kính, nơi này khiến thực khách có cảm giác về lại với thôn quê yên bình. Đi từ xa ta đã thấy một làn khói trắng toả ra từ bếp than hoa đỏ rực và mùi thơm nức mũi của chả nướng.


Thưởng thức món ăn cũng là cả một nghệ thuật. Khi gắp một miếng chả đưa lên miệng, nhai chầm chậm, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm của thịt nướng, vị giòn của phần thịt hơi xém, vị chua chua, ngọt ngọt của nước chấm, vị cay nồng của ớt...

Món chả nướng có được hương vị hấp dẫn đặc biệt bởi bí quyết tẩm ướp thịt gia truyền và còn vì chả được nướng bằng kẹp tre. Thật cầu kỳ nhưng đó mới đích thực là món chả Hà Nội gốc, món ăn mà bất kể ai xa Hà Nội đều khó có thể quên.


Nước chấm cũng đóng vai trò quan trọng trọng việc tạo nên mùi vị đặc trưng của mỗi món ăn. Bà chủ quán cũng giữ cho riêng mình một công thức pha nước chấm riêng rất đậm đà. Thứ nước chấm ấm nóng khi kết hợp với chả thịt nướng tạo nên một mùi vị thật tuyệt vời, đặc biệt không hề lẫn với các hàng bún chả khác ở đất Hà Thành này.


Mỗi món ăn Hà Nội đều có những nét độc đáo, hương vị đặc biệt và cách thưởng thức cũng rất riêng. Có những món ăn mà người ta chỉ tìm thấy hương vị đặc trưng ở nơi này mà không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Vì vậy tôi sẵn sàng đi xa một chút để được thưởng thức đúng hương vị mình thích. Các cụ ta xưa thường nói “ăn một miếng chạy ba quãng đồng”, nhưng ba quãng đồng cũng là bõ công khi được thưởng thức món bún chả đặc biệt như bún chả Bà Bảy Đang. Nếu bạn chưa từng ăn thì còn chờ gì nữa mà không thử nhỉ?
 
D

deltafoce11

ếu ai đã một lần được thưởng thức mùi thơm béo ngậy, vị ngon đặc trưng của món chả tôm Thanh Hoá, chắc hẳn không thể nào quên được. Một món ăn hấp dẫn nhưng không đòi hỏi nguyên liệu cầu kỳ , hãy dành chút thời gian để thay đổi khẩu vị cho cả gia đình bạn với món chả tôm nhé!

Chả tôm là một món ăn dân dã, nguyên liệu không cầu kỳ nhưng lại đòi hỏi phải tỉ mỉ, cẩn thận, nếu chỉ ẩu một chút thôi thì sẽ không còn hương vị nữa.

Để chả tôm được ngon, phải chuẩn bị đủ gia vị cần thiết như tôm sú tươi ngon, bánh phở có độ dày và dai, hành khô, và quan trọng nhất đó là gấc, loại quả giàu vitamin A, một thứ phẩm màu thiên nhiên để tạo màu đỏ tươi cho chả tôm và vị ngậy từ dầu gấc cũng giúp món chả tôm thêm ngon.

Những con tôm đã được lột vỏ, đem giã nhuyễn cùng hành khô, gấc để tạo thành một nguyên liệu hỗn hợp nhuyễn, mềm và mịn. Dải nhân lên chiếc bánh phở đã được cắt theo miếng vừa ăn, rồi cuộn lại thành từng chiếc xinh xắn, sau đó xếp vào vỉ nướng trên bếp than hoa. Những miếng chả tôm trông như những chiếc nem được rán giòn, ánh lên màu đỏ tươi thật bắt mắt.

Bên cạnh đĩa chả tôm là đĩa rau ghém đủ vị, bát nước chấm chua cay, điểm thêm những miếng sung thái lát. Trong tiết trời mát mẻ, thưởng thức món chả tôm ngậy béo thì quả là một điều thú vị.
 
D

deltafoce11

Nấm tràm chỉ có ở rừng tràm so với các địa phương khác, huyện đảo Phú quốc là nơi có nhiều nấm tràm. Có lẽ thổ nhưỡng của đảo ngọc thích hợp cho cây tràm phát triển.

Nấm tràm tươi ít khi nào thấy ở chợ. Vì nấm tràm chỉ có theo mùa và nó mọc sâu trong những rừng tràm. Một số vùng ở Nam bộ, nơi tràm mọc thành rừng, lá và vỏ loài cây này rơi rụng từ mùa trước đã biến thành lớp mùn để nấm tràm phát triển. Meo nấm được ấp ủ trong lớp mùn đất như chờ đợi. Sau cơn mưa đầu mùa tưới mát cây cỏ, đất đai, những chiếc nấm tròn nhỏ cỡ đầu ngón tay út bắt đầu vươn mình ra khỏi lớp vỏ và lá tràm bảo vệ nó từ mùa trước.

So với những địa phương khác, huyện đảo Phú Quốc là nơi có nhiều nấm tràm. Có lẽ thổ nhưỡng của đảo ngọc thích hợp cho cây tràm phát triển. Như ở vùng Bến Tràm, phía đông thị trấn Dương Đông, hay men theo cuối đường đất đất đỏ Dương Đông - Cửa Cạn. Từ dãy núi Hàm Ninh, con sông Cửa Cạn chạy qua vùng trũng hình thành nên những rừng tràm mênh mông phía Bắc đảo. Nhánh sông đổ ra phía Tây tại làng chài Cửa Cạn cũng là nơi có rừng tràm. Đây là những nơi có rất nhiều nấm tràm

Như một thói quen nối tiếp từ bao đời nay, sau một, hai cơn mưa đầu mùa, những người sống bằng nghề hái nấm đã bắt đầu chuẩn bị thu hoạch nấm tràm. Họ vào rừng, dạo quanhiều khu vực để xem nơi nào nấm đã bắt đầu phát triển. Độ một tuần sau là có thể đến nơi nấm đã bung ra khỏi lớp lá và vỏ tràm đang phủ trên mặt đất để thu hoạch. Thường họ đi cả gia đình, có khi cả chục người, cặm cụi hái cả ngày đến khi những chiếc giỏ mang theo đầy ắp mới ra về.

Nhưng đối với dân trên đảo không mưu sinh bằng nghề hái nấm, thì mùa nấm tràm là dịp tổ chức những buổi dã ngoại đầy hấp dẫn. Khi mới bắt đầu, bạn có thể loanh quanh mãi trong rừng cũng chẳng thấy cái nấm nào. Nhưng nếu bạn tìm dưới gốc tràm thế nào cũng sẽ thấy xuất hiện những tai nấm tròn khá tiệp với màu đất. Khi đã quen mắt thì người hái như nhìn đâu cũng thấy nấm. Nấm như có một ma lực thúc đẩy người ta cứ mải mê lần theo dấu nấm đi dần càng lúc càng vào sâu trong rừng. Có khi ngoảnh lại mới thấy hoảng vì chỉ còn riêng mình lẻ loi giữa cây rừng thâm u. Hái một lúc đã trưa, ngả người nằm trên lớp lá rừng thì không còn gì sướng cho bằng. Mùi bông tràm thơm ngát, mùi lá mục, mùi cỏ, mùi nấm,… như hòa quyện dưới tán rừng mát rười rượi.

Rời rừng tràm với bao nấm nặng trĩu, bạn có thể ghé ngang nhà của cư dân sống gần đó, chia lại vài con gà giò và sẵn mượn luôn bếp. Gà luộc vừa chín tới, cho một mớ nấm tươi mới hái vào. Nồi nước luộc gà trở thành món súp nấm chưa ăn đã thấy thèm. Mọi người cùng tụ vào xé gà chấm muối ớt nhai quên cả nói năng. Nhưng ngon nhất lại là những chén súp nấm nóng hổi. Những chiếc nấm vừa chín cho vào miệng cảm giác giòn, xốp thật vừa vặn, càng nhai càng thấy vị đắng nhân nhẫn cứ lan dần trong vị giác. Húp miếng nước súp ngọt lừ mùi vị của nấm và gà, lúc này vị đắng của nấm mới thấy rõ, đắng nhưng thật thanh tao.

Có người không chịu được, nhưng lại có người vì cái vị đắng mà đâm ghiền món nấm tràm. Họ ăn nấm nhưng không uống nước, để sau buổi ăn mới bày thêm bàn trà. Lúc nhâm nhi nước trà, vị đắng đậm của nấm bắt đầu lan ra trong cuống họng, lúc này mới thật sự là tận hưởng hương vị có một không hai của nấm tràm.

Mùa nấm tràm, các chợ ở huyện đảo nơi nào cũng bán cả thúng lớn, cứ 2 ngàn một chén. Mua bao nhiêu chén thì đong bấy nhiêu. Nấm tràm được nấu với tôm, mực là một món ăn phổ thông, nhà nào tới mùa cũng có. Nhưng nếu chịu khó một tí, kiếm cá rựa hoặc cá nhồng lấy thịt làm chả cá viên nấu với nấm thì mới đúng là tuyệt cú mèo. Khi chuẩn bị ăn đập vào nồi nước sôi mấy cái hột vịt như người miền Tây hay ăn chè đậu xanh cho trứng vịt, ăn kiểu này cũng là một gu đặc sắc của món nấm tràm. Nằm ở cực Nam của đất nước, Phú Quốc được tôn vinh là Đảo Ngọc phương Nam. Với biết bao phong cảnh tuyệt đẹp còn nguyên sơ, những đặc sản độc đáo như nước mắm, hồ tiêu,… và nấm tràm là một trong những đặc sản ngon, lạ.
 
D

deltafoce11

Nói đến nghệ thuật thưởng trà Việt Nam người ta thường nhắc đến thú uống trà của người Hà Nội. Vẻ thanh lịch, trang nhã, sự cầu kỳ trong ẩm thực của người Hà Nội đã nâng tính thẩm mỹ của chén trà lên một trình độ rất cao.
Nếu người dân ở các vùng khác thích uống trà "mộc" (trà không ướp hương) thì nhiều gia đình Hà Nội lại thích uống trà ướp sen, trà hoa nhài và trà hoa cúc. Ðặc biệt, trà sen là một thứ trà quý chỉ dùng để tiếp khách tri âm hoặc làm quà biếu.


Muốn trà sen Hà Nội có vị sen đặc trưng thơm ngát thì sen được chọn để ướp trà phải là sen của Hồ Tây. Mỗi cân trà phải dùng từ 1000 - 1400 bông sen để ướp, tùy độ to nhỏ và phải được hái trước lúc bình minh. Bông sen còn đẫm sương được tách lấy phần hạt gạo rồi rải đều, cứ một lớp trà một lớp gạo sen. Gạo sen là túi đựng hương thơm, việc lẩy gạo sen tưởng chừng như đơn giản nhưng để làm cho gạo sen không nát, không khô, vẫn giữ được hương sen thuần khiết lại là cả một nghệ thuật. Sau cùng phủ một lớp giấy bản. Ướp như vậy liên tục 5-7 lần, mỗi lần ướp xong lại sấy khô rồi mới ướp tiếp. Công phu là thế nên một ấm trà sen có thể uống hàng chục tuần trà.

Trà sen tinh tế từ khâu lựa chọn sen đến khâu chọn trà để ướp sen. Thời xưa, người làm trà sen thường ướp sen trên nền trà mạn Hà Giang, búp trà to xanh mướt. Trà mạn dùng ướp sen không đơn thuần chỉ sao khô lên rồi cho vào ướp, công đoạn để có 1 kg trà ướp sen cũng được thực hiện nhiều bước và rất công phu. Trà sau khi hái về được đồ chín cho mất hết vị chát của trà, khi thưởng thức chỉ thấy vị thơm của hương sen lan tỏa trong miệng. Sau đó người ta đem trà đã đồ chín ra xao khô rồi lót lá chuối ủ trong chum đất từ 3 đến 5 năm. Ủ trà lâu như vậy để trà trở nên tơi xốp, khi ướp chung với gạo sen, hương sen mới ngấm vào trà giúp giữ hương bền hơn. Uống chén trà sen đến khi nước trong rồi, hương sen còn ngan ngát.

Thời nay, khẩu vị của người thưởng trà có đôi chút thay đổi, họ còn muốn thưởng thức thêm cả vị chát nhẹ của trà lẫn với hương sen thơm ngát. Để chiều lòng khách người làm trà ướp sen trên nền trà Tân Cương Thái Nguyên trà chỉ cần xao khô là có thể ướp gạo sen vào.

Cái tinh túy nhất của trà sen chính là nghệ thuật thưởng trà, từ xa xưa, thưởng trà được coi là thú vui tao nhã của các bậc văn nhân, danh sĩ, người xưa tặng nhau 1,2 ấm trà sen gói vào giấy điều đỏ là đã thấy hết tình cảm tri ân trong đó. Vì trà sen không chỉ quý bởi quy trình làm trà rất kỳ công và tinh tế mà trà sen còn mang giá trị vật chất lớn so với một thú chơi. Mỗi cân trà sen còn tính bằng vàng. Bởi vậy, khi đến nhà phàm là những khách tri âm, tri kỷ họ mới mời nhau một chén trà sen.

Ngày nay, do cuộc sống bộ bề bận rộn, thú thưởng trà ngày bị mai một, ít ai dành thời gian thưởng thức một tuần trà sen theo đúng nghĩa.Hiện còn rất ít những gia đình còn giữ nghề làm trà sen, trà sen chỉ còn phục vụ cho số ít những người sành trà ở Hà Nội. Những người tâm huyết với nghề như gia đình anh Sướng chủ quán trà Trường Xuân đường Ngô Tất Tố luôn hi vọng, thú thưởng trà sẽ quay trở lại để nghề làm trà không bị mai một và một nét tinh hoa của ẩm thực Hà Thành không bị mất đi.
 
D

deltafoce11

Hè về khi mùa hoa gạo lụi dần, sen nở dày, ngan ngát những tán lá to, xanh rợp ven các ao hồ, người dân quê tôi lại bạn rộn bên những chõ xôi, cùng hương nếp, hương sen rộn ràng vào hạ…
Đầu hạ, sen nở rợp tím một khoảng ao làng. Ngoài đồng, nếp cũng đã trĩu bông, căng tròn đầy đặn chờ người gặt về. Ngan ngát mùi hương, nhớ vị quê mà thèm một nắm xôi cuộn lá sen nhồi nhân thịt tôm đồng. Quà quê giản dị mà gợi lên nét văn hoá ẩm thực làng quê tao nhã.

Như một biến tấu của xôi sáng, xôi cuộn lá sen mang trong mình nét ẩm thực tinh tế và nghệ thuật. Chế biến xôi phải tốn công chọn gạo nếp, chọn lá sen và tôm để làm nhân. Nếp làm xôi phải là gạo nếp ngon hay nếp cái hoa vàng: hạt tròn, căng đầy để khi thổi thành xôi trông bắt mắt, dẻo mềm.

Xôi ngon là do hương vị lá sen hoà vào từng hạt gạo. Lá sen mọc trên bùn, cũng như hoa sen, uống vào mình những giọt sương đêm tinh khiết, hứng lấy thứ ánh sáng ban mai mà thơm hương cả một vùng. Lá sen nõn là sen mùa hạ, sen chưa đơm hoa, nuốt vào mình cả cái rực rỡ của nắng hè. Sang thu lá sen già, chuyển màu và rụng xuống ngủ vùi trong mùa thu và mùa đông, đến hạ, nghe tiếng sấm mà vươn mình lên, nõn nà, điệu đàng. Lá dùng cuộn xôi là lá sen bánh tẻ. Lá sen không chỉ thơm hương, làm xôi ngon hơn mà có tác dụng điều hoà âm dương, bớt chóng mặt, kích thích tiêu hoá và an dưỡng giấc ngủ. Lá sen mang trong mình nguồn dinh dưỡng từ bùn đất mẹ, hút vào mình nắng mặt trời của cha, những giọt long lanh, tinh khiết kết thành diệp lục mà được dùng như loài thuốc quý.


Xôi ngon còn do nhân thịt và tôm. Thịt tôm đồng, tôm hồ ao ngọt hơn tôm biển. Tôm tươi bỏ vỏ, và đường chỉ đen trên lưng tôm sau đó rửa sạch, ngâm trong nước muối cho bớt vị tanh rồi băm nhỏ thành miếng. Thịt thăn thái hạt lựu. Cho tôm và thịt thăn đã tẩm gia vị vào phi thơm cho đến khi hành mỡ dậy mùi, chưng cho đến khi mùi thơm lan tỏa thì bỏ ra đĩa. Lá sen được cắt miếng to bằng bàn tay đã chần qua nước muối ấm, đơm xôi nếp vào lá, cho một thìa nhỏ nhân tôm, thịt đã phi thơm vão giữa xôi làm nhân, dùng lá sen cuộn tròn dài chừng cái nem rồi bỏ hấp khoảng 15 phút. Xôi cuộn thành chiếc nhỏ, sếp trang trí giữa đĩa hoa sen điểm cánh hồng, cánh trắng gợi lên cả cái đẹp của những nàng thiếu nữ, duyên dáng, đằm sâu.

Xôi cuộn lá sen nhân tôm thịt phải ăn nóng trong tiết thu sang hay đông về, mới cảm hết được cái ngon,vị béo, ngọt của tôm thịt hoà trong cái mùi thơm bùi, đặc trưng của lá sen. Đối với khách chưa từng thử thú ẩm thực này, có thể dùng xôi cuộn lá sen với nước tương, đảm bảo lạ miệng nhưng quen lắm hương vị làng quê.
 
D

deltafoce11

Tiết trời mùa thu mát dịu, khách tìm về làng Giang Xá, thị trấn Trôi (Hoài Đức, Hà Nội) sẽ được thưởng thức món ngon nổi tiếng cả vùng: bánh bác.
Làng Giang Xá nức tiếng xứ Đoài bởi bánh bác. Chẳng thế mà dân gian xưa có câu: "Dù ai chồng chán, vợ chê/Ăn chiếc bánh bác, lại về với nhau”.

Đĩa bánh bác đẹp như một bông hoa.
Qua ngôi đình làng cổ kính, giếng nước trong xanh là đến nhà nghệ nhân Đỗ Phú Thủ, một thương hiệu bánh bác gia truyền nổi tiếng ở Giang Xá. Ông Thủ cho biết, các công đoạn làm bánh hiện vẫn được người dân nơi đây giữ nguyên bản, thủ công, không hề pha tạp.

Nhà ngang của ông Thủ là nơi nghiền bột. Gạo nếp cái hoa vàng trắng muốt được chọn, lọc kỹ, xay nhỏ, mịn. Một nửa bột trộn với lòng đỏ quả gấc chín, để có màu hồng; đậu xanh loại tốt nghiền nhỏ, trộn với đường trắng, đồ cách thuỷ để làm nhân; lá chuối non, mỡ lợn, lạt giang... để gói bánh.

Nghệ nhân Đỗ Phú Thủ đang bác bánh
Theo ông Thủ, bánh bác ngon miệng, ngon mắt bởi làm rất công phu. Bí quyết là ở khâu bác bánh trên chảo gang. Mồ hôi ướt đầm vai áo, ông Thủ bác bánh vẫn nhanh tay, cẩn trọng, hết mẻ này đến mẻ khác, không bao giờ quá lửa. Ngọn lửa hồng cháy rực, đôi bàn tay ông Thủ dàn bánh đều đều, từng lớp bánh vừa mỏng, lên màu đỏ sáng, trắng trong và vừa tới độ chín lần lượt hoàn thành.

Ở nhà trên, anh con trai thành thạo cuốn bánh, bôi mỡ đều vào lá chuối đã luộc mềm, trải đều từng lượt đỏ, trắng, vàng và rắc thêm ít hạt vừng rang... rồi lấy cán gỗ cuộn lại. Một chiếc bánh dài khoảng 40 cm, bề ngang 4 cm, giống như chiếc bánh chưng dài của miền Bắc hay bánh tét ở miền Nam. Phía trong nhà, cụ bà cùng cô gái, thái bánh ra từng khoanh tròn, độ dày 1 cm, gói giấy bóng mỏng và dán thêm chữ Thọ, hoặc chữ Song Hỷ (theo yêu cầu của khách) xếp 10 khoanh một đĩa.

Công đoạn nặn bột làm bánh bác.
Bánh bác xếp ra đĩa, nhìn đẹp như một bông hoa đang nở bởi màu vàng của đỗ, màu trắng của bột và màu đỏ của gấc. Bánh cũng tượng trưng cho hình ảnh vũ trụ bao la, giao hòa... kết thành tinh tú với ba chữ: Phúc - Lộc - Thọ.

Bánh bác ở Giang Xá khi hưởng thụ có đủ các mùi vị: dẻo, dai, bùi, ngọt mát và thơm..., phảng phất bay quanh gió nội, hương đồng. Nhất là những đĩa bánh đã nhuốm màu tâm linh của Thần - Phật, tổ tiên thì dư vị càng nồng đượm, dễ mấy ai quên.
 
D

deltafoce11

Trong làn gió heo may se lạnh, được ngồi ngắm mặt hồ Tây mờ ảo bởi sương chiều và thưởng thức bánh tôm quả là điều thú vị khi đến với Hà Nội - mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Bánh tôm hồ Tây là món ăn không thể thiếu trong thực đơn “quà Hà Nội”. Đó là thứ bánh có vị béo ngậy của bột chiên giòn, vị bùi của tôm vừa chín tới, chút ngọt ngọt, cay cay của bát nước chấm và ít rau sống. Tất cả đã tạo thành một hương vị thật khó quên.

Tôi rất thích nhìn những sắc màu của món bánh ấy. Đó là sự phối hòa giữa ba màu chủ đạo: vàng, xanh và đỏ. Màu đỏ gạch của tôm vừa chín tới nổi bật giữa sắc vàng ươm của bột bánh được rán giòn. Màu trắng mỏng manh của giá đỗ và sắc xanh non của rau diếp, rau húng được những ngọn tía tô đỏ tía làm nền.

Bát nước chấm cũng tạo cho thực khách một màu thật bắt mắt. Đó là sắc đỏ tươi của những lát ớt nhỏ, sắc hồng của cà rốt, trắng xanh của dưa góp làm từ đu đủ và ẩn hiện là màu trắng của chút tỏi ta.


Bánh tôm phải được ăn khi vừa rán xong mới cảm nhận hết mùi vị của nó. Bánh giòn tan và béo ngậy, tôm chắc thịt và thật thơm. Đó là thứ tôm được đánh bắt từ hồ Tây. Tôm chỉ vừa bằng ngón tay út nhưng khi ăn lại cho vị rất bùi.

Bánh được ăn cùng rau sống và ít nước chấm được pha chế khá cầu kỳ: Nước mắm được pha loãng nhưng không để mất vị, thêm chút mùi thơm của dưa góp, vị ngọt của đường, chút nồng của tỏi và chút cay của ớt… tất cả quyện thành thứ nước chấm thật bùi, thật thơm. Nó hòa cùng vị béo ngậy của bánh tôm tạo nên một hương vị đặc trưng cho món ăn này.

Với sự khéo léo, người làm bánh ngay từ phút ban đầu đã tạo được cho thực khách một cảm giác ngon miệng. Và không biết vô tình hay hữu ý mà cách sắp xếp trên bàn như sự kết hợp hài hòa của hai yếu tố âm dương. Hình vuông của bàn là biểu trưng của đất. Hình tròn của bát đĩa phải chăng là biểu tượng của trời. Tất cả đều một màu trắng tinh, làm nền cho sắc bánh nổi bật.

Trong cái se se lạnh của gió heo may đầu thu, ăn bánh tôm lại ngắm không gian bao la của mặt hồ Tây, ta sẽ thấy lòng thanh thản, ấm áp. Ngẫm nghĩ: phải chăng sự thanh binh của không gian sóng nước đã quyện vào hương vị của miếng bánh để làm nên một món ăn nổi tiếng đất Hà thành - món bánh tôm hồ Tây?
 
D

deltafoce11

“Từ ngày chàng bước xuống ghe Sóng bao nhiêu đợt bánh phu thê rầu bấy nhiêu” Câu ca ấy tự bao đời nay đã ngân vang trong lòng người dân Kinh Bắc.

Tục truyền, tên gọi bánh phu thê là do sự tích vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi ra cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng đã đặt tên bánh là bánh phu thê. Cũng vì tên gọi ấy mà bánh phu thê (hay cũng còn gọi là xu xê) luôn được buộc thành cặp, biểu trưng cho sự gắn bó son sắt của tình chồng vợ.

Bánh phu thê là một đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Bánh phu thê có ở rất nhiều nơi, nhưng nổi bật nhất là làng Đình Bảng, nơi giữ được truyền thống lâu đời làm bánh phu thê. Bánh phu thê Đình Bảng chân chất mộc mạc, ngon mà mát, đẹp mà không đắt....

Dù nguyên liệu ở đâu cũng có nhưng chỉ người làng Đình Bảng mới có bí quyết để làm được bánh ngon và đẹp. Khó nhất là làm bột, đầu tiên phải chọn loại nếp cái hoa vàng hạt nhỏ, đều. Sau khi được ngâm kỹ, đãi sạch thì cho gạo vào cối xay nhuyễn vài lần, rồi lọc lấy tinh bột, 1kg gạo chỉ lấy được 400g tinh bột. Tinh bột này được phơi khô và đem làm bánh sau khoảng 15 ngày. Người ta ngâm hoa dành dành lấy nước màu vàng, trộn với tinh bột, thêm sợi đu đủ nạo nhỏ đã bóp phèn cho mỏng và dai để làm vỏ bánh. Nhân bánh là đậu xanh nấu chín trộn dừa nạo, vừng, mứt sen trần. Lá gói bánh phải là lá dong bánh tẻ, gói thành hình vuông. Sau khi luộc chín, để nguội người ta mới gói lại bằng lá dong xanh, buộc lạt điều thành từng cặp.

Bánh phu thê ngon từ lúc ngắm bằng mắt cho đến khi tận hưởng hương vị đặc biệt của nó. Bóc ra, tấm bánh có màu vàng trong như hổ phách, nhìn thấy được lớp nhân bên trong. Bánh có vị dẻo kỳ lạ của nếp hương, cái dai dai lạ miệng của sợi đu đủ nạo hòa quyện với vị ngọt, béo, thơm của nhân đỗ xanh, mứt sen, vừng.

Bánh luộc chín tỏa mùi thơm ngon hấp dẫn, làm nao lòng những vị khách phương xa. Bánh phu thê là loại bánh phải ăn khi nguội ta mới cảm nhận được hết độ dẻo, dai và giòn của vỏ bánh.Thưởng thức bánh ngon nhất là trong tiết trời se lạnh của mùa đông, vị thơm, ngọt, bùi của hạt sen, đậu xanh và dừa tươi như tan ra trong miệng đánh thức tất cả các giác quan của bạn.

Ai chưa được ăn thì bị hấp dẫn bởi cái tên, còn ai đã từng một lần thưởng thức thì không thể quên hương vị độc đáo của nó. Giờ đây không chỉ những dịp cưới hỏi, lễ tết chúng ta mới được thưởng thức bánh, mà bất cứ dịp nào, ai đi ngang qua đất Đình Bảng - Bắc Ninh đều muốn dừng chân mua vài cặp bánh về làm quà.
 
D

deltafoce11

“Từ ngày chàng bước xuống ghe Sóng bao nhiêu đợt bánh phu thê rầu bấy nhiêu” Câu ca ấy tự bao đời nay đã ngân vang trong lòng người dân Kinh Bắc.

Tục truyền, tên gọi bánh phu thê là do sự tích vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi ra cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng đã đặt tên bánh là bánh phu thê. Cũng vì tên gọi ấy mà bánh phu thê (hay cũng còn gọi là xu xê) luôn được buộc thành cặp, biểu trưng cho sự gắn bó son sắt của tình chồng vợ.

Bánh phu thê là một đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Bánh phu thê có ở rất nhiều nơi, nhưng nổi bật nhất là làng Đình Bảng, nơi giữ được truyền thống lâu đời làm bánh phu thê. Bánh phu thê Đình Bảng chân chất mộc mạc, ngon mà mát, đẹp mà không đắt....

Dù nguyên liệu ở đâu cũng có nhưng chỉ người làng Đình Bảng mới có bí quyết để làm được bánh ngon và đẹp. Khó nhất là làm bột, đầu tiên phải chọn loại nếp cái hoa vàng hạt nhỏ, đều. Sau khi được ngâm kỹ, đãi sạch thì cho gạo vào cối xay nhuyễn vài lần, rồi lọc lấy tinh bột, 1kg gạo chỉ lấy được 400g tinh bột. Tinh bột này được phơi khô và đem làm bánh sau khoảng 15 ngày. Người ta ngâm hoa dành dành lấy nước màu vàng, trộn với tinh bột, thêm sợi đu đủ nạo nhỏ đã bóp phèn cho mỏng và dai để làm vỏ bánh. Nhân bánh là đậu xanh nấu chín trộn dừa nạo, vừng, mứt sen trần. Lá gói bánh phải là lá dong bánh tẻ, gói thành hình vuông. Sau khi luộc chín, để nguội người ta mới gói lại bằng lá dong xanh, buộc lạt điều thành từng cặp.

Bánh phu thê ngon từ lúc ngắm bằng mắt cho đến khi tận hưởng hương vị đặc biệt của nó. Bóc ra, tấm bánh có màu vàng trong như hổ phách, nhìn thấy được lớp nhân bên trong. Bánh có vị dẻo kỳ lạ của nếp hương, cái dai dai lạ miệng của sợi đu đủ nạo hòa quyện với vị ngọt, béo, thơm của nhân đỗ xanh, mứt sen, vừng.

Bánh luộc chín tỏa mùi thơm ngon hấp dẫn, làm nao lòng những vị khách phương xa. Bánh phu thê là loại bánh phải ăn khi nguội ta mới cảm nhận được hết độ dẻo, dai và giòn của vỏ bánh.Thưởng thức bánh ngon nhất là trong tiết trời se lạnh của mùa đông, vị thơm, ngọt, bùi của hạt sen, đậu xanh và dừa tươi như tan ra trong miệng đánh thức tất cả các giác quan của bạn.

Ai chưa được ăn thì bị hấp dẫn bởi cái tên, còn ai đã từng một lần thưởng thức thì không thể quên hương vị độc đáo của nó. Giờ đây không chỉ những dịp cưới hỏi, lễ tết chúng ta mới được thưởng thức bánh, mà bất cứ dịp nào, ai đi ngang qua đất Đình Bảng - Bắc Ninh đều muốn dừng chân mua vài cặp bánh về làm quà.
 
D

deltafoce11

Trên khắp mọi miền của đất nước có nhiều loại nem ngon nổi tiếng như nem chua ở Thanh Hóa, nem Đông Ba ở Huế, nem Ninh Hòa ở Khánh Hòa, nem Thủ Đức ở thành phố Hồ Chí Minh... còn ở Hà Nội có nem Vẽ.
Nem Vẽ ý muốn nhắc đến nem làng Vẽ thuộc xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Xa xưa, nem làng Vẽ nổi tiếng khắp kinh kì, được xếp vào hàng cao lương mĩ vị và không bao giờ thiếu trong mâm cỗ của vua ban lộc nước cho các bậc hiền tài trạng nguyên, tiến sĩ đỗ đạt.


Nem làng Vẽ nổi tiếng đến mức người xưa không chỉ đưa vào ca dao mà còn gắn nem làng Vẽ với truyền thuyết mang tính dân dã về một cô gái làng Chèm, nay là xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội nên duyên với anh Khóa có nghề làm nem ở làng Vẽ. Anh sống cảnh nghèo nhưng sớm khuya đèn sách cho đến ngày hiển đạt công danh. Tuy đỗ ông Nghè, anh vẫn không quên nhắc đến công lao người vợ hiền, tần tảo, quanh năm nuôi chồng ăn học bằng nghề làm nem, gói giò.

Nem làng Vẽ thường làm là loại nem chua. Nguyên liêu chính làm nem chua là thịt lợn tươi, mới mổ, sau khi rửa sạch được lọc hết thịt mỡ, gân, thịt giáp thăn để lấy thịt lạc nguyên. Thái thịt thành từng miếng mỏng, nhỏ rồi bỏ vào cối giã. Giã cho đến khi thịt róc lòng cối, dẻo quánh thì mới hoàn thành mẻ giã. Người làng Vẽ lấy thịt từ mẻ giã pha với gia vị, lá ổi non cùng chất men chua rồi lấy lá chuối gói kín lại, ủ từ 7 đến 10 ngày thì nem chín. Nem chín đều, bóc ra không bị mốc, có màu hồng tươi rói, không dính lá được coi là nem ngon. Bí quyết giúp nem ngon thì chỉ có những người làng Vẽ mới biết. Họ truyền miệng lại cho nhau từ đời nọ sang đời kia mà thôi.

Nem chua làng Vẽ được gói hình dài, nhỏ bản. Khi uống bia, nhắm rượu với nó để thưởng thức vị bùi bùi của lá ổi, vị chua của men thì chao ôi, không còn gì bằng.
 
D

deltafoce11

Chỉ có người ăn kén khoai chứ khoai mì hấp không bao giờ kén khách, ăn loại nào, kiểu nào vẫn vô tư yêu cầu người bán. Thế nhưng dù cho vào túi nilon hay túi giấy thì chỉ ăn “bốc” mới đúng kiểu ăn khoai mì.
Sài Gòn đang vào mùa hạ, đồng nghĩa với những cơn mưa rả rích xuất hiện vào buổi chiều rồi biến mất vào buổi sớm mai. Mưa làm những kẻ yêu phố lười ra đường, mưa kéo người chuộng ăn đêm vào những hàng quán khang trang, mưa ngăn những gánh hàng rong tìm thêm thực khách… Trong cái ẩm ướt đầu mùa ấy, thật bất ngờ khi được người bạn đưa cho túi khoai mì hấp nóng hổi. Đâu phải sơn hào hải vị mà một loáng túi khoai đã hết nhẵn đến từng hạt muối mè.

Khoai sượng và bột

Khoai mì hấp hay còn gọi là luộc không xa lạ với nhiều người. Thuở còn tem phiếu, nó là một loại lương thực không thể thiếu trong bữa cơm nhà nghèo, cơm độn. Thời nay, kinh tế khá hơn, khoai mì trở thành món ăn chơi trong những lúc buồn miệng. Và chỉ có kiểu thưởng thức thế này thì mới thấy khoai mì thật hấp dẫn: chấm với muối mè và cơm dừa bào. Có người thích ăn loại khoai sượng (khoai mì kè). Đó là loại khoai mà khi luộc hay hấp lên vẫn giữ nguyên hình dáng ban đầu, sớ thịt trong trong, cắn vào cảm nhận được độ dẻo và nghe sựt sựt trong miệng. Cũng có người chỉ thích ăn khoai mì bột. Loại này khi hấp xong tinh bột nở ra thường làm cho đầu củ khoai toe ra hình phễu, nhìn vào thấy rõ sợi chỉ khoai trắng đục cong cong nằm ở giữa, nếu ngại nóng mà vẫn muốn cầm củ khoai thì có thể nắm lấy sợi ruột khoai này để thấy độ dính kết khiến chúng không hề rơi xuống.

Nói đến khoai mì hấp là đã thấy hình dáng cái xửng như xửng bánh bao của người Hoa. Xửng khoai mì có khác là không đậy nắp, nắp vẫn để ngỏ mặc cho từng cuộn khói bốc lên. Cứ tưởng nóng lắm không ăn nỗi thế nhưng đem ra khỏi nồi chừng 3 phút là người ăn có thể vừa ăn vừa thổi, tất nhiên khi răng đã ngập trong củ khoai thì phải nhai nhanh lên kẻo phỏng.

Khoai chấm muối mè

Khoai mì hấp ăn với muối mè và cơm dừa khô được nạo sẵn, cũng có người chỉ thích ăn với muối mè. Người bán cầm cái kẹp gắp củ khoai vào túi nilon rồi tiện tay cầm túi muối mè cho vào luôn thể, hoặc rắc cả cơm dừa lẫn muối mè vào một lượt. Dù ăn theo kiểu nào thì dân ghiền ăn vặt vẫn nhớ món chấm đi cùng.

Thức chấm nói đến không gì khác đó là muối mè. Làm muối mè cũng đơn giản nhưng phải trộn thế nào giữa muối, đường, mè (vừng) để sao cho khi ăn với khoai vị không được quá mặn, không được quá ngọt. Dừa khô có thể bào thành sợi hoặc nạo nhuyễn để khi bỏ chung với khoai chúng dễ bám vào từng củ một. Cầm túi khoai hấp đã có dừa nạo, xé bọc muối mè rắc lên cho đều rồi nhón lấy củ khoai bằng hai đầu ngón tay đưa vào miệng, lấy lưỡi khều những hạt mè còn dính trên ngón tay nhằn nhằn trong miệng cảm được vị béo hay hay.

Tuy nhiên có hàng khoai không dùng mè rang mà dùng đậu phộng rang rồi xay nhuyễn nhưng vẫn trộn chung với muối và đường, điều này cho thấy muối và đường là vị chủ lực không thể thiếu được trong món khoai hấp này.

Người ta nói ăn khoai mì dễ nặng bụng, mau no nhưng đói rất nhanh, có lẽ vì vậy mà nó không được chọn là lương thực chính trong ngành nông nghiệp. Nói đến khoai mì là nói đến một chặng đường dài của khó khăn vất vả đã qua. Trong cái lạnh đầu mùa, thói quen ủ củ khoai nóng vào vạt áo thay cho sưởi ấm của con trẻ vẫn còn là nét truyền thống nông thôn. Ngày nay có thể dễ dàng tìm thấy hàng khoai hấp trên các con phố đông người vào buổi trưa hay thấy chúng ở các góc phố gần trung tâm mua sắm ở Sài gòn. Chủ yếu phục vụ cho thú ăn linh tinh của khách bộ hành. Chỉ có người ăn kén khoai chứ khoai mì hấp không bao giờ kén khách, ăn loại nào, kiểu nào vẫn vô tư yêu cầu người bán. Thế nhưng dù cho vào túi nilon hay túi giấy thì chỉ ăn “bốc” mới đúng kiểu ăn khoai mì. Thú vị thật khi trùm áo mưa ngồi sau lưng bạn hay đứng trú mưa dưới hàng hiên nhà ai đó mà trong tay có túi khoai nóng hổi. Vừa ăn vừa nghe tiếng rả rích của mưa đầu mùa, câu chuyện cứ kéo dài cho đến khi đã hết món khoai!
 
Top Bottom